Lắng nghe giúp cha mẹ nắm bắt được tâm tư, tình cảm, suy nghĩ, nhu cầu và cả những mối bận tâm của trẻ. Đồng thời, trẻ cũng cảm nhận được sự tôn trọng, thấu hiểu, chia sẻ từ phía cha mẹ. Điều này sẽ tạo nên sợi dây liên kết giữa cha mẹ và con cái, tạo thuận lợi trong rèn luyện nhân cách của trẻ. Tuy nhiên, hiện nay không phải bậc phụ huynh nào cũng làm tốt điều này.
ThS Cao Thị Huyền |
Lắng nghe giúp cha mẹ nắm bắt được tâm tư, tình cảm, suy nghĩ, nhu cầu và cả những mối bận tâm của trẻ. Đồng thời, trẻ cũng cảm nhận được sự tôn trọng, thấu hiểu, chia sẻ từ phía cha mẹ. Điều này sẽ tạo nên sợi dây liên kết giữa cha mẹ và con cái, tạo thuận lợi trong rèn luyện nhân cách của trẻ. Tuy nhiên, hiện nay không phải bậc phụ huynh nào cũng làm tốt điều này.
ThS CAO THỊ HUYỀN, giảng viên tâm lý Khoa Khoa học cơ bản Trường đại học Đồng Nai đã có những chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần về những nội dung liên quan đến vấn đề này.
Bằng kinh nghiệm thực tế của mình, bà có thể cho biết, phụ huynh Việt Nam hiện nay đã biết cách lắng nghe và đồng hành cùng con chưa?
- Trong quá trình làm việc, tôi nhận thấy có 3 xu hướng diễn ra: Có trường hợp có khi cha mẹ dường như không có vai trò gì trong cuộc sống của con vì họ quá bận bịu. Có những bạn nhỏ chia sẻ, bản thân các em ấy thấy lạc lõng, cô đơn trong chính ngôi nhà của mình khi không nhận được sự quan tâm hay lắng nghe của cha mẹ. Có trường hợp phụ huynh lại tham gia quá nhiều vào cuộc sống của con, muốn kiểm soát cả những chi tiết rất nhỏ trong cuộc sống của con khiến con cảm thấy mất tự tin về khả năng của mình với cuộc đời của chính mình. Chỉ có một số ít phụ huynh có thể lắng nghe và đồng hành với cảm xúc của con.
Mỗi đứa trẻ từ khi sinh ra đến lúc khôn lớn, trưởng thành đều phải trải qua các giai đoạn phát triển và biến đổi tâm sinh lý khác nhau. Mỗi giai đoạn phát triển của trẻ, cha mẹ cần có sự ứng xử như thế nào cho phù hợp, thưa bà?
- Mỗi đứa trẻ ở từng giai đoạn của cuộc đời thì sẽ có những biến đổi nhất định. Vì vậy, việc hiểu con, biết con cần gì, phát triển tâm lý ra sao chính là bước đầu tiên giúp bố mẹ gần gũi, hiểu và định hướng những điều tốt đẹp đối với trẻ. Chẳng hạn, giai đoạn từ 0-1 tuổi, trẻ cần được người lớn thỏa mãn những nhu cầu bản năng như: ăn, ngủ, đi lại, chơi...
Từ 1-3 tuổi, trẻ lại có nhu cầu được nghe những lời yêu thương nhiều hơn. Từ 3-6 tuổi là giai đoạn cái tôi của trẻ được hình thành, trẻ bắt đầu nhận thức về giới tính, vị trí của mình với mọi người. Từ 6-11 tuổi là lúc trẻ bắt đầu làm quen với những thói quen, nếp sống. Đặc biệt, giai đoạn 11-16 tuổi là giai đoạn có nhiều biến động, diễn biến tâm lý khá phức tạp, nhạy cảm với những lời khen chê… vì vậy rất cần cha mẹ đồng hành, định hướng những điều tốt đẹp.
Theo bà, việc cha mẹ không lắng nghe, chia sẻ với cảm xúc của con và thay vào đó là sự áp đặt thì sẽ gây ra hậu quả gì?
- Làm cha mẹ ai cũng muốn con mình được phát triển toàn diện để sau này có cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì vậy thay vì lắng nghe con, họ thường có xu hướng kiểm soát và định hướng con phát triển theo kế hoạch của mình. Việc áp đặt một cách quá mức sẽ gây ra những hậu quả lâu dài đối với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Trẻ luôn cảm thấy mặc cảm, đánh mất sự tự tin vào chính bản thân mình, suy giảm các kỹ năng tương tác xã hội, rối loạn tâm lý… và đặc biệt là khiến khoảng cách giữa cha mẹ và trẻ ngày càng xa, trẻ khó có thể chia sẻ với cha mẹ các vấn đề khác trong tương lai.
Là một chuyên gia tâm lý, bà có lời khuyên nào dành cho phụ huynh để các em mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ, nói lên tiếng nói của mình?
- Tiếng nói trẻ em cần được cha mẹ, người nuôi dưỡng, cộng đồng ghi nhận và tôn trọng. Điều đó giúp tạo dựng một môi trường, tâm lý tự tin để trẻ phát triển toàn diện, phát huy được hết tố chất và tiềm năng của mình. Tôi cho rằng, cha mẹ cần tận dụng mọi cơ hội để có thể nói chuyện với trẻ, tránh ai làm việc ấy, ai ở phòng nấy khiến khoảng cách giữa cha mẹ và trẻ ngày càng xa. Điều quan trọng nữa là, khi nghe trẻ nói, các bậc phụ huynh phải tập trung vào cuộc nói chuyện, tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc “4 không: không hỏi, không chỉ trích, không cắt ngang, không nói không” để trẻ tự tin và mạnh dạn nói ra những mong muốn và nguyện vọng của mình.
Xin cảm ơn bà!
Cẩm Tú (thực hiện)