Mới chuyển về ấp 3, xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) sinh sống được 6 năm nhưng gia đình ông Lê Doãn Cự đã có nhiều đóng góp cho phong trào khuyến học và các hoạt động xã hội của địa phương. Ông Cự cũng là tấm gương sáng trong xây dựng gia đình, dòng họ học tập.
Mới chuyển về ấp 3, xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) sinh sống được 6 năm nhưng gia đình ông Lê Doãn Cự đã có nhiều đóng góp cho phong trào khuyến học và các hoạt động xã hội của địa phương. Ông Cự cũng là tấm gương sáng trong xây dựng gia đình, dòng họ học tập.
Các cháu nội, ngoại của ông Lê Doãn Cự (ấp 3, xã Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu) thắp hương báo cáo với tổ tiên sau 1 năm học. Ảnh: NVCC |
Sau mỗi năm học, ông bà đều tổ chức tổng kết và khen thưởng để động viên, khuyến khích tinh thần học tập của các cháu.
* Khó đến đâu cũng phải học
Ông Lê Doãn Cự (quê gốc ở TX.Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) là giáo viên, có 28 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người. Năm 1972, gia đình ông rời quê hương vào lập nghiệp ở tỉnh Long An và TP.HCM. Đến năm 2017, ông quyết định về sinh sống, vui hưởng tuổi già tại ấp 3, xã Vĩnh Tân còn các con cháu vẫn sinh sống tại TP.HCM.
Công tác trong ngành giáo dục nên ông Cự càng hiểu rõ về tầm quan trọng của tinh thần học tập suốt đời. Khi còn trẻ, dù gia đình rất khó khăn, vất vả nhưng ông vẫn cho các con học hành đàng hoàng. Tinh thần hiếu học đó được nuôi dưỡng, lan tỏa đến thế hệ các cháu. Vì vậy, các cháu nội, ngoại của ông đều có ý thức học hành tốt. Đến nay, ông Cự đã có 4 người cháu nội, ngoại tốt nghiệp đại học.
Với những đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới, cho hoạt động xã hội, ông Lê Doãn Cự đã được cấp ủy, chính quyền địa phương tặng nhiều bằng khen, giấy khen về điển hình trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. |
Ông thường khuyên các con, cháu trong gia đình rằng bao giờ cũng phải giữ lấy chữ trung và chữ hiếu; tất cả con cháu chỉ có hai con đường là học và lao động. Để nhắc nhở con cháu về học tập, rèn luyện, ông Cự đã làm đôi câu đối “Tu thân, tích đức, xây nền muôn đời thịnh; luyện trí, rèn tài, hội nhập vạn đại hưng”.
Đôi câu đối được treo trang trọng trong gian thờ chính của dòng họ để nhắc nhở con cháu trong gia đình, dòng họ không ngừng học tập, rèn luyện cả về học vấn lẫn đạo đức. Đồng thời, nhắc nhở tinh thần hội nhập trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay. Ông Cự cho rằng, nếu không hội nhập thì khó có thể thành công, vươn xa.
Chia sẻ về vai trò của người lớn tuổi trong học tập, ông Cự cho hay: “Người lớn có gương mẫu, quan tâm đến việc học thì con cháu mới nỗ lực học tập. Do đó, tôi luôn nói các con: “Các anh chị muốn làm gì thì làm phải quan tâm việc học của con. Có như vậy thì mới nhắc nhở con kịp thời. Không thể một năm đôi lần đi họp phụ huynh là xong”. Nếu người lớn không quan tâm việc học thì các cháu không phấn đấu”.
* Quan tâm công tác khuyến học
Để khuyến khích các cháu trong việc học, mỗi năm, gia đình ông Cự đều tổ chức tổng kết năm học và phát thưởng cho các cháu. Theo đó, các con cháu trong gia đình tề tựu về gian thờ chính của gia đình để cùng thắp hương báo cáo với tổ tiên. Sau đó ông bà sẽ phát thưởng cho các cháu.
Ông Cự chia sẻ: “Cháu nào có thành tích học tập cao thì thưởng nhiều hơn. Cách làm này đã khuyến khích tinh thần học tập của các cháu trong gia đình. Ngoài ra, việc tập trung con cháu cũng xây dựng tinh thần đoàn kết của các thành viên trong dòng họ. Anh chị em họ hàng cũng gần gũi, tình cảm với nhau hơn”.
Không chỉ quan tâm việc học của gia đình, ông Cự còn rất hăng hái tham gia phong trào khuyến học của địa phương. Ông cho rằng: “Muốn khuyến học phát triển thì ngoài vận động xây dựng quỹ, các đoàn thể cần có “hòm khuyến học”. Mỗi khi họp hành, giao ban, tổng kết, mỗi người góp một ít vào hòm khuyến học này. Ngoài ra, định kỳ hàng năm, ban ấp phối hợp cùng chi hội khuyến học ấp nên tổ chức khen thưởng, trao học bổng cho học sinh trên địa bàn ấp”.
Năm nay, đã 80 tuổi nhưng ông Cự vẫn rất tích cực tham gia các phong trào của địa phương và được tín nhiệm bầu là thành viên Ban Công tác Mặt trận ấp. Với tinh thần của một nhà giáo, ông luôn gương mẫu đi trước trong các phong trào chung, sống với tinh thần “mình vì mọi người, mọi người vì mình”…
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Cự đã dành một phần lương hưu, vận động con cháu trong gia đình tham gia ủng hộ 68 triệu đồng để xây dựng 1 căn nhà tình thương; ủng hộ hơn 40 triệu đồng để làm đường bê tông vào nhà văn hóa ấp, xây dựng đường vào nghĩa trang và lắp điện phục vụ nghĩa trang ấp 3. Bên cạnh đó, gia đình ông còn ủng hộ các cháu thiếu niên mùa trung thu, tân binh lên đường nhập ngũ, hỗ trợ người cao tuổi kinh phí để xây dựng CLB văn nghệ…
Hải Yến