Báo Đồng Nai điện tử
En

GS Lê Đình Kỵ: Dấu ấn trăm năm

07:04, 07/04/2023

Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) vừa tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố GS - nhà giáo nhân dân, nhà lý luận phê bình văn học Lê Đình Kỵ (1923-2009).

Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) vừa tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố GS - nhà giáo nhân dân, nhà lý luận phê bình văn học Lê Đình Kỵ (1923-2009).

Tọa đàm kỷ niệm 100 năm GS Lê Đình Kỵ tại TP.HCM
Tọa đàm kỷ niệm 100 năm GS Lê Đình Kỵ tại TP.HCM

Dịp này, NXB Tổng hợp TP.HCM ra mắt tập sách Trăm năm một thuở mang đến một cái nhìn khá toàn diện về người thầy của nhiều thế hệ nghiên cứu, sáng tác văn học Việt Nam.

* Một tấm gương tự học

Ngoài những công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, GS Lê Đình Kỵ vẫn luôn được nhớ đến như là một tấm gương tự học, vượt khó và dấn thân. Tại buổi tọa đàm được tổ chức tại TP.HCM ngày 31-3-2023 vừa qua, những thế hệ học trò của ông đã nhắc đến cuộc đời nghiên cứu, giảng dạy của thầy mình với sự thương yêu, quý trọng.

Sinh thời, GS Lê Đình Kỵ từng chia sẻ: “Cha tôi là nông dân, có học qua chữ Nho. Mẹ tôi tảo tần vất vả. Tuổi thơ tôi khá thiệt thòi vì trong nhà không có sách vở thi thư gì”. GS-TS Mai Quốc Liên - Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật - nhấn mạnh rằng hoàn cảnh xuất thân chính là động lực để ông nỗ lực tự học, tự hoàn thiện bản thân, và vượt lên như một nhà nghiên cứu văn học hàng đầu của Việt Nam.

GS Lê Đình Kỵ đã có 50 năm cống hiến cho giáo dục đại học và là người cực kỳ dân chủ trong học thuật” - đó là những đúc kết về dấu ấn GS Lê Đình Kỵ trong lòng mọi người.

Nhà thơ Lê Quang Trang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM lý giải: GS Lê Đình Kỵ thuộc thế hệ nhà giáo tiên phong, không có điều kiện được tu học ở nước ngoài, nhưng đã tự tổng hợp được khối kiến thức vô cùng lớn và đưa ra được phương pháp khoa học đào tạo được những nhà khoa học xã hội hàng đầu của đất nước từ những năm 1950.

Nhà thơ Lê Minh Quốc, thuộc thế hệ học trò thập niên 1980, nhấn mạnh: “Thời thầy Kỵ, dạy và học không có giáo trình, thầy tự viết giáo trình để giảng dạy. Thầy mang tư duy của người khai phá, vừa dạy vừa học, lấy tinh thần tự học để nâng mình lên...”.

Nhìn lại cuộc đời GS Lê Đình Kỵ, con đường tự học đã giúp ông đọc và dịch các ngôn ngữ Hán, Pháp, Nga. Ông viết và công bố hơn 20 công trình nghiên cứu văn học như: Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực (1970, 1981, 1993), Cơ sở lý luận văn học (1971), Thơ Mới - những bước thăng trầm (1988), các tiểu luận về thơ lãnh tụ Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Hoài Thanh, Chế Lan Viên...

Các công trình nghiên cứu, biên dịch của GS Lê Đình Kỵ, theo nhà thơ Lê Quang Trang là “hết sức quan trọng, có tính chất mở đường cho nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Việt Nam thời kỳ đầu. Tiếng nói của GS Lê Đình Kỵ rất quan trọng và đến nay vẫn có tầm ảnh hưởng nhất định”. Ông đã được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý trong cuộc đời dạy học của mình; song có lẽ điều đáng quý nhất chính là sự tưởng nhớ của nhiều thế hệ học trò và sự hội tụ, gặp gỡ của nhiều thế hệ ấy trong một bầu không khí của giáo dục và học thuật.

Là chủ tọa của chương trình tọa đàm giới thiệu tác phẩm Trăm năm một thuở, PGS-TS Nguyễn Hữu Hiếu, Trưởng bộ môn Lý luận Văn học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết mình thuộc về lứa nghiên cứu sinh cuối cùng của GS Lê Đình Kỵ. “Thầy Lê Đình Kỵ là một người thầy mẫu mực. Xuất thân từ phong trào bình dân học vụ trước Cách mạng tháng 8-1945, GS Lê Đình Kỵ đã có 50 năm cống hiến cho giáo dục đại học và là người cực kỳ dân chủ trong học thuật” - đó là những đúc kết về dấu ấn GS Lê Đình Kỵ trong lòng mọi người.

* Gợi mở không gian sáng tạo

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải nói về thầy của mình rất ngắn gọn: “Chúng tôi được học thầy Kỵ ở trên rừng chiến khu. Thầy và trò vui vì trí tuệ. Bài học ở thầy chính là tình yêu văn học, văn học là cuộc đời mình, có thể thành công hoặc thất bại, song mình được sống với cuộc đời của chính mình”.

PGS-TS Võ  Văn Nhơn, nhà văn Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, ThS Nguyễn Văn Hà, nhà báo Vu Gia... đã nhắc đến những kỷ niệm về người thầy đáng kính của mình. Qua mỗi câu chuyện đã góp phần hoàn thiện thêm chân dung GS Lê Đình Kỵ trong cả công việc và đời thường. Đó là sự hòa quyện phẩm chất người nghệ sĩ và nhà sư phạm, một con người rất Việt Nam song cũng rất cầu tiến, có cái nhìn bao quát và cũng có sự nhạy cảm và rung động rất đáng yêu, đáng trân trọng trước cái đẹp và cuộc sống. Với đam mê, nhiệt huyết cháy bỏng dành cho văn học nước nhà, ông đã tìm cách đào sâu nghiên cứu để khẳng định, phân tích và đặt kỳ vọng vào tương lai. Song tâm hồn, cốt cách của một người con đất học Quảng Nam cũng được bộc lộ một cách chân thành, nhỏ nhẹ. Đó cũng là tấm gương một cuộc đời nỗ lực trong lao động, sáng tạo của GS Lê Đình Kỵ và lan tỏa qua các thế hệ học trò, đến cả những người đọc sách của ông.

Điều đáng quý ở GS Lê Đình Kỵ là thái độ dấn thân trong nghiên cứu, giảng dạy; song ông cũng rất trầm tĩnh trong chiêm nghiệm, đồng cảm, sẻ chia. Là một trong những người đặt nền móng cho ngành Lý luận, phê bình văn học Việt Nam, song ông không áp đặt cho các thế hệ sau mình, mà đã tạo được không gian sáng tạo bằng sự gợi mở, tôn trọng sự khác biệt. Ngoài ra, GS Lê Đình Kỵ còn có phương pháp phản biện rất sâu sắc và điềm tĩnh, theo các nhà nghiên cứu và giảng dạy văn học hiện nay, ông đã chờ đợi để những dự báo, dự cảm của mình trở thành hiện thực - chính là hành trình trăm năm mà mọi người đang nhìn theo. Có những quan điểm tiệm cận với thực tiễn cuộc sống vốn sôi động và đổi thay không ngừng, song đó là hành trang mà các nhà văn, nhà thơ, nhà giáo hiện nay vẫn sử dụng và nhớ về ông. Những công trình của ông vẫn là những tượng đài sừng sững trong kho tàng văn học hiện đại, mang tư duy và tầm nhìn thời đại. Đặc biệt, Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực được coi như tác phẩm mở đầu và mở đường cho công tác nghiên cứu văn học cổ điển Việt Nam; chuyên luận Từ trong di sản với sự phân tích thấu đáo quan điểm sáng tác văn học của các nhân sĩ, tri thức Việt từ Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn, Nguyễn Trãi... đến Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu... được xem là một áng phê bình văn học kinh điển.

* Trăm năm... không chỉ là một thuở

Tập sách Trăm năm một thuở ra mắt trước ngày giỗ 100 tuổi của GS Lê Đình Kỵ khiến nhiều người xúc động về sự đồng cảm, liên tài giữa các thế hệ nghiên cứu, sáng tác văn học. Tập sách do nhà nghiên cứu Trần Đình Việt tuyển chọn và giới thiệu “là một lời tri ân của người học trò dành cho thầy” - như ông chia sẻ tại buổi ra mắt sách.

Sách dày gần 600 trang, được chia thành 2 phần: Phần 1 chọn in 6 bài viết tiêu biểu của GS Lê Đình Kỵ về các hiện tượng văn học và phương pháp nghiên cứu văn học của ông. Phần 2 tập hợp bài viết của các tác giả về GS Lê Đình Kỵ, đáng chú ý có những bài viết của TS Ngô Kim Long - vợ cố GS Lê Đình Kỵ và các con ông; bài viết của các nhà báo, nhà văn khẳng định phương pháp nghiên cứu và những dấu ấn, những thành quả mà GS Lê Đình Kỵ đã đạt được. Kèm theo đó có phụ lục tác phẩm và một số hình ảnh. Đây cũng là sự khẳng định tinh thần lao động sáng tạo khổ luyện, quyết liệt đến quên mình của một nhà nghiên cứu, một nhà giáo tiêu biểu dành cho văn học nước nhà.

Gặp gỡ TS Ngô Kim Long, bà cho biết vẫn còn nhiều di cảo của GS Lê Đình Kỵ chưa được công bố, trong đó có một phần rất quý là thư tay ông viết cho vợ con, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Cuộc đời và sự nghiệp của GS Lê Đình Kỵ để lại chủ yếu là sách vở, không khác với lời ông từng nói khi còn sống: “Người thầy của tôi là sách vở”. Hiện nay, bà là người coi sóc mộ phần của chồng (ở TP.HCM) và gia đình chồng (ở Quảng Nam). Nhưng bà cho biết, gia tộc của GS Lê Đình Kỵ chủ trương không làm nhà tưởng niệm cho ông và dòng họ, mà chủ yếu là giữ gìn và phát huy nếp sống giản dị, chan hòa, thân ái và tinh thần ham học của ông; mang những giá trị, những tác phẩm của ông đến với bạn đọc. Người bạn đời đã từng một thời bươn chải dạy học, kiếm sống, giúp GS Lê Đình Kỵ thỏa nguyện ước mơ nghiên cứu và giảng dạy văn học - nay vui sống với những tác phẩm và hoài niệm về ông...  

Đông Giang

Tin xem nhiều