Báo Đồng Nai điện tử
En

Những chủ nhà trọ tốt bụng…

09:10, 07/10/2022

Cuộc sống xa quê tuy thiếu thốn tình cảm và tinh thần nhưng nhiều công nhân vẫn cảm thấy ấm lòng khi được các chủ nhà trọ trên địa bàn Đồng Nai quan tâm, chia sẻ, động viên kịp thời.

Cuộc sống xa quê tuy thiếu thốn tình cảm và tinh thần nhưng nhiều công nhân vẫn cảm thấy ấm lòng khi được các chủ nhà trọ trên địa bàn Đồng Nai quan tâm, chia sẻ, động viên kịp thời.

Bà Nguyễn Thị Mỹ (bìa phải), chủ nhà trọ tại KP.5, P.An Bình (TP.Biên Hòa) thăm gia đình công nhân tại phòng trọ. Ảnh: T.My
Bà Nguyễn Thị Mỹ (bìa phải), chủ nhà trọ tại KP.5, P.An Bình (TP.Biên Hòa) thăm gia đình công nhân tại phòng trọ. Ảnh: T.My

Mồ côi cha, mẹ từ nhỏ, lại thiếu thốn tình cảm nên nữ công nhân Lương Thị Yến, làm việc tại Công ty TNHH Quadrille (TP.Biên Hòa) cảm thấy hạnh phúc khi được chủ nhà trọ thường xuyên thăm hỏi. Với chị, chủ nhà trọ giống như người thân trong gia đình, nơi chị có thể chia sẻ mọi vui, buồn trong cuộc sống.

* Ấm lòng lao động xa quê

Chị Yến cho biết: “Gặp được chủ nhà trọ tốt bụng, quan tâm đến người lao động (NLĐ) bằng những việc làm thiết thực khiến tôi rất mừng. Hằng năm, chủ nhà trọ dành những phần quà cho lao động khó khăn, hỗ trợ NLĐ giữ nguyên giá thuê trọ, sẵn sàng đón hoặc trông trẻ nếu công nhân đi làm về muộn”.

Bà Nguyễn Thị Mỹ, chủ nhà trọ nơi chị Yến đang cư trú tại KP.5, P.An Bình (TP.Biên Hòa) cho hay, dãy trọ của bà hiện có 5 phòng với 20 công nhân và con của họ đang sinh sống. Hiểu được hoàn cảnh xa quê thiếu thốn, khó khăn của NLĐ nên nhiều năm nay, bà vẫn âm thầm giúp đỡ họ về cả vật chất lẫn tinh thần để họ vượt qua khó khăn. Riêng trong năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công nhân không có việc làm và phải cách ly tại phòng trọ, bà đã bỏ tiền túi đi mua rau, thực phẩm và giảm tiền thuê trọ để chia sẻ với họ.

Chủ nhà trọ LƯƠNG NGỌC NHẸ cho biết, để có nhiều mô hình chia sẻ cùng NLĐ, ông đã tham gia CLB Chủ nhà trọ để động viên người ở trọ tham gia sinh hoạt, đồng thời là nơi để chủ nhà trọ gặp gỡ, thống nhất hoạt động, mô hình hỗ trợ và tổ chức gian hàng bình ổn giá trong khu trọ cho công nhân.

Ngoài hỗ trợ, bà Mỹ thường xuyên tuyên truyền, vận động NLĐ giữ an ninh trật tự phòng trọ, dọn dẹp thường xuyên để xây dựng môi trường nhà trọ sạch đẹp. Đối với những công nhân do đi làm ca về trễ, bà Mỹ hỗ trợ đón các bé về nhà và trông các bé đến lúc cha mẹ tan ca đón về. Bà cũng vận động nữ công nhân tham gia vào Chi hội phụ nữ khu phố để có thêm kiến thức nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc. Nói về việc làm ý nghĩa của mình, bà Mỹ chia sẻ: “Đa số NLĐ ở trọ đều có gia đình với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Chính vì vậy, ngoài hỗ trợ bằng khả năng có thể, tôi luôn nhắc nhở họ đùm bọc lẫn nhau để cuộc sống xa quê vẫn đầy yêu thương”.

Còn nữ công nhân Bùi Thị Trâm Anh (quê Thanh Hóa) xúc động cho biết, thời điểm dịch bệnh tháng 8 năm 2021, nếu không có chủ nhà trọ hỗ trợ kịp thời, chị không được như ngày hôm nay. Lúc đó, bản thân chị đang mang thai, vừa nuôi con nhỏ lại bị Covid-19. Cả gia đình 3 người ở trong phòng trọ nóng bức và thiếu thốn đủ thứ. Chính trong lúc khó khăn nhất, chị được chủ nhà trọ hỗ trợ từ thuốc men, thực phẩm và tiền để vượt qua, tiếp tục vươn lên chiến đấu với dịch bệnh.

Kể về chủ nhà trọ, chị Anh xúc động nói: “Tôi luôn biết ơn chủ nhà trọ Đoàn Thị Kim Loan, ngụ tổ 8C, P.An Bình. Dù trong hoàn cảnh nào bà vẫn dành cho công nhân sự quan tâm đặc biệt. Thời điểm tôi mang thai với bộn bề khó khăn, lại bị F0, tinh thần tôi sa sút vì sợ ảnh hưởng đến con nhưng chính chủ nhà trọ đã giúp tôi vượt qua những ngày tháng gian khó để có thêm động lực, sức khỏe như ngày hôm nay”.

* Luôn có mặt khi NLĐ cần

Là địa bàn tập trung đông NLĐ xa quê ở trọ, xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu hiện có 850 cơ sở trọ với 8 ngàn phòng trọ và gần 18 ngàn người thuê trọ. Tại đây, nhiều khu nhà trọ công nhân đạt chuẩn văn hóa trong việc giữ an ninh trật tự, môi trường sống đảm bảo. Ông Lương Ngọc Nhẹ, chủ nhà trọ ở ấp 5, xã Thạnh Phú cho biết, nhà trọ của ông có 170 phòng và 270 người ở trọ, phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer làm công nhân tại các doanh nghiệp trên địa bàn xã. Để NLĐ yên tâm về chỗ ở của mình, ông Nhẹ luôn quan tâm và sẵn sàng chia sẻ khó khăn với họ.

Nữ công nhân Bùi Thị Trâm Anh (phải) chia sẻ về việc làm, đời sống với Chi hội Phụ nữ KP.5, P.An Bình (TP.Biên Hòa)
Nữ công nhân Bùi Thị Trâm Anh (phải) chia sẻ về việc làm, đời sống với Chi hội Phụ nữ KP.5, P.An Bình (TP.Biên Hòa)

Chị Lê Thị Mịn, ở trọ tại khu nhà trọ của ông Nhẹ, cho biết chị cảm thấy yên tâm khi nhà trọ luôn giữ an toàn và văn minh. Đặc biệt, chủ nhà trọ luôn gần gũi, sẵn sàng hỗ trợ công nhân khi ốm đau, có người thân mất… “Ông Nhẹ luôn đặt ra điều kiện là mỗi công nhân phải nêu cao tinh thần tự giác, xây dựng phòng trọ văn hóa, không để tệ nạn xã hội vào phòng trọ. Cùng với đó, phải yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Đó là điều mà chúng tôi luôn tôn trọng và quý mến, tin tưởng ở ông Nhẹ” - chị Mịn bộc bạch.

Tại H.Long Thành, hiện có 659 khu nhà trọ với hơn 7 ngàn phòng đáp ứng cho gần 18 ngàn người ở trọ. Nhiều chủ nhà trọ nơi đây đã trở thành điểm tựa cho công nhân xa quê. Ông Trần Văn Thanh, chủ nhà trọ tại xã An Phước cho hay, thấy hoàn cảnh nhiều công nhân phải bán thêm hàng online mới đủ thu nhập lo cho cuộc sống, ông đã bỏ tiền túi ra mua và tặng lại cho công nhân các khu nhà trọ. Việc làm của ông khiến nhiều NLĐ cảm động bởi một chủ nhà trọ không chỉ tốt bụng mà còn quan tâm bằng nhiều việc làm ý nghĩa.

Những năm gần đây, ông đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp lại các khu nhà trọ sạch sẽ, khang trang nhưng vẫn giữ đúng mức giá thuê 1,2 triệu đồng/phòng/tháng. Dù nơi ở của ông không gần khu nhà trọ nhưng hàng ngày, ông vẫn chạy xe máy đến hỏi thăm, nắm bắt tình hình đời sống người thuê trọ. Ông Thanh cho hay, sau thời gian dịch bệnh, công nhân ai cũng khó khăn, có người còn phải vay nợ mới có tiền sống qua ngày. Hiện NLĐ đã đi làm lại ổn định nhưng họ phải lo nhiều khoản chi tiêu nên ông chia sẻ bằng những việc làm thiết thực nhằm giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này.


Công nhân BÙI THỊ TRÂM ANH (quê Thanh Hóa): Tạo động lực để công nhân yên tâm sản xuất

Với công nhân xa quê lập nghiệp, hầu như ai cũng nhớ nhà, nhớ gia đình. Vì vậy, chỉ cần một sự quan tâm nhỏ nhặt của chủ nhà trọ, chúng tôi cũng cảm thấy ấm lòng. Ngoài ra, chủ nhà trọ luôn quan tâm hỏi thăm, tạo động lực để công nhân vượt qua khó khăn, vươn lên hoàn cảnh để yên tâm sản xuất.

Bà NGUYỄN KIM CHI, Chi hội trưởng Chị hội Phụ nữ KP.5, P.An Bình (TP.Biên Hòa): Luôn đồng hành, hỗ trợ công nhân

Chị hội Phụ nữ KP.5 hiện có mô hình CLB Nữ chủ nhà trọ. CLB thu hút nhiều nữ chủ nhà trọ tham gia và xây dựng mô hình chăm lo cho công nhân nhà trọ. Trong đó có tặng quà trong các dịp lễ, Tết, hỗ trợ nữ công nhân vay vốn cải thiện cuộc sống, hỗ trợ công nhân bị bệnh hiểm nghèo, khó khăn. Nhiều chủ nhà trọ luôn quan tâm đời sống nữ công nhân và hỗ trợ họ những kiến thức bổ ích trong việc nuôi dạy con cái. Đồng thời, vận động họ tham gia vào Chi hội phụ nữ khu phố để cùng thực hiện những mô hình chăm lo cho công nhân.

Thảo My (ghi)


Thảo My

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích