Sáng 21-7-2022, tại Sở GD-ĐT, Hội đồng thẩm định tài liệu sách giáo khoa địa phương các lớp 3, 7, 10, trong phần văn học các dân tộc ít người, có nội dung đưa dân ca Chơro vào giảng dạy trong nhà trường.
Sáng 21-7-2022, tại Sở GD-ĐT, Hội đồng thẩm định tài liệu sách giáo khoa địa phương các lớp 3, 7, 10, trong phần văn học các dân tộc ít người, có nội dung đưa dân ca Chơro vào giảng dạy trong nhà trường.
Về nội dung này, nhớ lại chuyện sưu tầm, nghiên cứu dân ca dân tộc ít người ở Đồng Nai từ gần 30 năm trước và công trình “karaoke hóa” dân ca Chơro của nhạc sĩ Trần Viết Bính. Hồi đó, việc nghiên cứu, sưu tầm rất vất vả, vùng xa, cơm nắm, muối vừng. Vất vả nhưng vui, tối cùng già làng đánh cồng chiêng, hát múa thâu đêm, ngất ngây rượu cần. Nhạc sĩ Trần Viết Bính lúc đó tuổi cao sức trẻ, say việc, yêu người, có lúc ở lại trong đồng bào hàng tuần, đánh thức nhiều làn điệu dân ca vốn đã ngủ quên nhiều năm. Sưu tầm được rất nhiều bài dân ca Chơro. Mừng lắm! Rồi sao nữa?
Không dừng lại ở tiếng vỗ tay khen ngợi. Sưu tầm không phải đề nhập kho, phó mặc cho gián mối. Trăn trở với mục tiêu chính: Làm sau để truyền dạy, thắp lửa cho lớp trẻ trong đồng bào. Nhiều lớp dạy hát dân ca cho thanh, thiếu niên Chơro được mở. Nhưng không phải dễ, học trước quên sau, dân tộc Chơro không có chữ viết, mỗi người phát âm trệu trạo một kiểu, học trước quên sau.
Nhạc sĩ Trần Viết Bính bứt tóc, nghĩ cách ứng dụng công nghệ mới ký âm theo kiểu Tây, karaoke hóa theo văn nghệ @. Bàn tay già lướt phím theo nhịp tim trẻ, hình thành 15 bài karaoke dân ca Chơro được nghiệm thu cùng nhiều bài của các dân tộc Mạ, S’tiêng, Cơ Ho... 15 bài Chơro được phổ biến, trẻ em Chơro hát vui, hay. Người già vui theo.
Nhưng công nhận nó không phải dễ. Nhiều ý kiến, khác nhau. Nhất là các nhà khoa học. Một đêm trong năm 2009, tại nhà dài dân tộc Chơro ở Lý Lịch (H.Vĩnh Cửu), các đại giáo sư đầu ngành văn hóa dân gian: GS-TS Tô Ngọc Thanh, GS-TS Ngô Đức Thịnh, GS-TS Nguyễn Xuân Kính cùng nhiều nhà nghiên cứu lừng danh khác thức gần như trắng đêm tranh luận sôi nổi về công trình của thầy Trần Viết Bính. Nên và không nên. Nhiều ý khác nhau nhưng chung quan điểm lấy đồng bào làm thước đo, đồng bào tiếp nhận thế nào?
Sáng hôm sau, tại sàn đất nhà dài, các nhà nghiên cứu cùng đồng bào giao lưu, nghe các em các cháu hát. Đến lúc cao hứng, già làng Năm Nổi vỗ đùi khen: “Thầy Bính của mình giỏi thật!”. Chỉ một câu ấy đã kết luận cuộc tranh luận. Ngày nay, dân ca Chơro thời @ đã quen thuộc trong đồng bào Chơro, nay Sở GD-ĐT chủ trương đưa vào nội dung giáo dục địa phương là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng. Vì thực hiện chính sách dân tộc, dù phát triển về đời sống kinh tế mà để mất tài sản bản sắc của đồng bào thì thiệt là tội lỗi.
Ong Mật