Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật: Cần nỗ lực để nhà báo 'định danh' mình giữa thời đại làm báo 'không tên'

07:06, 17/06/2023

Sinh năm 1980 và đã có 6 năm ở cương vị Phó tổng biên tập Báo điện tử Việt Nam Plus, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật được biết đến là một trong những nhà báo "đi đầu" trong ứng dụng công nghệ vào hoạt động báo chí. Là một nhà báo 8X "đời đầu" -  cũng là thế hệ nhà báo được cho là dễ gặp nhiều "hoang mang" khi vừa kế thừa những giá trị truyền thống của nghề báo, vừa đón nhận "làn sóng" công nghệ nhanh, mạnh.

Sinh năm 1980 và đã có 6 năm ở cương vị Phó tổng biên tập Báo điện tử Việt Nam Plus, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật được biết đến là một trong những nhà báo “đi đầu” trong ứng dụng công nghệ vào hoạt động báo chí. Là một nhà báo 8X “đời đầu” -  cũng là thế hệ nhà báo được cho là dễ gặp nhiều “hoang mang” khi vừa kế thừa những giá trị truyền thống của nghề báo, vừa đón nhận “làn sóng” công nghệ nhanh, mạnh. Thế hệ nhà báo 8X hiện tại đã có nhiều nhà báo hoạt động ở các vị trí quản lý, lãnh đạo, nắm vai trò dẫn dắt một thế hệ làm báo tiếp theo.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật chia sẻ kinh nghiệm tại một hội thảo về chuyển đổi số báo chí
Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật chia sẻ kinh nghiệm tại một hội thảo về chuyển đổi số báo chí

Việc sử dụng chatbot nói riêng hay trí tuệ nhân tạo (AI) không còn là điều mới mẻ. AI đã được sử dụng trong mọi công đoạn của hoạt động sản xuất báo chí, từ thu thập, phân tích, xử lý thông tin, viết bài, phân phối tin tức… Và điều đáng nói là, liệu nhà báo sẽ “định danh” mình ở đâu và như thế nào trong thời đại độc giả gần như không còn quan tâm ai là người viết nên tin tức?

Nhà báo thế hệ mới còn là “nhà sáng tạo nội dung”

* Anh nghĩ gì về ý kiến đây là thời đại làm báo “không tên” - với hàm ý độc giả không còn nhớ nhiều về tên tuổi những nhà báo đứng tên dưới bài viết hay bản tin, họ đơn giản chỉ ghi nhận thông tin. Và do đó, nhà báo ngày càng trở nên “vô hình” trong mắt độc giả?

- Thật ra thì chúng ta không còn ngạc nhiên về điều này vì cách tiếp nhận thông tin của độc giả ngày nay đã thay đổi rất nhiều. Nhiều thống kê cho thấy độc giả ngày càng có xu hướng thích “xem và nghe thông tin” hơn là “đọc tin” trong bối cảnh nhiều người đọc đang “di cư” lên các nền tảng số. Và khi xem và nghe thông tin trên nền tảng số, thay vì đọc tin như trước đây, thì họ cũng không còn quan tâm đến tác giả nào đứng tên dưới mỗi bài báo nữa.

Cần nhớ, đây là thời đại Web3 - được định nghĩa là người dùng cũng có thể tạo ra nội dung. Trong kỷ nguyên “nhà báo công dân” như bây giờ thì bất cứ ai cầm một chiếc điện thoại thông minh cũng có thể đóng vai người đưa tin. Không phải ngẫu nhiên mà lượng tương tác của các hội nhóm hay fanpage trên mạng xã hội lại lớn hơn lượng truy cập vào các trang báo chính thống. Nên nói là nhà báo trở nên “vô hình” trong mắt độc giả thì cũng không hoàn toàn sai. Nhưng như thế thì nhiệm vụ của nhà báo lại càng trở nên cao cả hơn - với tư cách một người kiểm chứng thông tin.

“Rất khó nói công nghệ sẽ đi xa đến đâu và có vượt khỏi tầm kiểm soát của con người hay không, điều này không chỉ đúng trong lĩnh vực báo chí. Vậy nên việc soạn thảo, thiết lập các hành lang pháp lý, vạch ra những ranh giới rõ ràng về đạo đức là điều cần làm ngay vì nó vô cùng cần thiết”.

* Anh thấy có những nét giống và khác cơ bản nào giữa một nhà báo ở thế hệ 8X với thế hệ làm báo gen Y, gen Z? Họ có còn quan tâm nhiều đến việc định vị xà xây dựng tên tuổi cho mình trong nghề như các thế hệ trước hay không?

- Tôi nghĩ rằng khát khao định vị bản thân, khẳng định tên tuổi của người làm báo thì không bao giờ thay đổi. Nhưng sẽ có chút khác biệt về cách thức tạo dựng tên tuổi.

Ngoài vai trò một phóng viên thì giờ các bạn trẻ còn đóng vai Facebooker, Youtuber, Tiktoker… Điều này xuất phát từ cách thức tiếp nhận thông tin của độc giả đã thay đổi, và cách thức làm báo cũng thay đổi. Trước đây các nhà báo kể câu chuyện bằng con chữ, thì giờ thế hệ Y, Z còn kể các câu chuyện bằng hình ảnh, bằng dữ liệu… Có thể nhiều người cho rằng gen Y, gen Z kể chuyện không sâu như thế hệ trước. Nhưng tôi nhận thấy họ lại rất sáng tạo trong cách kể chuyện, và đôi khi họ xây dựng tên tuổi của mình với tư cách là “nhà sáng tạo nội dung” hơn là một nhà báo.

* Suy nghĩ của anh về quan điểm các công cụ như ChatGPT hay AI có thể thay thế (ở một mức độ nào đó) công việc của một nhà báo? Liệu chúng ta có nên lo lắng đến cụm từ như “mất việc”, “giảm việc” hay chưa?

- Trong cuốn Sáng tạo báo chí 2022-2023 có trích dẫn một câu nói điển hình, đó là “chưa bao giờ các nhà báo lại có nhiều công cụ trong tay để kể câu chuyện của mình như bây giờ”. Đúng là trên thế giới, đã có những người làm trong các cơ quan báo chí mất việc vì AI. Nhưng đổi lại, chưa bao giờ sản xuất các sản phẩm báo chí đa phương tiện lại dễ như bây giờ. Nên thay vì lo lắng sẽ mất việc vì AI, chúng ta nên suy nghĩ theo hướng các tòa soạn có thể loại bỏ bớt những công việc nhàm chán, mang tính lặp đi lặp lại để dồn nguồn lực cho những sản phẩm báo chí sáng tạo hơn.

“Tôi không hoang mang ”

* Anh “định vị” mình như thế nào trong một thời đại làm báo có quá nhiều biến chuyển hiện nay? Có khi nào anh bị “ngợp” hoặc hoang mang không?

- Ngợp thì có nhưng hoang mang thì không. Và “ngợp” ở đây chính là cảm xúc khi được xem những tác phẩm báo chí sáng tạo của các cơ quan báo chí trên thế giới. Và “hoang mang” thì cũng mang một hàm ý khác, rằng không biết những người xung quanh mình có chấp nhận thay đổi để bắt kịp với xu hướng của báo chí thế giới hay không?

* Với các nhà báo trẻ, công nghệ phát triển nhanh, đang là lợi thế hay bất lợi? Có thể làm gì để biến công nghệ thành công cụ lợi thế cho nghề?

- Người trẻ chính là người bắt kịp công nghệ một cách nhanh nhất, và sẵn sàng trải nghiệm những điều mới mẻ. Nên trong kỷ nguyên số, tuổi trẻ đã là một lợi thế nhất định và đừng bỏ lỡ cơ hội đó để khẳng định bản thân. Cái cần làm là phải nắm bắt thật nhanh khi được trao cơ hội.

Còn việc biến công nghệ thành công cụ phục vụ cho nghề nghiệp của mình thì hiện nay nhiều tòa soạn đã và đang làm tốt. Các bạn trẻ đang rất có lợi thế khi xu hướng chuyển đổi sang các nền tảng số, xu hướng áp dụng công nghệ trong sản xuất và phân phối nội dung ngày một rõ nét. Và theo tôi, điểm mấu chốt là sao chúng ta không thoát ra khỏi suy nghĩ “nhà báo chỉ kể chuyện bằng chữ nghĩa”, để tiếp cận thật nhanh với xu hướng, nhu cầu mới của bạn đọc: kể câu chuyện, sản xuất tin tức bằng nhiều hình thức, công cụ khác và phân phối chúng trên nhiều nền tảng khác nhau mà không làm thay đổi bản chất nội dung tin tức?

“Một thực tế là các công cụ như ChatGPT hầu như không sai chính tả, ngữ pháp, thậm chí cả cách hành văn đều ổn, vì nó được huấn luyện quá tốt. Nhưng ở khía cạnh cảm xúc, nhận định, quan điểm thì theo tôi, AI có hay đến đâu chăng nữa, thì nó cũng chưa thể thay thế được trí óc của con người”.

* Anh nghĩ để “ghi danh” mình, nhà báo hiện nay phải nỗ lực thế nào? Và có cần phải “ghi danh” cho mình giữa thời đại hiện nay không?

- Chúng ta không thể không nhắc đến xu hướng “chối bỏ tin tức” từng được đề cập trong báo cáo Digital News của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters từ năm 2022. Nên việc ghi danh trong làng báo khi người dùng lại đang tôn vinh các KOL, KOC khiến thách thức đối với các nhà báo càng lớn.

Như chúng ta đã nói ở phần đầu cuộc trò chuyện, nhà báo có thể đóng vai trò người kiểm chứng thông tin, hay nhà sáng tạo nội dung. Với tôi, các yếu tố nói trên không nằm ngoài mục đích: kể những câu chuyện, đưa tin tức chính xác đã được kiểm chứng đến bạn đọc bằng nhiều cách kể khác nhau, trên nhiều nền tảng khác nhau, độc giả muốn nền tảng nào thì báo chí xuất hiện ở nền tảng đó, với tin tức đã được kiểm chứng và xác tín bởi nhà báo chuyên nghiệp.

Và vì vậy, những yếu tố đó sẽ càng bồi đắp cho những giá trị mang tính cốt lõi của nhà báo chứ không làm nhà báo trở nên “vô danh” hay mất đi vai trò, vị trí của mình.

* Xin cảm ơn anh!

Kim Ngân (thực hiện)

Tin xem nhiều