Báo Đồng Nai điện tử
En

Đa dạng sản phẩm trà từ rau, trái vườn nhà

07:14, 19/08/2023

Trà là biểu tượng văn hóa của các nước phương Đông. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có văn hóa uống trà lâu đời. Tuy không phải là vùng đất trà truyền thống lâu đời nhưng Đồng Nai cũng rất đa dạng về các sản phẩm trà.

Trà xáo tam phân tham gia chương trình giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội. Ảnh: NV
Trà xáo tam phân tham gia chương trình giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội. Ảnh: NV

Dù là dòng sản phẩm mới hay truyền thống, trà của vùng đất công nghiệp năng động này có đặc điểm chung là được chế biến từ những nguyên liệu thiên nhiên, an toàn, tốt cho sức khỏe người dùng, trở thành đặc sản địa phương mang lại giá trị kinh tế cao.

Đặc sản từ cây, lá vườn nhà

Tuy là tỉnh công nghiệp nhưng sản phẩm trà của Đồng Nai rất đa dạng với nguyên liệu chế biến từ cây, trái vườn nhà như: khổ qua rừng, sen, lá trà xanh, bưởi…

Cụ thể, từ cây sen chế biến ra các loại trà lá sen, củ sen, hạt sen, tim sen, trà sen túi lọc; từ dây khổ qua rừng có các loại trà túi lọc khổ qua rừng, bột khổ qua rừng matcha; cây xáo tam phân cho ra các sản phẩm trà xáo tam phân, trà thảo mộc xáo tam phân, trà túi lọc xáo tam phân…

 

Nhắc đến đặc sản trà của Đồng Nai phải kể đến trà Phú Hội (H.Nhơn Trạch). Đây cũng là vùng đất có truyền thống lâu đời trồng trà, hiện địa phương này vẫn còn tồn tại những gốc trà trên 100 năm tuổi. Chế biến trà đã trở thành nghề thủ công lâu đời của nhiều hộ dân nơi đây. Thời xưa, nhà nhà đều trồng trà nên hầu hết người dân đều tự chế biến trà để uống, một số hộ làm dư để bán ra thị trường. Ngày nay, nghề thủ công truyền thống này đã dần mai một nhưng những hộ còn theo nghề làm trà vẫn giữ cách làm thủ công truyền thống bởi họ cho rằng như vậy trà mới ngon vì giữ được vị thơm từ nắng, vị ngọt từ đất quê. Nguyên liệu chính của trà Phú Hội là lá, đọt trà xanh phơi khô. Tùy theo sở thích mà người làm có thể ướp thêm bông lài, lá ren, lá dứa, lá trà phật… có sẵn trong vườn nhà. Khi pha, trà Phú Hội có màu đỏ hổ phách, mùi vị thanh mát của hương đồng cỏ nội, vị ngọt dịu không lẫn với các loại trà khác.

Loại trà khá phổ biến khác của đất Đồng Nai còn phải kể đến trà chế biến từ cây khổ qua rừng. Nhiều vùng quê của đất Đồng Nai như: Long Khánh, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc… cây khổ qua rừng mọc dại khắp nơi. Đây là món đặc sản thiên nhiên thân thuộc với người dân khi lá, đọt, trái non dùng để nấu canh, nhúng lẩu; lá già, thân cây được phơi khô làm trà uống có lợi cho sức khỏe. Chính vì vậy khi Đồng Nai triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) vào năm 2019, sản phẩm trà túi lọc khổ qua rừng của Công ty TNHH Khổ qua rừng Hiệp Vân (P.Xuân Tân, TP.Long Khánh) là một trong những sản phẩm tiêu biểu đầu tiên được chọn để xây dựng mô hình điểm trong chương trình OCOP của tỉnh.

Trà mãng cầu

Ngoài ra, Đồng Nai còn có các đặc sản trà chế biến từ hoa, trái như: trà vỏ bưởi, hoa bưởi, trà mãng cầu… không chỉ cung cấp ra thị trường nội địa mà có tiếng trên thị trường xuất khẩu. Trong đó, các loại trà hoa như: hoa hibiscus (còn được gọi là lạc thần, atiso đỏ), trà hoa cúc, trà hoa lài; trà hoa đậu biếc… được phái đẹp ưa chuộng vì mang lại cho người thưởng thức một trải nghiệm rất riêng về hương vị đồng thời có nhiều tác dụng chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Đa số các loại trà hoa thường được chế biến thủ công, chủ yếu là sấy khô để giữ nguyên hương vị.

