Mùa diễn kéo dài từ Tết đến hôm nay, vở chủ lực của sân khấu Hoàng Thái Thanh là Trái tim oan khuất. Và nỗi đau oan khuất của người phụ nữ cam chịu vì yêu khiến nhiều trái tim khán giả cũng xót xa, đau đáu.
Mùa diễn kéo dài từ Tết đến hôm nay, vở chủ lực của sân khấu Hoàng Thái Thanh là Trái tim oan khuất. Và nỗi đau oan khuất của người phụ nữ cam chịu vì yêu khiến nhiều trái tim khán giả cũng xót xa, đau đáu.
Cảnh trong vở Trái tim oan khuất |
Có nên hy sinh vì người không xứng đáng?
Trái tim oan khuất lấy bối cảnh là ngôi làng kinh doanh thổ cẩm ở Phan Rang. Vào ngày hè, có những bạn trẻ là Hoàng, Trung, Minh tập trung tại nhà ông Lạc, bà Phụng. Minh là cô bé con nhà hàng xóm đã cùng gia đình vào Sài Gòn sinh sống nay về lại Phan Rang để lấy tư liệu cho việc học. Trung là con của ông Lạc - bà Phụng, còn Hoàng là con ông Lạc cùng bà Lan, người vợ lớn đã mất tích 25 năm. Minh nhặt được bức tượng kỳ quái, một hình nhân ngồi bó gối miệng há to như than khóc. Trung vô tình đưa tay vào miệng tượng, từ đó tay anh bỗng bị đen và một thầy pháp phán rằng anh cứ thế mà từ từ chết vì vướng phải lời nguyền. Trước sự nguy hiểm tính mạng của con trai cưng, ông Lạc và bà Phụng bấn loạn. Những bí ẩn trong gia đình bắt đầu hé lộ...
Một khi còn những người nghệ sĩ đam mê, giỏi nghề như nghệ sĩ Ái Như thì sân khấu sẽ còn truyền được cảm hứng đến người xem. |
Lâu lắm rồi sân khấu Hoàng Thái Thanh mới dựng lại một vở diễn mang màu sắc tâm linh. Thế nhưng Trái tim oan khuất (tác giả: Huỳnh Trúc Anh, biên tập và đạo diễn: Hoàng Thái Thanh, phó đạo diễn: Công Hiển) không chỉ dừng ở một vở diễn mang màu sắc lạ nhất mùa kịch Tết này mà tác phẩm đã lay động bởi một tình yêu khiến trái tim người xem bị bóp nghẹt.
Màu sắc tâm linh là chiếc áo bên ngoài nhưng câu chuyện gia đình, câu chuyện tình yêu mới là cốt lõi. Một câu chuyện tình khiến người xem vừa thương lại có thể vừa... giận, vừa tức. Đó là hình ảnh cô Lan đầy yếm thế khi chồng dẫn cô vợ mới là Phụng về và ép cô phải chấp nhận. Lan hiền lành, thương yêu chồng con vô điều kiện, cô như cái bóng phủ phục, chiều chuộng chồng hết mức. Nhưng cay đắng thay, điều đó khiến chồng cô thấy nhàm chán và chạy theo bóng sắc mới. Từ tình yêu của cô Lan buộc người ta suy ngẫm, phải chăng cái gì “thừa mứa” quá lại khiến đối phương ngán ngẫm và không biết trân trọng? Cuộc đời này có muôn vàn cách yêu và đôi khi có những người không nhận ra được chính kiểu yêu chỉ biết chiều chuộng, phục tùng đối phương đã làm họ sinh “hư” và thản nhiên phản bội tình yêu tuyệt đối của ta dành cho họ. Người xem xót xa vì sao Lan phải yêu cực, yêu khổ đến thế nhưng đó là Lan, và trên đời này còn nhiều cô Lan đã chọn cách yêu như thế vì tính cách họ là vậy.
Vì yêu mà Lan phải sống trong vật vã, đớn đau. Và người xem cũng chợt nhận ra rằng trong tình yêu có lẽ cần tỉnh táo để không hy sinh tình cảm vì những điều vô nghĩa, vì những người không xứng đáng.
Tình yêu làm người ta thăng hoa nhưng cũng có thể khiến người ta chìm sâu trong bể khổ. Và một khi tình yêu đã phai nhạt, sự vô tình thậm chí phũ phàng, tàn nhẫn của một người có thể đẩy người kia đến bước đường cùng, vực thẳm. Đối xử nhẹ nhàng, tinh tế với tình yêu dù mặn nồng hay lạt phai cũng là cách cư xử có tình. Để không còn có những người phụ nữ yếu đuối phải đau lòng, mang nỗi oan khuất đến tận thế giới bên kia.
Ái Như và hai số phận trong một vở diễn
Trước Trái tim oan khuất, sân khấu Hoàng Thái Thanh từng dựng một vở mang màu sắc tâm linh, đó là vở Ngôi nhà thiếu đàn bà. Lần dựng lại này, Hoàng Thái Thanh đã có những quyết định khá táo bạo. Thành phần sáng tạo của vở, bên cạnh phần biên tập và đạo diễn là cái tên Hoàng Thái Thanh quen thuộc, người xem có vẻ lạ lẫm với tên tác giả Huỳnh Trúc Anh. Nghệ sĩ Ái Như cho biết đây là tên của ba bạn trẻ ghép lại, là Huỳnh Công Hiển, Hồng Trúc và Lê Anh. Kịch bản này được thực hiện dưới sự cố vấn và biên tập của Hoàng Thái Thanh. Lần này, Công Hiển cũng đảm nhận vị trí phó đạo diễn. Ái Như kể việc thực hiện kịch bản này với các bạn trẻ rất khó khăn vì Hoàng Thái Thanh vốn yêu cầu cao nên họ phải chỉnh sửa, làm đi làm lại nhiều lần. Tuy nhiên, do yêu thích nên các bạn đã rất nỗ lực. Công Hiển (con trai nghệ sĩ Ái Như) đã từng đạo diễn vở Giá ước cho dự án sinh viên. Mấy năm nay cũng đã phụ trong nhiều khâu dựng vở, càng lúc càng cho thấy được cái lửa nghề và cũng học hỏi được khá nhiều. Nên kỳ này Hiển được làm phó đạo diễn với mong mong muốn có thêm một sức trẻ trong sáng tạo…
Cảnh trong vở Trái tim oan khuất |
Trái tim oan khuất có sự tham gia của các nghệ sĩ Thành Hội, Ái Như, Tuyết Thu, Công Danh, Ma Ran Đô, Thế Hải, Huỳnh Thiện Trung… Đây là vở thứ hai sân khấu Hoàng Thái Thanh thực hiện cho mùa diễn. Trước đó là vở Mùi của hạnh phúc. Vì ê-kíp diễn viên không đảm bảo hết được các suất diễn nên trong cùng vở Trái tim oan khuất mà nghệ sĩ Ái Như đảm nhiệm đến hai vai diễn là bà Phụng và thầy Chín Chuối. Với bản lĩnh của một nghệ sĩ kỳ cựu, Ái Như cho thấy ở vai diễn nào chị cũng làm chủ được sân khấu. Bà Phụng là người phụ nữ ôm bí mật trong lòng suốt 25 năm nên có những diễn biến tâm lý hết sức phức tạp. Còn thầy Chín Chuối là một thầy pháp cực kỳ cổ quái. Thầy luôn bị người cha quá cố từng làm bức tượng kỳ lạ trù yếm người khác không thể siêu thoát mỗi đêm về giày vò để thầy Chín Chuối tìm cách giải thoát linh hồn của ông. Ái Như từng bị tai nạn té từ bệ sân khấu xuống khán phòng khiến cột sống chị bị tổn thương. Vậy mà với vai Chín Chuối chị bất chấp “chà lết” trên sân khấu với những động tác hình thể mà khán giả vừa xem vừa nơm nớp lo cho sức khỏe của chị. Sự lăn xả của Ái Như trong từng vai diễn lần nữa khiến người xem cảm phục với lửa nghề của người nghệ sĩ với sân khấu.
Trí Trọng