Đó là tâm sự của 2/9 thủ khoa đầu vào các ngành đại học của Trường đại học Đồng Nai. Cả 2 tân sinh viên này đều đã tìm hiểu nghiêm túc về nghề dạy học và biết trước bản thân sẽ đối mặt với những khó khăn, áp lực của nghề "gõ đầu trẻ".
Đó là tâm sự của 2/9 thủ khoa đầu vào các ngành đại học của Trường đại học Đồng Nai. Cả 2 tân sinh viên này đều đã tìm hiểu nghiêm túc về nghề dạy học và biết trước bản thân sẽ đối mặt với những khó khăn, áp lực của nghề “gõ đầu trẻ”.
Nguyễn Thị Ánh Như mong ước sau khi tốt nghiệp có thể trở về quê để dạy học |
Tuy vậy, họ đều tự tin sẽ bước tiếp chặng đường đã chọn.
* Yêu nghề dạy học từ những ngày phụ mẹ vào trường quét rác
Nguyễn Thị Ánh Như là tân sinh viên ngành Giáo dục tiểu học. Cô gái cũng là thủ khoa đầu vào của Trường đại học Đồng Nai với tổng điểm 27,5. Ánh Như lớn lên ở vùng quê nghèo xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu). Cha của Ánh Như làm nhân viên kiểm lâm, mẹ làm tạp vụ ở trường tiểu học.
Ngoài công việc tạp vụ, bà còn nhận quét dọn vệ sinh ở các lớp học để có thêm thu nhập. Thương mẹ phải làm nhiều việc nên sau giờ tan học, mỗi ngày Ánh Như đều ghé ngang qua trường mẹ làm để phụ mẹ quét lớp đến tận 12 giờ trưa mới về nhà. Buổi chiều không phải đi học, Ánh Như lên trường cùng mẹ dọn dẹp đến khi hết việc mới thôi.
“Buổi chiều lên trường sớm, em thường ngắm nhìn hình ảnh các cô giáo đứng trên bục giảng dạy học cho bọn trẻ. Những lúc ấy, em đã nghĩ rằng sau này mình cũng sẽ làm cô giáo” - Ánh Như nhớ lại.
NGUYỄN VÕ THUẬN HÒA không đi học thêm mà tự học ở nhà. Hòa chỉ xem thầy cô giảng bài trên live stream với 3 môn Toán, Văn, Địa. Kết quả, Hòa đạt 27 điểm đầu vào (trong đó môn Lịch sử được 9,75 điểm) và là thủ khoa ngành Sư phạm Lịch sử. |
Lên lớp 12, với rất nhiều sự lựa chọn cho tương lai, Ánh Như có phần do dự khi chọn nghề dạy học. Cho đến khi cha đột ngột qua đời, ước mơ dạy học trong Ánh Như lại cháy bỏng hơn.
Ánh Như tâm sự: “Khi còn sống, cha mong em có thể làm cô giáo. Em muốn thực hiện nguyện vọng này của cha. Hơn nữa, em thấy rằng ở vùng sâu vùng xa như Phú Lý, ít có người “đi để trở về” nên em muốn sau khi tốt nghiệp có thể về quê dạy học cho các em nhỏ. Em chọn Trường đại học Đồng Nai để có thể thường xuyên về thăm mẹ”.
Chia sẻ về lựa chọn nghề nghiệp, Ánh Như cho biết thêm, khi biết Ánh Như quyết định học ngành Sư phạm có nhiều người “bàn ra” bởi theo họ đây là công việc khá vất vả. Bản thân Ánh Như cũng biết rằng, trong bối cảnh hiện nay giáo viên đang phải chịu nhiều áp lực, thậm chí cô từng nghe mẹ kể về những trường hợp phụ huynh có thái độ, hành động thiếu tôn trọng giáo viên. Tuy vậy, trong suy nghĩ của Ánh Như, giáo viên là nghề cao quý, một khi đã xác định lựa chọn, bản thân sẽ cố gắng hết sức để theo đuổi.
Nói về cảm xúc khi trở thành thủ khoa đầu vào của trường đại học, Ánh Như cho biết: “Em không biết rằng mình là thủ khoa đầu vào của trường cho đến tận hôm gặp mặt tân sinh viên đầu năm. Khi được gọi tên lên nhận phần thưởng, em đã rất bất ngờ. Sau khi nhận thưởng xong, em chạy ngay ra khỏi hội trường để gọi điện về báo tin cho mẹ. Em nghĩ rằng lúc đó mẹ rất vui, hạnh phúc và tự hào về em”.
* Hướng đi mới cho tương lai
Trước khi bước chân vào cổng Trường đại học Đồng Nai, Nguyễn Võ Thuận Hòa (ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) đã có trong tay tấm bằng tốt nghiệp trung cấp ngành Công nghệ thông tin, Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai.
Thuận Hòa kể: “Năm đó em thi đậu vào Trường THPT Chu Văn An nhưng đã chuyển hướng sang học trung cấp nghề vì nghĩ rằng sau 3 năm học sẽ vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng trung cấp nghề. Trước em, anh trai cũng học theo hình thức này và đã có việc làm ổn định. Khi vào trường nghề, việc học của em cũng khá thuận lợi. Nhà trường xếp lịch học hợp lý, giáo viên nhiệt tình chỉ dạy…”.
Nguyễn Võ Thuận Hòa (thứ 5 từ trái sang) nhận học bổng của Trung tâm Anh ngữ Việt Mỹ (VMG) trong buổi giao lưu với Hoa hậu Huỳnh Nguyễn Mai Phương |
Với những thuận lợi đó, nữ sinh này đã có kết quả học tập khá tốt ở Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai. Cho đến đầu năm học lớp 12, Thuận Hòa mới có ý định sẽ thi đại học vì cho rằng bản thân còn khá non nớt, chưa phù hợp để đi làm. Trước hướng đi mới, cô gái này đã quyết tâm sẽ theo đuổi ngành Sư phạm vì đây là công việc mà em yêu thích; đồng thời cũng phù hợp với hoàn cảnh gia đình bởi dưới Thuận Hòa còn 3 người em cũng đang tuổi ăn, tuổi học.
Thuận Hòa cho hay: “Học ngành Sư phạm không phải đóng học phí, ngoài ra còn có thể được hỗ trợ chi phí học tập. Em học ở gần nhà nên không tốn tiền ở trọ và còn có thể đi làm thêm để phụ giúp cha mẹ lo cho các em”.
Bước vào trường đại học, Thuận Hòa cảm thấy rất vui và hào hứng với nhiều hoạt động sôi nổi của tuần sinh hoạt công dân đầu khóa. Lo lắng lớn nhất của nữ sinh này là đã không học môn Tiếng Anh trong suốt 3 năm ở trường nghề. Do vậy, thời gian tới Thuận Hòa phải rất nỗ lực để củng cố lại kiến thức và đạt chuẩn đầu ra.
Với tương lai xa hơn sau khi tốt nghiệp, mong muốn của cô gái này là có thể có được công việc ổn định để gắn bó với nghề dạy học.
Hải Yến