Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyên đề: Quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật:
Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai Giang Mạnh Hà: Khi tác phẩm hay, công chúng sẵn sàng tiếp nhận

Sông Thao
20:22, 25/08/2023

Trong đời sống văn học nghệ thuật (VHNT), việc sáng tác đi liền với phổ biến, quảng bá tác phẩm. Để tác phẩm nhận được sự công nhận từ công chúng là cả một quá trình và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm cả chủ quan lẫn khách quan.

NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai

Theo NSND Giang Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai, thời gian qua, Hội VHNT cùng văn nghệ sĩ đã nỗ lực thực hiện quá trình này và đã đạt được một số kết quả khả quan.

Sáng tạo đi liền với phổ biến tác phẩm

* Ông có thể cho biết Hội VHNT Đồng Nai đã có những hoạt động gì trong việc quảng bá sáng tác của hội viên thời gian qua?

- Hội VHNT Đồng Nai xác định nhiệm vụ hỗ trợ, khuyến khích hội viên sáng tác luôn đi liền với quảng bá, giới thiệu tác phẩm. Hiện Hội đang thực hiện nhiều hình thức quảng bá tác phẩm tương ứng với từng loại hình nghệ thuật và gắn với công bố, giới thiệu, triển lãm, xuất bản, giao lưu với văn nghệ sĩ các tỉnh, thành; giao lưu giữa văn nghệ sĩ với công chúng…

Cụ thể, mỗi năm Hội VHNT Đồng Nai cùng Đài PT-TH Đồng Nai ghi hình 8 chương trình nghệ thuật biểu diễn, sân khấu để phát sóng đến công chúng; hỗ trợ văn nghệ sĩ tham gia các giải thưởng của tỉnh, khu vực, trong nước và quốc tế để thông qua các giải thưởng quảng bá cho tác phẩm và tác giả. Hội cũng thực hiện cơ chế đặt hàng sáng tác VHNT theo từng chủ đề, nội dung hàng năm. Các hoạt động đưa sân khấu vào trường học được chú trọng… Đặc biệt, Hội VHNT Đồng Nai vừa khuyến khích vừa định hướng cho văn nghệ sĩ quảng bá tác phẩm trên không gian mạng.

Tất cả những nỗ lực này đã góp phần đưa sáng tác của văn nghệ sĩ lan tỏa, thấm sâu chứ không bó hẹp về hình thức quảng bá VHNT như trước kia. Tuy kết quả đem lại có chậm hơn so với mong muốn song cơ bản đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của văn nghệ sĩ trong giới thiệu và của công chúng trong tiếp cận tác phẩm.

Sáng tác của văn nghệ sĩ cần phản ánh đúng, trúng chủ trương của Đảng về công tác tư tưởng, văn hóa, gần gũi với quần chúng. Bởi tác phẩm VHNT không nằm ngoài nhiệm vụ góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ đời sống nhân dân. Quá trình sáng tạo, phổ biến tác phẩm VHNT, văn nghệ sĩ cần tuân thủ các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục của dân tộc, nhu cầu chính đáng của đại đa số nhân dân.

* Trong quá trình quảng bá tác phẩm VHNT, nhất là trên không gian mạng, ông có lưu ý gì đối với văn nghệ sĩ?

- Tác phẩm là quyền sở hữu cá nhân hoặc nhóm tác giả. Trong quá trình đăng tải sáng tác lên không gian mạng, văn nghệ sĩ Đồng Nai đã chủ động tìm hiểu và có sự hiểu biết nhất định về quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ và nêu cao đạo đức người nghệ sĩ nên 4 năm qua, Hội VHNT Đồng Nai chưa nhận được phản ánh về tình trạng đạo nhái sáng tác.

Tuy nhiên, “phòng bệnh hơn trị bệnh” nên 2 năm trở lại đây, mỗi năm Hội VHNT Đồng Nai đều tổ chức chương trình tập huấn an ninh mạng gắn với quảng bá tác phẩm VHNT dành cho hội viên để các chuyên gia trao đổi về quá trình quảng bá tác phẩm là quyền tự do song đảm bảo quy định của pháp luật, tuân thủ chủ trương, đường lối phát triển văn học của đất nước, của Đồng Nai.

Thời gian qua, nhiều văn nghệ sĩ Đồng Nai liên tục có tác phẩm đạt giải cao ở các cuộc thi trong nước và quốc tế. Tuy nhiên sức lan tỏa của tác phẩm chưa cao. Đâu là nguyên nhân, thưa ông? 

- Tác phẩm chạm được đến cảm xúc con người là đòi hỏi hoàn toàn chính đáng của công chúng và đây cũng là mục tiêu cao nhất mà từng văn nghệ sĩ hướng đến. Thời gian qua, một số văn nghệ sĩ Đồng Nai tiếp tục có những sáng tác được giới chuyên môn, công chúng đánh giá cao và được công nhận bằng những giải thưởng trong nước cũng như quốc tế. Tuy nhiên, nếu so với giai đoạn trước thì tác phẩm tiêu biểu của văn nghệ sĩ hiện nay có nhưng ít.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế này, trong đó trước hết là tố chất, tài năng của văn nghệ sĩ rồi môi trường, điều kiện, không gian sáng tạo và giá trị tác phẩm mà tác giả hướng đến. Việc chú trọng bồi dưỡng, phát hiện nhân tố mới chưa bài bản dẫn đến thiếu hụt lực lượng kế cận tài năng…

Ví dụ trước đây, việc đào tạo văn nghệ sĩ, nhà phê bình VHNT rất được quan tâm với những chương trình đào tạo chuyên sâu trong thời gian dài nhưng những năm qua điều này khá khiêm tốn. Tại Đồng Nai, Hội VHNT Đồng Nai vẫn duy trì trại sáng tác dành cho 37 hội viên trẻ. Hội mời chuyên gia đầu ngành đến trao đổi kỹ năng sáng tác cho tác giả, tuy nhiên điều đó là chưa đủ. Nếu có điều kiện cho các em được đào tạo môi trường chuyên sâu hơn thì tốt hơn rất nhiều.

Ngoài ra, phải kể đến là không ít tác phẩm VHNT có chủ đề tư tưởng, tính thẩm mỹ trong tác phẩm VHNT chưa chạm được đến cảm xúc, chưa đọng lại nhiều trong lòng công chúng. Từ thực tế đó, hội luôn lưu tâm anh em nghệ sĩ phải có sự gắn bó máu thịt với nhân dân, tiếp cận nhiều hơn với tác phẩm VHNT trong nước và thế giới để học hỏi.

Xây dựng không gian quảng bá tác phẩm VHNT

* Để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đưa tác phẩm VHNT đến với quần chúng, thời gian tới đây Hội VHNT Đồng Nai sẽ có những hình thức nào, thưa ông?

- Năm 2023 là thời điểm kỷ niệm 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai. Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn đối với văn nghệ sĩ trong tỉnh. Văn nghệ sĩ đang bám sát chủ đề này để có những tác phẩm tham gia vào sự kiện quan trọng của tỉnh.

 “Vẫn còn không ít tác phẩm VHNT có chủ đề tư tưởng, tính thẩm mỹ trong tác phẩm VHNT chưa chạm được đến cảm xúc, chưa đọng lại nhiều trong lòng công chúng”.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, mới đây UBND tỉnh đã giao Hội VHNT Đồng Nai chủ trì, phối hợp với UBND TP.Biên Hòa, các sở ngành liên quan thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng không gian quảng bá tác phẩm VHNT. Những nội dung này gồm: xây dựng không gian văn học, văn hóa văn nghệ tại TP.Biên Hòa với đường sách, các chương trình biểu diễn nghệ thuật tập trung và đường phố tại địa bàn thành phố; gắn VHNT với sự phát triển của du lịch thông qua biểu diễn kịch, cải lương, múa rối, ca múa nhạc.

Bên cạnh đó, tạo không gian giới thiệu, quảng bá, công chúng giao lưu với các nhà thơ, nhà văn, văn nghệ sĩ; xây dựng không gian trưng bày tượng đài, danh nhân văn hóa tại Đồng Nai để thực hiện giáo dục truyền thống.

 * Quá trình này hiện đang diễn ra như thế nào thưa ông?

- Hiện Hội cùng UBND TP.Biên Hòa, các sở, ngành liên quan đang rà soát từng công đoạn. Riêng về phía Hội VHNT Đồng Nai, ngay sau khi được UBND tỉnh giao nhiệm vụ, hội đã phổ biến đến anh em văn nghệ sĩ. Tập thể hội rất vui vì đây sẽ là cơ hội để tác giả, tác phẩm đến trực tiếp với công chúng thông qua nhiều hình thức. Đồng thời, qua đây văn nghệ sĩ sẽ góp phần tạo sân chơi bổ ích, giảm thiếu thốn không gian sinh hoạt của người dân.

Song song với niềm vui thì trách nhiệm của Hội cũng như văn nghệ sĩ rất lớn. Bởi đã tạo ra không gian, địa điểm thì phải duy trì hoạt động và tác phẩm được giới thiệu phải thu hút được công chúng đến với từng hoạt động. Điều này quyết định đến thành công của từng triển lãm, trưng bày, biểu diễn tác phẩm VHNT. Do vậy mà văn nghệ sĩ đã và đang không ngừng tìm tòi, sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật với hình thức, cách diễn đạt mới.

Trong khi chờ đợi những không gian sinh hoạt văn hóa này thành hình, Hội VHNT Đồng Nai cùng văn nghệ sĩ vẫn tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đang theo đuổi nhằm đưa sáng tác đến với công chúng. 

 Xin cảm ơn ông!

Sông Thao (thực hiện)

Tin xem nhiều