Báo Đồng Nai điện tử
En

Rong ruổi Nam Trung bộ

08:07, 14/07/2023

Cách đây tròn một năm, tôi đã có dịp vài lần rong ruổi qua những miền đất Nam Trung bộ đầy nắng, gió và phát hiện thêm nhiều bãi tắm, nhiều điểm cần phải đến trên hành trình du lịch. Qua những chuyến đi mới nhận thấy cả một dải đất miền cực Nam Trung bộ đang có những chuyển mình mạnh mẽ từ chính tiềm năng của biển, của nắng và của gió. 

Cách đây tròn một năm, tôi đã có dịp vài lần rong ruổi qua những miền đất Nam Trung bộ đầy nắng, gió và phát hiện thêm nhiều bãi tắm, nhiều điểm cần phải đến trên hành trình du lịch. Qua những chuyến đi mới nhận thấy cả một dải đất miền cực Nam Trung bộ đang có những chuyển mình mạnh mẽ từ chính tiềm năng của biển, của nắng và của gió.  

Hoang sơ bãi tắm xã Xuân Hải, TX.Sông Cầu, tỉnh Phú Yên
Hoang sơ bãi tắm xã Xuân Hải, TX.Sông Cầu, tỉnh Phú Yên

* Đất chuyển mình

Chúng tôi khởi hành lúc 9 giờ kém từ TP.HCM và tranh thủ tối đa vận tốc cho phép trên tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây để bù cho đoạn quốc lộ 1 qua Long Khánh, Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) và Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận). Xe đến địa phận H.Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong lúc hơn 14 giờ, bao nắng nóng, mệt nhọc vơi đi phần nhiều khi trước mắt là khung cảnh hữu tình tiếp nối, một bên là núi đá, một bên là biển xanh - cát vàng. Nổi bật trên khung cảnh thiên nhiên ấy là những trụ điện cao thế thẳng tắp, đan với nhau, trạm biến áp của các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2, 3 nằm bên phải đường như minh chứng cho bước chuyển mình của một vùng đất đầy nắng gió như Ninh Thuận được biết đến là nơi “nắng như rang và gió như phang”. Càng ra đến Phan Rang, chúng tôi càng bị cuốn hút bởi những trụ điện gió sừng sững, vươn cao hai bên đường quốc lộ dễ làm cho người ta quên đi cái sự khắc nghiệt vốn có của thiên nhiên nơi đây - trước đây chỉ là những đụn cát, cây bụi, nắng nóng muốn khô rát cả người khi trời vào hè.

Sau khi vượt thêm khoảng hơn 300km nữa thì chúng tôi đã gần với địa giới tỉnh Bình Định, nhờ có tuyến đường Sông Cầu - Quy Nhơn nên rút ngắn thời gian so với đi theo quốc lộ 1 mà còn được ngắm biển Nam Trung bộ. Chúng tôi dừng xe bên một bãi tắm hoang sơ thuộc địa phận xã Xuân Hải, TX.Sông Cầu, vòng ra phía sau một khách sạn với cái tên gợi cảm Rubeach để thu vào ống kính cảnh sắc của biển. Từng đợt sóng tung bọt trắng xóa liên tục dội vào bờ, vào những mỏm đá nhô lên trên bãi cát tạo nên những âm thanh ầm ào quyến rũ quen thuộc của biển.

Cảm giác về sự chuyển mình của vùng đất Nam Trung bộ lại ngự trị khi chúng tôi đi qua khỏi cầu Nhơn Hội, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Nếu những năm trước đây, vượt qua cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam (7km) nối trung tâm TP.Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai chỉ thấy toàn cát là cát thì nay đã thấy lù lù những trụ điện gió chạy dài hai bên đường kéo dài gần chục km. Và để đánh thức vùng đất phía Đông Bắc này, tỉnh Bình Định đã mạnh dạn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để mở một con đường mới Quy Nhơn - Cát Tiến (H.Phù Cát) để rút ngắn thời gian di chuyển từ sân bay Phù Cát về. Trên trục đường lớn một chiều, mỗi bên 3 làn xe thẳng tắp đã thấy xuất hiện một số nhà máy sản xuất công nghiệp, mở ra cơ hội mới phát triển cho mảnh đất Nam Trung bộ này.

* Những điểm đến chờ đợi khám phá

Chuyến đi vào, chúng tôi quyết định vẫn đi qua con đường Cát Tiến - Quy Nhơn để vào Phú Yên và lại thêm một lần ấn tượng với cảnh quan bên đường. Còn cách trung tâm TP.Quy Nhơn khoảng 20km là một khung cảnh nên thơ, như bức tranh thủy mặc với đồng ruộng mới sạ lên màu mạ non, sau lưng là đồi núi thấp với những hàng trụ điện gió vững chãi vươn xa. Gần đó là một tượng Phật bà nằm trên lưng chừng núi khổng lồ nghe nói là điểm tham quan đang rất ăn khách của Bình Định mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Sáng hôm sau, khi xe qua Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận khoảng hơn 10 giờ, mọi người lại vô cùng bất ngờ khi được chiêm ngưỡng rừng hoa bằng lăng tím ở xã Tân Lập. Cả một ngọn núi thấp phía bên trái quốc lộ 1 ngập tràn màu tím. Có lẽ từ trước đến giờ chưa bao giờ tôi gặp được rừng hoa bằng lăng đẹp rực rỡ và nhiều như thế. Không chỉ có khách phương xa mà nhiều chị em ở các huyện lân cận cũng tranh thủ chụp ảnh. Một phụ nữ đứng tuổi cho chúng tôi biết rừng hoa bằng lăng này nở vào tháng 4-5 dương lịch hàng năm và nơi đây là điểm đến quen thuộc của các nam thanh nữ tú các địa phương xung quanh như TP.Phan Thiết, H.Hàm Tân. Và không chỉ có dân địa phương mà nhiều xe du lịch biển số TP.HCM, các tỉnh phía Nam cũng không bỏ lỡ dịp may được ngắm rừng hoa thiên nhiên.

Vẫn còn nhiều cái tên hấp dẫn đang chờ du khách như bãi biển Cà Ná (Ninh Thuận), gắn với nghề làm nước mắm truyền thống hay một bãi biển La Gi hoang sơ với hải sản tươi sống vẫy gọi.

Khung cảnh hữu tình ở Cát Tiến (H.Phù Cát, tỉnh Bình Định)
Khung cảnh hữu tình ở Cát Tiến (H.Phù Cát, tỉnh Bình Định)

Có một chút ưu tư còn đọng lại của chuyến đi là những bảng hạn chế tốc độ kiểu “khu dân cư” mọc lên nhan nhản và dày đặc suốt dọc quốc lộ 1 dễ làm phiền lòng các bác tài. Có khi vừa ra khỏi khu vực hạn chế tốc độ tài xế mới biết xe vừa qua khu vực khu dân cư buộc phải hạn chế tốc độ. Chúng tôi cùng nhau nhẩm đếm thì chỉ riêng đoạn quốc lộ 1 qua tỉnh Bình Thuận có đến 28 biển báo hạn chế tốc độ. Việc cắm biển hạn chế tốc độ quá dày vừa như một cái “bẫy” cho giới lái xe ô tô các loại, vừa gây ra mệt mỏi, căng thẳng khi luôn phải căng mắt trên đường để nhận diện biển báo.

Hy vọng sau khi các dự án cao tốc qua địa bàn hoàn thành, lượng xe lưu thông sẽ giảm hẳn và mong ngành chức năng các tỉnh nên xem xét giảm bớt biển báo hạn chế tốc độ để tạo thuận lợi hơn cho các phương tiện lưu thông, cũng là cách để thu hút du khách đến với địa phương mình.     

            Văn Phong

Tin xem nhiều