Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyên đề: Quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật:
Bền bỉ sáng tạo

My Ny
21:01, 25/08/2023

Vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai trải qua 325 năm hình thành và phát triển chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa, lịch sử. Đây là điều kiện và đề tài phong phú nuôi dưỡng tâm hồn, tài năng cho văn nghệ sĩ sáng tạo và quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT).

Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn cải lương, phục vụ các tầng lớp nhân dân trực tiếp và trực tuyến thông qua mạng xã hội
Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn cải lương, phục vụ các tầng lớp nhân dân trực tiếp và trực tuyến thông qua mạng xã hội

Đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà những năm qua đã tích cực bám sát các nhiệm vụ chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, nhất là quảng bá sâu rộng thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong đời sống xã hội.

* Bám sát thực tiễn đời sống

VHNT là lĩnh vực quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội và sự phát triển toàn diện của con người. Song hành với sự vận động và phát triển của quê hương, đất nước, VHNT Đồng Nai đã bám sát thực tiễn để phát hiện, phản ánh đa dạng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu trong tất cả các lĩnh vực văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa, văn nghệ dân gian… góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đổi mới của Đồng Nai và đất nước.

Hiện nay, Hội VHNT Đồng Nai có hơn 270 hội viên đang sinh hoạt tại 7 ban chuyên ngành, trong đó, 1/3 là hội viên ban văn học. Số hội viên chuyên ngành Trung ương gồm có 73 người, chiếm 1/4 tổng số hội viên. Ban sáng tác trẻ quy tụ 18 hội viên có tuổi đời dưới 35 tuổi.

NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai khẳng định, không khí hoạt động VHNT những năm qua của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà khá sôi nổi, trải đều trên nhiều lĩnh vực. Văn nghệ sĩ luôn có ý thức đoàn kết, trau dồi, nâng cao vai trò trách nhiệm của người nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, VHNT, tích cực lao động sáng tạo. Nhiều tác giả, gồm cả tác giả trẻ đã tìm tòi sáng tạo, phát hiện những đề tài mới, đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận về nghệ thuật cũng như tinh thần hội nhập với thế giới, phát huy các giá trị di sản của dân tộc.

Cùng với tham gia các cuộc vận động sáng tác, hàng năm Hội VHNT Đồng Nai đã tổ chức nhiều trại sáng tác, thực tế, điền dã trong và ngoài tỉnh, góp phần khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho văn nghệ sĩ. Những đề tài lịch sử, văn hóa, cách mạng, người lính, biển đảo; hay những câu chuyện về đất nước, con người Đồng Nai nói riêng, Việt Nam nói chung được thể hiện một cách sống động qua ngòi bút, hình ảnh, nét cọ, giai điệu…

Rõ nét và sôi động hơn cả có lẽ là đời sống văn học. Theo NSND Giang Mạnh Hà, vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai từ lâu đã vang danh tên tuổi của nhà thơ, chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ, các nhà văn Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn… Tiếp nối các nhà thơ, nhà văn tiền bối, xuất hiện của lớp văn nghệ sĩ có năng lực, giàu tâm huyết như Nguyễn Đức Thọ, Lê Đăng Kháng, Nguyễn Duy Thinh, Nguyễn Thái Hải, Nguyễn Một, Đàm Chu Văn… Hiện thực đời sống phong phú và “bầu máu nóng” của tuổi thanh xuân đã giúp cho nhiều người trong số họ có được những tác phẩm có giá trị, đoạt giải thưởng cao về VHNT.

Các nghệ sĩ, diễn viên của Đồng Nai biểu diễn tác phẩm nghệ thuật, phục vụ nhu cầu văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Ảnh: M.NY
Các nghệ sĩ, diễn viên của Đồng Nai biểu diễn tác phẩm nghệ thuật, phục vụ nhu cầu văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Ảnh: M.NY

“Các thế hệ văn nghệ sĩ nối tiếp nhau, mỗi người một vẻ mang lại cho VHNT Đồng Nai sự phong phú hương sắc, được đông đảo công chúng đón nhận và yêu thích. Văn nghệ sĩ tỉnh nhà đoạt nhiều giải thưởng khu vực, toàn quốc và quốc tế. Rất nhiều chương trình nghệ thuật tầm cỡ quốc gia, các vở diễn cải lương được dàn dựng công phu, giành huy chương vàng, bạc qua các kỳ liên hoan, hội diễn. Đặc biệt, hàng chục ngàn tác phẩm VHNT về xây dựng nông thôn mới ra đời, đã hỗ trợ rất tích cực cho công tác tuyên truyền, phát huy hiệu quả xã hội” - NSND Giang Mạnh Hà chia sẻ.

