Sáng 29-10, Viện Báo chí (Học viện Báo chí và tuyên truyền) tổ chức kỷ niệm 60 năm truyền thống (1962-2022). Nhân dịp này, PGS-TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí đã chia sẻ với Báo Đồng Nai cuối tuần những thành tựu đã đạt được, hướng phát triển của Viện Báo chí trong thời gian tới và những tâm tình với người làm báo trong thời đại số.
PGS-TS Đỗ Thị Thu Hằng |
Sáng 29-10, Viện Báo chí (Học viện Báo chí và tuyên truyền) tổ chức kỷ niệm 60 năm truyền thống (1962-2022). Nhân dịp này, PGS-TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí đã chia sẻ với Báo Đồng Nai cuối tuần những thành tựu đã đạt được, hướng phát triển của Viện Báo chí trong thời gian tới và những tâm tình với người làm báo trong thời đại số.
60 năm là đơn vị “đầu tàu” trong đào tạo, nghiên cứu báo chí, truyền thông
Qua 60 năm xây dựng và phát triển, Viện Báo chí đã thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí cho Đảng và Nhà nước. Xin PGS-TS chia sẻ những thành tựu nổi bật của Viện Báo chí đã đạt được trong thời gian qua?
- Trong 60 năm qua, đơn vị đã xây dựng và thực thi chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu báo chí đáp ứng yêu cầu cách mạng ở từng thời kỳ, đạt được nhiều thành tựu to lớn trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí - truyền thông cho Đảng và Nhà nước. Nơi đây đã đặt nền móng lý luận và định hướng phát triển báo chí cách mạng Việt Nam, với một hệ thống các công trình nghiên cứu, đặc biệt là lý luận báo chí chuyên ngành, nơi đầu tiên trong cả nước xây dựng các tổ bộ môn chuyên ngành báo in, ảnh báo chí, phát thanh, truyền hình; xây dựng lý thuyết các loại hình báo chí căn bản, nhóm thể loại và thể loại tác phẩm báo chí; nơi xây dựng và phát triển hệ thống giáo trình báo chí làm xương sống, là kim chỉ nam về nghiệp vụ báo chí cho nền báo chí cách mạng Việt Nam từ gần nửa thế kỷ qua...
Gần 2 vạn sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các khóa, các hệ và các cấp đào tạo đã trưởng thành từ Viện Báo chí. Xin PGS-TS cho biết nhờ những kinh nghiệm quý báu nào mà Viện Báo chí có được thành tựu to lớn này?
- Những giá trị truyền thống cốt lõi nhất của Viện Báo chí được cô đọng trong slogan (khẩu hiệu): Bản lĩnh và sáng tạo. Xin nêu năm bài học kinh nghiệm của Viện Báo chí từ lịch sử 60 năm truyền thống:
Một là, bài học về xác định rõ tầm nhìn, sứ mệnh và vai trò “đầu tàu” trong việc xây dựng nền móng lý luận báo chí cách mạng và khoa học báo chí - truyền thông cho đất nước và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực báo chí - truyền thông. Nền báo chí cách mạng Việt Nam phải có lý luận báo chí cách mạng dẫn đường. Đó là lý luận báo chí được xây dựng trên nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và khoa học báo chí - truyền thông tiên tiến.
Với các bạn trẻ, học sử dụng công nghệ số, mỹ thuật số rất dễ, còn học hỏi để có thể sản xuất nội dung số với tầm nhìn, phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm xã hội của một nhà báo thì không dễ chút nào. |
Hai là, bài học từ quan điểm đào tạo nhân lực cho một nền báo chí nắm vững lý luận, bám sát và học nghề từ thực tiễn của nền báo chí cách mạng Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đất nước trong từng giai đoạn, từng thời kỳ. Mục tiêu giáo dục nhà báo “vừa hồng vừa chuyên”, người học được trang bị và hướng dẫn để tự phát triển năng lực nghề nghiệp, trau dồi phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức và phẩm chất nghề nghiệp, vì có lý tưởng nghề nghiệp mà tận tâm tận lực mang hết năng lực sáng tạo của mình ra phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, đổi mới và phát triển đất nước, có khả năng làm việc trong môi trường toàn cầu hóa.
Ba là, bài học về tính tiên phong và tính chiến lược trong xây dựng mô hình Viện đào tạo - nghiên cứu báo chí truyền thông duy nhất của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong đó nghiên cứu, học hỏi mô hình đào tạo - nghiên cứu tiên tiến, đáp ứng xu hướng phát triển báo chí truyền thông trên thế giới, ứng dụng vào việc định hướng phát triển và ứng dụng tại Việt Nam.
Bốn là, bài học về quản trị nguồn nhân lực: từ việc xây dựng nguồn nhân lực cơ hữu, thỉnh giảng, các hội đồng tư vấn ngành, hội động khoa học - đào tạo, Hội đồng Viện, cộng tác viên nghiên cứu nhằm đáp ứng yêu cầu về đội ngũ nhân lực quản lý, thực thi nhiệm vụ đến việc mở rộng và phát huy vai trò và sự tham gia của các cơ quan báo chí, cựu sinh viên và huy động các lực lượng trong đào tạo, nghiên cứu báo chí - truyền thông.
Năm là, bài học kết nối giá trị và hội nhập quốc tế.
Giữ truyền thống để hòa nhập
Lễ kỷ niệm 60 năm Viện Báo chí ngoài việc để các thế hệ thầy trò Viện Báo chí gặp gỡ ôn lại những kỷ niệm xưa, còn là dịp để giới thiệu về những kế họach cũng như phương hướng phát triển của Viện báo chí trong thời gian tới?
- Đúng vậy! Trong những năm tới đây, Viện Báo chí sẽ tiếp tục chiến lược phát triển toàn diện về quản trị, phát triển đội ngũ giảng viên về lượng và chất, tăng cường xuất bản giáo trình, sách chuyên khảo và tham khảo, hiện đại hóa hơn nữa cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh truyền thông số.
Hiện nay, mạng xã hội phát triển mạnh “nhà nhà làm báo, người người làm báo”, có thể nói đây là bước khó cho người làm báo truyền thống? Với cương vị là người đứng đầu Viện Báo chí, Viện trưởng có chia sẻ gì?
- Dù phát triển truyền thông số, song giá trị báo chí cách mạng, báo Đảng vẫn được Viện giữ gìn và truyền tải trong các thế hệ giảng viên, sinh viên của trường. Hãy bằng tinh thần và ý chí của người làm báo cách mạng để chiếm lĩnh tri thức, nỗ lực học tập, trui rèn để vượt qua những thách thức của nền báo chí số, nỗ lực nhất để hoàn thành vai trò người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận thông tin, mặt trận tư tưởng văn hóa của mình.
Người làm báo trong giai đoạn mới cần những kỹ năng gì? Là người đứng đầu Viện Báo chí, Viện trưởng có chia sẻ gì với các bạn đã và đang chọn báo chí là con đường đi của mình?
- Để trở thành nhà báo, mỗi người cần học hỏi và tự trang bị cho mình nhiều kỹ năng, bao gồm các kỹ năng nghề nghiệp và các kỹ năng mềm.
PGS-TS Đỗ Thị Thu Hằng trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên |
Trong giai đoạn mới, khi báo chí phát triển đa phương tiện và có thể xuất bản đa nền tảng, đa giao diện, thì kỹ năng định hướng mục tiêu, kỹ năng phân tích, nhận diện và quản lý thông điệp truyền thông trên các nền tảng số cần được coi trọng hàng đầu. Các kỹ năng an toàn thông tin, kỹ năng sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí số, truyền thông đa phương tiện là những kỹ năng nghề nghiệp cơ bản cần được trau dồi hằng ngày.
Nội dung số, công nghệ số và mỹ thuật số là 3 yêu cầu cơ bản của tác phẩm/sản phẩm báo chí số hiện nay. Điểm khác biệt là chúng ta tạo ra sản phẩm báo chí ấy với sự dẫn đường của lý luận báo chí cách mạng, với lý tưởng nghề nghiệp và trái tim yêu nước của một nhà báo hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Giới làm báo tại Đồng Nai nhiều người cũng xuất thân, gắn bó với Viện Báo chí. Viện trưởng có chia sẻ gì với những người làm báo tại Đồng Nai?
- Khoa Báo chí trước đây, Viện Báo chí hiện nay được làm việc với lãnh đạo các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Đồng Nai từ những năm 1990 trong nhiều dự án hợp tác như: dự án Báo chí và Quyền trẻ em, Báo chí điều tra… Nhiều anh chị em làm báo tại Đồng Nai là cựu sinh viên, học viên của Khoa Báo chí - Viện Báo chí.
Những người làm báo Đồng Nai đã tận tâm tận lực trong học tập, tu dưỡng để nâng cao năng lực và phẩm chất của người làm báo, tận tuỵ không quản ngày đêm thực hiện nhiệm vụ của các nhà báo địa phương, làm tốt sứ mệnh của mình trong hệ thống báo chí Việt Nam.
Viện Báo chí tự hào về các nhà báo Đồng Nai là học viên và cựu học viên của Viện.
Mến chúc các nhà báo Đồng Nai “Bản lĩnh và sáng tạo”, phát huy phẩm chất và năng lực của mình, mở rộng tầm nhìn, đoàn kết để thành công và phát triển mạnh mẽ hơn nữa sự nghiệp của cá nhân và tập thể - nơi các anh chị em công tác.
Chúc các nhà báo Đồng Nai nhiều sức khỏe, may mắn, gặt hái nhiều hơn nữa thành tựu nghề nghiệp của mình, góp công nhiều hơn nữa cho sự phát triển của báo chí Đồng Nai và nền báo chí cách mạng Việt Nam!
Xin trân trọng cảm ơn PGS-TS!
Lê Việt Nhân (thực hiện)