Trong các nghề thủ công truyền thống ở vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, nghề khai thác và chế tác đá được xuất hiện khá sớm.
Trong các nghề thủ công truyền thống ở vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, nghề khai thác và chế tác đá được xuất hiện khá sớm.
Nghệ nhân Ngụy Khắc Phước - một bàn tay vàng chế tác đá. Ảnh: B.THUẬN |
Theo các tư liệu lịch sử, vào cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII ở cù lao Phố (nay là P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) đã có đường phố được lót đá. Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức đã mô tả kiến trúc cù lao Phố khi được mở mang thành Nông Nại đại phố như sau: “Mái ngói tường vôi, lầu cao quán rộng, liền lạc tới 5 dặm, chia vạch làm 3 đường phố, đường phố lớn lát đá trắng, phố giữa lát đá ong, phố nhỏ lát đá xanh…”.
Công trình xây dựng đường sá đô thị bằng đá đầu tiên ở xứ Đồng Nai này được thực hiện bởi một số thợ đá người Hẹ vốn là di dân Trung Hoa theo chân đoàn quân của Trần Thượng Xuyên đến địa bàn lập nghiệp vào năm 1679. Nguồn đá cho việc kiến thiết Nông Nại đại phố được lấy từ núi Bửu Long và các mỏ đá lộ thiên ở Hóa An, Bình Hòa, Tân Lại.
Đời chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765), Cai cơ Lê Văn Hòa đứng ra chỉ đạo thi công cầu đá (thạch kiều) dài 25 trượng. Đặc biệt, năm Gia Long 15 (1818) thành Biên Hòa được xây lại kiên cố “có hào bao quanh rộng 4 trượng 6 thước và ngoài 4 cửa đều xây cầu đá ngang qua hào để đi lại”; đến năm 1837, thành Biên Hòa đắp đất được xây lại bằng đá ong.
Đá ong được xem là… “đá Biên Hòa”
Trước đó khá lâu, cư dân bản địa đã hình thành nghề khai thác và chế tác đá ong để sử dụng vào việc xây dựng cơ sở thờ tự, lăng mộ, bờ kè…
Đá ong màu nâu đỏ, nhiều lỗ nhỏ do oxit sắt tạo ra. Dân làm đá ong thường sản xuất theo 2 dạng: đá lá bài và đá mộ (đá chẻ thành cây làm thành và trụ mộ).
Đá ong lát đường ở Nông Nại đại phố được xác định là lấy ở thôn Bình Đa (nay là P.Bình Đa, TP.Biên Hòa). Trong sách Bình Đa kháng chiến (NXB Đồng Nai, 1992) cho biết: “Đá ong Bình Đa góp phần xây dựng nhiều lăng mộ, đền miễu vùng núi Sam, núi Sập (An Giang ) và trải đường cái quan tỉnh Rạch Giá cũ”.
Thành Gia Định xây năm 1890 cũng sử dụng đá ong Biên Hòa.
Địa chí tỉnh Biên Hòa năm 1901 ghi: “Cả tỉnh có 150 hầm đá, đặc biệt ở các làng Bình Đa, Bình Ý, Tân Phong, Tân Bản, Nhựt Thạnh, Bình Dương, Long Điền, Tân An, Tân Mai, Vĩnh Cửu, Phước Tân, An Lợi, Phước Kiểng”. Thời nghề làm đá ong cực thịnh này tập trung ở Bình Đa, hình thành nên địa danh Bến Đá được dân thương lái tụ tập mua bán “đá Biên Hòa” đi tứ xứ bằng đủ loại ghe thương hồ…
Làng nghề đá Bửu Long
Nếu từ thập niên 50 của thế kỷ trước, với sự xuất hiện ngày càng phong phú và đa dạng các loại vật liệu xây dựng tiện dụng đã đẩy nghề làm đá ong đi vào thế suy tàn; thì đá xanh ra đời sau đá ong vẫn tiếp tục ăn nên làm ra, góp phần tạo ra tên tuổi cho nghề đá Biên Hòa.
Những sản phẩm đá tiêu biểu của làng nghề Bửu Long |
Trong số di thần người Hoa di tản đến Biên Hòa vào năm 1679, có một số người gốc Hẹ chuyên nghề làm đá. Đầu tiên có 8 gia đình thuộc các họ Lưu, Đặng, Phạm về làng Tân Lại, vài gia đình khác họ Trương, họ Hứa đến thôn Bình Điện… đều chọn nơi cư trú quanh vùng núi Bửu Long để làm nghề khai thác và chế tác đá, trước mắt là cung cấp đá lát đường cho việc mở thương cảng Nông Nại đại phố.
Nhà nghiên cứu Lương Văn Lựu cho rằng: “Núi Long Ẩn trong vùng Bửu Phong nằm ở vị trí thuận lợi, có đường xe bò, có đường sông, có sẵn nguồn nguyên liệu đá, nên số người Hoa thạo nghề rèn và ken thạch tìm đến để khai thác. Về sau, từ nhóm người hành nghề đông đảo ở Bửu Long, một số gia đình đã tách ra đến các nơi khai thác khác như ở Bình Trị (nay thuộc Vĩnh Cửu), Bình Long (Chợ Đồn - Bửu Hòa), Đồng Môn (Long Thành). Nhưng có lẽ, để trụ được và duy trì nghề thì chỉ có vùng Bửu Long”.
Khác với đá ong, đá xanh là đá granit có màu xanh xám với các tinh thể thạch anh sáng lóng lánh dưới ánh mặt trời, nên Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí còn gọi là… đá trắng.
Nghề làm đá xanh được phân làm 2 dạng: khai thác đá sống và chế tác đá chín. Cả hai công việc này đều cha truyền con nối và cháu chắt tiếp tục nối nghề vì đều đòi hỏi một số kỹ năng riêng. Nếu làm đá chín đòi hỏi người thợ phải có năng khiếu mỹ thuật như: khéo tay, tài hoa; thì dân làm đá sống, tưởng chừng đơn giản hơn, nhưng phải có sức khỏe thật tốt để tung được cái búa nặng hàng chục ký, cầm vững cái nêm sắt to bằng cổ tay… và đặc biệt là phải nhận biết chính xác đâu là mạch đá trong một tảng đá hay vách đá để đặt nêm cho đúng chỗ…
Phất lên nhờ khai thác đá
Việc khai thác đá sống rất nặng nhọc, nên hiếm có người thợ nào sống đến tuổi 60. Tuy vậy, các chủ hầm đá vẫn hốt bạc trước nhu cầu mở mang đường sá, xây dựng.
Thấy nguồn lợi này đều nằm trong tay các nhà tư sản người Hoa, vào thập niên 70 của thế kỷ XIX, một người Pháp tên Le Faucheur từng là lính viễn chinh vân du khắp xứ Đông Dương đã đến Biên Hòa nhảy vô lĩnh vực khai thác đá và sỏi làm ăn rất phát đạt; sau đó còn mở thêm lò nung vôi ở Krotié (Campuchia).
Trong lịch sử, việc dùng đá tảng Biên Hòa để xây thành Bát Quái ở Gia Định vào thời chúa Nguyễn phần nào nói lên vai trò quan trọng nguồn tài nguyên khoáng sản của miền bán sơn địa Đồng Nai và nhiều sản phẩm chế tác đá như: tượng 3 vị Tổ thờ ở miếu Tiên Sư tại Bửu Long, tượng Bồ Tát Quan Âm 11 mặt ở chùa Quan Thế Âm (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), ngôi mộ cụ bà Dương Thị Hương (Dưỡng nữ của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định) ở Gò Công, Tiền Giang… càng khẳng định mạnh mẽ hơn tài nghệ của những thế hệ làm nghề chế tác đá mỹ nghệ Biên Hòa. |
Người Việt Nam đầu tiên chen chân vào lĩnh vực khai thác đá xây dựng là ông Võ Hà Thanh. Quê Quảng Ngãi, ông theo người cha bị nhà cầm quyền Pháp bắt đày vào Biên Hòa vì tội tham gia phong trào Cần Vương. Mới 15 tuổi, Thanh đi làm mướn để nuôi thân. Vài năm sau ông sắm được chiếc xe bò chuyển sang kéo đá mướn; sau đó mở hầm khai thác đá và phất lên nhanh chóng. Năm 1901-1902, Võ Hà Thanh trúng thầu xây cầu Hang (cầu đường sắt vượt quốc lộ 1 ở giáp ranh Bửu Hòa - Hóa An). Tiếp đến, ông lập đồn điền cao su ở làng Tân Phong, thu gom nhiều sở cao su khác từ Thủ Đức đến Biên Hòa, mua hàng ngàn mẫu ruộng ở Cà Mau…, làm sui gia với ông Phủ Lố ở Dĩ An, ông Bang Xịch và mua chức Đốc Phủ sứ trở thành nhà cự phú tiếng tăm lừng lẫy của Biên Hòa.
Từ cuối thế kỷ XIX, việc khai thác đá ở Bửu Long bắt đầu được hiện đại hóa. Sở Trường Tiền Biên Hòa (Giao thông công chánh) có hẳn đội khai thác đá lên đến 70 nhân viên, thầy thợ sử dụng máy khoan lỗ nạp thuốc nổ bắn đá và các kỹ thuật viên đục lỗ, nạp mìn. Sản phẩm đá có nhiều loại: đá bắn ra được cho vào dàn máy xay thành các kích cỡ để trải đường, đổ bê tông… Đá khối có máy chẻ thành lát cho các công trình kiến trúc, đá cục để xây tường xây móng…
Từ làng nghề Bửu Long, sản phẩm đá Biên Hòa hầu như có mặt khắp các công trình xây dựng, kiến thiết xa lộ, cầu đường ở miền Nam. Nhiều thứ khác như: đá tán, cột tán, kè móng, ngạch cửa, cối giã gạo, cối xay bột… được sử dụng thông dụng ở miền Tây Nam bộ đều có xuất xứ: “made in Bửu Long”.
Đỉnh cao của nghề đá Biên Hòa
Mang lại danh tiếng cho sản phẩm đá Biên Hòa lại là nghề làm đá chín. Chỉ với chiếc búa và cái đục, người thợ đá có thể tạo ra tấm mộ bia chạm khắc rồng phượng, phù điêu nổi có dây leo, con kỳ lân ngậm trái châu, các loại tượng.
Nhưng trước đó phải mất rất nhiều năm công phu học cách chọn đá, chẻ đá, chạm khắc đá… vì loại sản phẩm này không chấp nhận phế phẩm; chỉ một thao tác thiếu chính xác là món đồ kỳ công bị loại bỏ, không thể tái chế.
Hầu hết các đình chùa miếu mạo ở miền Nam đều có trụ cột đá, kỳ lân đá… được sản xuất ở làng nghề Bửu Long.
Khoảng từ năm 2000 trở lại đây, nghề chế tác đá ở Bửu Long áp dụng kỹ thuật tiên tiến. Trước đây, việc khắc chữ lên bia đá rất công phu: nhờ người có hoa tay viết chữ đẹp trên tờ giấy trắng rồi can bằng giấy than lên mặt đá; sau đó thợ đục theo nét than. Bây giờ cả chữ và hoa văn trang trí được thiết kế bằng máy vi tính rồi dùng máy mài hoặc máy phun cát chạm khắc tạo ra hình chữ với đường nét rất sắc sảo.
Tiếng tăm về tay nghề của thợ chạm khắc đá Bửu Long, được nhiều nơi trong nước biết đến và mời thi công các công trình điêu khắc đá có giá trị nghệ thuật, như: Nguyễn Thanh Tiên, Ngụy Khắc Phước…
Bùi Thuận