(Để tưởng nhớ ba tôi trong tháng ngày khó khổ thời bao cấp quê nhà)
“Chợ phiên” cuối tuần ở thị trấn nhỏ này thu hút khá đông khách ngắm nhìn, chọn mua trả giá. “Quẹo lựa, quẹo lựa đê...” Tiếng rao mời áo quần, giày dép… đậm chất miền Tây. Và tiếng rao mời mua trái cây được thu âm không chịu kém phát đều ra rả. “Cam sành 25 ngàn một ký, hai ký 45 ngàn đê. Quýt Thái bao ngọt đê, 30 ngàn một ký đê…”. Trong khi chờ bà xã chen vào chợ mua thức ăn, âm thanh ấy như cuốn lấy tôi. Hàng cam vun thấp ngọn trên chiếc xe đẩy tươi xanh ở lối vào chợ. Những trái cam sớm mai vỏ xanh đậm, sần sùi khi cầm lên vẫn mát cả tay làm tôi bâng khuâng!
Lặn lội thân cò. Ảnh: Nguyễn Kim Hoàn |
...Những năm đầu giải phóng, dưới chân núi Gia Ray này là vùng đất mới bazan pha cát khá màu mỡ. Đất rộng, người thưa nên cư dân nhiều vùng miền về lập nghiệp. Cây trồng phó mặc nắng gió, hứng sương đêm đón mưa trời như chuối, mít, khoai, mì, đậu... Cây ăn trái như cam, quýt, ổi... chỉ trồng được ở những nơi suối, mạch ngầm từ núi chảy qua nên là loại thức quả hiếm. Ba mẹ tôi do hoàn cảnh chiến tranh năm 1971 lên đây thuê người dọn rừng làm rẫy. Mười mấy năm vất vả phơi sương nắng đạt thành quả là xây được căn nhà gạch hai gian nhưng vách tường chưa kịp tô trát thì cạn tiền; hai mẫu rẫy sau nhà khá xanh tốt và… căn bệnh phổi. Bởi ba tôi như nhiều nông dân khác khi lao động hút thuốc lá quá nhiều. Bệnh viện huyện cách xa mấy chục cây số, đi khám chữa bệnh khó khăn nên chỉ khám và lấy thuốc ở một y sĩ gần nhà, tôi còn nhớ tên là anh Tương. Anh dặn ba tôi, muốn khỏi bệnh thuốc phải uống đều ít nhất sáu tháng. Giảm bỏ thuốc lá, ăn uống đủ chất, ăn thêm cam, quýt cho có vitamin C, mát cơ thể! Đúng là lúc còn sức khỏe thì đem sức mình làm ra của cải, tiền bạc. Khi vướng bệnh thì mang tiền bạc mua lại sức khỏe! Bệnh phổi không trị dứt ngày sẽ nặng hơn, khó chữa trị. Thuốc uống thì y sĩ Tương gửi xe đò lấy về không khó, còn bồi bổ cam, quýt... nơi này có tiền cũng không mua được. Mà nó như một loại thuốc không thể thiếu. Chăm sóc tưới tiêu, bảo quản vườn rẫy, bầy gà đông đúc, đàn heo sáu con... rất cần đến ba tôi. Má tôi biết bệnh này phải trị cấp tốc nên nhờ người quen nhắn tôi đón ba tôi về Mỹ Tho chữa bệnh. Lúc đó tôi vừa lập gia đình, ngoài việc giảng dạy tôi còn tham gia công tác Đoàn nên được tạo điều kiện cho ở ga ra xe không còn sử dụng phía sau trường. Sửa sang, che chắn lại cũng thành một nơi trú mưa nắng. Thời bao cấp còn quá nhiều khó khăn có được một “căn hộ” như thế lắm người ao ước. Bạn bè, đồng nghiệp tới thăm ba tôi, chia sẻ thật ấm lòng. Một bạn dạy còn nhận giúp phần tiêm thuốc trị phổi mỗi ngày theo toa kê của bệnh viện vì vợ anh là y tá. Bà xã tôi cũng là giáo viên dạy cùng trường, đồng lương hai vợ chồng ít ỏi vừa chăm đứa con đầu hai tuổi vẫn vén khéo cơm lành, canh ngọt. Bữa cơm dù chất đạm thịt, cá còn khiêm tốn nhưng vẫn mấy lần tươi hơn trên quê mới chủ yếu các loại mắm, cá khô từ Phan Thiết, Bình Thuận chở vào. Riêng món trái cây vợ chồng tôi xem là một loại “ thực phẩm chức năng” quê nhà giúp cho ba tôi chữa bệnh. Bởi quê ngoại tôi chính là Cái Bè - Tiền Giang. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, giờ ngẫm những lời của Trịnh Công Sơn sao mà đúng thế! Ra trường về dạy ở Gò Công rồi chuyển dần về bến đỗ chặng cuối lại là Mỹ Tho, cách quê ngoại không xa. Nay ba tôi cũng lại về đây dù chỉ ở với chúng tôi vài tháng hơn vì không thể bỏ hết việc nhà cho má tôi đảm đương. Chợ Hàng Bông ngay cổng sau trường, bước qua là tới. Tươi xanh, thơm ngọt đủ loại trái theo mùa. Không nhiều nhưng ngày nào ba tôi đều có vài trái cam, trái xoài hay mận đào, mãng cầu sau bữa ăn. Có buổi ba tôi còn mang về túi cam nhỏ, vỏ mỏng nhiều nước vui khoe của cô y tá tiêm thuốc không mất tiền công còn tặng cam bồi dưỡng!
…Khá nặng với nửa chục cam sành trong tay tôi vẫn nghe lòng lâng lâng. Bà xã thế nào cũng khen cam ngon đây. Vùng Tân lập xưa giờ là huyện nông thôn mới, trù phú khang trang. Chợt nhớ không ít lần khi mua trái cây về tôi và bà xã cứ bần thần nói với nhau, phải chi còn ba má, thích loại nào mua về ăn cho đã. Đồng lương vợ chồng tôi giờ khá hơn, lại có việc làm thêm thì ba má đã là mây trắng viễn du. “Cam ngon, cam sành đây, 25 ngàn một kí đê…”. Tiếng rao bung tràn bay lan ngọt ngào. Những trái cam sớm mai sao đượm nhớ, thắm tình - tình bạn, tình quê thời bao
cấp ấy...
Nguyễn Nguyên Phượng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin