Báo Đồng Nai điện tử
En

Chính quyền dân vận khéo ra sao?

Bùi Quang Huy
08:24, 26/08/2023

Từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối dân vận của Đảng. Tuy nhiên, tới năm 1949, tức bốn năm sau Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ lại nói: Vấn đề dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng.

Nhiều học sinh tại xã Phú An (H.Tân Phú) được tặng xe đạp mới trong đợt phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ảnh: T.TÂM

Ngày nay, 74 năm sau khi bài báo Dân vận của Bác ra đời, chúng ta vẫn thấy cần phải nhắc lại nữa, nhất là công tác dân vận của chính quyền.

1. Những điều cần nhắc lại

Những điều Bác Hồ đã dạy, theo tôi cần phải luôn nhắc lại để thực hiện cho đúng, trước hết là: Vì sao phải làm dân vận? Ai làm dân vận? và Công tác dân vận của chính quyền ra sao?

Tư tưởng nền tảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân vận là Nước ta là nước dân chủ. Đây cũng là nền tảng tư tưởng của một đất nước Việt Nam mới sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, giành được độc lập cho dân tộc, tự do của nhân dân sau gần 100 năm nô lệ giặc Tây.

Nước dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh là gì?

“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.

Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.

Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Ở nước Việt Nam mới, địa vị tối cao là Quốc gia, Dân tộc và Nhân dân. Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân.

Đấy là lý do vì sao không chỉ Đảng, chính quyền mà cả hệ thống chính trị phải làm dân vận. Nói cách khác, Nhân dân là lý do tồn tại của Đảng và chính quyền. Ở đâu cũng vậy. Lúc nào cũng thế!

2. Công tác dân vận của chính quyền phải ra sao?

Đây là câu hỏi vừa cũ, lại vừa luôn mới.

Thỉnh thoảng trên tivi, báo chí thấy hình ảnh cán bộ, công chức ra quân công tác dân vận, như: trao quà cho dân nghèo; trao nhà tình thương; dọn dẹp đường phố, khai mương cống rãnh... Thật đông vui, rộn ràng, vì phần nhiều đều có băng rôn, khẩu hiệu.

Dân vận, nhất là thời nay, cũng cần hình thức để tỏ cho mọi người biết đặng hưởng ứng. Tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng đến các việc trống giong cờ mở thì chưa đạt yêu cầu, chưa đủ. Dân vận của chính quyền càng không phải như vậy!

Hiệu quả dân vận của chính quyền trước hết là hiệu quả của việc thực thi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ở việc thực thi trách nhiệm (công vụ) của chính quyền và các cơ quan của Nhà nước ở tất cả các cấp. Người dân đánh giá chính quyền như thế nào qua những gì họ nhìn thấy, kể cả không nhìn thấy nhưng được thụ hưởng, hoặc ở bức tranh kinh tế - xã hội, ở tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương.

Ngày nay, hòa bình, công tác dân vận của chính quyền lại có những cái khó mới.

Mặt thứ hai trong đánh giá hiệu quả dân vận của chính quyền là ở đội ngũ cán bộ, công chức (CB, CC) và cả viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước và cả đội ngũ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Dưới mắt người dân, đội ngũ ấy có chuyên nghiệp, liêm chính và mẫn cán hay không? Cao nhất trong thang bảng đánh giá của người dân là sự hài lòng, dĩ nhiên sự hài lòng đó không chỉ cảm tính, thân thiện là đủ. Chính quyền phải cung cấp các thước đo để người dân đánh giá chính mình và đội ngũ của mình càng khách quan, trung thực, cụ thể càng tốt.

Chúng ta tạm hình dung, ở một địa phương, mít tinh, khẩu hiệu, băng rôn... không nhiều nhưng kinh tế phát triển, xã hội lành mạnh, những bức xúc chính đáng của người dân được giải quyết một cách căn bản, người dân nơi đó tham gia đông đảo và hăng hái các việc kiến quốc do chính quyền khởi xướng, có phải nơi ấy đã thực hiện công tác dân vận của chính quyền tốt hay không?

Trái lại, có nơi, nhiều băng rôn, khẩu hiệu giăng mắc đầy đường nhưng có bao việc dân bức xúc, kiến nghị vẫn trầm kha thì liệu dân vận của chính quyền đã tốt chưa?

3. Công tác dân vận của chính quyền ngày nay

Thời chiến tranh, công tác dân vận của chính quyền cách mạng rất khó vì đạm bom, lại bí mật nữa.

Ngày nay, hòa bình, công tác dân vận của chính quyền lại có những cái khó mới.

Xin dẫn ra một vài lý do. Trước hết, công việc của chính quyền ngày càng nhiều, yêu cầu và độ phức tạp ngày càng cao, nhưng biên chế không tăng, còn giảm đi nữa. Lý do này cần xem là tất yếu, đòi hỏi chính quyền và đội ngũ CB, CC phải nỗ lực thay đổi và đáp ứng bởi sẽ không ai giải quyết cả.

