Có một nơi khi sống ta thấy rất bình thường, nhưng rời xa lại nhớ da diết. Có một nơi cất giữ cả tuổi thơ, cả buồn vui giận hờn, cất giữ cả mối tình đầu nhiều mơ ước… Đó là quê hương!
Quần thể đá chồng Định Quán. Ảnh: Nguyễn Quang |
1. Khi ba mẹ tôi đặt chân xuống mảnh đất mới để lập nghiệp, nơi đây còn hoang sơ lắm. Theo lời người lớn kể lại, ngoài quốc lộ 20 là đường nhựa, Định Quán hiện lên với quần thể đá dày đặc, với rừng núi trập trùng xanh mướt một màu quyến rũ.
Ba mẹ tôi theo bà nội và anh em từ Quảng Trị vào miền Nam trong đợt di cư tìm kế sinh nhai năm 1982. Ba nói: “Có nước, cá sống được chúng ta sống được”. Chúng tôi sống từ nguồn lợi cua cá bên bờ suối, rau mọc quanh nhà và đất đai màu mỡ. Người Quảng Trị theo bà con vào ngày càng nhiều và nên ấp nên làng.
Ngày ấy, Nông trường mía Cao Cang là nơi phồn thịnh hơn cả. Lũ trẻ như chúng tôi, sáng ăn vội chén cơm với muối trắng gác bếp, củ khoai hay trái bắp luộc rồi tung tăng đi bộ hơn 3km đến trường. Cũng có khi chúng tôi đu theo xe bò, xe trâu cho đỡ mệt. Trưa, nắng như đổ lửa hay mưa lấm bùn đất, lũ trẻ cười vang trên đường về nhà. Chiều, mỗi đứa mang một cái bao để đi ven rẫy, ven suối hái rau muống về cho heo ăn và dư dả mẹ chúng tôi đem chợ bán kiếm đôi đồng mắm muối.
Những thiếu thốn vất vả dường như lùi xa dưới ánh trăng sáng bên đống rơm rạ và chén cơm thơm mùi gạo mới. Cực khổ là điều không kể xiết nhưng ai cũng phấn khởi trong lòng…
Tân Phú - Định Quán tuy hai mà một trong tôi, vì là H.Định Quán nhưng trường cấp ba, bệnh viện lại mang tên Tân Phú. Vậy mới thấy rằng, không quan trọng bạn chọn địa danh nào là quê hương, mà quan trọng đâu là nơi gắn bó với bạn. Hễ nhìn thấy núi đồi, nước trong, suối xanh, đá núi lòng mây, quê tôi ở đó. |
2. Khi tôi lớn lên ra trường huyện học, Định Quán cũng đã thay đổi nhiều. Đó là những năm 1990, khi tôi không còn là cô bé đứng nép bên cổng trường cấp 2-3 Tân Phú mà chính thức được bước vào cổng trường. Con đường đến trường không còn lấm lem đất đỏ mà rải nhựa sạch sẽ thẳng tắp. Những đêm trăng trên những cánh đồng trĩu hạt, những buổi vàn công làm đất cấy lúa hay mùa gặt, từng đôi trai gái hẹn hò và nên đôi nên lứa. Trăng trên đường làng với những trò đuổi bắt, trốn tìm, chơi keo, chơi u, chơi ô quan hay chơi khăng… Trăng giúp người dịu lòng sau ngày dài nắng gắt. Trăng lấp đi những bữa khoai sắn qua ngày. Trăng che những e ấp, thẹn thùng của tình yêu đôi lứa. Những đêm vào mùa bắp, nhóm thanh niên cùng cây đàn ghi ta đi từ nhà này sang nhà khác, vừa hát hò vừa gảy bắp thay máy. Hết mùa, từng kỷ niệm in vào ký ức.
3. Xa quê lên TP.HCM học 4 năm, ký ức trong tôi về Định Quán là xanh ngát một màu. Xanh của rừng cao su trên quốc lộ, xanh của dòng sông mềm mại uốn quanh, xanh cây cối chen vào đá núi và xanh bờ tre gốc rạ con suối hiền hòa.
Sau khi ra trường, quê tôi không chỉ là Định Quán mà trải dài thênh thang trên quốc lộ 20 đến Tân Phú và đến ranh giới của tỉnh Đồng Nai với tỉnh Lâm Đồng. Tôi nhận công tác tại Tân Phú - huyện miền núi xa nhất Đồng Nai và là huyện được tách ra từ Định Quán năm 1991.
Cũng rừng xanh bao phủ, nhất là rừng cây giá tỵ vươn cao dọc hai bên đường che bóng. Cũng trập trùng uốn lượn nhất là đoạn từ cây số 36 lên 42 với những ngọn đồi mờ sương trong sáng sớm. Chùa Linh Phú, thác Hòa Bình như minh chứng cho “non non nước nước” hiền hòa. Lần đầu tiên nhìn sương sớm vắt qua những đồi, tôi cứ ngỡ mình đã lên đến Đà Lạt. Suối Mơ lúc ấy còn hoang sơ với mạch nước lớn chảy từ khe đá trong vắt và ngọt mát đến rơn người.