Đặc sản OCOP của Đồng Nai

Các sản phẩm trà của Đồng Nai dù được người nông dân chế biến theo cách thủ công hay do chủ doanh nghiệp (DN) đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại sản xuất cũng đều có đặc điểm chung là đã hình thành được quy trình khép kín. Sản phẩm hoàn thiện, chỉn chu nhất khi cung cấp đến người tiêu dùng vì được đầu tư bài bản từ xây dựng vùng trồng nguyên liệu đến chuẩn hóa quy trình chế biến, làm nhãn hàng, thương hiệu.

Các sản phẩm trà sen đạt OCOP 4 sao của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Trường Phát (H.Nhơn Trạch) tham gia Tuần lễ tôn vinh trái cây tỉnh Đồng Nai năm 2023 thu hút người tiêu dùng quan tâm Ảnh: B.NGUYÊN
Các sản phẩm trà sen đạt OCOP 4 sao của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Trường Phát (H.Nhơn Trạch) tham gia Tuần lễ tôn vinh trái cây tỉnh Đồng Nai năm 2023 thu hút người tiêu dùng quan tâm Ảnh: B.NGUYÊN

Ông Nguyễn Văn Khôn, Giám đốc Công ty CP Đầu tư dược liệu ETZ (xã Hưng Thịnh, H.Trảng Bom) cho biết, đến nay DN đã có 4 sản phẩm trà được chế biến từ cây dược liệu xáo tam phân đều đạt OCOP 4 sao của tỉnh. Từ quy mô nhỏ lẻ, hiện DN đã mở rộng diện tích trồng lên khoảng 20ha và có dự án phát triển hàng ngàn ha trong giai đoạn tới không chỉ cung cấp cho thị trường nội địa mà hướng đến xuất khẩu. Theo ông Khôn: “Xáo tam phân là cây dược liệu quý, hiếm không quá phổ biến trên thị trường. Chính vì vậy, DN chọn làm các sản phẩm trà từ cây dược liệu này cung cấp ra thị trường vì uống trà là thói quen, văn hóa lâu đời của người phương Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng nên sẽ được người tiêu dùng dễ tiếp nhận”. Các loại trà xáo tam phân mang lại nhiều ích lợi cho sức khỏe người dùng, chính vì vậy, DN rất chú trọng đầu tư những vùng chuyên canh cây xáo tam phân theo quy trình sản xuất sạch, an toàn; chuẩn hóa quy trình chế biến đến đầu tư chỉn chu về bao bì, mẫu mã sản phẩm; tham gia chứng nhận OCOP, đảm bảo đây là sản phẩm tốt, an toàn để người tiêu dùng an tâm lựa chọn. Theo đó, ngoài tập trung phát triển kênh tiêu thụ qua hệ thống các nhà thuốc, DN chú trọng kênh phân phối là các điểm giới thiệu, quảng bá đặc sản địa phương cho du khách vì mong sản phẩm này trở thành đặc sản du lịch làm quà tặng mang ý nghĩa bảo vệ sức khỏe cho người dùng.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn chục loại trà đã được chứng nhận OCOP của tỉnh, đa số là sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao như: trà sen, trà xáo tam phân, trà khổ qua, trà Phú Hội… Các sản phẩm này là đặc sản địa phương được bán và phục vụ phổ biến tại một số điểm, khu du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh; được du khách ưa chuộng vì là dòng thức uống tốt cho sức khỏe người dùng.

Ông Nguyễn Huy Sang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội, người đề xuất dự án Khôi phục và phát triển sản phẩm trà Phú Hội, H.Nhơn Trạch chia sẻ, nhờ có dự án trên nên vùng nguyên liệu trồng trà tại địa phương dần được khôi phục với quy trình trồng an toàn. Sản phẩm được đưa đi kiểm nghiệm, kiểm định đảm bảo về chất lượng, an toàn. Ngoài ra, nhờ được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh, có đăng ký logo nhãn hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ, làm tem nhãn và đầu tư về bao bì nên trà Phú Hội có đầu ra tốt, giá cao với mức trung bình từ 700-900 ngàn đồng/kg. Đây là cơ sở để trà Phú Hội có cơ hội trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương với tiếng thơm dần được lan xa ra mọi miền đất nước.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều