Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó giải bài toán về xã hội hóa giáo dục ở TP.Biên Hòa

07:07, 28/07/2023

TP.Biên Hòa từ lâu là "điểm nóng" về vấn đề quá tải trường, lớp. Để khắc phục tình trạng này, thành phố đã ưu tiên đầu tư, xây dựng thêm nhiều trường công lập nhưng vẫn không bắt kịp với tốc độ gia tăng của sĩ số học sinh.

TP.Biên Hòa từ lâu là “điểm nóng” về vấn đề quá tải trường, lớp. Để khắc phục tình trạng này, thành phố đã ưu tiên đầu tư, xây dựng thêm nhiều trường công lập nhưng vẫn không bắt kịp với tốc độ gia tăng của sĩ số học sinh. Do đó, việc khuyến khích xã hội hóa (XHH) giáo dục nhằm phát triển thêm hệ thống trường ngoài công lập là rất cần thiết.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa NGUYỄN XUÂN THANH
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa NGUYỄN XUÂN THANH

Tuy nhiên, hoạt động XHH giáo dục ở TP.Biên Hòa đang gặp phải nhiều khó khăn. Xoay quanh vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa NGUYỄN XUÂN THANH đã có chia sẻ với Báo Đồng Nai cuối tuần.

“Điểm nghẽn” XHH giáo dục

* TP.Biên Hòa là địa phương đầu tiên của tỉnh có trường ngoài công lập với sự ra đời của Trường THPT tư thục Lê Quý Đôn (năm 1998). Đến nay, sau 25 năm, hệ thống trường tư thục trên địa bàn thành phố phát triển như thế nào, thưa ông?

- Là thành phố có đông người dân nhập cư đến sinh sống, làm việc nên hàng năm, sĩ số học sinh của TP.Biên Hòa tăng nhiều. Hiện trung bình mỗi năm thành phố tăng khoảng 7 ngàn học sinh. Trong khi hệ thống trường công lập phát triển không kịp với tốc độ gia tăng dân số thì việc kêu gọi XHH là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc XHH giáo dục ở TP.Biên Hòa  đang gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu phát triển ở bậc mầm non, THPT và không có nhiều trường tư thục ở bậc tiểu học (TH), THCS.

Cụ thể, TP.Biên Hòa hiện có 112/234 trường ngoài công lập, trong đó có 96 trường mầm non, 11 trường liên cấp TH-THCS-THPT, 3 trường TH, 1 trường THCS, 1 trường TH-THCS. Tương ứng với đó, số học sinh ngoài công lập ở bậc TH và THCS cũng rất ít (7,3% đối với bậc TH và hơn 12% đối với bậc THCS).

* Theo ông, tại sao việc phát triển trường ngoài công lập ở bậc TH, THCS lại không bằng 2 bậc học còn lại? TP.Biên Hòa đang gặp phải những khó khăn nào trong việc kêu gọi XHH giáo dục?

- Việc XHH ở bậc TH và THCS còn hạn chế so với các bậc học còn lại là điều dễ hiểu bởi nhiều nguyên nhân. Đây là bậc phổ cập, Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để huy động học sinh ra lớp chứ không thực hiện phân luồng. Do vậy, ở những địa bàn có đông học sinh, dù đã có trường tư thục trong khi trường công thì quá tải nhưng phụ huynh vẫn chọn vào trường công lập để tiết kiệm chi phí.

Mỗi năm TP.Biên Hòa tăng khoảng 7 ngàn học sinh, nên nhu cầu xây dựng thêm trường học là rất bức thiết. Những năm qua, TP.Biên Hòa đã ưu tiên chi ngân sách cho việc xây dựng trường, lớp nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

UBND TP.Biên Hòa đã quan tâm, chú trọng trong công tác quy hoạch mở rộng đối với đất cơ sở GD-ĐT. Tuy nhiên, thực tế quỹ đất sạch để có thể kêu gọi đầu tư phát triển trong lĩnh vực giáo dục vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư.

Mặt khác, hiện nay chúng ta còn thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù (như các chính sách về đất đai, thuế…) để thu hút, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia XHH trong lĩnh vực giáo dục.

Giải bài toán về quỹ đất sạch

* Tiếp tục kêu gọi XHH trong lĩnh vực giáo dục chắc chắn là phương án mà thành phố sẽ tiếp tục triển khai. Việc này sẽ được thực hiện như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

- Hiện nay, TP.Biên Hòa đã lên danh mục kêu gọi đầu tư XHH giáo dục đối với 11 trường TH và 1 trường THCS với quy mô từ 1,1 ngàn đến hơn 2 ngàn học sinh/trường. Khó khăn lớn nhất của XHH giáo dục chính là vấn đề đất đai, mà cụ thể là thiếu quỹ đất sạch. Vì vậy, để có thể thu hút được các dự án XHH giáo dục thì chúng ta phải giải được bài toán khó này.

Học sinh bậc tiểu học của Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa) được làm quen với môn Tiếng Anh và Tin học ngay từ lớp 1. Ảnh: C.Nghĩa
Học sinh bậc tiểu học của Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa) được làm quen với môn Tiếng Anh và Tin học ngay từ lớp 1. Ảnh: C.Nghĩa

Theo đó, TP.Biên Hòa tiến hành rà soát quỹ đất công tại các địa phương phù hợp với quy hoạch giáo dục để giới thiệu xây dựng thêm trường lớp, đáp ứng quy mô học sinh trên địa bàn, giới thiệu đất cho việc tái định cư các hộ dân giải tỏa trắng.

Trong 12 dự án trường học trong danh mục Biên Hòa mời gọi đầu tư XHH giáo dục, có 4 trường TH ở P.Long Bình, 4 trường TH ở P.Phước Tân, 2 trường TH ở P.Tam Phước, 1 trường TH ở P.Tân Hòa và 1 trường THCS ở P.Long Bình Tân.

Trước mắt, 12 dự án trường học nói trên sẽ nằm ở các phường có khả năng giải tỏa, tạo quỹ đất sạch như: Long Bình, Phước Tân, Tam Phước, Tân Hòa, Long Bình Tân. Chỉ khi có đất sạch thì mới có thể mời gọi nhà đầu tư được.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ cập nhật các chủ trương, chính sách của bộ, ngành trung ương và UBND tỉnh để điều chỉnh kịp thời theo quy định. Chúng tôi sẽ xây dựng bộ thủ tục hành chính đơn giản, giảm các thủ tục để khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài nhà nước cùng tham gia xây dựng đóng góp cho sự nghiệp giáo dục thành phố.

* Ngoài việc giải “bài toán” về quỹ đất sạch, TP.Biên Hòa sẽ có những giải pháp nào để tiếp tục khuyến khích XHH giáo dục trong thời gian tới, thưa ông?

- Việc mời gọi đầu tư, xây dựng các trường ngoài công lập chỉ là một phần của công tác XHH giáo dục. Trên thực tế, XHH giáo dục là việc huy động các nguồn lực trong xã hội để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Do đó, ngoài việc tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng trường, lớp thì TP.Biên Hòa sẽ tiếp tục tích cực thúc đẩy các hoạt động XHH giáo dục khác, theo đúng các chủ trương, quy định hiện hành về XHH giáo dục.

Cụ thể, TP.Biên Hòa sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương chính sách khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập theo Nghị Định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16-6-2014 về chính sách khuyến khích XHH đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; tuyên truyền và đẩy mạnh chủ trương XHH giáo dục theo Quyết định số 386/QĐ-UBND ngày 5-12-2014 của UBND tỉnh về Đề án Phát triển các lĩnh vực Văn hóa xã hội tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2015-2020 và các văn bản của UBND tỉnh, Sở GD-ĐT.

Một phòng tin học hiện đại được Trường TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu (TP.Biên Hòa) đầu tư phục vụ học tập của học sinh. Ảnh: C.Nghĩa
Một phòng tin học hiện đại được Trường TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu (TP.Biên Hòa) đầu tư phục vụ học tập của học sinh. Ảnh: C.Nghĩa

Tăng cường sự vận động, hỗ trợ của các ban ngành, các tổ chức xã hội như: Hội Khuyến học, Liên đoàn Lao động, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, các cơ quan thông tin đại chúng, ban đại diện hội cha mẹ học sinh… trong vấn đề khuyến khích, vận động toàn xã hội tham gia phát triển sự nghiệp GD-ĐT.

Tiếp tục thực hiện chủ trương giao đất, cho thuê đất miễn tiền thuế với các cơ sở GD-ĐT ngoài công lập theo Quyết định số 61/2013/QĐ-UBND ngày 30-9-2013 của UBND tỉnh về việc miễn, giảm thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án thực hiện XHH trên địa bàn tỉnh Đồng Nai…

Thành phố kêu gọi các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cần quan tâm, chia sẻ trách nhiệm cộng đồng, tạo điều kiện xây dựng trường mầm non, TH nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em người lao động để người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp lâu dài và làm việc tốt hơn.

* Xin cảm ơn ông!

Hải Yến (thực hiện)


Trưởng phòng GD-ĐT TP.Long Khánh TRẦN CÔNG NGHỊ: Kêu gọi đầu tư xây dựng trường đại học

Theo Quyết định số 5100/QĐ-UBND ngày 17-12-2021 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000 TP.Long Khánh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 thì TP.Long Khánh có 3 dự án dự kiến thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để mời gọi đầu tư các công trình giáo dục. Đó là: Khu đô thị đại học tại P.Suối Tre với quy mô khoảng 42ha; khu đất GD-ĐT tại P.Bảo Vinh có quy mô khoảng 0,52ha; khu đất GD-DT tại P.Bảo Vinh với quy mô khoảng 1,1ha.

Để quy hoạch đi vào thực tế, TP.Long Khánh cần có sự hỗ trợ của các sở, ngành cấp tỉnh trong việc kêu gọi đầu tư xây dựng trường đại học trên địa bàn thành phố để đảm bảo tiêu chí đô thị loại II vào năm 2025.

Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Trảng Bom NGUYỄN VĂN HOÀNG LONG: Huy động nguồn lực XHH cho các hoạt động giáo dục

Mỗi năm, H.Trảng Bom tăng thêm khoảng 3 ngàn học sinh, hệ thống trường học hiện nay khó có thể đáp ứng kịp với nhu cầu trường lớp. Do đó, việc kêu gọi XHH, xây dựng trường ngoài công lập  là điều cần thiết.

Mục tiêu đến năm 2025 của H.Trảng Bom là phải huy động nguồn vốn để phát triển thêm 9 trường tư thục, trong đó có 8 trường tiểu học và 1 trường THPT, tập trung ở các xã có khu công nghiệp và có dân số tăng cơ học nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu học ngày càng tăng của con em người dân trên địa bàn.

Cùng với việc mời gọi nhà đầu tư xây trường, H.Trảng Bom sẽ thực hiện đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, tranh thủ các nguồn viện trợ, tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ, sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích nguồn thu XHH giáo dục.

Phó hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Trần Đại Nghĩa (xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom) LÊ XUÂN THỌ: Mong muốn đóng góp vào đào tạo nguồn nhân lực

Chúng tôi đã có hơn 15 năm đầu tư vào giáo dục, quá trình đầu tư đã tạo ra ngôi trường học tập được nhiều phụ huynh tin tưởng, đến nay trường đã có số lượng học sinh khá đông. Phụ huynh cảm thấy an tâm khi chất lượng học tập đảm bảo.

Chúng tôi mong muốn nhà nước tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, làm sao thủ tục thông thoáng, thuận lợi. Nhà đầu tư có thể rút ngắn thời gian triển khai các thủ tục xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, cung cấp điện… Khi tiết kiệm được chi phí xây dựng, quản lý, vận hành… nhà đầu tư sẽ có điều kiện giảm học phí cho học sinh, quan trọng nhất là góp phần vào đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.

Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Công nghệ Đồng Nai - TS PHAN NGỌC SƠN: Cần ưu tiên về chính sách đất đai, thuế, thủ tục hành chính

Chúng tôi đang có nhu cầu mở rộng hoạt động đào tạo, tuy nhiên khó khăn hiện nay là phải có quỹ đất đủ rộng theo tiêu chuẩn của một trường đại học để có thể đào tạo đa ngành.

Những ngành mới chúng tôi hướng đến là công nghệ đáp ứng nhu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, để có thể đón những cơ hội mới khi Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, có nhiều nhà đầu tư công nghệ hàng đầu thế giới tìm đến nhưng lại đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chúng tôi rất mong muốn nhà nước sẽ có ưu tiên về chính sách đất đai, thuế, thủ tục hành chính. Khi có những điều kiện thuận lợi, chúng tôi sẽ nhanh chóng rút ngắn thời gian đầu tư, đầu tư được sớm, nhanh gọn sẽ đẩy nhanh quá trình đào tạo, tạo ra những giá trị to lớn về mặt kinh tế - xã hội.

Chị VƯƠNG THỊ CÚC, người dân P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa): Mong có trường THPT công lập trên địa bàn phường

Tôi có 2 con đang trong độ tuổi học sinh THCS. Quan điểm của tôi là chọn trường gần nhà nhất để tiết kiệm thời gian di chuyển và đảm bảo an toàn cho con. Dù còn mấy năm nữa các con của tôi mới bước vào độ tuổi học THPT nhưng cứ nghĩ đến việc thi vào THPT công lập và việc đưa đón con đi học là tôi lại lo lắng.

Trên địa bàn phường hiện có 1 trường tư thục nhưng với đa số dân lao động thì không “kham” nổi tiền học phí ở trường tư này. Vì vậy, trường công lập vẫn là ưu tiên lựa chọn hàng đầu.

Không chỉ cá nhân tôi mà nhiều người dân ở P.Trảng Dài đều mong muốn trên địa bàn phường có trường THPT công lập, nếu có 2 trường thì càng tốt, vì dân ở Trảng Dài quá đông.

Tường Vi - Đặng Công (ghi)


 

Tin xem nhiều