Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyên đề: Kỹ năng nghề cho người lao động:
Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM Trần Anh Tuấn: Thay đổi để phù hợp với thị trường lao động

19:50, 11/08/2023

Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ hiện nay đang đặt ra những yêu cầu mới đối với việc đào tạo và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động (NLĐ), đòi hỏi các bên trong quan hệ lao động cần cập nhật, phát triển để phù hợp với sự phát triển không ngừng của đời sống xã hội.

Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhân lực, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM

Báo Đồng Nai cuối tuần có cuộc trao đổi với ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhân lực, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM xoay quanh chủ đề này.

Cần thay đổi kỹ năng và tư duy làm việc

* Những năm gần đây, nhiều ngành nghề mới đã ra đời, theo ông, điều này ảnh hưởng như thế nào đến xu hướng phát triển của thị trường lao động Việt Nam trong những năm tới?

- Xu hướng phát triển thị trường lao động Việt Nam trong những năm tới sẽ nổi lên 4 xu hướng phát triển chính: gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ; chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm; lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế; xu hướng lao động “khởi nghiệp, tự tạo việc làm” gia tăng.

Việc đầu tư máy móc, tự động hóa sản xuất và ứng dụng công nghệ số sẽ dần phổ biến và làm thay đổi hình thức việc làm trên thị trường lao động. Động thái trên bắt nguồn từ sự dịch chuyển sang thời kỳ chuyển đổi số của Việt Nam và sẽ trở thành xu thế chủ đạo trong thời đại số hóa hiện nay.

Theo thống kê tại Việt Nam, 68% công việc hiện đòi hòi kiến thức về kỹ năng số với những kỹ năng số cơ bản, trong khi đó 1/5 công việc cần các kỹ năng số đặc biệt chuyên sâu.

Nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm bình quân trên 90%. Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo đại học chiếm tỷ trọng bình quân 20%, cao đẳng chiếm 18%, trung cấp chiếm 27% và sơ cấp chiếm 25%.

“Những người biết chọn ngành, chọn nghề, chọn cấp bậc học phù hợp, có sở trường, có năng lực và học tập tốt… sẽ xây dựng được giá trị và năng lực làm việc tốt”.

* NLĐ sẽ cần trang bị những kỹ năng gì để đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động hiện nay?

- Để phù hợp thị trường lao động phát triển theo yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập, NLĐ cần đảm bảo 6 điều kiện chất lượng nghề nghiệp gồm: năng lực nghề nghiệp (am hiểu và ứng dụng nghề, thích ứng môi trường làm việc, dễ đào tạo nâng cao...); kỹ năng đặc biệt (kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và hài hòa áp lực công việc); kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động; hiểu và ứng dụng thiết bị công nghệ (bao gồm công nghệ thông tin); sử dụng tốt ít nhất 1 ngoại ngữ; hiểu biết cụ thể về thị trường và pháp luật (bao gồm pháp luật lao động).

Những dự báo về thị trường lao động cho thấy, sẽ có khoảng 75% lực lượng lao động ở Việt Nam bị tác động bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các nhân tố khoa học - công nghệ được nhận định sẽ thay đổi bản chất nhiều công việc, khiến nhà tuyển dụng sẽ đòi hỏi những kỹ năng phức tạp hơn như: hợp tác, đánh giá, quản lý, sáng tạo, ra quyết định…

Do đó, những lao động giỏi chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ và có khả năng thích nghi tốt với môi trường làm việc biến động không ngừng sẽ được đánh giá cao. Đặc biệt, các nhà tuyển dụng cho rằng kỹ năng học hỏi tích cực trở thành yêu cầu cần thiết của NLĐ.

Yếu tố nào tạo nên sự thành công cho NLĐ?

* Theo ông, nhà trường có vai trò như thế nào trong việc đào tạo kỹ năng nghề cho người học?

- Hiện nay nhiều sinh viên, học sinh thường cho rằng kỹ năng nghề nghiệp chính là kỹ năng chuyên môn, nhưng điều đó không thực sự chính xác.

Kỹ năng nghề nghiệp là khả năng làm việc, năng lực hoàn thành công việc của một người đối với một lĩnh vực cụ thể nào đó. Kỹ năng nghề nghiệp gồm kỹ năng chuyên môn (kỹ năng nghiệp vụ) và kỹ năng chung (hay còn gọi là kỹ năng mềm).

