Báo Đồng Nai điện tử
En

Bộ truyện tranh thiếu nhi từ huyền thoại đến ước mơ

07:06, 24/06/2023

Đọc Báo Đồng Nai cuối tuần số ra ngày 23-4-2023 Huyền thoại xứ Đồng Nai - bộ truyện tranh thiếu nhi về đất và người của tác giả Nguyễn Ngọc Kim, một điều gì đó thôi thúc phải tìm đọc, cảm xúc về những ước mơ xa xưa tràn về.

Đọc Báo Đồng Nai cuối tuần số ra ngày 23-4-2023 Huyền thoại xứ Đồng Nai - bộ truyện tranh thiếu nhi về đất và người của tác giả Nguyễn Ngọc Kim, một điều gì đó thôi thúc phải tìm đọc, cảm xúc về những ước mơ xa xưa tràn về.

Bộ sách đã được NXB Đồng Nai ấn hành 2 đợt, gồm 10 tập truyện tranh: Nguyễn Hữu Cảnh người mở cõi phương Nam, Trần Thượng Xuyên lập nên thương cảng Cù Lao Phố, Thủ Huồng làm nhà bè trên sông, Trịnh Hoài Đức nhà văn hóa lớn đất Đồng Nai, Truyền thuyết thác Trị An, Sự tích núi Ông Trịnh và núi Thị Vải, Chàng Út nàng Sen, Sự tích miễu Ông Chồn, Nguyễn Tri Phương danh thần trung liệt, Thuần phục cọp dữ cứu dân.

Cốt truyện của bộ truyện tranh 10 tập này được các tác giả Quang Huy - Thái Hải và Kim Ngân - Kim Khánh tích hợp từ các sách, tư liệu đã công bố lưu hành bằng lời lẽ và hình vẽ thân thiện, phù hợp với tuổi học trò. Nghe nói, ngay từ khi phát hành đã được độc giả bao gồm cả phụ huynh học sinh đón nhận với sự yêu thích và mong đợi nhiều hơn.

Với bộ truyện tranh mỏng manh 10 tập, chưa là gì so với khối lượng sách khổng lồ đã có, NXB Đồng Nai đã làm được một điều tưởng “nhỏ như con thỏ” mà khó làm được: “Giáo dục trực quan sinh động các giá trị văn hóa lịch sử địa phương trong nhà trường”.

Về chủ trương này, văn bản chỉ đạo đã nhiều, công trình nghiên cứu đã nhiều nhưng phần lớn thường dừng lại ở những tập sách, tư liệu dày trang chỉ phù hợp với người nhiều chữ, tuổi học trò khó tiếp cận. Làm sao để đưa các giá trị lịch sử văn hóa địa phương vào giáo dục phổ thông phù hợp với học sinh độ tuổi ở các cấp học? Đó là câu hỏi lớn, một việc làm cấp thiết, được chú trọng nhưng làm được chưa nhiều.

Nhiều năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở KH-CN, Sở GD-ĐT, Sở VH-TTDL, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cùng nhiều cơ quan hữu quan đã thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu, sáng tạo về nhà trường, vì nhà trường. Các giáo trình, giáo án về giáo dục văn hóa lịch sử địa phương ở Đồng Nai đã ra đời. Nhưng, ngần ấy chưa đủ về nội dung, chưa đáp ứng về hình thức, hàm lượng khoa học dày đặc, cảm xúc nhân văn từ huyền thoại, cổ tích, lịch sử mỏng manh.

Bộ truyện tranh huyền thoại gợi lại ước mơ xưa cũ. Từng đã mơ ước nhiều lắm. Bộ truyện tranh 10 tập này cần tiếp nối nhiều hơn nữa, lắng nghe, tiếp nhận ý kiến người đọc để hoàn thiện, bổ sung, nâng chất, đa dạng hình thức diễn đạt, có thể ứng dụng công nghệ để thành sách đọc, sách nghe, chia sẻ chung theo chương trình số hóa.

Vấn đề quan trọng là làm sao đưa ấn phẩm dạng này vào hệ thống truyền thông, thư viện, giáo dục phổ thông để phổ biến sâu rộng trong cộng đồng. Việc này, nghĩ không khó. Cần nhất là tính chính danh: Thư viện dung nạp vào danh mục của hệ thống thư viện cộng đồng; ngành GD-ĐT có định hướng tham khảo trong nhà trường; ngành văn hóa, truyền thông có hình thức quảng bá, tạo sinh hoạt khuyến khích động viên, ngành Xuất bản liên kết gia tăng chất lượng và số lượng.

Còn nhớ, cách đây hơn 30 năm, trong điều kiện khó khăn thời ấy, nhóm sáng tạo (do nhà văn Nguyễn Thái Hải chủ trì) còn đưa được ấn phẩm Dưới mái trường định kỳ hàng tháng đến với các trường học cả ở vùng sâu, vùng xa; huống chi bây giờ hệ thống giáo dục - văn hóa - truyền thông - xuất bản - phát hành đã liên thông.

Ắt là còn nhiều việc khó. Nhưng tại sao không?            

Ong Mật

Tin xem nhiều