Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghệ nhân Ngọc Diện: Hành trình đưa tượng sáp Việt lên bản đồ thế giới

09:03, 18/03/2023

Nghệ nhân Ngọc Diện (tên thật Nguyễn Thị Diện, sinh năm 1975 tại Đồng Nai) là Giám đốc Công ty CP Tượng sáp Việt, là người đầu tiên mở bảo tàng tượng sáp trưng bày hơn 100 tượng sáp của nghệ sĩ Việt. Ngọc Diện cũng chính là người phụ nữ đầu tiên đưa nghề làm tượng sáp Việt lên bản đồ thế giới. Nữ nghệ nhân đã chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần về công việc của mình.

Nghệ nhân Ngọc Diện (tên thật Nguyễn Thị Diện, sinh năm 1975 tại Đồng Nai) là Giám đốc Công ty CP Tượng sáp Việt, là người đầu tiên mở bảo tàng tượng sáp trưng bày hơn 100 tượng sáp của nghệ sĩ Việt. Ngọc Diện cũng chính là người phụ nữ đầu tiên đưa nghề làm tượng sáp Việt lên bản đồ thế giới. Nữ nghệ nhân đã chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần về công việc của mình.

Nghệ nhân Ngọc Diện đang tạo hình cho tác phẩm. Ảnh: L.V.Nhân
Nghệ nhân Ngọc Diện đang tạo hình cho tác phẩm. Ảnh: L.V.Nhân

* Thành công nhờ đam mê và kiên trì

* Mọi người biết Ngọc Diện là nữ giám đốc công ty tượng sáp đầu tiên của Việt Nam nhưng ít ai biết chị là người Đồng Nai. Con đường đến với nghề làm tượng sáp của chị như thế nào khi bản thân chưa hề qua trường lớp mỹ thuật?

- Nghề làm tượng sáp đến với Diện là một nhân duyên. Bản thân Diện từng làm nghề mỹ nghệ từ năm 1994, từng là người đầu tiên làm giả đá cẩm thạch, làm tượng giả mã não, tượng giả gỗ, trái cây giả cao cấp… Tất cả các mặt hàng này là sản phẩm đầu tiên ở Việt Nam do Diện tự chế và tự sản xuất.

Ngọc Diện có nghĩ tới sẽ làm một bảo tàng phù hợp với quê hương Đồng Nai. Nếu có cơ hội, Diện ưu tiên chọn quê mình.

Tình cờ, trong một lần xem phóng sự trên truyền hình, Diện thấy tượng sáp của Bác Hồ được đặt làm bên Thái Lan. Nhìn tượng Bác đẹp và chân thật, sống động, lúc đó như có sức hút với Diện, xem xong phóng sự trong đầu Diện có suy nghĩ tại sao tượng của Bác không làm ở Việt Nam mà phải làm tận nước ngoài, phải chăng người Việt chưa làm được do quá khó và phức tạp?

Từ đó, Diện đã nảy sinh ý tưởng muốn thử sức ở lĩnh vực mới mẻ này. Năm 2013, Diện và công ty bắt tay vào nghiên cứu tìm tòi chất liệu và chuẩn bị mọi thứ cho nghề mới. Tìm được chất liệu rồi thì lại không có thợ điêu khắc, Diện phải tự mày mò để khắc, do quá đam mê và quá tự tin nên Diện không cần đi học mà lấy gương ra soi rồi tự khắc tượng… chính mình. Cứ miệt mài như vậy không mệt mỏi được một năm thì Diện quen dần với nghề.

Khi có sản phẩm rồi, Diện xin giấy phép thành lập công ty, vì là ngành đầu tiên của Việt Nam nên Diện không biết diễn tả như thế nào để cán bộ thuế hiểu và ghi mã số thuế. Phải giải thích tỉ mỉ cuối cùng cũng xong. Có được giấy phép làm tượng thì xin tiếp giấy phép để trưng bày tượng, thật khó khăn vì mọi người chưa rõ về nghề này nên lại phải giải thích rất nhiêu khê!