Việc đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với NLĐ, người sử dụng lao động nói riêng và thị trường lao động nói chung. Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người sử dụng lao động bắt buộc phải tổ chức hoạt động đào tạo hàng năm cho NLĐ.

Thiếu trầm trọng “lao động tri thức”

Nhu cầu về nhân lực trong nền công nghiệp tương lai đã thay đổi, máy móc trong nhà máy đang cần người làm việc có những kỹ năng mới để vận hành. Đó là “lao động tri thức” kể cả lực lượng công nhân có thể vận hành máy móc tự động hóa, giải quyết các sự cố mà robot không thể làm thay. Từ đó, cho thấy thị trường Việt Nam đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực này.

Trong bối cảnh nhiều công việc bị thay thế bởi robot, con người cần thay đổi kỹ năng và tư duy làm việc để có thể sống và làm việc với robot.

Ở góc độ nhà trường, các cơ sở đào tạo đang ngày càng tích cực tăng cường sự liên kết với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Đây là xu hướng và cầu nối quan trọng trong việc đảm bảo, nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên; là cách thức để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp.

Thông qua việc tham khảo tính chất công việc và vị trí việc làm của từng lĩnh vực nghề nghiệp trong doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo đã xây dựng chương trình đào tạo hoặc chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Nhiều doanh nghiệp còn tham gia vào cả trong quá trình đào tạo và kiểm tra, đánh giá học sinh, sinh viên.

* Một câu hỏi được nhiều bạn trẻ quan tâm: Theo ông, bằng cấp hay kỹ năng nghề mới là yếu tố chính đưa người lao động đến với thành công? Vì sao?

- Dù học cấp, bậc nào, tất cả sinh viên, học sinh đều sẽ phải bước vào thị trường lao động. Mỗi người phải làm sao để có một giá trị hành nghề, giá trị năng lực thì mới thành công.

Những người biết chọn ngành, chọn nghề, chọn cấp bậc học phù hợp, có sở trường, có năng lực và học tập tốt… sẽ xây dựng được giá trị và năng lực làm việc tốt. Bằng cấp nghề nghiệp sau này mà mỗi người có được phải gắn liền với kiến thức văn hóa phổ thông và đi đôi với giỏi nghề, có giá trị hành nghề. Có như vậy mới đứng vững được trong thị trường lao động hiện nay và tương lai.

Sự phát triển của nền kinh tế - xã hội hiện đại, sự phát triển nhanh chóng như vũ bão của công nghệ buộc chúng ta phải tiếp cận công nghệ, tiếp cận tri thức. Do vậy, muốn thành công, các bạn trẻ ngày nay không thể học việc theo kiểu “truyền nghề”, mà phải bước qua hệ đào tạo của các trường, tiếp cận được tri thức của nhân loại, tri thức của ngành nghề rồi chuyển đổi thành kỹ năng để đi đến thành công.

Như vậy, yếu tố quyết định thành công của con người trong thị trường lao động là mỗi người phải làm sao đưa bằng cấp mình học tập trở thành kỹ năng nghề nghiệp. Các bạn trẻ đừng hiểu sai giữa bằng cấp và nghề nghiệp, đừng hiểu sai giữa bằng cấp và giá trị thị trường lao động. Đó là hai yếu tố kết hợp, hòa quyện.

Một yếu tố nữa rất quan trọng đến sự thành công của NLĐ là việc học tập suốt đời. Học tập suốt đời được hiểu đơn giản là việc tích lũy hàng ngày các kiến thức, kinh nghiệm xã hội - lịch sử thông qua những hình thức học tập chính quy, không chính quy, phi chính quy để mỗi người tự “làm giàu” vốn kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ tiếp thu được những giá trị, nâng cao năng lực làm chủ bản thân, làm chủ tri thức mới, làm chủ kỹ thuật và công nghệ mới để luôn thích ứng với những biến đổi nhanh của xã hội trong thời kỳ hội nhập và đổi mới.

* Xin cảm ơn ông!

Hải Yến (thực hiện)

Tin xem nhiều