Báo Đồng Nai điện tử
En

Lung linh Phượng Hoàng cổ trấn

09:07, 14/07/2023

Phượng Hoàng cổ trấn là địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Đây là trấn cổ đã tồn tại được 1.300 năm, với những dãy nhà gỗ nằm dọc hai bên bờ sông Đà Giang.

Phượng Hoàng cổ trấn (PHCT) là địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Đây là trấn cổ đã tồn tại được 1.300 năm, với những dãy nhà gỗ nằm dọc hai bên bờ sông Đà Giang.

Phượng Hoàng cổ trấn ban đêm lung linh ánh đèn. Ảnh: Ngọc Liên
Phượng Hoàng cổ trấn ban đêm lung linh ánh đèn. Ảnh: Ngọc Liên

PHCT là nơi sinh sống của phần lớn là người dân tộc Miêu, một trong những dân tộc thiểu số của Trung Quốc. Nơi này gây ấn tượng với du khách bởi kiến trúc nhà gỗ mái ngói âm dương nằm san sát, kéo dài khoảng 8km hai bên bờ sông Đà Giang, kết nối qua lại giữa hai bên sông là những cây cầu với nhiều hình dáng khác nhau đã tạo cho PHCT nét đặc trưng.

* Đến với cổ trấn ngàn năm

Đến PHCT, nhiều du khách bị cuốn hút trước khung cảnh hữu tình, tạo cảm giác như đang sống giữa một không gian kiến trúc cổ kính với vẻ đẹp nguyên sơ bao trùm. Độc đáo hơn, PHCT nằm trải dài theo triền đồi, giữa lòng cổ trấn là con sông Đà Giang uốn lượn hiền hòa trong veo. Thời điểm nước cạn, du khách có thể nhìn thấy các loại tảo rêu mọc dưới đáy sông làm tăng thêm sự trong lành, dịu mát và yên bình của vùng quê miền núi.

Nội thành PHCT dài khoảng 8km, có 11 cây cầu bắc qua. Trong đó, nổi tiếng nhất là cây cầu Hồng Kiều với kiến trúc đẹp. Đứng trên cầu Hồng Kiều, khách du lịch có thể nhìn toàn cảnh một góc PHCT từ trên cao.

Theo tư liệu, PHCT được mệnh danh là một trong những cổ trấn đẹp nhất của Trung Quốc. Yếu tố mấu chốt để tạo nên bản sắc độc đáo cho PHCT là kiến trúc điếu cước lâu được sử dụng để xây dựng nên những ngôi nhà gỗ tại cổ trấn. Điếu cước lâu là một loại hình nhà sàn dân gian truyền thống lâu đời của người Miêu kết hợp với kiến trúc nhà cột, thích hợp cho những vùng đồng bào sinh sống gần cả núi và sông như PHCT. Do đó, kiến trúc điếu cước lâu tại PHCT vừa có yếu tố bản địa, vừa có yếu tố ngoại lai, đã tạo nên các đặc trưng cho loại hình kiến trúc nổi bật nhất của vùng cổ trấn.

Với vai trò là di tích văn hóa lịch sử, PHCT đang được Trung Quốc khai thác, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa vừa quảng bá hình ảnh, vừa nâng cao thu nhập, chất lượng đời sống người dân địa phương từ doanh thu du lịch. Hiện nay, khi đến PHCT, du khách sẽ được tham quan những căn nhà cổ, trải nghiệm phong tục tập quán của người Miêu và thưởng thức những món ăn dân gian của người dân địa phương.

Để thấy hết được vẻ đẹp của PHCT, ngoài được tận mắt ngắm kiến trúc nhà gỗ vào ban ngày, khách tham quan còn được tận hưởng sự lung linh của PHCT vào ban đêm.

Khách du lịch chụp ảnh trong trang phục người Miêu
Khách du lịch chụp ảnh trong trang phục người Miêu

Bà Nguyễn Thái Tường Vân, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Thái Loan (TP.Biên Hòa), một trong số ít doanh nghiệp Đồng Nai khai thác các tour Trung Quốc cho biết, vào ban ngày, PHCT cho thấy một vẻ đẹp cổ kính thì khi đêm xuống, du khách sẽ được thấy một PHCT lung linh, rực rỡ, mang phong cách hiện đại với đủ loại đèn sắc màu. Theo bà Vân, buổi tối cũng là thời điểm mà các hoạt động vui chơi, mua sắm diễn ra sôi nổi, hấp dẫn khách du lịch.

* Những cô gái Miêu bên sông Đà Giang

Nhiều du khách lần đầu đến PHCT đã tỏ ra thú vị không chỉ bởi kiến trúc nhà gỗ cổ kính mà còn bị cuốn hút bởi những cô gái trong trang phục rực rỡ dạo chơi trên đường.

Phượng Hoàng cổ trấn thuộc tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc. Khách du lịch Việt Nam có thể đến bằng đường hàng không hoặc tàu hỏa, đường bộ (các tỉnh phía Bắc) qua các cửa khẩu Lào Cai, Hữu Nghị, Móng Cái.

Anh Vương Nghị, hướng dẫn viên du lịch địa phương tại tỉnh Hồ Nam cho biết, những cô gái trên thực chất là khách du lịch nhưng đang mặc trang phục truyền thống của người bản địa là phụ nữ dân tộc Miêu. Theo anh Nghị, từ sau đại dịch Covid-19, dịch vụ cho thuê trang phục truyền thống để chụp hình phát triển mạnh. Khách du lịch đến PHCT rất thích mặc trang phục người Miêu để chụp hình kỷ niệm với cảnh đẹp của vùng cổ trấn.

Chị Trần Thị Thu Sương, một vị khách du lịch theo tour đến từ TP.HCM cho biết, lần đầu tiên đến PHCT đã tạo cho chị những cảm xúc khó quên bởi sự độc đáo từ những công trình kiến trúc nhà cổ. Ngoài ra, PHCT còn để lại ấn tượng trong lòng chị qua hình ảnh rất nhiều khách du lịch trong trang phục những cô gái Miêu tạo dáng bên sông Đà Giang. Vào sâu bên trong cổ trấn, chị Sương thấy được những sinh hoạt thường ngày của người Miêu, thử những món ăn truyền thống của người Miêu như: bánh ngải cứu, các món ăn chế biến từ nông sản địa phương...

 

Du lịch góp phần giải quyết việc làm cho người dân tộc vùng cao của tỉnh Hồ Nam
Du lịch góp phần giải quyết việc làm cho người dân tộc vùng cao của tỉnh Hồ Nam

Từng du lịch nhiều quốc gia trên thế giới, thế nhưng khi đến PHCT, anh Nguyễn Phú Gia (TP.HCM) cũng thừa nhận, PHCT mang những vẻ đẹp độc đáo không nơi nào có được. Anh Gia chia sẻ: “Tôi đã tìm hiểu và biết, PHCT là điểm đến mới được Chính phủ Trung Quốc khôi phục vào đầu năm 2023 với nhiều chính sách ưu đãi để kích cầu du lịch. Với vẻ đẹp của riêng mình, cùng chính sách  kích cầu du lịch, tôi nghĩ PHCT sẽ là điểm đến được nhiều du khách chọn lựa”.

Chia sẻ về thị trường du lịch Trung Quốc thời gian qua, bà Nguyễn Thái Tường Vân cho biết, từ khi Trung Quốc mở cửa du lịch trở lại, Thái Loan đã liên kết với một số doanh nghiệp tại TP.Biên Hòa và TP.HCM đưa nhiều đoàn khách đến PHCT. Theo đó, để đến PHCT, du khách có thể đăng ký tour TP.HCM – Trương Gia Giới (Trung Quốc) với các điểm đến tại Trung Quốc như: Vũ Lăng Nguyên, Miêu trại, PHCT, công viên quốc gia Trương Gia Giới. Theo bà Vân, đây là thời điểm khách tham quan Trung Quốc tốt nhất do đang có chính sách ưu đãi giá nhằm kích cầu du lịch từ các doanh nghiệp lữ hành.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích