Cùng với tai nạn giao thông, tai nạn do đuối nước được xem là nỗi ám ảnh với phụ huynh và nhà trường. Hàng năm, trên địa bàn tỉnh vẫn có nhiều học sinh bị đuối nước thương tâm.
Học sinh Trường TH-THCS bán trú Hoa Sen (TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) được học bơi ngay tại trường. Ảnh: Đ.Công |
Việc đầu tư một hồ bơi kiên cố trong trường học không chỉ cần số tiền xây dựng ban đầu tương đối lớn mà còn cần phải có kinh phí duy trì và bảo dưỡng hồ bơi. Đối với các trường công lập, nhất là những trường ở khu vực thành thị lại càng trở nên khó khăn khi quỹ đất khá eo hẹp. Chẳng hạn số trường công lập có hồ bơi tại TP.Biên Hòa hiện chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đối với các trường ở các huyện còn lại càng ít ỏi và khiêm tốn.
Chẳng hạn, hàng năm H.Xuân Lộc là một trong những địa phương thường xuyên có các vụ tai nạn đuối nước nhưng cả huyện cũng chỉ có Trường THCS Trần Phú (TT.Gia Ray) là có hồ bơi kiên cố, do đây là ngôi trường được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Hay tại H.Nhơn Trạch, địa phương có hệ thống sông, hồ khá nhiều nhưng đến nay dường như vẫn chưa có ngôi trường nào xây được hồ bơi. Chính vì vậy, mục tiêu phổ cập bơi cho học sinh càng trở nên khó khăn, đồng nghĩa với nguy cơ tai nạn đuối nước trong học sinh còn rất cao.
Theo Chủ tịch UBND H.Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu, do những khó khăn về kinh phí, quỹ đất nên nhiều trường công lập chưa thể đầu tư hồ bơi, ngược lại các trường tư thục trên địa bàn với nguồn học phí thu theo thỏa thuận đã chủ động xây dựng được hồ bơi. Chẳng hạn như: Trường THCS-THCS bán trú Hoa Sen (TT.Trảng Bom), hay Trường TH-THCS-THPT Trịnh Hoài Đức (xã Quảng Tiến). Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích xã hội hóa hoạt động dạy bơi tại các hồ bơi do tư nhân đầu tư, phí dịch vụ bơi khá phù hợp. Vào dịp hè các trường cũng phối hợp với các hồ bơi tổ chức các cuộc thi bơi phong trào, qua đó khuyến khích tinh thần học bơi của học sinh.
Vượt qua những khó khăn về kinh phí đầu tư bằng vốn ngân sách, Trường THCS Ngô Thời Nhiệm (TT.Định Quán, H.Định Quán) đã mạnh dạn kêu gọi xã hội hóa hoạt động dạy bơi trong trường học từ hơn 1 năm nay. Theo đó, sau khi được huyện chấp nhận chủ trương, một doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn đã đầu tư 2 hồ bơi lắp ghép có mái che. Toàn bộ kinh phí xây dựng và bảo dưỡng hồ bơi do doanh nghiệp lo, đổi lại học sinh của trường được học bơi với một mức phí phù hợp, tạo điều kiện cho mọi học sinh đều có cơ hội được phổ cập bơi.
Trưởng phòng GD-ĐT H.Định Quán Ngô Đăng Thành chia sẻ: “Chúng tôi đã rất trăn trở về việc tìm giải pháp cho vấn đề dạy bơi cho học sinh, trong khi đó muốn học bơi thì phải có hồ bơi chứ không thể học “bơi trên giấy” mãi được. Thực tế khi xã hội hóa hoạt động đầu tư xây dựng, vận hành hồ bơi và dạy bơi thì doanh nghiệp cũng có lợi, mà học sinh cũng có lợi. Hơn nữa những dạng hồ bơi tiền chế thì kinh phí không quá lớn, thời gian thi công cũng rất nhanh”.
Đặng Công
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin