Báo Đồng Nai điện tử
En

Lịch sử ngôn ngữ và đế chế ngôn từ: Sức mạnh vô biên của loài người

Cẩm Thúy
22:58, 18/08/2023

Các đế chế ngôn từ - Lịch sử thế giới từ góc nhìn ngôn ngữ của tác giả Nicholas Ostler là ấn phẩm mới nhất do NXB Thế giới và Omega Plus ấn hành, nằm trong bộ sách về lịch sử ngôn ngữ mang giá trị tham khảo tri thức cao cho độc giả nhiều thành phần.

 

Các đế chế ngôn từ là công trình nghiên cứu bao quát về các ngôn ngữ trên thế giới trong lịch sử loài người bên cạnh phần phân tích, dự đoán các yếu tố tiềm năng trong tương lai ảnh hưởng đến sự lan truyền của các ngôn ngữ, trong đó có “vai trò ngày càng tăng của công nghệ”. Sách là tài liệu tham khảo giá trị, hữu ích cho những nhà nghiên cứu, nhà báo, làm truyền thông, sinh viên, những ai quan tâm đến các lĩnh vực ngôn ngữ học, triết học, tâm lý học, sinh học, khảo cổ học… cùng lịch sử phát triển văn minh nhân loại.

Đế chế ngôn từ

Tác giả người Anh Nicholas Ostler (năm nay đã 71 tuổi) nghiên cứu chuyên sâu về 26 ngôn ngữ trên thế giới, kỳ công khảo sát các ngôn ngữ ngôn ngữ thông dụng (lingua francas) đang được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới như tiếng Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Nga, Ai Cập, Ả Rập, Turk, Trung Quốc, Hy Lạp, Đức, Latinh, Phạn… và trình bày trong tác phẩm “kinh điển” Các đế chế ngôn từ (tựa tiếng Anh: The Empires of word: A Language History of the World).

Đọc 14 chương sách, độc giả như được “đi du lịch bằng ngôn ngữ” trên bản đồ ngôn ngữ thế giới với cội nguồn và mối quan hệ lý thú giữa chúng, nguyên nhân vì sao một số ngôn ngữ lan rộng rồi lại tàn lụi, trong khi nhiều ngôn ngữ sở hữu đặc điểm riêng được lan xa và tồn tại lâu dài. Mối liên hệ mật thiết giữa ngôn ngữ với chính trị, tôn giáo, thương mại, xã hội, văn hóa… ở các quốc gia, khu vực cũng được đề cập khá hấp dẫn.

Tác giả Nicholas Ostler ca ngợi ngôn ngữ như một đặc điểm dân tộc, đi theo dòng chảy kết nối quá khứ, hiện tại lẫn tương lai của con người. Ông viết: “Khi được con người tiếp nhận, nó sẽ mang lại khả năng tiếp cận với một kho tàng niềm tin và kiến thức khổng lồ: những tài sản này trao sức mạnh cho chúng ta mỗi lúc tư duy, nghe, nói, đọc, viết, nhờ đó chúng ta mới có thể có suy nghĩ và cảm nhận khác xa tổ tiên mình”.

Biên giới ngôn ngữ mở rộng

 

Tác giả Nicholas Ostler viết: “Ngôn ngữ vừa mang lại sự sống cho lịch sử chung của một cộng đồng, vừa giúp kể lại lịch sử đó”.

Ông cho biết “trong ba thế kỷ nay, biên giới của ngôn ngữ đã không ngừng mở rộng” và khẳng định “chẳng có luật hay nghị định nào có thể ngăn chặn được sự bùng nổ của một trào lưu ngôn ngữ”. Tương lai của ngôn ngữ thế giới phụ thuộc vào “ba sợi chỉ xuyên suốt” là tự do, uy tín và dễ học.

Dù ngôn ngữ có sự bất đồng song điều này không ngăn cản ngôn ngữ được truyền bá qua đất liền và biển cả. Nguyên nhân từ việc “Nhập cư là mầm mống cơ bản của sự lan tỏa ngôn ngữ. Những người mới có thể đến từ nhiều chủng tộc khác nhau với nhiều ngôn ngữ khác nhau và thường có khuynh hướng định cư luôn ở vùng đất mới” - tác giả Nicholas Ostler lý giải.

Nhờ vậy, thế giới mà chúng ta đang sống mới có ngôn ngữ đổi mới ở Trung Đông như “những bông hoa sa mạc”. Tiếng Ai Cập, tiếng Hán, tiếng Phạn lan tỏa kỳ diệu và tạo nên thành tựu nảy nở. Cuộc phiêu lưu của tiếng Hy Lạp kéo dài tới “3 ngàn năm duy ngã”. Tiếng Latinh suy yếu trong khi tiếng Anh có tiến trình phát triển toàn cầu mạnh mẽ trong 400 năm qua. Với tỷ lệ “một phần tư nhân loại đã quen thuộc”, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ quốc tế giúp bạn giao tiếp hầu như ở mọi nơi.

Dù tiếng Anh được sử dụng trong phạm vi toàn cầu, song tương lai của nó vẫn không hẳn là chắc chắn và thống nhất. Bởi “đã có những trung tâm tiềm năng mới của nền văn minh thế giới đang phát triển, với các nền tảng ngôn ngữ khác nhau”. Con người sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp trong xã hội nên “xã hội loài người luôn có cách để khiến các ngôn ngữ sinh sôi”.

Cẩm Thúy


Vì sao tiếng Anh phát triển toàn cầu?

Hai tác phẩm về lịch sử ngôn ngữ nói chung

Bộ sách về ngôn ngữ với bản tiếng Việt lần đầu ra mắt tại Việt Nam do NXB Thế giới và Omega Plus ấn hành còn có tác phẩm Lược sử ngôn ngữ: Chuyện kể về phát minh vĩ đại nhất của loài người của nhà ngôn ngữ học người Mỹ Daniel L. Everett và Cuộc phiêu lưu của ngôn ngữ Anh: Tiểu sử Anh ngữ từ năm 500 đến năm 2000 của nam tước người Anh Melvyn Bragg. Đây là dòng sách tinh hoa phù hợp lưu trữ trong các thư viện, tủ sách gia đình và cá nhân.

Lược sử ngôn ngữ: Chuyện kể về phát minh vĩ đại nhất của loài người của tác giả Daniel Leonard Everett dày 400 trang, đưa người đọc nhìn lại khái quát hơn một triệu năm tiến hóa của ngôn ngữ trên hành tinh xanh. Thông qua nghiên cứu hàng chục ngàn thế hệ loài người và lịch sử tiến hóa trải rộng của ngôn ngữ, tác giả ghi nhận sự phát triển của gần 7 ngàn ngôn ngữ hiện diện trên trái đất hôm nay. Ông Everett lập luận: “Ngôn ngữ là ưu thế vượt trội của con người so với những loài khác, là thứ vũ khí giúp loài người thống trị hành tinh”.

Cuộc phiêu lưu của ngôn ngữ Anh: Tiểu sử Anh ngữ từ năm 500 đến năm 2000 của tác giả Melvyn Bragg dày 420 trang. Đây là tài liệu ghi lại hành trình phát triển ấn tượng của tiếng Anh từ lúc khởi đầu chỉ là một phương ngữ hơn 1.500 năm trước đây trở thành một ngôn ngữ quốc tế ngày nay.

Bằng sự uyên bác và cách thể hiện súc tích, Melvyn Bragg đào sâu lý giải vì sao tiếng Anh phiêu lưu qua không gian và thời gian để chinh phục được cả thế giới. Ngôn ngữ này có ưu điểm “giải phóng cảm xúc và tư tưởng trên toàn hành tinh”, cũng như không ngừng làm phong phú vốn từ bằng cách tái phát minh các biến thể mới ở bất cứ nơi nào nó có mặt.

C.T


 

Tin xem nhiều