Báo Đồng Nai điện tử
En

Văn chương từ yêu thương giúp ta bước ra ánh sáng

06:07, 29/07/2022

Ra mắt cùng lúc 2 tiểu thuyết đầy đặn Vùng biên không yên tĩnh và Những oan hồn bất tử (NXB Đà Nẵng ấn hành), nhà văn Thương Hà chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần rằng, chị sáng tác sung sức là nhờ "trải nghiệm sống, học, đọc và tích lũy năng lượng".

Ra mắt cùng lúc 2 tiểu thuyết đầy đặn Vùng biên không yên tĩnh và Những oan hồn bất tử (NXB Đà Nẵng ấn hành), nhà văn Thương Hà chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần rằng, chị sáng tác sung sức là nhờ “trải nghiệm sống, học, đọc và tích lũy năng lượng”.

Nhà văn Thương Hà
Nhà văn Thương Hà

Khi gây ấn tượng về việc ra mắt 6 tiểu thuyết chỉ trong vòng 9 tháng (từ tháng 11-2021 đến tháng 7-2022): Người PTSD, Bóng đêm của Diệu, Một con đường, NALIS Xô dạt bờ định mệnh, Vùng biên không yên tĩnh và Những oan hồn bất tử, Thương Hà vui vẻ cho rằng: “Thực ra, tính bao nhiêu tháng hay bao nhiêu năm người sáng tác hoàn thành một quyển sách chỉ là mang ý nghĩa thống kê số học thôi. Còn thời gian của lao động nhà văn thì phải tính cả quá trình từ lúc ấu thơ đến khi đặt dấu chấm hết cho câu cuối cùng của tác phẩm. Đó là trải nghiệm sống, học, đọc và nghiền ngẫm tích lũy năng lượng cần có của một người viết”.

* Viết - nhu cầu tự thân

Thương Hà nhớ lại thuở bé thơ, thấy chị đam mê văn chương thì cha mẹ có vẻ không hài lòng vì “sợ con gái mình dính vào văn chương sẽ khổ”. Đến khi chị đã có cuộc sống riêng trưởng thành và làm chủ đời mình, niềm đam mê sáng tác ngày nào đã trở lại một cách mạnh mẽ.

“Nhiều bạn bè bảo rằng tôi viết sung sức, nhưng thật ra tôi đã tập trung viết các tác phẩm từ năm 2017 đến nay” - nhà văn THƯƠNG HÀ.

Thương Hà viết liên tục, với nhiều chủ đề rất đa dạng và không ngần ngại khai thác những góc khuất cuộc sống, những thân phận, mảnh đời rất đặc biệt và những tình tiết ly kỳ, độc đáo. Ở 2 tiểu thuyết vừa ấn hành mới nhất, Thương Hà gây chú ý trong giới văn chương và độc giả bởi chị không ngại chọn và dấn thân sáng tác vào những đề tài không mấy dễ viết: Vùng biên không yên tĩnh (36 chương, 408 trang) về chiến tranh biên giới còn Những oan hồn bất tử (gồm 28 chương với 300 trang) đề cập đến tình yêu, vấn nạn nạo phá thai và những di chứng rất buồn.

Nhà văn nữ đang sống và làm việc ngành luật tại Hà Nội bộc bạch: “Tôi viết như một nhu cầu tự thân, với mong muốn trải lòng những nghĩ suy hóa thành câu chữ. Tôi quan niệm văn chương xuất phát từ tình yêu thương sẽ cứu giúp con người từ trong tăm tối bước ra ánh sáng”.

* Không viết không chịu nổi

* Cảm xúc của chị khi 2 tiểu thuyết mới Vùng biên không yên tĩnh và Những oan hồn bất tử được ra mắt?

- Nhà văn Thương Hà: Rất vui sau một thoáng buồn (cười). Năm ngoái, tôi có cuốn tiểu thuyết Một con đường, nó “trôi nổi” qua 3 NXB và chỉ khi đến NXB Hội Nhà văn thì mới ra mắt được độc giả. Năm nay, Vùng biên không yên tĩnh được NXB Đà Nẵng và Công ty Huyền Đức xuất bản và in kịp dịp hè. Đúng là mỗi quyển sách ra đời, nó cũng có số phận. Cho nên sách được ra mắt thì không vui mới là chuyện lạ.

* Vì sao chị viết về các đề tài khá đặc biệt trong 2 tác phẩm mới nhất?

- Tôi viết Vùng biên không yên tĩnh để tri ân những người lính đã từng mất mát, hy sinh trong chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến trường Campuchia và biên giới phía Bắc. Rất nhiều người đi qua trận mạc trở về cuộc sống đời thường mắc hội chứng OCD (hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế) mà chính người lính cũng không biết mình mang căn bệnh này. Trong tiểu thuyết, tôi có viết về anh lính Vũ Văn Bình sống trong hoàn cảnh thiếu nước, khô khát ở chiến trường K, lúc nào cũng thèm nước để tắm, để rửa. Khi trở về cuộc sống thường nhật, anh ấy thường xuyên rửa tay, rửa rất lâu bởi bị ám ảnh hôi hám, dơ bẩn, ám ảnh thiếu nước... từ thời xa nhà trận mạc.

2 tiểu thuyết mới nhất của Thương Hà
2 tiểu thuyết mới nhất của Thương Hà

Còn tiểu thuyết Những oan hồn bất tử thì viết về nạn nạo phá thai dễ dãi, tràn lan gây ra những hậu quả rất nặng nề không chỉ sức khỏe mà cả văn hóa tâm linh nữa. Mỗi năm có hàng trăm ngàn ca nạo phá thai, cũng có nghĩa là hàng trăm ngàn sinh linh không được làm kiếp con người. Có nhiều các bé gái vị thành niên mang thai ngoài ý muốn đã trở thành nạn nhân rất đau xót. Xót xa lắm! Thương lắm! Không viết không chịu nổi.

* Chị vẫn viết tác phẩm thứ 7 của mình chứ?

- Vâng. Tôi đang cố gắng hoàn thành 1 tiểu thuyết mới (hiện chưa quyết định tựa) có đề tài là về mặt trái của kinh tế thị trường với những được mất phải trả bằng cái giá rất đắt.

* Cảm ơn chị và chúc chị có thêm nhiều tác phẩm mới.

* “Tiểu thuyết Vùng biên không yên tĩnh của nhà văn Thương Hà dắt độc giả vào một không gian khắc khoải và trầm. Đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam từng được nhiều nhà văn cựu binh thể hiện như Miền hoang của Sương Nguyệt Minh, Mùa xa nhà của Nguyễn Thành Nhân, Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn, Đất K của Bùi Quang Lâm... Vậy mà, tác giả Thương Hà vẫn tìm được một góc độ riêng để viết. Nhẹ nhàng, linh hoạt mà cũng đầy day dứt, tác giả chứng minh chị đủ bản lĩnh để viết được đề tài gai góc như hậu chiến với thông điệp tự tin chưng cất qua số phận mỗi nhân vật”.

Nhà thơ LÊ THIẾU NHƠN

* “Những gian khổ hy sinh vô bờ bến của người lính trên chiến trường đúng là không bút nào tả xiết. Nhưng tác giả đã “khôn ngoan” trong thuật chuyện, nên tránh được sự dư thừa sự kiện. “Con đường để đi đến một thế giới hòa bình” là câu văn thâu tóm chủ đề tác phẩm. Tác giả sớm định hình một giọng điệu vừa chững chạc, vừa phóng túng khi viết về một thế giới mở, không bị đóng băng bởi thiên kiến hay sự giằng kéo ngoài văn chương nào”.

Nhà văn, nhà phê bình BÙI VIỆT THẮNG

* “Vùng biên không yên tĩnh của Thương Hà có một cách tiếp cận khá mới về đề tài “chiến tranh và người lính” theo mảng chủ đề di chứng thời hậu chiến. Cách tiếp cận này không phải là mới đối với văn chương hiện đại thế giới, nhưng còn khá hiếm hoi với văn chương đương đại Việt Nam. Tuy không phải là người từng sinh ra, lớn lên và tham dự bất cứ cuộc chiến nào, nhưng Thương Hà đã có một cái nhìn đa chiều và cởi mở về chiến tranh.

Nhà phê bình văn học ĐỖ NGỌC YÊN

Cẩm Điệp (thực hiện)

Tin xem nhiều