Khó khăn thứ hai trong công tác dân vận của chính quyền là bệnh công chức. Ngày xưa, trong các chế độ độ cũ, hình ảnh dễ thấy nhất của bệnh công chức là các thư lại, viên chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, buồn tẻ, nhàm chán. Những năm gần đây, bệnh công chức của thời mới dần một rõ hơn. Không ít CB,CC bàng quan với mọi sự, nếu như việc đó không liên quan trực tiếp đến mình. Cơ quan, đơn vị có khó khăn gì, họ cũng mặc; dân tình có khổ sở, bức xúc, họ cũng vô can. Thời hiện đại, theo triết lý của người Nhật, người ta thực hành sống chậm để cảm nhận nhiều hơn giá trị của cuộc sống. CB, CC mình giờ thích sống yên. Sống yên là bàng quan, mặc kệ dân chứ không phải là một giá trị của cuộc sống. Khi nói về đức Liêm, một trong bốn đức của con người, dĩ nhiên là có cả cán bộ, Bác Hồ giải thích, liêm là trong sạch, không tham lam. Người còn nói, cán bộ mà tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm. Lâu nay, chúng ta ít chú ý đến vế này khi nói về đức liêm của cán bộ.

Biểu hiện dễ thấy nữa của bệnh công chức nơi đội ngũ CB, CC, không riêng ở chính quyền, là lối làm việc bàn giấy, thích ra chỉ thị, mệnh lệnh, ít quan sát, tìm hiểu thực tế. Lâu nay, có không ít trường hợp, tại một địa phương, đơn vị, khi có một sự cố gì xảy ra, trả lời báo chí, cán bộ chúng ta thường nói: Chúng tôi chưa có thông tin; Chúng tôi chưa được phản ánh... rồi Chúng tôi sẽ nắm bắt, tìm hiểu lại,... vân vân và vân vân. Như vậy, CB, CC mình chưa thực hành đầy đủ phương châm dân vận của Bác Hồ là óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm.

Gần đây, trong đội ngũ CB, CC các cấp còn phát sinh thêm một loại bệnh mới. Đó là bệnh sợ sai. Vì bệnh này mà nhiều công việc bê trễ, cơ quan này chuyển qua cơ quan khác, cơ quan khác lại chuyển sang cơ quan khác nữa, đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau. Nếu là việc của dân, hiệu quả công tác dân vận được đo lường tức thì và thật khó để nói dân hài lòng.

Đã có không ít phân tích, lý giải bệnh sợ sai trong bộ máy của chúng ta. Có người cho rằng, vì bây giờ dân trí cao hơn trước, không gì có thể qua mắt dân, nên CB, CC thực thi công vụ... sợ sai! Nghĩ như vậy là rất ngụy biện, vì một quốc gia mà dân trí ngày càng cao, đó là biểu hiện của sự phát triển; dân có trăm tai, ngàn mắt, soi xét việc của chính quyền là điều may, vì công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.

Cũng có người nói, bệnh sợ sai là do pháp luật ngày càng chặt chẽ; quy định của Đảng rành mạch và ráo riết; thanh tra, giám sát, kiểm tra nhiều hơn trước... Chúng tôi nghĩ, trước mắt, khi thực hiện công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng một cách kiên quyết và mạnh mẽ, tác dụng phụ của liều thuốc này có thể khiến có CB, CC e dè, ngần ngại, thậm chí lo sợ, chưa đủ tự tin trong thi hành công vụ. Vì thế, vấn đề rất cần là phân biệt hiện tượng này với việc nương nhờ, né tránh trách nhiệm của CB, CC.

Đức Khổng Tử, người được Bác Hồ của chúng ta rất tôn quý và mong được làm người học trò của ông, có nói, làm người chân chính phải có được ba đức: Trí, Nhân và Dũng. Trí giả bất hoặc; Nhân giả bất ưu; Dũng giả bất cụ (Người trí không nghi ngờ; người nhân không âu lo; người dũng không sợ hãi).

Sau Cách mạng Tháng Tám, nhiều trí thức, vốn là viên chức của Pháp, theo kháng chiến. Trong Thư gửi các nhân viên của các cơ quan chính phủ, năm 1947, Bác Hồ tỏ ra rất thông cảm vì họ phải thay đổi cách sinh hoạt và làm việc. Trước, làm việc có thời giờ nhất định; ngoài giờ làm thì có bạn bè và thú vui giải trí; sinh hoạt yên tĩnh và phong lưu. Nay, giữa rừng rậm, suối sâu, khó nhọc và cực khổ. Bác không chỉ thông cảm mà còn thương yêu, lấy địa vị của một người anh, động viên, dặn dò họ. Bởi vậy, trong khi đề cao tư cách, trách nhiệm của CB, CC, đảng viên, Bác lại yêu cầu Đảng, chính quyền phải làm cho họ yên tâm vui thú làm việc, tức là trở lại với cái gốc - Nhân, Trí, Dũng - nền tảng làm người, làm cán bộ.

Chính quyền các cấp luôn phấn đấu xây dựng Nước ta là nước dân chủ và đội ngũ của chính quyền giữ trọn và làm đúng tư cách của người cán bộ, của nhân viên Chính phủ thì chắc chắn việc gì cũng thành công.

Ngày 21-8-2023

Bùi Quang Huy

Tin xem nhiều