Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi nông dân "lấn sân" làm du lịch

09:07, 29/07/2022

Du lịch nông nghiệp, nông thôn đang là một loại hình thu hút du khách. Điều này có thể thấy rõ trong những năm gần đây, những địa phương có ngành nông nghiệp phát triển đã tạo ra các sản phẩm du lịch sinh thái vườn, du lịch trải nghiệm làng quê, khám phá văn hóa cộng đồng…

Du lịch nông nghiệp, nông thôn đang là một loại hình thu hút du khách. Điều này có thể thấy rõ trong những năm gần đây, những địa phương có ngành nông nghiệp phát triển đã tạo ra các sản phẩm du lịch sinh thái vườn, du lịch trải nghiệm làng quê, khám phá văn hóa cộng đồng…

Du khách tham quan cánh đồng lúa của nông dân tại xã Phú Điền, H.Tân Phú. Ảnh: T.Mộc
Du khách tham quan cánh đồng lúa của nông dân tại xã Phú Điền, H.Tân Phú. Ảnh: T.Mộc

Cùng với sự phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, người nông dân trở thành trung tâm khi vừa làm vai trò sản xuất nông nghiệp, vừa trở thành hướng dẫn viên du lịch phục vụ khách thập phương.

* Hướng dẫn viên du lịch kiểu… nhà nông

Dù là tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước về phát triển công nghiệp nhưng về nông nghiệp, Đồng Nai cũng là một trong những “anh cả” với diện tích cây trồng có nhiều loại trái cây đặc sản. Ngoài ra, Đồng Nai còn là địa phương cung cấp nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm từ chăn nuôi như heo, gà… thuộc tốp đầu cả nước. Hơn 10 năm qua, Đồng Nai cũng là tỉnh dẫn đầu về xây dựng nông thôn mới.

Thành quả này đã tạo cho tỉnh có một diện mạo nông thôn vừa phát triển, vừa giữ gìn được cảnh đẹp thiên nhiên, thu hút khách du lịch đến tham quan, thưởng thức các hương vị đồng quê, góp phần thúc đẩy ngành du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển.

Nhận định về vấn đề phát triển du lịch nông nghiệp tại Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh, khi du lịch phát triển, các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của địa phương sẽ trở thành những đặc sản, tạo thêm đầu ra cho nông sản của người nông dân. Việc gắn kết giữa du lịch và nông nghiệp sẽ góp phần giúp cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân chất lượng hơn. Để phát triển du lịch, người nông dân sẽ gìn giữ cảnh quan nông thôn, ngày càng hoàn thiện những kỹ năng làm du lịch, nâng chất cho du lịch Đồng Nai.

Trước những tiềm năng khai thác du lịch, nông dân tại nhiều địa phương đã mạnh dạn đầu tư các mô hình du lịch sinh thái, du lịch vườn… phục vụ tại chỗ những vườn cây trái cũng như tạo sự phong phú cho ẩm thực địa phương. Tại các địa phương như: Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, TP.Long Khánh… nông dân đã có nhiều thay đổi trong giao tiếp, ứng xử để phục vụ du khách. Với sự thật thà, chân chất, đôi khi là tính cục mịch chân quê, hình ảnh người nông dân làm hướng dẫn viên đã trở nên thân thiện, mềm mại hơn khi làm du lịch.

Ông Trần Văn Lộc, chủ vườn trái cây Chú Lộc La (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) cho biết, nhờ làm du lịch mà bản thân ông được học hỏi nhiều thứ, đặc biệt là cách chăm sóc, hỗ trợ người khác. Ông chia sẻ, thời gian đầu khi chưa quen với cách tiếp khách và chiều theo khách, bản thân ông có đôi chút rụt rè. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, cùng với sự hướng dẫn từ các đơn vị chuyên môn, những kỹ năng giao tiếp, phục vụ khách hàng được các chuyên gia truyền đạt lại đã giúp cho người nông dân tự tin hơn khi làm du lịch.

Đến nay, sau nhiều năm “bén duyên” với du lịch ông Lộc cũng như các nông dân làm du lịch khác tại địa phương đã xây dựng được hình ảnh thân thiện bởi sự giao tiếp mạnh dạn, tự nhiên cùng với các sản phẩm du lịch luôn được hoàn thiện mỗi ngày.

Chị Đoàn Thị Thu Thủy, du khách tại TP.HCM chia sẻ, chị và gia đình đã nhiều lần tham quan, nghỉ dưỡng cuối tuần tại những vùng nông thôn của Đồng Nai. Ngoài những đặc sản, phong cảnh đẹp, chị Thủy cũng khá hài lòng với cách phục vụ thân thiện, hào sảng và khá chuyên nghiệp, sẵn sàng giúp đỡ khi khách cần.

Chị Thủy chia sẻ: “Gia đình tôi rất thích mô hình du lịch nông nghiệp nên những khung cảnh đồng quê và sự thân thiện của người nông dân đã giúp chúng tôi thoải mái vui chơi và sinh hoạt cùng người dân. Các con tôi có cơ hội trải nghiệm những hoạt động lao động sản xuất như một người nông dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục hành trình tìm về những vùng quê, trong đó Đồng Nai là ưu tiên số 1 bởi gần TP.HCM và giao thông khá thuận lợi”.

* Xây dựng thương hiệu du lịch - trách nhiệm chung

Để du lịch nông nghiệp nông thôn ngày càng phát triển, ghi dấu ấn mạnh hơn trên thị trường du lịch trong cả nước nhằm thu hút du khách, thời gian qua, Sở VH-TTDL đã phối hợp với các địa phương triển khai tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhận thức về du lịch, bảo vệ môi trường du lịch cho lãnh đạo chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở. Đồng thời thực hiện các chương trình giáo dục cộng đồng, tập huấn văn hóa kinh doanh, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho đối tượng là các hộ kinh doanh, doanh nghiệp du lịch tại các địa bàn trọng điểm về du lịch của tỉnh như: Tân Phú, Biên Hòa, Long Khánh, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc…

Bên cạnh đó, nghị quyết về phát triển du lịch, các kế hoạch, mục tiêu về du lịch cũng được lãnh đạo tỉnh ban hành và được các địa phương cụ thể hóa vào phát triển du lịch. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến các chính sách về du lịch đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, doanh nghiệp và người dân về vai trò, vị trí của du lịch cũng như ý thức trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan nhà nước đối với việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Tại các địa phương như: Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, TP.Long Khánh… nông dân đã có nhiều thay đổi trong giao tiếp, ứng xử để phục vụ du khách.

Công tác quản lý, bảo đảm môi trường tự nhiên - xã hội trong hoạt động du lịch ngày càng chặt chẽ, hiệu quả cao hơn; sự gắn kết giữa các ngành, lĩnh vực với du lịch ngày càng rõ nét. Các doanh nghiệp du lịch, hộ dân cư kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch có ý thức hơn về đạo đức kinh doanh, văn minh thương mại; môi trường tự nhiên - xã hội ở các địa bàn du lịch được đảm bảo tốt hơn, góp phần phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian qua.

Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho người lao động được các cấp quản lý và doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm thực hiện, tổ chức nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương và đơn vị.

Sở VH-TTDL đã phối hợp các trường đào tạo về du lịch và các địa phương tổ chức hàng chục lớp bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn về nghiệp vụ du lịch (thuyết minh viên du lịch, nghiệp vụ buồng, lễ tân, kỹ năng giao tiếp du lịch, nghiệp vụ du lịch cho tài xế, tài công vận chuyển ô tô và phương tiện thủy nội địa vận chuyển khách du lịch) cho hàng ngàn học viên là công chức quản lý nhà nước về du lịch tại các huyện và các phường xã, người lao động tại các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng dân cư.

Theo bà Nguyễn Thị Mộng Bình, qua tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nêu trên góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du lịch tại các điểm đến, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch.

Thủy Mộc

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích