Nhà giáo, nhà văn Bùi Quang Tú, sinh năm 1948 tại xã Tiên Thủy, H.Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông là con trai của nhà văn Bùi Hiển, thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Nhà văn Bùi Hiển (1919- 2009) có những đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp văn chương cách mạng Việt Nam, được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Nhà giáo, nhà văn Bùi Quang Tú, sinh năm 1948 tại xã Tiên Thủy, H.Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông là con trai của nhà văn Bùi Hiển, thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Nhà văn Bùi Hiển (1919- 2009) có những đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp văn chương cách mạng Việt Nam, được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Nhà văn Bùi Quang Tú (thứ 2 từ phải sang, hàng trước) và một số anh em văn nghệ sĩ Đồng Nai ở đền thờ Lưu Nhân Chú (xã Văn Yên, H.Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) |
Cả một đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục
Nhà văn Bùi Hiển công tác tại cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam từ sau Ngày Giải phóng thủ đô
(10-1954) nên tuổi thơ, tuổi thanh niên Bùi Quang Tú gắn bó với Hà Nội. Tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm, Bùi Quang Tú được điều về công tác tại Trường Học sinh Miền Nam tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), và ông đã có trọn năm đầu đời giáo viên công tác ở đây. Tháng 9-1973, đang là giáo viên Trường cấp 3 (PTTH) Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, Bùi Quang Tú xung phong đi B chi viện cho chiến trường miền Nam.
Nhà thơ NGUYỄN QUANG THIỀU, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết về ông: “Bùi Quang Tú là thầy giáo viết văn, có lẽ vậy mà văn ông giản dị và hiền như tính cách của một thầy giáo của những thế hệ trước kia. Mỗi câu chuyện của ông luôn được kể một cách giản dị nhưng đều hướng tới tình người và những giá trị truyền thống”. |
Sau 3 tháng ròng rã vượt Trường Sơn, đến miền Đông Nam bộ, thầy giáo Tú được phân công tác ở Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Biên Hòa. Ông công tác trong ngành Giáo dục và gắn bó với mảnh đất Đồng Nai từ ngày đó. Gần 2 năm công tác tại chiến khu trong bom đạn nhiều gian khổ, hy sinh cũng là khoảng thời gian quý báu trong cuộc đời thầy giáo Bùi Quang Tú, cho ông vốn sống đặc biệt để sáng tác những tác phẩm văn chương sau này. Ông được kết nạp Đảng trong chiến khu, ngay năm đầu khi vào chiến trường.
Sau Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, Bùi Quang Tú ở lại tham gia xây dựng ngành Giáo dục Đồng Nai. Ông kinh qua nhiều vị trí công tác: Cán bộ Phòng Phổ thông Ty Giáo dục Đồng Nai, Hiệu phó Trường THPT Ngô Quyền, Hiệu trưởng Trường THPT Nam Hà, giảng viên Trường Cán bộ quản lý giáo dục tỉnh, giảng viên Trường cao đẳng Sư phạm Đồng Nai (nay là Trường đại học Đồng Nai). Gần 40 năm công tác, giảng dạy, nhà giáo Bùi Quang Tú đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần đào tạo ra nhiều thế hệ học trò, giáo viên cho tỉnh, để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong lòng đồng nghiệp, lòng biết ơn, kính trọng của nhiều thế hệ học trò.
Chuyên tâm viết về nghề giáo
Sinh ra trong gia đình có truyền thống văn chương, nhà giáo Bùi Quang Tú có năng khiếu và say mê sáng tác văn chương. Ông là một trong những cây bút đầu tiên tham gia thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai vào tháng 12-1979 và tích cực hoạt động xây dựng Hội. Ông cũng là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
BÙI QUANG TÚ được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014. |
Vốn sống những năm hoạt động giáo dục ở miền Đông Nam bộ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vốn sống về nhà giáo, nhà trường đã được nhà văn Bùi Quang Tú đưa vào các trang viết của mình, thành những tác phẩm có giá trị về ngành giáo dục. Đó là các tác phẩm: Lớp học trong rừng (ký); Đường tới Biên Hòa (ký); Chuyện kể của thầy hiệu trưởng (tập truyện ngắn); Tách cà phê và dòng ký ức (tản văn)… Kỷ niệm những năm tháng tuổi thơ, tuổi thanh niên lớn lên, học tập, công tác ở Hà Nội, những ân tình của đất và người Thủ đô, đặc biệt là được gần gũi, học tập bên những nhà văn, nhà thơ lớn của văn chương Việt Nam hiện đại, Bùi Quang Tú dành cả 1 tập tản văn Lời cám ơn với Hà Nội để tri ân. Rùa vàng của bé Quỳnh là tập truyện xinh xắn của ông dành cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng. Bùi Quang Tú đã thử sức ở nhiều thể loại văn chương: truyện ngắn, bút ký, tản văn… và cả thơ nữa nhưng có lẽ thể loại ông có ưu thế nhất là bút ký, tản văn, tạp bút.
Nhiều bút ký, truyện ngắn, tản văn của Bùi Quang Tú đã neo vào trí nhớ bạn đọc. Có một nhà văn lớn đã nói: Thế kỷ XXI là thế kỷ của văn học phi hư cấu. Ở Đồng Nai, nhà văn Bùi Quang Tú là một trong không nhiều người chuyên tâm và có nhiều sáng tác ấn tượng nhất về nghề giáo, nghề làm thầy cao quý. Văn phong của ông giản dị, rành mạch mà không kém phần khúc chiết, dí dỏm. Những câu chuyện, chi tiết tưởng như nhặt được từ bất cứ trạng huống nào của đời sống, còn nguyên vẻ thô ráp, nguyên sơ nhưng đã qua con mắt chọn lọc tinh tế của nhà văn, giàu sức biểu cảm và mang nhiều ý nghĩa sâu xa.
Một số tác phẩm ấn tượng của Bùi Quang Tú đã được ghi nhớ bằng các giải thưởng văn chương, nhưng đặc biệt, bạn bè văn chương nhớ tới ông luôn là một nụ cười hiền hậu, chân tình, thể tất của một người thầy giáo, nhà văn, không hề so đo, thắc mắc.
Tuổi cao, bệnh trọng đã cướp ông đi. Vô cùng thương tiếc ông - một nhà giáo, nhà văn đức độ, nhiều tâm huyết.
Đàm Chu Văn