Báo Đồng Nai điện tử
En

Lắng nghe trẻ em nói…

07:06, 11/06/2022

Trong Công ước của LHQ về quyền trẻ em cũng như trong Luật Trẻ em đều quy định: trẻ em có quyền được tự do bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em…; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng.

Trong Công ước của LHQ về quyền trẻ em cũng như trong Luật Trẻ em đều quy định: trẻ em có quyền được tự do bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em…; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng.

Các em đội viên Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa) mạnh dạn trao đổi ý kiến tại chương trình do Liên đội tổ chức
Các em đội viên Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa) mạnh dạn trao đổi ý kiến tại chương trình do Liên đội tổ chức

Vì vậy, thời gian qua, các cấp, các ngành, nhà trường, xã hội đã tổ chức nhiều mô hình, hoạt động để trẻ em nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình. Từ đó, các cơ quan, tổ chức có sự điều chỉnh các hoạt động phù hợp hơn đối với trẻ em. 

Lắng nghe trẻ bằng nhiều cách

Một trong những hình thức lắng nghe hiệu quả phải kể đến là Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (Tổng đài 111) thuộc Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TBXH.

Theo đó, Tổng đài 111 tiếp nhận, tư vấn, can thiệp và hỗ trợ cho trẻ em về các vấn đề: phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em; khó khăn về chính sách và pháp luật; khó khăn trong các mối quan hệ ứng xử bạn bè, trong gia đình, nhà trường; các vấn đề về tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản. Hỗ trợ tâm lý trực tiếp miễn phí cho trẻ em bị khủng hoảng nặng về tâm lý khi bị xâm hại, bạo lực, mua bán. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng can thiệp cho trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bóc lột, mua bán, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tham vấn ý kiến trẻ em thông qua điện thoại khi triển khai các văn bản pháp luật liên quan đến trẻ em…

Phó phòng LĐ-TBXH H.Định Quán NGUYỄN THỊ MỸ DUNG cho biết, sau diễn đàn trẻ em được tổ chức hằng năm, Phòng LĐ-TBXH đã chọn những nội dung mà các em quan tâm, để tập trung thực hiện. Thời gian qua, Phòng LĐ-TBXH huyện đã tham mưu, chỉ đạo đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của trẻ em, các tầng lớp nhân dân về công tác phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, xâm hại ở trẻ em.

Để kết nối với Tổng đài 111, ngoài hình thức gọi điện thoại, người dùng cũng có thể kết nối thông qua ứng dụng Tổng đài 111 trên điện thoại thông minh (tải trên Appstore hoặc CH Play) hoặc kết nối với Tổng đài 111 trên Zalo. Điều đặc biệt là ngoài tiếp nhận thông tin, ứng dụng còn cung cấp nhiều thông tin bổ ích góp phần bảo vệ trẻ em.

Song song với hoạt động của Tổng đài 111, UBND tỉnh, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh hằng năm (trừ những năm dịch bệnh) duy trì tổ chức Diễn đàn trẻ em. Một trong những yêu cầu cần đạt được của diễn đàn là trẻ em được thảo luận, đưa ra ý kiến nguyện vọng của mình làm cơ sở trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các văn bản, kế hoạch, chương trình, chính sách về trẻ em. Đồng thời, thông qua diễn đàn, lãnh đạo các cấp và các bậc phụ huynh sẽ lắng nghe ý kiến của các em, để giúp đỡ, động viên các em vươn lên trong cuộc sống, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Anh Võ Văn Trung, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh cho biết, từ năm 2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để kịp thời lắng nghe ý kiến của các em, Tỉnh đoàn chủ trì phối hợp với các ngành thành lập Hội đồng Trẻ em (HĐTE) tỉnh. Tính đến nay, đã duy trì tổ chức được 4 kỳ họp, các đại biểu HĐTE tỉnh đã đóng góp rất nhiều ý kiến liên quan đến trẻ em. Ngoài HĐTE tỉnh, một số huyện, thành phố cũng đã thành lập HĐTE cấp huyện.

Tại các trường học đã và đang duy trì mô hình hộp thư Điều em muốn nói. Các em đội viên, thiếu nhi có những vấn đề cần phản ánh với Liên đội hay Ban giám hiệu nhà trường sẽ viết vào giấy và bỏ vào hộp thư. Từ đó giúp Ban giám hiệu, Liên đội nhà trường kịp thời nắm bắt được những tâm tư tình cảm, những điều các em quan tâm… để kịp thời có những điều chỉnh. Qua các hoạt động này, tổ chức Đội đã nắm bắt được tình hình thiếu nhi, kịp thời phản ảnh giúp Đoàn TNCSHCM thực hiện nhiệm vụ tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.

Làm cơ sở điều chỉnh các hoạt động cho phù hợp

Theo thông tin từ website: tongdai111.vn, từ khi ra đời đến nay, Tổng đài 111 đã can thiệp, hỗ trợ gần 7 ngàn trường hợp. Đồng thời, Tổng đài 111 còn góp phần vào việc xây dựng chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em. Thông qua Tổng đài 111 cơ quan chức năng hoàn toàn thống kê được số cuộc gọi, các trường hợp được hỗ trợ, các nhóm vấn đề trẻ em cần được hỗ trợ… làm cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu, hoạch định các chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em.

Thành viên Hội đồng Trẻ em tỉnh tham gia đóng góp ý kiến tại Kỳ họp thứ IV tổ chức vào tháng 4 vừa qua
Thành viên Hội đồng Trẻ em tỉnh tham gia đóng góp ý kiến tại Kỳ họp thứ IV tổ chức vào tháng 4 vừa qua

Theo anh Võ Văn Trung, hầu hết các ý kiến của các em tại diễn đàn, kỳ họp đều được các cơ quan chức năng, trong đó có Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh ghi nhận và có đề xuất với các ngành chức năng quan tâm xử lý. Riêng đối với Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh, trên cơ sở các ý kiến góp ý của các em cũng đã có sự chọn lọc để tham mưu, điều chỉnh các hoạt động cho phù hợp với nhu cầu của các em.

Để kết nối với Tổng đài 111, ngoài hình thức gọi điện thoại, người dùng cũng có thể kết nối thông qua ứng dụng Tổng đài 111 trên điện thoại thông minh (tải trên Appstore hoặc CH Play) hoặc kết nối với Tổng đài 111 trên Zalo.

Với vai trò là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo hè tỉnh, Tỉnh đoàn đã tham mưu Ban Chỉ đạo hè tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hè năm 2022. Với chủ đề Hè vui khỏe - thích ứng - an toàn, ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục; tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí dành cho thiếu nhi… các hoạt động hè năm nay tập trung vào những hoạt động trang bị kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho thanh thiếu nhi. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước; phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em thông qua các hoạt động dạy bơi, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn cho học sinh.

Chính vì vậy, trong chương trình lễ khai mạc hè tỉnh diễn ra vào ngày 3-6 vừa qua, Ban Chỉ đạo hè cũng đã phát động toàn dân tập luyện môn bơi để phòng, chống đuối nước; đồng thời tổ chức ngày hội phòng, chống đuối nước cho trẻ em với các hoạt động như: giải bơi lội thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai năm 2022; biểu diễn các kiểu bơi; cách cứu người bị đuối nước... Đồng thời, ban chỉ đạo hè các cấp cũng đã kêu gọi các gia đình có con em trong độ tuổi thanh thiếu nhi chủ động cho con tham gia các lớp học bơi, các lớp kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước…

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các em thiếu nhi phải học tập trực tuyến tại nhà, các em đã bày tỏ lo lắng trước những cám dỗ đang bày ra trên không gian mạng; đồng thời phản ảnh tình trạng một số thiếu nhi khó khăn, không có thiết bị học tập trực tuyến cần có hình thức giải trí trên không gian mạng…

Trước vấn đề này, tổ chức Đội các cấp thông qua các trang Facebook của tổ chức Đội các cấp hướng dẫn các em sử dụng Internet, mạng xã hội, đúng cách; trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi giúp các em tự bảo vệ mình và biết cách tương tác trên môi trường mạng. Để giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo việc học trong dịch bệnh, thông qua các chương trình: Sóng và máy tính cho em, Cùng em học trực tuyến…

Hội đồng Đội tỉnh đã vận động và trao tặng trên 6 ngàn thiết bị, 150 ngàn cuốn tập, 900 suất học bổng với tổng trị giá gần 14 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội đồng Đội các cấp cũng đã tổ chức các hoạt động, các cuộc thi trực tuyến, giúp các em giải trí lành mạnh trong những ngày học tập trực tuyến…

Nga Sơn


Em LÃ HỒNG NGA, học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (H.Cẩm Mỹ):

Cần được rèn luyện kỹ năng giao tiếp

Em nhận thấy, ở độ tuổi của em, việc giao tiếp với cha mẹ ngày càng trở nên khó khăn. Có nhiều vấn đề em cũng như các bạn của em gặp phải trong cuộc sống, trong học tập cần cha mẹ, người lớn tư vấn, định hướng nhưng lại rất khó khăn vì không biết phải bắt đầu từ đâu.

Vì vậy, em cho rằng việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp khá quan trọng. Điều này có thể bắt đầu bằng việc thầy cô, cha mẹ, người lớn trong gia đình dành nhiều hơn gian trò chuyện với trẻ...

Em TRẦN ÂU MINH KHUÊ, học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (TP.Long Khánh):

Chủ động trau dồi vốn ngôn từ

Bên cạnh kỹ năng giao tiếp, việc khó mở lời với cha mẹ, thầy cô về vấn đề mà mình gặp phải trong cuộc sống còn bởi vì vốn ngôn từ hạn chế nên gặp khó khăn trong việc diễn giải câu chuyện cho người khác hiểu. Em cho rằng, mỗi người cần phải chủ động hơn trong việc trau dồi vốn ngôn từ.

Khi có được vốn ngôn từ phong phú sẽ giúp chúng ta suy nghĩ, ứng biến nhanh trong mọi tình huống giao tiếp. Với cá nhân em, ngoài việc học trong sách vở, em còn dành thời gian để đọc những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi. Việc đọc sách vừa giúp em có thêm kiến thức, sự hiểu biết, còn giúp em có thêm những ngôn từ phong phú.

Em NGUYỄN XUÂN YẾN LINH, học sinh Trường tiểu học Trần Quốc Toản (H.Định Quán):

Cần động viên, khuyến khích thay vì chỉ trích, chê bai

Trong kỳ thi cuối năm học lớp 3, mẹ nói với em rằng chỉ cần em cố gắng, không đặt nặng vấn đề điểm số hay danh hiệu học sinh giỏi... Mặc dù không bị áp lực nhưng bản thân em lại muốn mẹ vui nên đã cố gắng ôn tập. Tuy nhiên, kết quả thi lại không như mong muốn nên em cảm thấy rất buồn.

Lúc ấy mẹ em đã ở cạnh động viên, chia sẻ với “thất bại” của em, giúp em có động lực vượt qua. Sau này, khi gặp phải những điều không vui trong cuộc sống, em vẫn luôn kể với mẹ. Từ câu chuyện của bản thân em, em nhận thấy rẳng để trẻ mạnh dạn nói lên suy nghĩ của mình, thầy cô, cha mẹ phải luôn là người động viên, khuyến khích thay vì chỉ trích, chê bai.                

Nguyễn Tuyết (ghi)


 

Tin xem nhiều