Ra mắt tiểu thuyết mới nhất Đừng tức giận số phận, nhà văn tuổi 9X Lâm Phương Lam đề cập đến chủ đề nhạy cảm là bạo lực gia đình. Các nhân vật rơi vào vòng xoáy hôn nhân bi kịch bao gồm ngoại tình và cả bạo hành. Liệu họ sẽ ăn năn hối lỗi và hàn gắn tình cảm?
Ra mắt tiểu thuyết mới nhất Đừng tức giận số phận, nhà văn tuổi 9X Lâm Phương Lam đề cập đến chủ đề nhạy cảm là bạo lực gia đình. Các nhân vật rơi vào vòng xoáy hôn nhân bi kịch bao gồm ngoại tình và cả bạo hành. Liệu họ sẽ ăn năn hối lỗi và hàn gắn tình cảm?
Đừng tức giận số phận của tác giả Lâm Phương Lam |
Lâm Phương Lam, quê ở Hải Phòng, hiện sống và làm việc ở TP.HCM. Cô là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM và đã xuất bản nhiều tiểu thuyết, truyện dài trong hơn 10 năm qua như: Vấp ngã tuổi 20, Mụ ghẻ, Chạy theo ánh mắt trời, Ai dắt em đi qua nỗi đau, Gửi thanh xuân ở lại, Bà mẹ bỉm sữa, Động lòng sẽ đau lòng… Văn phong của Phương Lam chứa sự tinh tế lẫn mềm mại, cá tính và sắc bén. Các tiểu thuyết mang đề tài du học sinh, sức khỏe tinh thần của giới trẻ, sắc thái tình yêu… Ngoài chăm chú sáng tác, tác giả còn là một người tích cực hoạt động cộng đồng, từ thiện. Cô tham gia nhiều chuyến tặng qua cho đồng bào miền cao, trẻ em mồ côi, hiến tặng tóc cho bệnh nhân ung thư... |
Đừng tức giận số phận (NXB Thanh Niên và Bách Việt Books vừa ấn hành) lấy nền tảng về cuộn hôn nhân vốn là chuyện hệ trọng trong cuộc đời mỗi người. Éo le là không phải cuộc hôn nhân nào cũng hạnh phúc và êm đềm. Có câu: “Chén trong sóng còn khua, huống chi là vợ chồng”, quan hệ vợ chồng không phải lúc nào cũng mặn nồng, lãng mạn như thời mới yêu nhau.
Đời không như là mơ
Tiểu thuyết mới của Lâm Phương Lam xoay quanh hai nhân vật Hùng, một thanh niên tham vọng và Vân, một cô gái có nhan sắc lẫn tự chủ tài chính riêng. Họ yêu nhau đã nhiều năm, có khoảng thời gian hạnh phúc tưởng chừng sẽ mãi mãi bên nhau.
Một ngày kia, Hùng nói với Vân rằng anh muốn “tạm thời chia tay” để lên đường sang Nhật Bản tu nghiệp. Vân quá bất ngờ, song lại muốn kết hôn với Hùng để cùng nhau sang xứ người trải nghiệm cuộc sống mới. Vân muốn rời Việt Nam cũng một phần là vì muốn quên đi những ký ức tuổi thơ bi kịch mà cô phải chịu đựng.
“Tôi đọc sách và viết từng chút một cách nghiêm túc, kiên nhẫn và chăm chỉ mỗi ngày. Tôi tạo sức bền để không bỏ cuộc trong hành trình sáng tác văn chương” - nhà văn LÂM PHƯƠNG LAM |
Thế nhưng, Hùng sau đó thay đổi kế hoạch và đi biền biệt theo các dự án công ty. Vân bất bình và oán trách người yêu. Trong phút giây tức giận, cô buông thả. Từ đó, mối quan hệ của cô và Hùng tuột dốc không phanh. Tình yêu trở thành lừa dối và cả bạo lực. Mối quan hệ đứng trước nguy cơ đổ vỡ không thể hàn gắn.
Làm chủ lý trí, cảm xúc khi yêu
Tất cả câu chuyện sẽ kết thúc ra sao? Hùng và Vân sẽ chia tay hay hàn gắn, sẽ tha thứ cho lỗi lầm hay mãi mãi cố chấp?
Lâm Phương Lam đã viết 9 tiểu thuyết trong sự nghiệp văn chương |
Nhà văn Lâm Phương Lam cho biết cô quan sát trong cuộc sống và chứng kiến nhiều trường hợp vợ chồng cãi vã, xung đột, thậm chí bạo lực mà thiếu sự bình tĩnh để cùng giải quyết mâu thuẫn. Để rồi về sau lại hối hận, tiếc nuối vì đôi bên thiếu làm chủ lý trí và cảm xúc nhất thời dẫn đến những hậu quả chia ly, tổn thương.
Tác giả muốn lên án nạn bạo lực gia đình, đồng thời phản ánh “thế giới hôn nhân không màu hồng” nhằm cảnh tỉnh cho bất cứ ai chuẩn bị bước vào hôn nhân cần suy nghĩ chín chắn, cân bằng cảm xúc. Trong đó quan trọng nhất là không thể vì cái tôi cá nhân ích kỷ và bồng bột, để rồi vội vàng, hấp tấp cho một “quyết định hệ trọng cả đời” là cưới một ai đó.
Thông qua nhân vật nữ chính tên Vân, tiểu thuyết cũng cho thấy người phụ nữ trong đời sống hiện đại ngày nay cũng gặp áp lực cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp. “Em hãy cười nhiều hơn!” là một lời khuyên mà đôi khi nhân vật Vân quên mất giữa dòng đời chông chênh.
Chọn sống độc thân khi chưa sẵn sàng kết hôn, gìn giữ ngọn lửa tình yêu cho dù trải qua những biến cố trong đời sống vợ chồng, ly hôn khi “bát nước đã vỡ”… đều là những quyết định mà người ta có quyền chọn lựa. Tuy nhiên, Đừng tức giận số phận gửi gắm rằng trong hôn nhân rất cần sự quan tâm lâu dài, bao dung và chung thủy.
Nhà văn Lâm Phương Lam cho biết cô sáng tác Đừng tức giận số phận bằng cách viết tay toàn bộ bản thảo trong thời gian khoảng 9 tháng (từ cuối 2020 đến giữa năm 2021). Sau đó cô dành cả năm 2022 để nhập liệu và chỉnh sửa bản thảo trên máy tính. “Quá trình ra đời của tiểu thuyết nằm trong đại dịch Covid-19, khi mà tất cả mọi người đều gặp khó khăn vì bị ảnh hưởng từ dịch bệnh” - Phương Lam nhớ lại. Cũng vì thế mà chất liệu khơi nguồn cho tiểu thuyết là khi tác giả đọc những thông tin về tỉ lệ ly hôn tăng nhiều lần sau đại dịch Covid-19. “Tôi muốn tác phẩm của mình đề cập trực diện đến bản chất tự nhiên mà người ta vẫn hay nói câu cửa miệng rằng: “Đời không như là mơ”. Sự nghiệt ngã trong cuộc đời sẽ khiến những cặp đôi yêu nhau như Hùng và Vân phải nhìn lại cuộc hôn nhân của mình với sự tỉnh táo và kỹ càng nhất. Những mơ mộng nhường chỗ cho thực tế phũ phàng và “những cái tôi đáng ghét”. Những thử thách khắc nghiệt sẽ khiến họ biết mình là ai và tình cảm của mình dành cho đối phương ở mức độ nào” - tác giả chia sẻ. Phương Lam nói rằng tiểu thuyết mới của cô sẽ “khiến người đọc trải qua nhiều cung bậc cảm xúc từ hạnh phúc đến ê chề, từ mộng mơ đến thực tế phũ phàng”. Tình yêu có thể rất đẹp đẽ mà cũng có thể mang đến những buồn đau và vết thương sâu khó lành. Vì vậy, tác phẩm có thể giúp ích cho những độc giả trẻ lường trước được các “cơn bão cuộc đời” nơi đời sống hiện đại. Tác giả cho biết: “Những ai đang yêu sắp cưới, đến độ tuổi kết hôn hoặc gặp khủng hoảng hôn nhân khi đọc tác phẩm có thể rút ra được một vài yếu tố tham khảo cho quyết định của họ về hôn nhân”. |
Cẩm Thúy