Hơn 115 năm gắn bó với vùng đất Đồng Nai, cây cao su đã chứng kiến biết bao đau thương, khổ ải nhưng cũng rất hào hùng của lớp lớp công nhân cao su.
Hơn 115 năm gắn bó với vùng đất Đồng Nai, cây cao su đã chứng kiến biết bao đau thương, khổ ải nhưng cũng rất hào hùng của lớp lớp công nhân cao su.
Nhà truyền thống công nhân cao su Đồng Nai vốn là nhà ở của chủ đồn điền Công ty Cao su SHIP. Ảnh: L.Viên |
Vùng đất đỏ Đồng Nai là nơi những cây cao su đầu tiên được trồng ở Việt Nam, chất chứa trong mình biết bao tình đất tình người nơi đây.
* Một thời “cao su đi dễ khó về”
Cao su vốn được xem là “vàng trắng” - loại cây công nghiệp đem lại nguồn thu nhập lớn trong chính sách khai thác thuộc địa triệt để của chế độ thực dân. Chính vì thế, hình ảnh cao su xuất hiện trong thơ ca dân gian của ông cha đều nhuốm màu bi ai, khổ ải.
Đó là những câu ca:
Cao su đi dễ khó về
Khi đi trai tráng, khi về bủng beo
Hay:
Cao su xanh tốt lạ đời
Mỗi cây bón một xác người công nhân
Hình ảnh cây cao su cũng xuất hiện trong thơ Tố Hữu:
“…Cha trốn ra Hòn Gai cuốc mỏ
Anh chạy vào Đất Đỏ làm phu
Bán thân đổi mấy đồng xu
Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng…”
Trong chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, họ đã trồng thử nghiệm một số loại cây công nghiệp như: cao su, cà phê, điều… Trong đó, cây cao su phát triển mạnh mẽ nhất. Năm 1906, Pháp trồng 1 ngàn gốc cây cao su trên diện tích khoảng 8ha ở Dầu Giây, đây cũng là những gốc cao su đầu tiên trên đất Việt Nam.
Để phục vụ cho đồn điền Suzannah (Dầu Giây) - đồn điền trồng cao su khai thác đầu tiên trên địa bàn tỉnh Biên Hòa xưa, thực dân Pháp đã mộ phu từ các tỉnh miền Trung và miền Bắc, là cơ sở hình thành lớp công nhân cao su đầu tiên. Hiện nhà truyền thống công nhân cao su Đồng Nai còn trưng bày hình ảnh chuyến xe lửa đầu tiên đưa công nhân từ H.Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) vào Nam làm phu công tra tại các đồn điền, vốn được thực dân Pháp và tay sai thêu dệt như một thiên đường đất đỏ ở xứ Nam kỳ. Những chuyến xe lửa này chở những người nông dân nghèo khổ bị bần cùng hóa với mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn, thế nhưng “cao su đi dễ khó về”.
Với những đóng góp không mệt mỏi của mình, những công nhân cao su đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận là những anh hùng trong cuộc kháng chiến và cũng đồng thời là những anh hùng lao động thời kỳ mới. |
Họ được tuyển dụng bằng hình thức giao kèo “mộ phu” và “ký công tra”.
Những chiếc thẻ công tra đã ngả màu hoen ố được cất giữ tại nhà truyền thống như một ký ức đau thương gắn với cuộc đời những công nhân cao su thời kỳ này. Công nhân cao su bị đối xử như trong lao tù khi suốt cuộc đời họ đã mất đi tên tuổi của mình. Để nhận biết người này với người kia, công nhân cao su được gọi bằng những con số vô hồn trên những chiếc thẻ công tra.
Cùng với khí hậu khắc nghiệt, sự bóc lột của bọn chủ Tây đã cướp đi sinh mạng của biết bao người phu cao su. Ngoài lao động cật lực, nam còn bị đánh đập, nữ thì bị hãm hiếp thậm chí bị giết chết dã man. Nhiều bức ảnh về đời sống công nhân cao su thời kỳ này được trưng bày tại đây khiến người xem ám ảnh, xót xa. Các đồn điền cao su ở Biên Hòa trở thành địa ngục trần gian, số phận người công nhân cao su được phản ánh cay đắng, bóc lột đến tận xương tủy.
Đời sống khắc khổ của phu cao su lúc bấy giờ còn được tái hiện qua những vật dụng lao động như tô sứ hứng mủ, cuốc cỏ hay những chiếc roi mây dùng để đánh đập công nhân; những bộ đồ mặc đi ra lô của công nhân chỉ là những miếng vải bao bố, thiếu trước hụt sau... Đó còn là chiếc giường đá được kê trong các trạm xá ở các lô cao su. Đây là những chiếc giường đá trơ trọi không có mền, chiếu hay gối. Khi công nhân bị bệnh lên đây nằm, vì quá lạnh không thể chịu đựng nổi buộc phải quay về lô làm việc.
Theo một thống kê, số lượng công nhân làm việc tại các đồn điền cao su ở Biên Hòa đến năm 1918 ước khoảng gần 3 ngàn người. Trong số đó, một nửa là công nhân đến từ các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ.
* Cây cao su chất chứa tình đất, tình người
Từ những lớp cao su đầu tiên ở Dầu Giây, Long Khánh, thực dân Pháp đã tăng cường chiêu mộ phu để mở rộng diện tích trồng và khai thác loại cây trồng này ở nhiều vùng khác của Đồng Nai như: Long Thành, Thống Nhất, Xuân Lộc… cho đến nhiều tỉnh cùng ở khu vực miền Đông Nam bộ như: Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương…
Công bố tập sách lịch sử quý ngành cao su Đồng Nai Chiều 28-10, Tổng công ty Cao su Đồng Nai tổ chức lễ công bố tập sách lịch sử Tổng công ty Cao su Đồng Nai hành trình xuyên thế kỷ - Những dấu ấn và giá trị trường tồn (1906-1986). Tập sách gồm 8 chương, nêu được dấu ấn và giá trị từng thời kỳ từ khi xuất hiện nông trường cao su đầu tiên ở Đồng Nai (1906), quá trình công nhân cao su cùng cả nước đấu tranh giành độc lập dân tộc, tiếp quản và chuyển đổi mô hình quản lý. |
Thực dân Pháp càng bóc lột tận xương tủy phu cao su bao nhiêu, ý chí đấu tranh của phu cao su càng mãnh liệt. Từ những người bị bần cùng hóa, lớp lớp phu cao su đã chung một lòng theo Đảng, theo cách mạng để rồi ý chí phản kháng chế độ tàn ác của thực dân bằng nhiều hình thức.
Nguyễn Ái Quốc trong báo cáo đọc tại hội nghị thành lập Đảng ngày 3-2-1930 đã nhận định: “…Sự áp bức và bóc lột của đế quốc Pháp đã làm cho đồng bào ta hiểu rằng: có cách mạng thì sống, không có cách mạng thì chết…”.
Nghị quyết Hội nghị Quân sự Nam bộ vào tháng 9-1949 cũng chỉ ra rằng: “…Cao su là nguồn lợi kinh tế, chính trị của địch ở khu 7 nên chúng ta phải cố gắng giành giật những vùng có nguồn lợi này. Ta phải tăng cường việc phá hoại cao su, các lô cao su, làm cho nền kinh tế địch phải hao hụt và buộc địch phải đem quân lên phòng vệ sở, làm cho chúng ngày càng khốn đốn về nạn khủng hoảng quân số, đồng thời hao hụt vật lực và tài chính, không đủ sức theo đuổi chiến tranh với ta”.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, công nhân cao su dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng sự đoàn kết và tinh thần quả cảm đã góp phần quan trọng vào các chiến dịch của cách mạng ở địa phương.
Chuyến xe lửa đầu tiên đưa công nhân từ H.Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) vào Nam làm phu công tra tại các đồn điền (Ảnh chụp tại nhà truyền thống) |
“Tập trung lực lượng vũ trang và chính trị vào nhiệm vụ trung tâm là phá ấp chiến lược, mở thế kiềm kẹp cho dân, đồng thời tích cực phát triển lực lượng, lấy Bình Sơn làm điểm và từ đó mở rộng diện tích phá ấp chiến lược trong toàn ngành cao su” - Nghị quyết Ban cán sự cao su C năm 1962 có nêu.
Quyết tâm vững chí đi đến ngày toàn thắng của dân tộc, những người công nhân cao su tiếp tục cố gắng lao động sản xuất, mở rộng diện tích cây trồng phục vụ công cuộc xây dựng kiến thiết đất nước khi Tổ quốc không còn bóng xâm lăng. Theo thống kê, nếu tư bản khi rút khỏi nước ta chỉ để lại 12 đồn điền với 12 ngàn ha, 4 nhà máy chế biến công suất với 13 ngàn tấn/năm và 5 ngàn công nhân thì đến năm 1985, Công ty Cao su Đồng Nai đã có 17 nông trường cao su xã hội chủ nghĩa với 52 ngàn ha, 5 nhà máy chế biến công suất 20 ngàn tấn/năm và 38 ngàn cán bộ, công nhân viên. Đến năm 2012, công ty có 13 nông trường cao su với hơn 34 ngàn ha, 5 nhà máy chế biến công suất 56 ngàn tấn/năm và hơn 13 ngàn cán bộ, công nhân.
Ngày nay, cao su là cây công nghiệp chủ lực, là một trong những ngành sản xuất mũi nhọn của Đồng Nai. Cây cao su không chỉ giải quyết công việc cho thu nhập ổn định với hàng chục ngàn lao động từ nhiều địa phương trong cả nước, mà còn là ngành kinh tế lớn, đóng góp vào ngân sách nhà nước trong nhiều năm qua.
Lâm Viên - Nhật Hạ