Báo Đồng Nai điện tử
En

Hè vui của trẻ em nông thôn

09:06, 24/06/2023

Nghỉ hè với trẻ em nông thôn cũng có khá nhiều hoạt động thú vị.

Nghỉ hè với trẻ em nông thôn cũng có khá nhiều hoạt động thú vị.

Nguyễn Hữu Nghĩa (học lớp 2, xã Phước Thái, H.Long Thành) cùng mẹ và chị cặm cụi làm sạch từng cụm nấm theo yêu cầu của chủ cơ sở sơ chế nấm. Với mỗi ký làm sạch em được nhận 1 ngàn đồng. Ảnh: V.TRUYÊN
Nguyễn Hữu Nghĩa (học lớp 2, xã Phước Thái, H.Long Thành) cùng mẹ và chị cặm cụi làm sạch từng cụm nấm theo yêu cầu của chủ cơ sở sơ chế nấm. Với mỗi ký làm sạch em được nhận 1 ngàn đồng. Ảnh: V.TRUYÊN

Có em chủ động xin làm thêm để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Có trẻ phụ gia đình chăm sóc cây trồng, vật nuôi… Nhưng tất cả đều có điểm chung là bớt được áp lực học tập và có thời gian vui chơi.

* Kiếm tiền trong dịp hè

Em Trịnh Thị Thùy Linh (xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) cặm cụi làm sạch từng cụm nấm rồi đóng bịch theo yêu cầu của chủ cơ sở sơ chế nấm. Với mỗi ký nấm làm sạch em được trả 1 ngàn đồng.

Thùy Linh cho hay, trong năm học thì một buổi đến trường, thời gian còn lại em đến nơi làm việc. Từ khi nghỉ hè đến nay, em làm việc toàn thời gian tại đây. “Em mong sẽ tiết kiệm được một số tiền nhỏ để khi đầu năm học mẹ đỡ cực hơn” - Thùy Linh nói.

Theo bà ĐỖ THỊ PHƯỚC THIỆN, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, dịp hè này Hội dành nhiều sự quan tâm đến trẻ em ở các cơ sở bảo trợ xã hội. Không chỉ tặng quà, Hội còn tổ chức nấu bữa ăn yêu thương, tổ chức các trò chơi tập thể... cho các em.

Cũng làm công việc tương tự là em Nguyễn Hữu Nghĩa (học lớp 2, xã Phước Thái, H.Long Thành). Nghĩa theo mẹ và chị làm sạch nấm cho các cơ sở sơ chế. Ban đầu chỉ là theo mẹ và chị đi chơi vì ở nhà một mình không ai yên tâm nhưng rồi cắt thành quen tay nên giờ Nghĩa cũng có thể kiếm được 10-20 ngàn đồng/ngày.

Còn em Mai Nhật Hào (học sinh lớp 8, xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất), dịp hè này đi lột mít múi thuê cho các chủ vườn. Với mỗi ký mít thành phẩm em nhận được 2 ngàn đồng tiền công. Không phải ngày nào cũng có mít để lột nên công việc của Nhật Hào cũng ngày có ngày không.

Tuy mới 14 tuổi nhưng Nhật Hào là tay lột mít có “tiếng” ở xã khi đã có gần 6 năm gắn bó với công việc lột mít thuê. “Nếu tranh thủ sau giờ học, mỗi ngày em chỉ có vài chục ngàn. Nếu làm toàn thời gian như dịp hè  thì có khi được 100 ngàn đồng. Ngồi cả ngày một chỗ người ê ẩm rất khó chịu, nhưng để phụ gia đình và mong muốn có cho mình cây đàn guitar để tập luyện nên em cố gắng” - Nhật Hào nói.

Ở cùng xã với Nhật Hào có em Mai Hùng người dân tộc Chơro và năm học tới sẽ vào lớp 2. Khi nghỉ hè em được gia đình giao phụ chăm sóc 10 con dê lớn nhỏ. Hàng ngày, em cho dê ăn, dọn dẹp chuồng dê. Đôi khi rảnh thì phụ ông bà ngoại lột mít múi của nhà tự trồng rồi bán lại cho các cơ sở thu mua; trèo cây hái chôm chôm để ngoại bán hay theo cậu đi cắt cỏ, rọc lá cho dê ăn.

Mai Hùng nói: “Em làm quen rồi nên thấy vui. Nhiều khi em được cha mẹ cho ra chợ để mua đồ chơi, đi ăn hàng, đến khu vui chơi. Nghỉ hè là mấy tháng sướng nhất với em”.

* Những sân chơi mùa hè

Cùng với những công việc làm thêm, dịp hè là thời điểm nhiều phụ huynh đăng ký cho con em tham gia vào các hoạt động năng khiếu, ngoại khóa.

Thành viên nhóm tình nguyện Trường đại học Đồng Nai vui chơi cùng trẻ em tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh vào ngày 15-6
Thành viên nhóm tình nguyện Trường đại học Đồng Nai vui chơi cùng trẻ em tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh vào ngày 15-6

Được cha mẹ cho tham gia vào các lớp năng khiếu bóng đá tại xã Bàu Hàm (H.Trảng Bom), em Nguyễn Văn Thái (vừa hoàn thành chương trình tiểu học) cho hay, một tuần 7 ngày em đều có mặt ở sân bóng để tập luyện vào buổi chiều. Em thấy vui khi được đá banh. Ngoài ra, mỗi tuần một lần em được cho đi hồ bơi để tập bơi, tập lặn.

Tương tự, tại P.Bàu Sen (TP.Long Khánh), dịp hè này lớp bóng đá miễn phí tại phường đông hơn hẳn những thời điểm khác trong năm. Bởi ai cũng muốn con mình có nơi vui chơi, tập luyện năng khiếu khi được tạm xếp bút mực sang một bên.

Chị Hà Tuyết (xã Xuân Đông, H.Cẩm Mỹ) cho biết, để con có thêm những trải nghiệm trong thời gian hè, chị đăng ký cho con vừa hoàn thành chương trình tiểu học của mình tham gia vào các chương trình ngoại khóa, như: tập vẽ, thử thách làm nông, tập bơi. Ngoài ra, do làm nông tại nhà nên chị có nhiều thời gian để hướng dẫn con mình cách phòng tránh tai nạn thương tích, nhận biết mối nguy hiểm từ các loại rắn, ong và nhiều loại côn trùng khác.

Bên cạnh đó, nhiều trẻ em không được cha mẹ cho đến các lớp học năng khiếu song nhờ sự trợ giúp của cộng đồng mà được tạo điều kiện sinh hoạt ngoại ngữ miễn phí.

Cụ thể, từ tháng 6-2023, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam H.Cẩm Mỹ đã thực hiện 2 lớp dạy ngoại ngữ cùng những kiến thức khác dành cho trẻ em tại một số xã ở huyện. Có gần 200 trẻ em tham gia vào những lớp học miễn phí này. Cùng với bổ sung kiến thức theo hình thức vừa học vừa chơi, thỉnh thoảng các em còn được ăn bánh, uống nước và có quà mang về cho anh chị em trong nhà sau mỗi buổi học.

Tương tự, tại P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa), đại đức Thích An Thuận (trụ trì Phật đường Pháp Tuyền) cũng duy trì lớp học tình thương dành cho trẻ em ở các phòng trọ. Lớp học không chỉ có các em tại TP.Biên Hòa mà trẻ em ở khu vực xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) cũng tìm đến. Các em đến đây được học chữ, làm phép tính, học ngoại ngữ, sinh hoạt tập thể và đôi khi còn được nhận quà là thực phẩm do nhà chùa tặng.            

Văn Truyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích