1. Cuộc thi Miss Grand Vietnam 2022 đã kết thúc cách đây 1 tuần. Ngôi vị cao nhất cũng đã được trao cho những người đẹp tài năng và may mắn.
1. Cuộc thi Miss Grand Vietnam 2022 đã kết thúc cách đây 1 tuần. Ngôi vị cao nhất cũng đã được trao cho những người đẹp tài năng và may mắn. Thế nhưng cho đến hôm nay, khi nhắc đến màn hô tên “bá đạo” của một số thí sinh tham dự cuộc thi, nhiều người vẫn không khỏi ngạc nhiên là tại sao với một cuộc thi nhan sắc hoành tráng như Miss Grand Vietnam, vẫn còn diễn ra những màn trình diễn hài hước như vậy.
Người bênh vực thì cho rằng thí sinh chỉ làm theo những gì mà Ban tổ chức và đạo diễn đã duyệt, thậm chí đây mới chính là “đặc sản” của mỗi thí sinh. Nhưng phần lớn khán giả khi xem màn hô tên này mong muốn thí sinh tiết chế hơn, không nên “làm lố” ở một cuộc thi hoa hậu. Chương trình cũng cần được kiểm duyệt khắt khe hơn ở những phần thi để tránh những hành động gây cười và… mệt mỏi cho khán giả.
2. Thật khó để có con số thống kê chính xác những cuộc thi hoa hậu, người đẹp ở nước ta hiện nay. Bởi ngoài một số cuộc thi lớn, đã trở thành thương hiệu như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam còn hàng trăm các cuộc thi lớn nhỏ được tổ chức liên tục đến nỗi không ai nhớ nổi người đẹp A, B, C kia đạt vương miện ở cuộc thi nhan sắc nào. Điều này đặt ra không ít câu hỏi về công tác quản lý, cấp phép, bởi có những cuộc thi đã xảy ra chuyện thí sinh tố ban tổ chức, ban tổ chức tước vương miện, tố ngược lại thí sinh. Bao nhiêu hoa hậu, hoa khôi trong số những cuộc thi này thực sự có những hoạt động ý nghĩa sau khi đăng quang hay chỉ lấy cuộc thi làm bàn đạp cho những mục đích khác?
3. Chính từ những bất cập trong công tác tổ chức các cuộc thi nhan sắc gây dư luận không tốt thời gian qua, mới đây Bộ trưởng VH-TTDL Nguyễn Văn Hùng đã ký ban hành Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch. Trong đó, chỉ thị nêu rõ, các cuộc thi người đẹp, người mẫu được tổ chức với số lượng lớn, có dấu hiệu lệch chuẩn. Do đó, các đơn vị có liên quan cần quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng các cuộc thi người đẹp, người mẫu trên địa bàn; tăng cường công tác phối hợp trong quản lý đối với cuộc thi người đẹp, người mẫu có quy mô lớn, có yếu tố nước ngoài, liên quan đến công tác dân tộc, bình đẳng giới, trẻ em, được tổ chức nhiều vòng ở nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, thẩm định chặt chẽ hồ sơ (trong đó rà soát kỹ để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp thuần phong, mỹ tục của dân tộc, văn hóa truyền thống, phù hợp với lứa tuổi, giới tính và điều kiện thực tiễn của địa phương) trước khi tham mưu chấp thuận hoặc không chấp thuận tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu. Đồng thời tăng cường kiểm tra, theo dõi sau khi cấp văn bản chấp thuận, kiên quyết dừng cuộc thi người đẹp, người mẫu, chỉ đạo việc thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi trong trường hợp có vi phạm pháp luật.
Hy vọng việc thực hiện chỉ thị này sẽ nghiêm túc, hạn chế được tình trạng “bội thực hoa hậu” như đã diễn ra thời gian qua.
N.P