Báo Đồng Nai điện tử
En

Khởi nghiệp với đam mê trồng trọt

09:02, 18/02/2023

Đam mê trồng trọt từ nhỏ, từng tham gia hội nhóm và tự mày mò trồng rau thủy canh từ khi còn là học sinh nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh Phạm Minh Trí (KP.1, P.Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) đã quyết định theo đuổi đam mê của mình.

Đam mê trồng trọt từ nhỏ, từng tham gia hội nhóm và tự mày mò trồng rau thủy canh từ khi còn là học sinh nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh Phạm Minh Trí (KP.1, P.Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) đã quyết định theo đuổi đam mê của mình.

Anh Phạm Minh Trí (bìa phải) chia sẻ về các loại hoa lan đang được anh trồng và chăm sóc tại vườn. Ảnh: N.Sơn
Anh Phạm Minh Trí (bìa phải) chia sẻ về các loại hoa lan đang được anh trồng và chăm sóc tại vườn. Ảnh: N.Sơn

Điều đặc biệt, thay vì chọn con đường vào đại học anh chọn học nghề tại Viện Sinh học nhiệt đới thuộc Viện Hàn lâm khoa học - công nghệ Việt Nam (có trụ sở tại TP.Thủ Đức, TP.HCM).

* Theo đuổi đam mê

Anh Trí cho biết, từ khi còn là học sinh THPT, anh đã mày mò tìm hiểu về công việc trồng trọt, tham gia các hội nhóm trồng rau thủy canh trên mạng xã hội và quen biết được một số giảng viên công tác tại Trường trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp TP.HCM. Thấy anh Trí còn nhỏ tuổi nhưng đam mê trồng trọt nên các giảng viên đã giới thiệu cho anh Trí theo học nghề tại Viện Sinh học nhiệt đới.

Anh PHẠM MINH TRÍ dự định thời gian tới sẽ tiếp tục học chuyên sâu về mảng kỹ thuật nông nghiệp để có thêm nền tảng kiến thức về sinh lý, dinh dưỡng, di truyền của cây trồng… nhằm phục vụ tốt hơn cho công việc hiện tại.

Năm 2017, sau khi tốt nghiệp THPT, trong khi bạn bè đồng trang lứa mải mê lựa chọn trường đại học thì Trí nộp hồ sơ học nghề tại Viện Sinh học nhiệt đới. Theo chia sẻ của anh Trí, cha anh có suy nghĩ vô cùng hiện đại, chỉ cần việc anh làm pháp luật không cấm, bản thân anh được vui thì dù là ngành nghề gì cha mẹ anh cũng không cấm cản, thậm chí là động viên để anh theo đuổi đam mê của mình.

Vì vậy, trong 1 năm học nghề tại Viện Sinh học nhiệt đới, anh Trí đã tận dụng thời gian để tiếp thu kiến thức, rèn luyện kỹ năng. Anh Trí cho hay, mục đích của anh là học nghề nên các thầy cô ở Viện sinh học nhiệt đới luôn tạo điều kiện để học viên vừa học lý thuyết, vừa thực hành. Bản thân anh ngoài thời gian học, thực hành trên Viện Sinh học nhiệt đới còn tranh thủ tìm tài tài liệu đọc, nghiên cứu thêm. Nhờ vậy, chỉ sau 1 năm anh đã có được một nền kiến thức cơ bản để có thể thực hiện được đam mê của mình.

Sau khi hoàn thành chương trình học, anh Trí tiếp tục xin làm cộng tác viên kỹ thuật tại Phòng Tế bào thực vật của Viện Sinh học nhiệt đới để có cơ hội theo học các thầy cô giáo nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Vừa làm việc ở Viện Sinh học nhiệt đới, anh tận dụng quỹ đất vốn có của gia đình thử nghiệm trồng và chăm sóc một số loại cây hoa kiểng, hoa phong lan… theo phương pháp hữu cơ. Mặc dù trồng thử nghiệm nhưng việc này đã cho anh được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình khởi nghiệp sau này.

"Trong quá trình trồng thử nghiệm hoa, cây cảnh theo phương pháp hữu cơ, tôi lúng túng khi hoa, cây kiểng gặp phải sâu bệnh. Được các thầy cô hướng dẫn, đồng nghiệp góp ý tôi đã thử nghiệm nhiều cách và tự đúc rút cho mình kinh nghiệm thực tiễn, giúp tôi tự tin khởi nghiệp" - anh Trí bộc bạch.

* Tạo việc làm cho thanh niên tại địa phương

"Không chỉ có công việc, có thêm thu nhập ổn định mà từ khi làm công việc chăm sóc hoa lan, cây kiểng tôi còn được anh Phạm Minh Trí chia sẻ nhiều kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp bổ ích" - anh Phan Tấn Bình cho hay.

Sau nhiều năm thử nghiệm, năm 2020 anh Trí quyết định khởi nghiệp với mô hình trồng hoa lan, trồng và nhận chăm sóc hoa mai cho các gia đình sau Tết. Anh Trí cho biết, với diện tích đất 200m2 của gia đình, cộng với nguồn vốn mà cha mẹ hỗ trợ, anh đã sử dụng 80m2 để làm giàn hoa lan với 3 tầng (tầng thấp dùng ươm giống, tầng thứ 2 dành cho các loại hoa lan ưa độ ẩm và tầng thứ 3 dành cho các loại hoa lan ưa ánh nắng). Anh Trí còn đầu tư thêm hệ thống tưới nước tự động qua ứng dụng trên điện thoại tạo thuận lợi cho việc chăm sóc hoa lan.

Tuy nhiên, do hoa lan của anh được trồng và chăm sóc theo phương pháp hữu cơ nên tốn khá nhiều công sức. Thời gian đầu anh dành thời gian để đi tham quan ở các nhà vườn đang trồng và chăm sóc bằng phương pháp hữu cơ để học hỏi kinh nghiệm; tham gia hầu hết các hội nhóm liên quan đến hoa lan trên Facebook để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các chủ vườn lan lâu năm trên cả nước…

Thay vì sử dụng các loại phân, thuốc hóa học, anh tự tạo ra các loại phân hữu cơ như: nước tiểu pha loãng, kết hợp giữa nước tiểu và bánh dầu, ngâm các loại phân động vật, xác tôm, cá (nước ngọt), các bộ phận bỏ đi của gia súc, gia cầm, nuôi thêm cá để lấy nước tưới cho lan… Để phòng ngừa và điều trị các loại nấm bệnh thường xảy ra trên hoa lan, anh đã tìm đến các chế phẩm sinh học; đồng thời từng chậu lan được anh thường xuyên nhổ cỏ, cắt tỉa lá vàng… Với cách làm này, vườn lan của anh chỉ sau 9 tháng gầy dựng đã cho thu hoạch và bán ra thị trường phục vụ nhu cầu của những người yêu thích hoa lan trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh trồng hoa lan, anh dành 120m2 đất còn lại để trồng hoa mai, nhận và chăm sóc mai cho các gia đình sau Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, anh còn nhận tư vấn kỹ thuật, chăm sóc cho một số trang trại trồng hoa lan, vườn cây ăn trái trong và ngoài tỉnh. Vào dịp Tết Nguyên đán, anh Trí kết nối với các nhà vườn trồng lan ở Đà Lạt đưa hoa lan về tiêu thụ tại TP.Biên Hòa. Các hoạt động này vừa mang lại nguồn thu nhập cho bản thân, vừa góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động và việc làm thời vụ cho khoảng 6 lao động chủ yếu trong độ tuổi thanh niên tại địa phương.

Tính cách thích tự do, lại muốn được cống hiến cho xã hội nên sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, anh Nguyễn Phan Tấn Bình (ở KP.2, P.Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) đã tham gia lực lượng bảo vệ dân phố, là Bí thư Chi đoàn khu phố. Anh Bình cho hay, công việc chủ yếu là tuần tra vào ban đêm, nhiệm vụ Bí thư Chi đoàn không thường xuyên nên vào ban ngày anh cũng muốn có công việc làm kiếm thêm thu nhập. Năm 2018, biết anh Trí cần người làm, công việc khá thoải mái nên anh Bình ứng tuyển và gắn bó đến nay...

Chị TRIỆU HOA NGỌC LAN, Bí thư Đoàn P.Tân Hạnh (TP.Biên Hòa): Tích cực đóng góp cho công tác Đoàn và phong trào thanh niên

Năm nay 26 tuổi, anh Trí đã có sự nghiệp của riêng mình, là hình mẫu lý tưởng của thanh niên thời kỳ mới. Không chỉ là một thanh niên dám nghĩ, dám làm mà cá nhân anh Trí còn tích cực hỗ trợ các hoạt động khi Đoàn phường cần, góp phần vào sự phát triển của công tác Đoàn và phong trào thanh niên của phường.

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, cá nhân anh là một tình nguyện viên tích cực, căn nhà nhỏ ở vườn lan của anh trở thành điểm nghỉ ngơi của những tình nguyện viên trong những ngày cách ly gia đình tham gia chống dịch.

Anh NGUYỄN HỒNG PHÚC (KP.1, P.Tân Hạnh, TP.Biên Hòa): Có thêm niềm tin, động lực trong hành trình khởi nghiệp

Hiện tại tôi đang trong quá trình lập nghiệp với mô hình kinh doanh đồ uống giải khát tại TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương (giáp với P.Tân Hạnh). Công việc kinh doanh mới chỉ vừa bắt đầu nên còn rất nhiều khó khăn.

Biết được hành trình khởi nghiệp của anh Trí, tôi nhận thấy dù làm bất kỳ công việc gì cũng rất cần có một thái độ nghiêm túc, dám nghĩ, dám làm. Qua câu chuyện của anh tôi như được tiếp thêm niềm tin, động lực để tiếp tục theo đuổi con đường lập nghiệp mà mình đã lựa chọn.

Cẩm Tú (ghi)

Nga Sơn

Tin xem nhiều