Báo Đồng Nai điện tử
En

Sách giáo khoa: Nên mua hay mượn?

09:07, 09/07/2022

Những năm gần đây, câu chuyện về sách giáo khoa (SGK) luôn là vấn đề được người dân quan tâm. Tình trạng mỗi năm học mới, mỗi học sinh phải mua một bộ SGK rồi sau đó bỏ đi, đã không chỉ gây lãng phí mà còn tạo ra nhiều tiêu cực trong thị trường SGK.

Những năm gần đây, câu chuyện về sách giáo khoa (SGK) luôn là vấn đề được người dân quan tâm. Tình trạng mỗi năm học mới, mỗi học sinh phải mua một bộ SGK rồi sau đó bỏ đi, đã không chỉ gây lãng phí mà còn tạo ra nhiều tiêu cực trong thị trường SGK.

Phụ huynh chọn mua sách giáo khoa cho con tại một nhà sách ở TP.Biên Hòa
Phụ huynh chọn mua sách giáo khoa cho con tại một nhà sách ở TP.Biên Hòa

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã đề xuất phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua SGK đưa vào thư viện trường cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần. Đề xuất này nhận được sự đồng thuận của nhiều người dân.

Lãng phí lớn SGK

Năm học 2021-2022 mới kết thúc, nhưng nhiều người đã lo đi mua SGK để con em học hè. Và câu chuyện sách SGK cho năm học mới lại tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh.

Mới đây, NXB Giáo dục Việt Nam công bố thông tin về giá của bộ SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ sử dụng bắt đầu từ năm học 2022-2023. Theo đó, giá của bộ sách này cao gấp 3-4 lần bộ SGK hiện hành. Theo nhận định chung của nhiều người, SGK mới tuy mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, nhưng giá cả và việc sử dụng sách đang là băn khoăn của không ít người.

Chị Nguyễn Thị Hiền Mai (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa), một phụ huynh có con học lớp 3 và lớp 10 cho biết, bộ SGK lớp 3 từ khoảng trên 180 ngàn đồng/bộ và lớp 10 là trên 300 ngàn đồng/bộ (giá tiền này chưa bao gồm sách tiếng Anh), cao hơn nhiều so với SGK hiện hành.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc cho học sinh mượn SGK để học không chỉ tránh được lãng phí, làm vơi bớt lo toan của phụ huynh nghèo, mà còn dạy các em bài học về tiết kiệm và giữ gìn của công.

“Đọc trên báo, NXB Giáo dục Việt Nam giải thích giá sách tăng cao vì số cuốn trong mỗi bộ nhiều hơn, sách in đẹp hơn, nhiều hình ảnh và khổ sách lớn hơn. Tuy nhiên, về nội dung và công dụng, tôi thấy không được cải thiện nhiều, nhưng giá lại tăng quá cao. Hơn nữa bây giờ thời công nghệ thông tin, học sinh lên internet tìm thông tin để học còn nhiều hơn cả dùng SGK nên có cần phải đầu tư những bộ SGK quá đẹp, quá đắt và sau 1 năm thì bỏ, trong đó có những cuốn phải mua nhưng không hề dùng đến, rất lãng phí” - chị Mai cho biết.

Vấn đề lãng phí SGK, cô N.T.H., giáo viên dạy lớp 1 tại một trường tiểu học ở TP.Biên Hòa cho biết, năm 2020, SGK của chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu áp dụng cho lớp 1. Năm đầu thực hiện, khi triển khai các trường tiểu học được chọn SGK. Sách được chọn không bắt buộc cùng một bộ, nhưng do mỗi trường chọn một bộ khác nhau nên những học sinh chuyển trường hoặc gia đình có hai con học khác trường cũng không dùng lại được, dẫn đến lãng phí. Đặc biệt là sách bài tập và sách tham khảo, bởi khó có thể cho học sinh làm hết bài tập trong các sách này.

Cũng vấn đề này, chị Võ Thị Yến (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) có con trai học lớp 2 theo chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, dù con đã kết thúc năm học nhưng chị thấy có đến 6 quyển sách bài tập lớp 2 còn mới nguyên, không dùng đến.  “Mấy cuốn không dùng đến cũng chỉ vài chục ngàn nhưng với hàng triệu học sinh thì số tiền lãng phí sẽ là con số không hề nhỏ” - chị Yến băn khoăn.

 “Chỉ làm một phép tính nhỏ: một gia đình có 3 học sinh học các lớp liền nhau sẽ phải mua 3 bộ SGK trong khi có thể chỉ cần  mua 1 bộ (nếu luân phiên sử dụng), đem nhân với con số 23,5 triệu học sinh trong cả nước, sẽ tính ra được ngay sự lãng phí lớn đến thế nào” - Phó hiệu trưởng một trường THCS ở TP.Biên Hòa phân tích.

Cải cách luân phiên, thư viện cho mượn SGK

Nhiều ý kiến cho rằng, việc cải tiến SGK để làm mới nội dung, theo sát với thực tiễn là cần thiết, việc in SGK mới khổ lớn, đẹp cũng là cần thiết; nhưng cần có kế hoạch để bảo đảm việc chỉnh sửa, cải cách, in mới phục vụ tốt hơn cho việc học, đồng thời tránh được lãng phí.

Ông Đặng Công Nam (ngụ P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, nhà ông có 7 cháu nội, ngoại đang học ở cả 3 cấp tiểu học, THCS và THPT nhưng năm nào mỗi cháu cũng phải mua một bộ sách vì không dùng lại được của nhau, do mỗi trường chọn những bộ sách khác nhau hoặc cùng bộ nhưng có cải cách nên cũng không dùng được.

Một số ý kiến khác thẳng thắn chia sẻ, việc cải cách SGK liên tục cũng như cho xuất bản cùng lúc nhiều bộ sách, tuy cho các trường tự lựa chọn nhưng thực chất đem lại nhiều khó khăn cho cả giáo viên lẫn học sinh. Bà Trần Diệu Hoa (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa), một giáo viên về hưu cho biết, SGK là không thể thiếu đối với giáo viên và học sinh, tuy nhiên, Bộ GD-ĐT nên có nghiên cứu về việc SGK được sử dụng như thế nào và bị lãng phí ra sao để có cách giải quyết. Bà cho rằng, thời bà đi dạy, chỉ cần SGK in, còn bài tập thì làm vào vở. Nay thì in cả vở bài tập và học sinh làm trực tiếp trong sách bài tập, nên lứa sau có dùng lại cũng không được, bởi rất khó để mua được sách bài tập riêng, nên phụ huynh đành phải mua cả bộ cho con, tốn kém, lãng phí và gây khó cho những gia đình đông con” - bà Hoa bộc bạch.         

Phương Liễu


Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH:

Nên có chính sách hỗ trợ về SGK cho học sinh

SGK cần thiết cho công tác giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh. Tại nhiều quốc gia, họ đều có chính sách hỗ trợ về SGK thông qua việc cấp tiền hoặc cho học sinh mượn SGK… Tại Việt Nam, phải xác định học sinh là đối tượng cần được bảo trợ. Do vậy, SGK là mặt hàng mà Nhà nước đặc biệt phải quan tâm, khi đại bộ phận người dân có thu nhập chưa cao, nhất là người dân ở khu vực
nông thôn, miền núi. 

Tôi cho rằng, để tránh lãng phí, Bộ GD-ĐT cũng như Chính phủ nên có các giải pháp để ổn định nội dung SGK, không phải thường xuyên thay mới, đổi cũ; nên chi ngân sách để mua SGK cấp về các trường; hoàn thiện hệ thống thư viện trong các trường học để cho học sinh mượn SGK học thay cho việc học sinh phải mua mới SGK hằng năm.

Giám đốc Công ty CP Sách và thiết bị trường học Đồng Nai VÕ AN NINH:

Đồng Nai có hơn 10 năm thực hiện bình ổn giá sách

Nhằm giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh trong việc mua sắm SGK cho con em chuẩn bị năm học mới 2022-2023, công ty đã được UBND tỉnh hỗ trợ tạm ứng vốn 20 tỷ đồng từ ngân sách với lãi suất 0%, trong đó mỗi năm học sinh toàn tỉnh được  hưởng lợi khoảng 5 tỷ đồng từ chương trình bình ổn giá SGK.

Theo đó, mỗi cuốn SGK sẽ được giảm giá 5% so với giá in trên bìa, với điều kiện sách được mua tại các nhà sách và đại lý thuộc Công ty CP Sách và thiết bị trường học Đồng Nai. Là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện chương trình bình ổn giá SGK, đến nay Đồng Nai đã thực hiện việc duy trì bình ổn giá được hơn 10 năm.          

An Nhiên (ghi)


 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích