Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân mùa Vu Lan: Câu chuyện bông hồng cài áo của thiền sư Thích Nhất Hạnh

Trần Chiêm Thành
19:01, 25/08/2023

Tháng 7 âm lịch hàng năm thường gọi là mùa Vu lan, trọng tâm là ngày Rằm tháng Bảy âm lịch. Trong dân gian gọi là ngày cúng cô hồn (hồn người chết không nơi nương tựa), ngày báo hiếu, ngày xá tội vong nhân… Trong đạo Phật thường dẫn tích Mục Kiền Liên thăm mẹ là Thanh Đề dưới địa ngục…

Bà mẹ Ralgai. Ảnh minh họa: SÂM VĂN LÀNH
Bà mẹ Ralgai. Ảnh minh họa: SÂM VĂN LÀNH

Ngày này các nhà chùa tổ chức lễ trọng. Một trong những việc làm thường thấy ở các nhà chùa (trong đó có chùa Hoàng Ân ở P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) là cài bông hồng trên ngực áo người đi lễ chùa. Ai còn mẹ thì nhận và cài bông hồng màu hồng, không còn mẹ thì cài bông hồng màu trắng. Một số chùa chỉ cài bông màu hồng, coi như là nhận phước đức từ nhà chùa, không mang ý nghĩa còn mẹ hay không còn mẹ.

Chuyện bông hồng cài áo ra đời từ một đoản văn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh (1926-2022, người sáng lập tông phái Làng Mai, cao tăng Phật giáo). Đoản văn này được NXB Lá Bối in năm 1964, nay được tái bản nhiều lần. Ngay Nguyệt san Công giáo và Dân tộc số 237 ra tháng 9-2014 cũng in lại. Trong video phát hành 7 năm trước đây với chủ đề Mẹ có đoạn Thiền sư Thích Nhất Hạnh chia sẻ về chuyện bông hồng cài áo. Trong đoản văn và trong video thiền sư kể rằng, khi ông sang Nhật đi cùng với đạo hữu Thiên Ân trong một dịp lễ thì có một người đến hỏi đạo hữu Thiên Ân điều gì đó và gắn trên ngực áo thiền sư một đóa hoa cẩm chướng màu trắng vì đạo hữu Thiên Ân cho biết thiền sư đã mất mẹ, nếu thiền sư còn mẹ sẽ được gắn hoa màu hồng. Nhiều nước có Ngày của Mẹ (Mother’s day), thiền sư tiếp nhận mỹ tục này và đưa vào nghi thức ngày Báo hiếu - tức lễ Vu lan Rằm tháng Bảy âm lịch ở Việt Nam. Chuyện xảy ra ở Nhật, đến năm 1962 ông viết tùy bút ở một khu rừng miền Nam bang New Yersey, vùng Trung Đại Tây Dương, gần bang New York, Hoa Kỳ. Thời gian thiền sư du học tại đây được kể lại khá chi tiết trong cuốn Nẻo về, cùng với cuốn Nói với tuổi hai mươi là sách ăn khách của thiền sư ở miền Nam trước năm 1975.

Cảm xúc từ tùy bút viết về mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, năm 1967, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác bài Bông hồng cài áo được nhiều người yêu thích cho đến nay. Nhà chùa nào tổ chức lễ Vu lan hầu như đều phát bài này. Một đoạn ca từ không khác câu chữ trong tùy bút bao nhiêu: Một bông hồng cho em/ Một bông hồng cho anh/ Và một bông hồng cho những ai/ Cho những ai đang còn mẹ/ Đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn/ Rủi mai này mẹ hiền có mất đi/ Như đóa hoa không mặt trời/ Như trẻ thơ không nụ cười/ Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm/ Như bầu trời thiếu ánh sao đêm…

 61 năm tùy bút về Mẹ, về bông hồng cài áo được viết, cùng với bài hát Bông hồng cài áo ra đời cách nay 56 năm còn y nguyên giá trị tình cảm, đạo lý của người Việt, du nhập rất tự nhiên một mỹ tục ý nghĩa từ nước khác đã được Việt hóa.

  Trần Chiêm Thành

Tin xem nhiều