TS Tạ Duy Linh |
Đó là lời khuyên và cũng là quan điểm xuyên suốt quá trình tư vấn, xây dựng các chuỗi cung ứng du lịch cộng đồng (DLCĐ) tại các địa phương mà TS Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch (TP.HCM) cùng nhóm cộng sự đã duy trì những năm qua.
Với kinh nghiệm đã và đang tư vấn, triển khai thực hiện các dự án DLCĐ cho các địa phương tại Việt Nam, TS Tạ Duy Linh với vai trò là chủ nhiệm dự án đã góp phần kiến tạo nên các sản phẩm du lịch đặc trưng tại khu vực Nam bộ như: 2 dự án DLCĐ tại Cồn Chim và Cồn Hô (tỉnh Trà Vinh); dự án DLCĐ Thiềng Liềng (H.Cần Giờ, TP.HCM)… Các dự án DLCĐ nói chung đều hoạt động hiệu quả, tạo tiếng vang trên thị trường du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Ông đánh giá thế nào về những tiềm năng và xu hướng phát triển DLCĐ của Việt Nam những năm gần đây?
- Việt Nam có một hệ tài nguyên phong phú để khai thác DLCĐ. Ngoài những tài nguyên về tự nhiên, văn hóa chính là nguồn tài nguyên quý giá để khai thác, phát triển du lịch. Thời gian qua, đặc biệt là sau dịch Covid-19, Chính phủ đã có nhiều kế hoạch, chiến lược phát triển các loại hình du lịch, trong đó DLCĐ được khẳng định là hình thái du lịch độc đáo có nhiều dư địa phát triển dựa trên những giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng tổ chức, cộng đồng khai thác và cộng đồng hưởng lợi.
Những mô hình DLCĐ được hình thành và khai thác hiệu quả thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương, đồng thời quảng bá hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Tại các tỉnh, thành phía Bắc, DLCĐ được hình thành và phát triển từ sớm, gắn với các cộng đồng dân tộc thiểu số, sau đó DLCĐ được lan tỏa và phát triển ngày càng rộng rãi ở các tỉnh miền Trung và
Nam bộ.
Theo ông, những vấn đề nào còn tồn tại và cần khắc phục đối với DLCĐ ở Việt Nam hiện nay?
- Hạn chế phổ biến nhất trong việc triển khai và phát triển DLCĐ nhìn chung là vấn đề kết nối giao thông khá khó khăn và sức chứa của các hộ gia đình tham gia vào chuỗi cung ứng không đủ lớn. Vì vậy khi phục vụ các đoàn khách có số lượng lớn, người dân sẽ lúng túng. Để khắc phục các hạn chế này, cần tính toán kỹ đến sức chứa của các điểm DLCĐ để có chiến lược đón tiếp du khách phù hợp, không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái du lịch, những giá trị tự nhiên và nhân văn của địa phương.
Bên cạnh đó, những rạn nứt trong mối quan hệ cố kết của cộng đồng liên quan đến lợi ích riêng hiện nay còn tồn tại trong các điểm DLCĐ. Đó có thể là xung đột lợi ích giữa người dân trong chuỗi DLCĐ với các doanh nghiệp, hoặc xung đột nội bộ giữa các cá nhân, hộ gia đình tham gia vào chuỗi cung ứng. Để hạn chế những tồn tại trên, trong quá trình làm việc với các địa phương để xây dựng sản phẩm, chúng tôi luôn bắt đầu bằng những bài học về ứng xử, tinh thần đoàn kết để người dân hiểu và thực hiện tốt những kỹ năng làm du lịch, khơi dậy tinh thần tự lực, tự thân, phát huy những giá trị của cá nhân để góp phần tạo nên tinh thần, tiếng nói chung của cả cộng đồng.
DLCĐ hiện nay phần lớn phát triển tại những vùng nông thôn, theo ông nó sẽ phát huy được những thế mạnh gì?
- Nông thôn Việt Nam hiện đang có sự thay da đổi thịt mỗi ngày bởi những hiệu quả mà chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại. Đây là chất xúc tác quan trọng để tạo nên diện mạo của hoạt động DLCĐ. Ngoài ra, vùng nông thôn còn là nơi lưu giữ các giá trị độc đáo về sắc thái cảnh quan nông nghiệp, ký ức hoài niệm, mạng lưới cố kết tộc người. Do đó, các hoạt động DLCĐ tại vùng nông thôn thường có tính hấp dẫn, chất chứa các không gian văn hóa cộng đồng đặc sắc.
Bởi vì, DLCĐ là khai thác những giá trị văn hóa hàng ngày của mỗi hộ gia đình trong cộng đồng mà du khách phương xa khi đến tham quan sẽ có cơ hội tìm hiểu về phong tục tập quán, con người, ẩm thực của địa phương mà chúng ta thường gọi chung là những giá trị văn hóa của địa phương. Do đó, rất cần sự chân thật, tạo được cảm xúc và tránh mang tính chất trình diễn, dễ gây phản cảm cho du khách.
Để một sản phẩm du lịch phát triển bền vững cần những yếu tố gì?
- DLCĐ hiện nay phần lớn phát triển theo kiểu tự phát, thiếu vắng những thiết chế cơ bản theo quy định của pháp luật. Ví dụ, điểm DLCĐ ban đầu được hình thành có 10 hộ gia đình tham gia. Khi thấy sản phẩm thu hút du khách, nhiều hộ nằm ngoài danh sách ban đầu đã tự mở điểm đến mà không chủ động kết nối với các điểm sẵn có, do thiếu những kỹ năng ứng xử, phục vụ khách du lịch… nên khi phát sinh vấn đề sẽ dễ ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh chung của chuỗi sản phẩm.
Theo TS Tạ Duy Linh, người dân cần xác định ngay từ đầu, du lịch chỉ là sinh kế cộng thêm. Nghĩa là, dù khai thác du lịch tốt dựa trên những giá trị sản xuất nông nghiệp thì người dân vẫn phải duy trì hoạt động sản xuất nông nghiệp, bởi đó vẫn là nguồn lực kinh tế chính cho các gia đình.
Hiện nay, các điểm DLCĐ luôn có những mầm mống manh nha chiếm hữu những giá trị kinh tế của cộng đồng. Ví dụ như: một người đứng đầu chuỗi DLCĐ có thể thân tình với một trong số các hộ cùng tham gia chuỗi sẽ dành sự ưu tiên nhiều hơn, khiến cho những hộ dân khác cảm thấy không được công bằng, dẫn đến nguy cơ phá vỡ mối liên kết rất cao. Do đó, trách nhiệm, vai trò của đơn vị tư vấn chuyên môn là phải nhập thân vào cộng đồng, lắng nghe và có những hình thức chia sẻ, góp phần thay đổi tư duy làm du lịch của người dân để tạo khối liên kết bền vững trong cộng đồng. Đó là lý do vì sao đến thời điểm này, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế du lịch vẫn giữ được những giá trị riêng trong các sản phẩm mà mình tư vấn.
Với Đồng Nai, việc xây dựng mô hình DLCĐ có gì thuận lợi và khó khăn?
- Khi chúng tôi tiếp cận Đồng Nai, mà cụ thể là TP.Long Khánh và TP.Biên Hòa, chúng tôi nhận thấy những địa phương trên có rất nhiều tiềm năng xây dựng sản phẩm DLCĐ. Chẳng hạn như, TP.Long khánh là một trong những địa phương tiên phong về xây dựng nông thôn mới, đây là chất xúc tác quan trọng để tạo nên một sản phẩm DLCĐ. Những tiêu chí về du lịch nông thôn mới cũng đã được khẳng định, tuy nhiên, theo tôi thách thức lớn nhất ở đây chính là việc các hộ dân làm du lịch tự phát. Đây mới là thách thức lớn để chuyển biến tâm lý, nhận thức của người dân trong việc làm du lịch theo chuỗi gắn kết, chuyên nghiệp, có bài bản.
TS Tạ Duy Linh (thứ 2 từ trái qua) chụp hình cùng lãnh đạo Sở VH-TTDL và Hiệp hội Du lịch tỉnh tại buổi tọa đàm về du lịch cộng đồng ở tỉnh Trà Vinh. Ảnh: N.LIÊN |
Đồng Nai có đủ các yếu tố để tạo ra chuỗi cung ứng DLCĐ đúng nghĩa. Người nông dân có một tinh thần làm du lịch mạnh mẽ. Tuy nhiên, để ngọn lửa làm du lịch của người dân luôn cháy, các sở, ban ngành của địa phương phải phát huy được vai trò liên kết nông dân và hiện thực hóa những mong muốn của người dân. Ví dụ như, sau cuộc hội thảo về du lịch, với sự tham gia của các nhà khoa học, người dân đang rất kỳ vọng có được một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, nếu không làm ngay thì sự kỳ vọng sẽ chìm dần và buổi thảo luận sẽ rơi vào quên lãng, tinh thần làm du lịch sẽ chỉ dừng lại ở mức độ du lịch tự phát mà thôi.
Để duy trì, tạo thêm những giá trị cho sản phẩm DLCĐ ngày càng phong phú, có chiều sâu, thu hút du khách, theo ông cần làm gì?
- Vấn đề cốt lõi để duy trì một sản phẩm DLCĐ chính là những nhân tố tạo nên sản phẩm mà ở đây chính là những hộ gia đình. Như vậy, mỗi hộ gia đình cần phải tạo những câu chuyện riêng, dựa trên những lợi ích chung của cộng đồng. Ở Đồng Nai, việc xây dựng những câu chuyện riêng tại mỗi điểm đến cần có sự tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn để tránh sự trùng lắp. Ví dụ như tại TP.Long Khánh, tất cả các hộ dân làm du lịch đều có vườn trái cây, các trái cây trong vườn tương đối giống nhau. Để tạo sự khác biệt và níu chân du khách ở lại lâu hơn, Long Khánh cần khai thác thêm những giá trị văn hóa trong đời sống hàng ngày của mỗi hộ gia đình. Để làm được điều này, người dân cần có sự hướng dẫn, thay đổi tư duy trong làm du lịch.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Liên (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin