Báo Đồng Nai điện tử
En

Đọc sách của hai nhà báo cách mạng lão thành Võ Thế Đại, Lê Thiện

07:06, 16/06/2023

Hai nhà báo Võ Thế Đại và Lê Thiện là những chủ tịch các nhiệm kỳ đầu tiên của Hội Nhà báo Đồng Nai, lúc đó gọi là Thư ký hội. Dù hai vị quá vãng đã lâu nhưng những người làm Báo Đồng Nai cỡ U.70 đều nhớ như in hình ảnh hai vị, từng làm báo trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Hai nhà báo Võ Thế Đại và Lê Thiện là những chủ tịch các nhiệm kỳ đầu tiên của Hội Nhà báo Đồng Nai, lúc đó gọi là Thư ký hội. Dù hai vị quá vãng đã lâu nhưng những người làm Báo Đồng Nai cỡ U.70 đều nhớ như in hình ảnh hai vị, từng làm báo trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ngoài những tình cảm yêu thương dành cho các lớp làm báo trẻ, chú - xin thưa bằng đại từ nhân xưng thân thiết này, chú Ba Đại và  chú Út Thiện viết một số sách  đáng quý…

Nhà báo cách mạng Võ Thế Đại phải trải qua 16 năm ngục tù Côn Đảo, không làm nhụt chí chiến đấu của người Cộng sản. Quê Thanh Hóa nhưng vào chiến đấu ở chiến trường Đông Nam bộ đã lâu, sau năm 1975, chú Võ Thế Đại là Thư ký đầu tiên, nay là Chủ tịch Hội Nhà báo Đồng Nai. Làm công tác hội đoàn, không trực tiếp tham gia tác chiến, tác nghiệp ở các cơ quan báo chí nhưng ông thường xuyên có bài in trên Báo Đồng Nai, là những bài thơ chống tiêu cực mà những năm tại vị thập niên 80, ông đau đáu về nạn “nội xâm” này.

Tác giả Võ Thế Đại để lại 4 tập thơ, đều chung tựa Tiếng lòng 1, 2, 3, 4. Tiếng lòng 4 là tập thơ đầy đặn, hơn 250 bài thơ, một số bài tuyển in lại từ tập 1, 2, 3. Làm báo qua 3 thời kỳ, chống Pháp, Mỹ và hòa bình thống nhất đất nước, tháng 5-1994 ông có bài thơ Đường luật với nghề nghiệp và cũng là lời nhắc nhở quý báu cho các thế hệ làm báo tiếp nối:

 Bão táp phong ba quyết sống còn

 Biển khơi trôi nổi một thuyền con

 Mưa gào chẳng nản lòng trung hiếu

 Gió thét không phai nghĩa nước non

 Phẩm chất luôn luôn là mẫu mực

 Lương tâm mãi mãi giữ vuông tròn.

 Lâu đài Tổ quốc xây bằng máu

 Lịch sử vang hoài thiên bút son

                                                                 (Đời làm báo)

Thơ Đường nặng về niêm luật, bài thơ hai câu thực và luận đối rất chỉnh nhưng có lẽ tác giả không suy nghĩ, đắn đo, chọn lựa khó khăn lắm, tự nhiên như lòng trung của ông.

oOo

Lịch sử Báo chí Đồng Nai phải ghi một kỷ lục về nhà báo Lê Thiện, thường gọi là chú Út Thiện (1928-2011), là người từng trải qua nhiều đơn vị báo chí trước và sau năm 1975. Ông làm báo từ năm 20 tuổi trong kháng chiến chống Mỹ ở tỉnh Thủ Dầu Một, năm 1957 được cử qua Phnompênh ở Campuchia ra báo tiếng Việt có tên là Sống Chung, Trung Lập do Xứ ủy phụ trách, sau đó về Thông tấn xã Giải Phóng, Tiền Phong, Văn nghệ Giải phóng, Nhân dân Miền Nam, Đài Phát thanh Giải phóng.

Sau năm 1975, ông về Báo Đồng Nai thời gian ngắn, sau đó là  Đài PT-TH Đồng Nai, Chủ tịch Hội Nhà báo Đồng Nai. Khi tuổi đã cao nhưng ông còn giúp biên tập cho Báo Lao động Đồng Nai.

Cuốn sách có tựa Võ Tòng đả hổ của ông được cấp giấy phép in năm 2010, kịp ra mắt khi ông mất 2011. Đây là cuốn sách tập hơn các bài viết của ông tin trên Báo Đồng Nai Lao động Đồng Nai ở mục Tào lao cuối tuầnPhiếm luận với bút danh Út Trà Huế,
Tiểu Yến.

Bài Võ Tòng đả hổ lấy tựa cho tập sách là một ký ức về một đồng đội, đồng chí tên là Võ Văn Tòng thời thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam năm 1960. Hơn 200 trang sách còn lại là các tiểu phẩm, phiếm luận về tất cả các lĩnh vực trong đời sống chính trị - xã hội , chủ yếu tập trung về các vấn đề tiêu cực, mâu thuẫn trong mọi quan hệ đời sống, có bài sâu cay, có bài nhẹ nhàng nhưng rất ý nghĩa, chỉ ra những bất hợp lý trên mọi vấn đề. Lật một trang bất kỳ, như trang 226 có câu đối thoại trong phiếm luận:

- Đúng, nhờ thật thà nên dân tin, nên kháng chiến nhứt định thắng lợi chớ hổng phải như mấy cha xài bằng cấp giả để làm lớn rồi dùng kiến thức “giả cầy” để dân chạy hết đầu này tới đầu kia, mệt muốn đứt hơi mà chẳng được gì.

Bài viết chắc chắn trước năm 2011, nay vẫn còn thời sự.

Nhớ đến hai vị, đọc hai tập sách, học được nhiều điều...

Trần Chiêm Thành

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích