Mục tiêu trong điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Biên Hòa đến năm 2045 là sẽ chuyển đổi dần từ mô hình cấu trúc "đô thị công nghiệp" sang mô hình cấu trúc "đô thị dịch vụ và công nghiệp", hướng tới phát triển đô thị thông minh, bền vững.
Mục tiêu trong điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Biên Hòa đến năm 2045 là sẽ chuyển đổi dần từ mô hình cấu trúc “đô thị công nghiệp” sang mô hình cấu trúc “đô thị dịch vụ và công nghiệp”, hướng tới phát triển đô thị thông minh, bền vững.
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ được chuyển đổi công năng thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ. Ảnh: P.Tùng |
Việc chuyển đổi mô hình cấu trúc phát triển là hướng đi để đô thị Biên Hòa “giảm tải” dần những áp lực của quá trình phát triển công nghiệp, đồng thời tạo ra sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế.
* Phát triển mô hình cấu trúc đô thị dịch vụ và công nghiệp
Ngày 17-3 vừa qua, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 252/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045. Phạm vi điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Biên Hòa gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố với 30 đơn vị hành chính, bao gồm 29 phường và 1 xã.
Mục tiêu của việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch là chuyển đổi dần từ mô hình cấu trúc “đô thị công nghiệp” sang mô hình cấu trúc “đô thị dịch vụ và công nghiệp”; hướng tới phát triển đô thị thông minh, bền vững.
Theo Quyết định số 252/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045, dự kiến đến năm 2030, TP.Biên Hòa có quy mô dân số từ 1,5-1,6 triệu người. Đến năm 2045, quy mô dân số đạt từ 1,9-2 triệu người. |
Trong điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung đặt ra mục tiêu phát triển TP.Biên Hòa trở thành một trong các cực tăng trưởng trọng điểm của vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có vai trò quan trọng trong vùng đô thị TP.HCM; phát huy thế mạnh kết nối vùng và quốc tế về dịch vụ thương mại, logistics, công nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Tạo lập không gian đô thị có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng xã hội hiện đại, tiện nghi, đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố. Hướng tới phát triển đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa, lịch sử đặc trưng; đảm bảo các yêu cầu về quốc phòng, an ninh của vùng và quốc gia.
Về tính chất, TP.Biên Hòa là đô thị loại I, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, khoa học kỹ thuật của tỉnh Đồng Nai; có vai trò là đô thị hạt nhân trong vùng đô thị trung tâm của tỉnh; là một trong các trung tâm công nghiệp, dịch vụ, văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ, giáo dục nghề nghiệp và đổi mới sáng tạo; đầu mối logistics quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam bộ.
Đồng thời, TP.Biên Hòa là đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng trong vùng Đông Nam bộ, gắn với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3 vùng TP.HCM và cảng Đồng Nai; là địa bàn trọng điểm chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng cũng như của cả nước.
Theo TS-KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc định hướng phát triển đô thị Biên Hòa từ đô thị công nghiệp sang đô thị dịch vụ và công nghiệp, phát triển thông minh là rất là đúng. Vấn đề đặt ra là với định hướng như vậy, việc triển khai thực hiện cụ thể sẽ như thế nào trong thời gian tới.
* Phát triển các dịch vụ phục vụ cộng đồng dân cư
Hiện nay, trên địa bàn TP.Biên Hòa có đến 6 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động. Trong số này, KCN Biên Hòa 1 hiện đã được đưa ra khỏi quy hoạch các KCN Việt Nam. Thực tế, việc phát triển các KCN đã mang lại những bước tiến lớn cho đô thị Biên Hòa trên khía cạnh phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, quá trình phát triển công nghiệp cũng mang lại những hệ luỵ, trong đó việc gia tăng dân số cơ học nhanh đã gây áp lực rất lớn đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội của đô thị Biên Hòa. Điều này dẫn đến chất lượng cuộc sống của người dân đô thị Biên Hòa còn nhiều hạn chế.
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Lý Thành Phương cho rằng, việc phát triển công nghiệp không phải địa phương nào muốn phát triển cũng được. Biên Hòa có nhiều lợi thế và lĩnh vực công nghiệp đã có sự phát triển nhanh. Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị tại Biên Hòa, việc đầu tư cho nhu cầu nhà ở, các công trình phúc lợi chưa tương xứng. Chính vì vậy, việc định hướng chuyển đổi mô hình cấu trúc đô thị là phù hợp. “Việc phát triển lĩnh vực dịch vụ cần lấy các dịch vụ phục vụ cho cộng đồng dân cư tại chỗ làm chủ đạo” - ông Lý Thành Phương chia sẻ.
Trong khi đó, theo ông Phan Đăng Sơn, để có thể thực hiện chuyển đổi mô hình cấu trúc đô thị, cần tính toán cho đô thị Biên Hòa về hệ thống kết nối liên vùng giao thông để thu hút các nhà đầu tư. Thế mạnh của Đồng Nai là sẽ có đủ 5 loại hình giao thông. Vậy nên, vấn đề hiện nay là phải rà soát và kết nối lại với nhau, trong đó cần đặc biệt chú ý đến giao thông đường bộ và đường thủy. Cùng với đó, khi cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác sẽ tạo ra cơ hội quý giá cho địa phương thực hiện gắn kết về giao thông. Bởi Biên Hòa có vị trí rất gần với sân bay Long Thành.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của các KCN trong phát triển kinh tế, ông Phan Đăng Sơn cho rằng, việc chuyển đổi mô hình cấu trúc đô thị Biên Hòa cần được thực hiện ngay trong các KCN. “Thương mại dịch vụ cần được hiểu theo một quan điểm mới. Thương mại dịch vụ không phải hiểu đơn thuần là các khu dân dụng, các trung tâm thương mại, mua sắm, dịch vụ… mà ngay bản thân các KCN cần được tính toán đến yếu tố thương mại, dịch vụ” - ông Phan Đăng Sơn cho hay.
Từ quan điểm đó, ông Phan Đăng Sơn nhấn mạnh, cần có sự rà soát, quy hoạch lại để đô thị Biên Hòa vừa giữ vững được phát triển công nghiệp vừa phát triển thương mại, dịch vụ.
Phạm Tùng