Báo Đồng Nai điện tử
En

Biên Hòa và những góc quen cà phê

07:10, 21/10/2022

Nếu như đến với Hà Nội, người ta nhớ đến ly cà phê trứng nóng hổi trong tiết trời se lạnh, ngắm phố phường mùa thu bên bờ hồ Hoàn Kiếm, thì ở Biên Hòa - thành phố bên bờ sông Đồng Nai - người ta cũng dễ dàng tìm cho mình những góc cà phê quen thuộc để thưởng thức ly cà phê cùng phong vị đậm chất phương Nam.

Nếu như đến với Hà Nội, người ta nhớ đến ly cà phê trứng nóng hổi trong tiết trời se lạnh, ngắm phố phường mùa thu bên bờ hồ Hoàn Kiếm, thì ở Biên Hòa - thành phố bên bờ sông Đồng Nai - người ta cũng dễ dàng tìm cho mình những góc cà phê quen thuộc để thưởng thức ly cà phê cùng phong vị đậm chất phương Nam.

Một quán cà phê tại TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Viên
Một quán cà phê tại TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Viên

Người ta nhâm nhi ly cà phê theo đúng “gu” mình, biết bao câu chuyện được chia sẻ, luận bàn từ những vấn đề đại sự như diễn đàn Quốc hội cho đến chuyện thường ngày của cá nhân. Người ta không hẳn uống cà phê mà còn “uống” luôn không khí gần gũi, thân tình góc quán quen, của bè bạn. Để rồi nếu đi xa vài ngày, ai cũng lưu luyến…

* Quán cà phê theo “gu” mỗi người

Mỗi vùng miền lại có cách pha chế và cách thưởng thức cà phê khác nhau. Ở Biên Hòa, trước đây cà phê thường được cho vào túi vải mỏng như một chiếc vợt nhỏ rồi cho vào ấm bằng đất nung, sau đó chế nước sôi vào như pha trà. Khoảng mươi phút, cà phê trong ấm đất được cho sang một chiếc ấm nhôm và đun trên bếp than. Cách pha cà phê này được gọi bằng một cái tên dân dã - cà phê vợt.

Trên đường Nguyễn Văn Trị (TP.Biên Hòa) hiện vẫn còn một quán cà phê còn chế biến cà phê vợt. Quán cà phê có tuổi đời hơn nửa thế kỷ này là chốn đi về của nhiều thế hệ “ghiền” cà phê ở Biên Hòa, nhất là người dân lao động. Không được thiết kế rộng rãi, sang trọng, nhiều đồ uống đi kèm như những thương hiệu cà phê mới nổi ở Biên Hòa, không gian quán đơn giản chỉ với vài bộ bàn ghế được kê liền nhau và không bán gì ngoài cà phê nhưng từ tờ mờ sáng khách đã ngồi kín chỗ.

Những bài nhạc mang âm hưởng sâu lắng, những vị khách chậm rãi nhâm nhi ly cà phê đen tỏa mùi hương thoang thoảng trong một sáng mưa phùn miền Nam. Ở một góc bàn nọ, dăm ba vị khách với chủ trương buổi sáng “1 tô, 1 ly (cà phê), 1 tờ (báo)”, cùng nhau bàn luận một vấn đề thời sự đang thu hút sự quan tâm của dư luận…

Ông Nguyễn Tiến (P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa), vị khách “ruột” hơn 40 năm của quán cà phê vợt này bộc bạch: “Tôi đã đi nhiều nơi, uống nhiều quán nhưng không có nơi nào hương vị như ở đây, có lẽ bởi quán còn giữ cách pha chế truyền thống, độc đáo. Từ 5-6 giờ sáng tôi và các bạn già lại có mặt ở đây như một thói quen, ngày nào không uống là bứt rứt, khó chịu lắm”.

Đối với những người sành cà phê, cà phê ngon là thứ cà phê có vị đậm đà hương vị tự nhiên, đắng, thơm và mang lại cho người thưởng thức cảm nhận về vị chua, độ dầu và mùi hương riêng biệt.

Ngược dòng thời gian về với những quán cà phê ra đời cách đây nửa thế kỷ. Thương hiệu, vị cà phê vẫn còn nhưng không gian đã có nhiều đổi khác. Trong một góc phố nhỏ trên đường Võ Thị Sáu (P.Quyết Thắng), là không gian yên bình, lắng đọng của quán cà phê Thằng Bờm. Chỉ là một quán nhỏ, không biển hiệu quảng cáo, trang trí của quán đơn giản chỉ là cây xanh làm duyên cùng những khung cửa sổ, nhưng Thằng Bờm là nơi uống quen thuộc của nhiều người. Với một số vị khách vẫn thường lui tới đây, họ uống cà phê không những quen vị, quen mùi mà còn là quán cà phê “thanh xuân”, gợi nhớ hương vị xưa cũ của một Biên Hòa đã xa.

Nói về sự ra đời của cái tên “Thằng Bờm” của quán, chị My (sinh năm 1966), chủ quán Thằng Bờm kể, quán có tuổi đời gần 50 năm, địa điểm quán cũng dời đi nhiều nơi.

Nhiều người giữ thói quen uống cà phê “vợt” - quán cà phê có tuổi đời hơn nửa thế kỷ tại khu vực chợ Biên Hòa
Nhiều người giữ thói quen uống cà phê “vợt” - quán cà phê có tuổi đời hơn nửa thế kỷ tại khu vực chợ Biên Hòa

“Khi mẹ tôi mở quán, chỉ là quán cóc, ghế đẩu. Lúc đó, chị em chúng tôi còn nhỏ, hay chơi lò cò quanh khu vực quán và khi có khách thì phụ mẹ bưng bê. Các chú uống cà phê hay hỏi chuyện và ghẹo mấy chị em là “Bờm”. Gia đình đặt tên quán là Thằng Bờm từ đó” - chị My nói.