* Nghề này là nghề của đàn ông, sao chị lại chọn? Phải chăng có “bí quyết”?

- Diện cũng bị ấm ức vì suy nghĩ này. Ngay cả trong gia đình, anh, chị, em ruột vẫn nghĩ là đàn ông mới làm được tượng sáp. Trước đến giờ trong lĩnh vực điêu khắc thường chỉ có nam giới là tạo được tiếng vang, còn phụ nữ thì ít hơn nên Diện phải rất vất vả và khó khăn khi theo nghề. Hàng ngày, Diện phải làm từ sáng cho đến 23-24 giờ... Sản phẩm ra đời thì công chúng mới biết Diện là phụ nữ đã làm được nghề này. Lúc đó, Diện đưa sản phẩm ra, gia đình, bạn bè, người thân của Diện mới vỡ lẽ đây là sản phẩm do Diện làm.

Diện nghĩ làm lĩnh vực nào cũng cần đến sự đam mê, kiên trì quyết tâm mới thành công được.

* Thân gái làm nghề điêu khắc chắc rất khó khăn với chị? Kỷ niệm đáng nhớ khi làm công việc tạo hình nhân vật này?

- Khó khăn của nghề với Diện không thể nói hết, không qua trường lớp, tự mày mò, mọi thứ đều là số 0, giống như mình đi trong rừng không có la bàn vậy, đi riết rồi mới thành đường. Vốn liếng của bản thân Diện chỉ là chút ít kiến thức hội họa và kinh nghiệm trong lĩnh vực mỹ nghệ, còn lại tất cả là con số 0. Khi bắt tay vào lĩnh vực này, Diện mới thấy được sự khó khăn vô cùng. Diện mất rất nhiều thời gian cho công việc, bản thân Diện không có nhiều thời gian đi mua sắm và làm đẹp cho bản thân…

Để tìm kiếm vật liệu tạo tượng, Diện và công ty cứ mày mò tìm kiếm thử đi thử lại nhiều lần thấy chưa ưng thì lại thử nghiệm vật liệu khác, quá trình này mất khá lâu và tốn kém nhiều tiền.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất là Diện tự khắc tượng… của mình (bằng đất sét), khi sản phẩm hoàn thành, Diện đem cho mọi người xem, trong lúc xem mọi người đã làm tượng rơi vỡ mất. Tiếc tác phẩm mất bao thời gian, tâm huyết của Diện. Đây là đứa con tinh thần đầu tiên của Diện đấy…

* Vẫn kiên trì học và học mãi

* Sản phẩm của chị hiện đã đi rất nhiều nước, chắc có nhiều kỷ niệm đáng nhớ?

- Khi mọi thứ được vận hành trơn tru thì các đơn hàng liên tục đến với Diện từ trong và ngoài nước. Diện nhớ nhất là có một khách hàng đã đi trong đêm đến nhà Diện khi trời chưa sáng. Vị khách đó không bấm chuông mà ngồi trước nhà Diện chờ đến sáng, khi mở cửa Diện thấy hỏi thì mới biết người này đến để làm tượng cho nguời cha đã mất 14 năm, sợ Diện không nhận làm nên phải ngồi đợi cùng cả gia đình.  Khi Diện làm xong bàn giao tượng thì tất cả mọi người đều ôm tượng khóc vì cảm giác như gặp lại được người thân yêu của mình... Lúc đó, Diện rất xúc động, mình đã tái sinh, kết nối được tình thân giữa hai thế giới…

Nghệ nhân Ngọc Diện bên sản phẩm tượng sáp nghệ sĩ Phi Nhung do chị tạo nên. Ảnh: L.V.Nhân
Nghệ nhân Ngọc Diện bên sản phẩm tượng sáp nghệ sĩ Phi Nhung do chị tạo nên. Ảnh: L.V.Nhân

Trước kia, Diện rất hạn chế nhận làm tượng sáp cho khách đã mất, vì rất khó làm, nhưng bây giờ thì Diện nhận hết và có những khách chỉ còn 1 hay 2 tấm hình Diện đã làm được, sản phẩm đã gửi qua Mỹ, mọi người khen rất đẹp.

* Để tồn tại nghề làm tượng sáp, bản thân và cả công ty của chị đã phải trải qua nhiều thăng trầm. Chị rút ra được gì để tiếp tục tồn tại và phát triển?

- Quyết định táo bạo nhất của Diện là lập Bảo tàng tượng sáp của giới nghệ sĩ và người có ảnh hưởng trong cộng đồng, mở năm 2017. Để thực hiện được dự án này, Diện đã phải bán mấy căn nhà và đất của mình để đầu tư cho công việc làm tượng.

Gần 3 năm, thời gian, tiền của, nhà cửa của Diện đã “nướng” hết vào bảo tàng tượng sáp. Thế nhưng, khi chuẩn bị khai trương thì có bài báo đăng, nghệ sĩ Đ.V.H tuyên bố nếu tượng làm không giống mình sẽ “đạp đổ” hết!

Thông tin tạo áp lực cho Diện kinh khủng, mọi thứ đang gấp rút đến ngày khai trương, lỡ tượng của anh ấy không ưng ý thì Diện bị ảnh hưởng rất lớn, Diện sẽ mất hết uy tín (lúc này vì tay nghề mới, Diện chưa tự tin lắm và chỉ làm được tượng nào hay tượng đó). Lo lắng khiến Diện chỉ biết dồn hết tâm huyết vào tượng nghệ sĩ Đ., ngày hoàn thành anh ấy đến xem và vô cùng thích thú. Tự tay anh ấy đã chỉnh sửa thêm trang phục cho tượng của mình, lúc đó Diện mới thở phào nhẹ nhõm.

Từ đó, Diện cũng hiểu ra rằng, làm gì nếu mình có quyết tâm và đặt hết tâm trí vào, chắc chắn sẽ thành công.

20 năm làm nghề, điều Diện tự hào nhất là khi nói về nghề làm tượng sáp Việt thì mọi người điều nói Diện là người phụ nữ đầu tiên đã đưa môn nghệ thuật làm tượng sáp Việt xuất hiện trên bản đồ thế giới và khu vực.

* Đồng Nai lâu nay cũng là cái nôi của gốm, chị có nghĩ sẽ có mối liên hệ phát triển nào giữa nghề gốm Đồng Nai và công việc làm tượng sáp?

- Diện được sinh ra một vùng nông thôn của tỉnh Đồng Nai (TT.Tân Phú, H.Tân Phú) nên được biết quê hương có rất nhiều nghề thủ công mỹ nghệ được truyền lại như nghề làm gốm. Để phát triển, Diện nghĩ luôn phải đổi mới trên cái cốt lõi và thổi vào chất riêng.

Diện nghĩ mối liên hệ từ gốm và tượng sáp là phần lớn đều làm thủ công và điêu khắc, nhưng với tượng sáp thì cầu kỳ tỉ mỉ hơn rất nhiều, vì trên tượng sáp phải kèm theo nhiều chất liệu khác nhau như răng sứ, tóc thật, mắt thì phải rõ từ gân máu trong con ngươi, nét thể hiện phải có hồn, phải giống với nguyên mẫu từng milimet… Độ bền của tượng sáp rất cao, tắm rửa thay trang phục tùy thích. Nếu không cố tình đập phá mạnh tay thì tượng có thể tồn tại lên tới 100 năm. Cái chung của tượng sáp và gốm là phải sáng tạo đúng nhu cầu của khách hàng.

* Trân trọng cảm ơn chị!

Lê Việt Nhân (thực hiện)

Tin xem nhiều