* Chú trọng quảng bá và lan tỏa

Hòa chung xu thế chuyển đổi số hiện nay, việc ứng dụng công nghệ để quảng bá tác phẩm VHNT, lan tỏa hình ảnh quê hương, tạo tiền đề phát triển du lịch đã và đang được văn nghệ sĩ quan tâm, đầu tư. Không chỉ quảng bá thông qua các hội thi, hội diễn, văn nghệ sĩ còn tích cực sử dụng mạng xã hội, các website để đưa tác phẩm đến công chúng. Nhiều nghệ sĩ của Đồng Nai có tác phẩm VHNT vượt qua biên giới quốc gia như: nghệ sĩ đàn bầu Trần Trung; nghệ sĩ dương cầm Vũ Đặng Quốc Việt; các nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Quốc Định, Lê Hữu Thiết; NSƯT Quế Anh…

Nhà văn Nguyễn Thái Hải giao lưu, tặng sách cho thanh thiếu nhi trên địa bàn TP.Biên Hòa
Nhà văn Nguyễn Thái Hải giao lưu, tặng sách cho thanh thiếu nhi trên địa bàn TP.Biên Hòa

Ngoài việc chủ động tổ chức giới thiệu sách mang tính cá nhân đến bạn đọc, tác giả Đinh Hoàng Loan (Ban Văn học, Hội VHNT Đồng Nai) còn tích cực sử dụng mạng xã hội để quảng bá tác phẩm. Là tác giả trẻ, bị chứng chất độc màu da cam, ngồi trên xe lăn với hai bàn tay “co quắp”, giọng nói không “tròn vành rõ chữ” song công nghệ đã làm thay đổi cuộc sống của chị. Chị sáng tác khá nhiều, đã xuất bản các tập thơ như: Xe lăn khát vọng, Cảm ơn cuộc đời, Trái tim hồng... Chị sử dụng máy tính để đánh chữ và dùng Facebook, Zalo để giao lưu, giới thiệu tác phẩm của mình đến với nhiều độc giả trong cả nước.

15 năm qua, văn nghệ sĩ Đồng Nai đã xuất bản gần 100 tập sách, hơn 50 đĩa CD ca khúc, công bố hàng ngàn tác phẩm trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương… Tất cả cho thấy lực lượng văn nghệ sĩ ngày càng trưởng thành, bằng sáng tác của mình cổ vũ tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trưởng ban Mỹ thuật, Hội VHNT Đồng Nai Phạm Công Hoàng cho biết, quảng bá tác phẩm trên không gian số là cách tốt nhất để giao tiếp giữa tác giả và công chúng. Trên lĩnh vực mỹ thuật, công chúng trong và ngoài nước thông qua các phòng tranh trên không gian mạng tiếp cận với xu hướng hội họa đương đại trên thế giới, lan tỏa hội họa Việt Nam với bạn bè khắp năm châu. Tuy nhiên, nhược điểm của việc đưa tác phẩm lên nền tảng số là khó có thể kiểm soát bản quyền nếu chưa đăng ký. Điều này dẫn đến việc sao chép, đạo nhái xuất hiện ngày càng nhiều.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Khánh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai, những năm qua Đồng Nai đã làm tốt công tác quảng bá, đưa tác phẩm VHNT tiếp cận công chúng nhiều hơn. Trong đó, Hội đã phối hợp với Đài PT-TH Đồng Nai giới thiệu tác giả, tác phẩm; tổ chức các triển lãm tranh, ảnh trong tỉnh và đăng cai khu vực; liên kết với thư viện tỉnh đưa sách, tạp chí đến các phòng đọc ở cơ sở, tăng cường hoạt động giới thiệu sách đến với bạn đọc. Đặc biệt, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã dùng mạng xã hội để quảng bá các vở diễn, chương trình nghệ thuật, múa rối… thu hút sự quan tâm của công chúng trong và ngoài tỉnh.

“Thời kỳ hội nhập, với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ số, các hình thức quảng bá tác phẩm VHNT mang tính truyền thống trong nước bị thu hẹp là tất yếu, nhưng chưa phải bị mất đi hay bị thay thế, nếu tác phẩm nghệ thuật nơi đó không bị rơi vào sự nhàm chán và không có dấu ấn sáng tạo độc đáo. Với đam mê sáng tạo mãnh liệt, chắc chắn văn nghệ sĩ Đồng Nai sẽ có cách quảng bá và lan tỏa tác phẩm phù hợp để đưa VHNT tiếp tục phát triển, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội thời kỳ hội nhập toàn cầu” - nhạc sĩ Nguyễn Khánh Hòa cho biết.

* Vẫn còn những “khoảng trống”

Là nơi hội tụ các tác giả, nghệ sĩ đến từ nhiều vùng miền khác nhau nên sáng tác của văn nghệ sĩ Đồng Nai tương đối đa dạng, nhiều sắc thái, giọng điệu. Tuy nhiên, theo NSND Giang Mạnh Hà, tính khái quát của hầu hết tác phẩm còn hạn hẹp. Các sáng tác thiên về tự sự, chất vấn nội tâm, bi kịch cá nhân, bi kịch gia đình, dòng tộc, không nhiều tác phẩm đề cập đến những vấn đề lớn của thời đại như chủ nghĩa yêu nước, vấn đề bảo tồn văn hóa dân tộc, sự thay đổi của con người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa… Những tác phẩm xuất sắc nhất gần như chỉ tập trung vào một số văn nghệ sĩ có thực tài.

Nhà thơ Tâm Minh giao lưu, ký tặng sách cho học sinh H.Tân Phú
Nhà thơ Tâm Minh giao lưu, ký tặng sách cho học sinh H.Tân Phú

“Một số hội viên có năng lực sáng tác nhưng đang tuổi lao động, thời gian tập trung cho tác phẩm rất hạn chế. Tình trạng già hóa đội ngũ sáng tác dẫn đến sút giảm chất lượng tác phẩm. Trong bối cảnh văn, thơ không cạnh tranh nổi với các phương tiện nghe nhìn, tác phẩm in ra không có chỗ tiêu thụ khiến tác giả nản lòng, mất dần cảm hứng sáng tác. Một số văn nghệ sĩ chưa thật sự cố gắng nâng tầm tác phẩm, có tâm lý coi Hội VHNT là “sân chơi” nặng về giải trí” - NSND Giang Mạnh Hà chia sẻ.

Làm thế nào để có tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, quảng bá và lan tỏa trong cộng đồng là ước mơ và cũng là nỗi trăn trở của hầu hết văn nghệ sĩ Đồng Nai. Để làm được điều đó đòi hỏi mỗi văn nghệ sĩ phải không ngừng nỗ lực, tích cực đi thực tế sáng tác, mở lòng mình ra với thế giới, hòa vào dòng chảy của văn hóa dân tộc, tìm kiếm, phát hiện những giá trị mới. Đây cũng chính là nền tảng cho sự phát triển của VHNT Đồng Nai, cũng đồng thời là hành trang để bước tiếp vào chặng đường mới.


 

Nghệ sĩ TRẦN TRUNG, Nhạc viện TP.HCM: Quan tâm đến bản quyền tác phẩm

Không chỉ với âm nhạc mà với tất cả các loại hình VHNT, một trong những vấn đề được quan tâm là trên nền tảng số vấn đề bản quyền sẽ được thực hiện như thế nào? Làm thế nào để tác phẩm sau khi phát hành không bị sao chép và làm thế nào để không nhận những gì không phải của mình thành của mình. Tôi cho rằng, với những công trình lớn, những tác phẩm phát hành trên nền tảng số điều quan trọng là phải có đăng ký sở hữu trí tuệ. Đó là cách tốt nhất để khẳng định sở hữu và làm tốt sứ mệnh của người nghệ sĩ là dùng tác phẩm của mình để làm đẹp cho đời, lan tỏa những giá trị văn hóa, chân - thiện - mỹ.

 

Nghệ nhân gốm HOÀNG NGỌC HIẾN, hội viên Ban Mỹ thuật, Hội VHNT Đồng Nai: Cần thêm không gian trưng bày, giới thiệu tác phẩm

Đồng Nai là một trong những địa phương có lực lượng họa sĩ, nghệ sĩ, nhà điêu khắc chuyên, không chuyên hùng hậu. Bên cạnh những triển lãm cá nhân, Hội VHNT Đồng Nai tổ chức nhiều cuộc triển lãm lớn, nhỏ trong tỉnh và khu vực để hội viên tham gia. Tuy nhiên, sau mỗi triển lãm, nhiều tác phẩm lại đưa về nhà vì chưa có chỗ phù hợp để trưng bày. Việc giữ ở nhà không khác gì để những tác phẩm nghệ thuật chết dần, chết mòn. Chúng tôi hy vọng, trong thời gian tới những tác phẩm VHNT sẽ có thêm những không gian trưng bày phù hợp để văn nghệ sĩ được giới thiệu, lan tỏa giá trị nghệ thuật đến công chúng.

 

Nhà thơ MINH HẠ, hội viên Ban Văn học, Hội VHNT Đồng Nai: Quan tâm, hỗ trợ xuất bản sách

Hàng năm, Hội VHNT Đồng Nai dựa trên đăng ký của hội viên, xem xét, nghiệm thu đề tài và hỗ trợ cho các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm hoặc công trình tiêu biểu nhất. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng công tác “đặt hàng” sách trên nhiều lĩnh. Đây được xem là sự hỗ trợ rất “đột phá” đối với việc giới thiệu, quảng bá tác phẩm. Tuy nhiên, số lượng công trình được lựa chọn hỗ trợ xuất bản chưa nhiều. Cũng bởi được hỗ trợ kinh phí nên các sách xuất bản có số lượng in rất hạn chế, đặc biệt là không bán ra thị trường. Chúng tôi mong rằng, sẽ có nhiều hơn tác phẩm VHNT được hỗ trợ xuất bản trong thời gian tới và đến gần hơn với cộng đồng, nhất là bạn đọc vùng sâu, vùng xa, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Ly Na (ghi)


My Ny

Tin xem nhiều