Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát huy giá trị Văn miếu Trấn Biên

07:07, 29/07/2022

Trưởng phòng Khoa giáo Trung tâm Văn miếu Trấn Biên Phí Thị Thu Hằng cho biết: "Mỗi người dân, du khách đi đếm tham quan, thưởng lãm tại Văn miếu Trấn Biên, vừa bước vào Văn miếu môn là đến ngay Nhà bia văn miếu được thuyết minh viên của trung tâm giới thiệu về văn bia.

Trưởng phòng Khoa giáo Trung tâm Văn miếu Trấn Biên Phí Thị Thu Hằng cho biết: “Mỗi người dân, du khách đi đếm tham quan, thưởng lãm tại Văn miếu Trấn Biên, vừa bước vào Văn miếu môn là đến ngay Nhà bia văn miếu được thuyết minh viên của trung tâm giới thiệu về văn bia. Khi hiểu khái quát về công trình Văn miếu Trấn Biên nói chung, nội dung, ý nghĩa của văn bia, biết được quá trình khai hoang mở cõi đến ngày nay của cha ông, người dân, du khách sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm hiểu, khám phá các công trình khác của văn miếu”.

Anh Trần Văn Khánh (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) giới thiệu nội dung văn bia trong Nhà bái đường Văn miếu Trấn Biên cho con cháu
Anh Trần Văn Khánh (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) giới thiệu nội dung văn bia trong Nhà bái đường Văn miếu Trấn Biên cho con cháu

Những ngày hè, anh Trần Văn Khánh (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đưa 2 con và các cháu của mình từ quê Thái Bình vào tham quan Văn miếu Trấn Biên. Trầm ngâm quan sát rất lâu văn bia được bố trí trong Nhà Bái đường - nhà thờ chính trong Văn miếu Trấn Biên, rồi anh giới thiệu với con cháu mình về nội dung văn bia. Anh Khánh chia sẻ: “Trong rất nhiều các hoạt động vui chơi mùa hè cho con cháu như: đi công viên nước, thảo cầm viên, du lịch biển…, tôi ưu tiên đưa 2 con và các cháu của mình đến tham quan Văn miếu Trấn Biên. Do không có điều kiện ra Hà Nội tham quan Văn miếu Quốc Tử Giám, nên tôi cho con, cháu đến tham quan Văn miếu Trấn Biên - cách nhà tôi có mấy chục cây số thôi, nhưng cũng mang đầy đủ ý nghĩa về truyền thống hiếu học, trọng nhân tài, đồng thời thể hiện rõ nét văn hóa của vùng đất phương Nam. Tôi muốn giới thiệu và bồi dưỡng cho con cháu mình tinh thần hiếu học của cha ông, đó là niềm tự hào dân tộc và cần được trao truyền cho con cháu”.

Còn ông Nguyễn Văn Tâm cùng 2 cháu nhỏ là du khách từ TP.Đà Nẵng vào TP.Biên Hòa tham quan, đã chọn Văn miếu Trấn Biên làm điểm đến đầu tiên trong chuyến đi. Ông Tâm cho biết: “Tôi dành thời gian đọc hết bài Văn bia của GS Vũ Khiêu được khắc trên 2 mặt bia ở Nhà bia văn miếu. Văn bia được chia thánh 8 khổ rõ ràng, mỗi khổ chỉ có chục câu, bao quát hết chỉ có 80 câu, mà tôi vỡ ra rất nhiều điều về lịch sử vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Tôi rất tâm đắc và trân quý hơn giá trị thiêng thiêng của Văn miếu”.

Ngoài các hiện vật đặc trưng của Biên Hòa - Đồng Nai, tại Văn miếu Trấn Biên còn trưng bày các hiện vật như: tủ thờ đất và nước từ vùng đất Tổ Hùng vương; trống đại (trống Sấm lễ hội Thăng Long); chiêng đồng; chuông Đại hồng chung…

Không chỉ mang giá trị, bề dày truyền thống văn hóa lịch sử, Văn miếu Trấn Biên còn là thiết chế văn hóa, giáo dục, khoa học lớn của tỉnh. Trong những năm qua, Văn miếu Trấn Biên đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa lành mạnh, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động về nguồn, nêu cao tinh thần hiếu học, giáo dục thế hệ trẻ bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Vào các dịp Tết hằng năm, lãnh đạo tỉnh đều đến thăm và dâng hương lên Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các danh nhân văn hóa tại Văn miếu Trấn Biên. Nơi đây cũng là địa điểm tổ chức lễ dâng hương, báo công và giới thiệu các ấn phẩm mới của nhiều tác giả. Đặc biệt, là biểu tượng của văn hóa - giáo dục và tinh thần trọng học, tại văn miếu Trấn Biên còn diễn ra các sự kiện như: mùng 3 Tết Thầy, đêm thơ Nguyên tiêu, biểu dương, tôn vinh các trí thức tiêu biểu, học sinh học giỏi sống tốt; các tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh …

Trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng, Biên Hòa trở thành thành phố phát triển công nghiệp năng động và đang từng ngày đổi mới. Giữa nhịp sống đô thị hối hả cùng các loại hình văn hóa hiện đại phát triển mạnh mẽ thì việc phát huy hiệu quả giá trị của Văn miếu Trấn Biên để trở thành biểu tượng, mạch nguồn nối liền quá khứ và hiện tại là rất cần thiết. Cùng với đó, sự hiện diện cùng những giá trị văn hóa lịch sử được lưu dấu tại Văn miếu Trấn Biên nếu được lan tỏa rộng rãi sẽ giúp du khách gần xa hiểu hơn về bề dày lịch sử của vùng đất phương Nam.

Để văn miếu Trấn Biên tiếp tục phát huy và lan tỏa được các giá trị trong đời sống hiện đại, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã đề xuất nhiều giải pháp. Trong đó có việc nghiên cứu phục dựng một số nghi lễ thời chúa Nguyễn để bảo tồn cũng như giữ gìn tính thiêng của Văn miếu; tổ chức các lễ hội dân gian đặc trưng; thiết kế, bố trí kiến trúc không gian để tăng thêm nét trầm mặc và uy nghi cho kiến trúc tổng thể, đồng thời rà soát, trùng tu một số hạng mục di tích có dấu hiệu xuống cấp. Cùng với đó là việc đưa Văn miếu Trấn Biên trở thành điểm đến của các tour, tuyến du lịch kết nối với các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh để càng nhiều hơn du khách biết đến và có điều kiện thuận lợi để tìm hiểu văn miếu…

Mỹ Ngôn - Thảo Nguyên

 

Tin xem nhiều