Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa, trên 23 ngàn thí sinh của Đồng Nai sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Trong khi đó, dự kiến năm học 2022-2023, chỉ có trên 10 ngàn chỉ tiêu vào 21 trường THPT công lập.
Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa, trên 23 ngàn thí sinh của Đồng Nai sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Trong khi đó, dự kiến năm học 2022-2023, chỉ có trên 10 ngàn chỉ tiêu vào 21 trường THPT công lập. Các trường công lập và tư thục còn lại không tổ chức thi tuyển sẽ tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển học bạ theo chỉ tiêu do Sở GD-ĐT phê duyệt.
Nếu như ở TP.Biên Hòa, ngoài các trường công lập, học sinh còn có khá nhiều sự lựa chọn khi hệ thống trường ngoài công lập phát triển mạnh mẽ, có khả năng đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của phụ huynh và học sinh, thì ở một số địa phương, nếu không đậu vào các trường THPT công lập, chọn học tiếp ở đâu rất cần được định hướng một cách kịp thời. Bởi, trong tỉnh hiện còn một số địa phương, trường tư thục chưa được xây dựng nên lựa chọn của học sinh chỉ có thể là theo học tiếp ở các trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc học nghề. Tuy nhiên, học nghề gì cho phù hợp vẫn là vấn đề rất cần được quan tâm nhằm đáp ứng tốt nhất nguồn nhân lực cho xã hội, nhất là sát với nhu cầu thực tế của địa phương.
Đồng Nai có hệ thống trường nghề khá phát triển, trong đó không ít trường đã xây dựng được thương hiệu của riêng mình và bắt đầu có sự lựa chọn đầu vào trong khâu tuyển sinh. Không ít học viên khi chưa tốt nghiệp trường nghề đã được các doanh nghiệp “đặt hàng” về làm việc với mức thu nhập rất đáng mơ ước, hơn hẳn nhiều ngành nghề tốt nghiệp đại học. Nhờ các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, nhiều học viên đã sang làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc… với cơ hội nghề nghiệp, tương lai rộng mở. Đặc biệt, sau khi hoàn thành chương trình học nghề, học viên hoàn toàn có thể học lên các trình độ cao hơn nếu có quyết tâm và sự nỗ lực.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù nhiều học sinh đã chủ động chọn trường nghề để học tập sau khi không đậu vào các trường THPT hơn trước xong tâm lý muốn “làm thầy hơn làm thợ” vẫn còn khá phổ biến. Chính vì vậy, nhiều năm nay, công tác luồng sau THCS vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Đây là vấn đề cần có giải pháp phù hợp hơn nữa để các học sinh không tiếp tục học lên THPT được tiếp cận với những chính sách học nghề phù hợp, lựa chọn được ngành nghề đúng theo sở trường, sớm có việc làm, thu nhập và quan trọng nhất là hạn chế được tình trạng mất phương hướng, dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội…
Minh Ngọc