Báo Đồng Nai điện tử
En

Tết trung thu nhớ Bác Hồ

09:09, 10/09/2022

Từ xửa từ xưa đã có Tết Trung thu. Tết Trung thu dành cho trẻ em với vầng trăng, đèn bánh, chuyện chú Cuội - chị Hằng và những trò vui thơ trẻ. Từ ngày nước nhà độc lập đến nay, mỗi mùa Trung thu, nhìn vầng trăng sáng, thêm cảm xúc nhớ Bác Hồ với tình yêu bao la dành cho thiếu niên, nhi đồng.

Từ xửa từ xưa đã có Tết Trung thu. Tết Trung thu dành cho trẻ em với vầng trăng, đèn bánh, chuyện chú Cuội - chị Hằng và những trò vui thơ trẻ. Từ ngày nước nhà độc lập đến nay, mỗi mùa Trung thu, nhìn vầng trăng sáng, thêm cảm xúc nhớ Bác Hồ với tình yêu bao la dành cho thiếu niên, nhi đồng.

Tình yêu của Bác Hồ dành cho thiếu niên, nhi đồng là tình yêu cao cả, chân thực, trọn vẹn, thường trực ở cõi lòng. Trong lúc bôn ba tìm đường cứu nước, từ Tết Trung thu năm 1941, Bác Hồ đã trăn trở về vận mệnh của trẻ em như búp trên cành:

“…Chẳng may vận nước gian nan

Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng

Bác Hồ cùng các cháu thiếu nhi Hà Nội và Quốc tế vui tết Trung thu, tại vườn hoa Phủ Chủ tịch. Ảnh tư liệu
Bác Hồ cùng các cháu thiếu nhi Hà Nội và Quốc tế vui tết Trung thu, tại vườn hoa Phủ Chủ tịch. Ảnh tư liệu

Học hành, giáo dục đã thông

Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa…”.

Mỗi Tết Trung thu, Bác Hồ dành thời gian vui tết với các cháu, có thơ dành cho các cháu. Trong 16 lần viết cho thiếu nhi, hơn một nửa là thơ về Tết Trung thu. Chỉ 15 ngày sau khi tuyên bố nước nhà độc lập, Bác Hồ vui Trung thu đặc biệt với thiếu nhi thủ đô và có bài “Tết Trung thu với nền độc lập” với lời lẽ giản dị, tràn ngập hai niềm vui lớn: “Một là già Hồ rất yêu mến các em. Hai là vì Trung thu năm ngoái, nước ta còn bị áp bức, các em còn là một bầy nô lệ trẻ em. Trung thu năm nay, nước ta đã được tự do và các em đã trở thành những người tiểu quốc dân của một nước độc lập…”.

Trung thu năm 1946, trong tình cảnh vận nước gian nan, Bác Hồ gởi niềm mong ước vào thơ cho các cháu:

“Bác mong các cháu chăm ngoan

Mai sau gìn giữ giang sơn Lạc Hồng

Sao cho nổi tiếng Tiên Rồng

Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam”.

Trung thu 1947, ở thủ đô gió ngàn, thư Bác gởi thiếu nhi Việt Nam có ánh trăng kháng chiến: “Tết Trung thu là của các cháu. Trăng thu soi xuống các cháu êm ái như một người mẹ hiền…”.

Trung thu năm 1951, cũng từ chiến khu gian khổ, thơ Bác có bốn câu nhưng ngàn lời không diễn tả được lòng nhớ nhung:

“Trung thu trăng sáng như gương

Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng

Sau đây Bác viết mấy dòng

Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung”.

Trung thu năm 1952, thơ của Bác Hồ có lời da diết thành nhạc, thành động lực cho thiếu nhi:

“Ai yêu các nhi đồng

Bằng Bác Hồ Chí Minh

Tính các cháu ngoan ngoãn

Mặt các cháu xinh xinh

Mong các cháu cố gắng

Thi đua học và hành

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Tùy theo sức của mình…

Các cháu hãy xứng đáng

Cháu Bác Hồ Chí Minh”.

Tết Trung thu năm 1953, thơ Bác có niềm vui thắng trận chia sẻ cùng các cháu:

 “Khắp nơi Nam, Bắc, Tây, Đông

Được tin thắng trận cờ hồng tung bay

Các cháu vui thay

Bác cũng vui thay

Thu sau so với thu này vui hơn”.

Năm 1954, thư Bác lại có niềm vui chiến thắng, trong chiến thắng có công lao của thiếu nhi: “Trung thu này là Trung thu hòa bình đầu tiên sau 8, 9 năm kháng chiến anh dũng của nhân dân ta. Trong cuộc kháng chiến cứu nước, các cháu cũng có đóng góp một phần. Nhân dịp này, Bác gửi lời thân ái khen ngợi các cháu”.

Ảnh tư liệu.
Ảnh tư liệu.

Trong kháng chiến chống Mỹ, nước nhà bị chia cắt, Bác Hồ luôn nghĩ đến thiếu nhi miền Nam. Tết Trung thu năm 1956, Bác Hồ đã gửi thư cho thiếu nhi miền Nam bày tỏ niềm thương nhớ và mong đợi ngày thống nhất nước nhà, sum họp hai miền:

 “Bắc - Nam sẽ sum họp một nhà

Bác cháu ta gặp mặt trẻ già vui chung

Nhớ thương các cháu vô cùng

Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”.

Năm 1960, Bác Hồ đã tuổi cao sức yếu nhưng vẫn lạc quan, dí dỏm kể chuyện cổ tích trung thu: “Theo chuyện đời xưa Việt Nam thì trên mặt trăng có chú Cuội chăn trâu: Chú Cuội ngồi ở trong trăng. Để trâu ăn lúa nhăn răng mà cười…”.

Năm 1969, lần cuối cùng Bác Hồ gởi thư cho thiếu nhi, thư viết từ giường bệnh: “Nhờ Cách mạng Tháng Tám thành công và kháng chiến cứu nước thắng lợi, các em đã sinh trưởng trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhờ Đảng chăm sóc và các đoàn thể giúp đỡ, các em sẽ cố gắng nhiều mặt để xứng đáng là người chủ tương lai của đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập và giàu mạnh”.

Trong di chúc thiêng liêng, bao lần chỉnh sửa, nhưng tình cảm đặc biệt của Bác Hồ vẫn nguyên vẹn như vàng ngọc đã kết tinh: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng…”.

Tình yêu thương và lời dạy của Bác Hồ đi cùng năm tháng, đã thành “máu thịt” của các thế hệ thiếu nhi Việt Nam trong cuộc sống. Mỗi lần Tết Trung thu, trông trăng lại nhớ đến Người: Ai yêu thiếu nhi Việt Nam hơn Bác Hồ Chí Minh. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam!

Huỳnh Văn Tới

Tin xem nhiều