Nhớ về câu chuyện của quán cà phê gia đình, chị My bồi hồi: “Chúng tôi lớn lên theo quán cà phê, từ thời trẻ thơ, cho đến lúc là nữ sinh trung học và bây giờ đã ở độ tuổi trung niên, trải qua biết bao thăng trầm. Vẫn nhớ có một thời, quán được định hình theo phong cách phụ nữ miền Nam, 4 chị em gái chúng tôi phụ mẹ bưng bê cà phê và mỗi ngày mặc áo dài màu khác nhau, tạo nên nét riêng biệt của quán. Chúng tôi dời đến địa điểm hiện nay khá lâu và ổn định, dù không biển hiệu, không đầu tư cạnh tranh gì nhiều, nhưng nhiều người vẫn tìm đến, xem như một nét duyên của quán”.

Chị My, chủ quán cà phê Thằng Bờm pha chế cà phê cho khách
Chị My, chủ quán cà phê Thằng Bờm pha chế cà phê cho khách

* Cà phê mang hơi thở thời đại

Một trong những nét đặc trưng của những quán cà phê truyền thống là sự chăm sóc khách hàng chu đáo, tận tâm. Đó cũng là đặc trưng để khách hàng nhớ đến quán cà phê, và trở lại quán trong lần tiếp theo, ngoài những tiêu chí như: độ ngon của cà phê, không gian quán… Chẳng hạn, ở quán cà phê Thằng Bờm, dù chỉ có 2 vợ chồng anh Bình - chị My vừa làm chủ quán vừa kiêm luôn người pha chế, phục vụ, nhưng họ có thể nhớ chi tiết thói quen, gu thưởng thức của đa số khách hàng. Anh T. thích uống cà phê sữa với lượng cà phê đậm, kèm theo bình trà nóng; chị Th. uống bạc xỉu nóng, đá riêng...

Qua năm tháng, có một điều không thay đổi là người ta vẫn uống cà phê mỗi ngày, với nhiều thời gian trong ngày và từ đó kết nối, tạo nên những mối quan hệ trong xã hội.

“Khách quen không cần yêu cầu mà tôi tự pha chế, biết rõ “gu” đậm nhạt thế nào” - chị My bộc bạch.

Những người theo phong cách cà phê truyền thống lâu năm chắc hẳn khá bất ngờ nếu lần đầu trải nghiệm cà phê hiện đại khi mà phải xếp hàng đến quầy “order” (yêu cầu, gọi món) nước uống, thanh toán trước các khoản thức uống đã đặt, sau đó tìm bàn ngồi rồi chờ đến lượt tự đến quầy lấy nước. Một số người có những bình luận vui kiểu: “Đã bỏ tiền ra quán rồi mà vẫn phải tự phục vụ”. Dù vậy, khi đã quen với phong cách cà phê hiện đại, nhóm khách hàng này cho rằng đó cũng là trải nghiệm mới và có thể lần sau họ sẽ quay lại.

Thực tế, cùng với quá trình đô thị hóa nhanh, dân cư đông đúc, uống cà phê trở thành nét văn hóa tại đô thị Biên Hòa, phản ánh đa chiều bức tranh đời sống xã hội, dân cư theo thời gian. Càng về sau, “gu” thưởng thức của mọi người đa dạng hơn, nhất là trong giới trẻ, tạo động lực để những người kinh doanh cà phê thay đổi, cập nhật các xu hướng mới, hình thức kinh doanh cà phê.

Do vậy, bên cạnh những quán cà phê vỉa hè, truyền thống, người dân có thêm những quán mới mẻ, đa dạng hơn như: cà phê sách, cà phê nhạc, cà phê chim và tranh, cà phê acoustic, cà phê hoa hồng, cà phê thú cưng, cà phê xe đạp (dành cho những người theo đuổi bộ môn xe đạp sau những giờ đạp xe, mua bán xe đạp và phụ tùng xe đạp, trao đổi kinh nghiệm về bộ môn thể thao này), cà phê theo phong cách hoài cổ…

Bên ly cà phê, mọi người có dịp trao đổi, chia sẻ nhiều điều. Ảnh: Hải Hà
Bên ly cà phê, mọi người có dịp trao đổi, chia sẻ nhiều điều. Ảnh: Hải Hà

Những quán này được đầu tư đẹp, theo phong cách riêng; nhân viên được tập huấn kỹ năng, có đồng phục. Về mặt thực đơn nước uống, ngoài pha phin theo kiểu truyền thống thì có các loại pha theo kiểu latte, cappuccino, mocha, espresso… Một số quán còn trang bị cà phê pha máy. Bên cạnh đó, tuy đến quán cà phê nhưng hiện nay với nhu cầu đa dạng của các đối tượng khách hàng, ngoài cà phê còn rất nhiều thức uống khác, thường được phục vụ như: trà, trà sữa, sữa tươi, nước ép, sinh tố…

Ngoài ra, ở một thành phố công nghiệp năng động như Biên Hòa, ngày càng có nhiều các quán cà phê theo chuỗi hiện đại, thương hiệu nhượng quyền. Những quán cà phê này có không gian sang trọng, quy trình pha chế theo công thức và đặc biệt là nhanh nhạy ứng dụng công nghệ số. Khách hàng là giới trẻ thường thích tìm đến những quán này và sử dụng những dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tích điểm cho khách hàng thân thiết, khách hàng VIP, sử dụng khuyến mãi ưu đãi…

Lâm Viên - Nhật Hạ

 

Tin xem nhiều