Nằm cách trung tâm TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) 3km về phía Đông Nam, đồi Thi Nhân nằm lặng lẽ, nép mình nơi "đất võ, trời văn" nhưng vẫn thu hút du khách gần xa viếng thăm.
Nằm cách trung tâm TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) 3km về phía Đông Nam, đồi Thi Nhân nằm lặng lẽ, nép mình nơi “đất võ, trời văn” nhưng vẫn thu hút du khách gần xa viếng thăm. Đây cũng là nơi an nghỉ của thi sĩ tài hoa bạc mệnh Hàn Mặc Tử. Ngôi mộ của ông được xây cất trên một gò cao, lưng dựa vào núi Xuân Vân, mặt quay ra biển Ghềnh Ráng thơ mộng…
Mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử trên đồi Thi Nhân, Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn. Ảnh: N.Hạ |
Trải bước trên con dốc thoải mang tên Mộng Cầm (một trong những bóng hồng trong thơ Hàn Mặc Tử), men theo những bậc thang đá sẽ đến nơi an nghỉ của Hàn Mặc Tử giữa những thảm cỏ xanh tốt, không khí trong lành, dịu mát.
* Bâng khuâng đồi Thi Nhân
Thắp nén hương tưởng nhớ nhà thơ tài danh, tiên phong của dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam, những người mộ điệu thơ Hàn như văng vẳng đâu đây những vần thơ trong bài Dấu tích: Lòng thi sĩ chứa đầy trang vĩnh biệt, Mộng có thành là mộng ở đầu hôm.
Mộ của ông ốp đá đơn sơ, xung quanh là những thảm cỏ xanh và tán cây mát rượi, phía trên đầu mộ là tượng Đức Mẹ dang tay hiền từ nhìn xuống. Phía trên khắc chữ khiêm nhường: “Đây an nghỉ trong tay Đức Mẹ Maria Hàn Mặc Tử, tức Phê Rô Phanxicô Nguyễn Trọng Trí. Sinh ngày 22-9-1912, tại Lệ Mỹ, tỉnh Quảng Bình, mất ngày 11-11-1940 tại Quy Hòa, Quy Nhơn, Bình Định”.
Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh năm 1912 tại Quảng Bình. Năm 16 tuổi, ông đã bắt đầu làm thơ và nổi tiếng trên thi đàn với bài thơ đầu tiên Vội vàng chi lắm. Từ năm 1935, ông đổi bút hiệu thành Lệ Thanh, rồi Hàn Mặc Tử. Năm 1936, Hàn Mặc Tử cho xuất bản tập Gái quê lừng danh và cũng chính lúc này ông phát hiện mình bị bệnh phong. Ngày 11-11-1940, Hàn Mặc Tử đã trút hơi thở cuối cùng tại trại phong Quy Hòa khi mới 28 tuổi. |
Sau khi trút hơi thở cuối cùng khi “một nửa đời chưa qua hết” tại trại phong Quy Hòa, ông được an táng tại khu mộ của làng phong Quy Hòa như hàng trăm ngôi mộ lặng lẽ khác của những người mắc bệnh phong.
Theo nhiều tài liệu, trước khi mất, Hàn Mặc Tử có một di nguyện rằng khi qua đời sẽ được chôn trên đèo Son (địa điểm nằm ở đầu TP.Quy Nhơn). Đến năm 1959, gia đình ông và nhà thơ Quách Tấn - một bạn thơ trong nhóm Bàn Thành Tứ Hữu ở Bình Định xưa (Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn và Chế Lan Viên) đã cải táng và lập mộ ông ở Ghềnh Ráng, nơi cũng tựa núi, nhìn biển như ước muốn của ông. Và theo nhà thơ Chế Lan Viên: “Bây giờ, Hàn Mặc Tử nằm trên một điểm cao Ghềnh Ráng, đối diện với bể Đông, bể chói lòa như thơ Anh và giông bão tựa đời Anh”.
Dưới chân khu vực mộ được bao bọc bởi lớp đá ong nhiều hình thù xếp chồng lên nhau, từ đây có thể phóng tầm mắt bao trọn TP.Quy Nhơn như một vòng cung với những đợt sóng trắng vỗ về bãi cát vàng phía xa. Cuộc đời ngắn ngủi nhưng nặng trĩu đau thương của Hàn Mặc Tử như được vỗ về, xoa dịu bởi núi, bởi biển và sóng gió Ghềnh Ráng.
* Phòng lưu niệm nhà thơ Hàn Mặc Tử
Cách đồi Thi Nhân không xa, nằm khuất sau đoạn đèo dốc quanh co tầm 3km là trại phong Quy Hòa, nay là Bệnh viện Da liễu Trung ương Quy Hòa. Trải qua thời gian, nơi đây đã trở thành điểm du lịch sinh thái và văn hóa hấp dẫn du khách với việc giữ lại được hầu hết nét kiến trúc Gothic từ thời Pháp, những con đường quanh co cùng tiếng sóng vỗ bên những rặng phi lao cổ thụ.
Phòng lưu niệm nhà thơ Hàn Mặc Tử tại trại phong Quy Hòa |
Đặc biệt, nơi đây còn có căn phòng mà Hàn Mặc Tử chữa bệnh và từ trần (từ ngày 30-10 đến
11-11-1940) được trùng tu để trở thành phòng lưu niệm nhà thơ Hàn Mặc Tử. Căn phòng có 2 gian trưng bày nhiều hiện vật quý như: bút tích, tập thơ, tài liệu, sách báo, giường nằm, cũng như ảnh của bậc song thân, anh chị em và những nàng thơ của Hàn Mặc Tử như Kim Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình, Ngọc Sương...
Điểm đến này giúp người yêu thơ tìm hiểu thêm về thân thế và sự nghiệp của ông cũng như biết thêm về nơi ông đã thức cùng trăng để cho ra đời những vần thơ bất hủ vào năm tháng cuối đời. Chính giữa căn phòng là một khung gỗ trích nhận định của nhà thơ Chế Lan Viên trong bài Những kỷ niệm về Hàn Mặc Tử: “Mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, còn lại chút gì trên đời này đáng kể, đó chính là Hàn Mặc Tử”…
Nghệ sĩ Dzũ Kha (trái) bên những tác phẩm nghệ thuật bút lửa thơ Hàn Mặc Tử trên gỗ thông |
Bên cạnh đó là bảng ghi chép đôi nét về tiểu sử nhà thơ Hàn Mặc Tử. Đặc biệt còn có bút tích, chữ ký tên thật của Hàn Mặc Tử gửi từ Quy Hòa về cho mẹ ở Quy Nhơn: “… viết mấy hàng chữ này để lạy từ tạ Mẹ. Con bất hiếu - Trí”. Ngoài ra còn có bức thư ông viết cho em trai kế là Nguyễn Bá Tín đang công tác tại Lào lúc ông đang bệnh nặng tại Quy Hòa…
Bên ngoài căn phòng qua khung cửa sổ, vài bông hoa giấy ửng sắc tím nhàn nhạt còn sót lại trên ngôi làng bình yên chứa đựng những ký ức về một thời quá vãng gắn với những dấu ấn tài hoa của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Ký ức đau thương về một ngôi làng bị người đời xa lánh đã không còn, nắng đã lên và thấp thoáng trong những ngôi nhà bên bãi biển bình yên ấy đã có những nụ cười. Khung cảnh này lại khiến ta nhớ về bức tranh xuân mà nhà thơ trẻ đã vẽ nên trong một Mùa xuân chín: Trong làn nắng ửng khói mơ tan/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/ Sột soạt gió trêu tà áo biếc/ Trên giàn thiên lý bóng
xuân sang.
Bút lửa giữ thơ Hàn Có lẽ nhà thơ Hàn Mặc Tử không cô đơn khi đến nay những dòng người mộ điệu thơ ông vẫn tìm đến thăm và đặc biệt một người tên là Dzũ Kha đã dựng lều bên cạnh khu mộ của ông, dùng bút lửa để vẽ thơ Hàn trong suốt 40 năm qua. Ông vẫn ngồi lặng lẽ trên đồi Thi Nhân chép thơ Hàn, say sưa giới thiệu những tác phẩm của mình đến du khách gần xa. Trong căn phòng được gọi là khu lưu niệm trưng bày hàng trăm tác phẩm nghệ thuật bút lửa thơ Hàn Mặc Tử lên gỗ thông. Có thể bắt gặp những bài thơ nổi tiếng như: Đây thôn Vĩ Dạ, Mùa xuân chín, Trăng vàng trăng ngọc, Một nửa trăng… Ông còn sưu tầm và biên soạn cuốn sách Hành trình đến với thơ Hàn Mặc Tử với những bài thơ hay và những tài liệu và hình ảnh quý giá của Hàn Mặc Tử. Đam mê và bền bỉ yêu thơ Hàn, ông tâm sự qua những vần thơ: “Tôi nguyện giữ lửa thơ Hàn/ Thắp mùa xuân chín nắng tràn trời xanh”. |
Nhật Hạ