4. Thời gian cứ thế trôi. Người ta thường nói, khi bạn hay nhìn về quá khứ là lúc ấy bạn đã già. Nhiều năm tháng qua, tôi đã được đi nhiều nơi trên quê hương đất nước và rồi tôi chợt nhận ra Định Quán quê mình sao quá đỗi thân thương. Quốc lộ 20 mở rộng với vạch sơn kẻ thẳng tắp và nét lượn lên xuống quanh co. Xe lên dốc cao nhìn ra xa, sông La Ngà đã trắng xóa ngang lưng trời. Đỉnh cao hiện lên giữa cảnh mây trời gặp gỡ ấy là tượng đài Chiến Thắng. Có cô bạn vùng đồng bằng theo tôi về ăn giỗ, thốt lên rằng: “Tao thấy như chúng mình đang lái xe xiếc vậy”. Tôi cùng bạn vòng quanh đồi Chiến Thắng, nơi tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ bát ngát sông quê và ngắm cây cầu La Ngà mới xây cùng con đường trải rộng. Tôi bất chợt nhìn xuống dòng sông với hai dãy nhà nổi mà nghĩ đến cuộc sống bấp bênh của đời người. Dòng sông uốn lượn chở nặng những giọt mồ hôi và chở theo bao hy vọng cuộc sống.
Rừng giá tỵ Định Quán mùa thay lá. Ảnh: Nguyễn Quang |
Dọc theo quốc lộ 20, qua dốc 12, đá Ba Chồng hiên ngang vươn mình ngắm những đổi thay trên quê hương mình. Đường vào rừng thác Mai quanh co không còn gập ghềnh những đá mà được rải nhựa sạch sẽ. Xẻ rừng mà đi, du khách hít thở không khí trong lành. Hồ nước nóng khoáng chất đã được xây dựng lại, để nhân dân đến đây thưởng ngoạn. Chiều xuống, cây cầu in một nét ngang lòng hồ, ẩn trong mây nước là phượng đỏ rực, bằng lăng tím ngắt hay hoa muồng hồng bát ngát rừng xanh. Thác nước xa xa réo gọi làm du khách lạc lối về.
Nếu thích khám phá đá Ba Chồng, du khách cứ thẳng tiến vào thị trấn. Ô kìa! Ba hòn đá tự nhiên được chồng lên nhau sừng sững vươn mình ra quốc lộ như vợ ngóng trông chồng bao đời mà hóa đá. Chùa Thiên Chơn vừa được xây sửa xong, vòm cong mái đỏ ẩn hiện trong quần thể đá. Hòn Bạch Tượng với hình hai con voi, một lớn một bé, cõng cả tượng Phật trên lưng. Xa xa, hòn dĩa chênh vênh bao quanh bởi quần thể đá lớn nhỏ ẩn hiện trong ánh mặt trời chiếu lấp ló những rặng cây. Đứng trên cao nhìn ra xung quanh, TT.Định Quán xanh rì trập trùng bát ngát. Làng Thượng với đồng lúa và nhà rong của dân tộc Châu Mạ xanh ngút tầm mắt. Con đường sạch đẹp quanh co với từng dãy nhà cao tầng kiên cố.
Tôi cùng bạn lên thăm lại ngôi trường cũ đã từng công tác ở H.Tân Phú, thăm Khu du lịch Suối Mơ xinh đẹp ở Trà Cổ. Bạn tôi ngạc nhiên trước sự thay đổi của nơi này sau hơn 10 năm về lại. Suối Mơ như một thiên đường nghỉ dưỡng với dòng nước nguồn mát trong được xây dựng thành từng hồ lớn nhỏ trên diện tích khoảng 30ha. Lũ trẻ con vào đây chơi cả ngày chưa muốn lên bờ. Còn chị em chúng tôi chụp hình sống ảo trong xanh ngát mây trời và cây cối, trong sạch đẹp, tiện nghi và ngắm bầy cá koi cả ngàn con nức mắt. Chiều xuống, chúng tôi không quên tạt qua hòn đá ở Phú Điền, ngắm ruộng đồng, ngắm cánh đồng sen và chụp vài kiểu ảnh lưu niệm...
5. Quê tôi Định Quán hiền hòa mến khách và Tân Phú láng giềng huyện cuối thân thương. Thời gian đo bằng màu tóc của mẹ, bằng sự lắng xuống của tâm hồn chúng ta, bằng sự trưởng thành của các con và bằng sự thay đổi của vạn vật. Cùng với Đồng Nai 325 năm, Định Quán nay đã là nông thôn mới với đường đèn phố xá. Bất chợt ai đó hỏi tôi rằng: “Quê bạn có gì đẹp?” tôi không ngần ngại mà nghĩ đến núi đá, rừng xanh và suối mát. Nhưng giờ đây, tôi đã tự hào mà thêm rằng, phố xá, đường đèn, nhà cao đã ẩn hiện trong mây trời Định Quán. Bất chợt câu hát vang lên “quê tôi như thuở nào, tháng ngày đời gieo neo…”.
Lê Thị Hồng Nhạn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin