Hâm mộ, yêu thích và thể hiện tình cảm của mình đối với một nhân vật, rồi xem nhân vật đó là "thần tượng" (giới trẻ thường gọi là idol) thời nào cũng có, là nhu cầu chính đáng và quyền của mỗi người. Tuy nhiên, nếu việc hâm mộ thái quá, dẫn đến "cuồng", hoặc dành sự yêu thích đối với người có những biểu hiện, hành vi, lối sống không chuẩn mực, thậm chí vi phạm pháp luật… thì lại là vấn đề đáng bàn.
Hâm mộ, yêu thích và thể hiện tình cảm của mình đối với một nhân vật, rồi xem nhân vật đó là “thần tượng” (giới trẻ thường gọi là idol) thời nào cũng có, là nhu cầu chính đáng và quyền của mỗi người. Tuy nhiên, nếu việc hâm mộ thái quá, dẫn đến “cuồng”, hoặc dành sự yêu thích đối với người có những biểu hiện, hành vi, lối sống không chuẩn mực, thậm chí vi phạm pháp luật… thì lại là vấn đề đáng bàn.
Các thành viên của ban nhạc Blackpink có lượng theo dõi khủng |
Ngày nay, giới trẻ khi nhận mình là người hâm mộ một ai thường gọi là fan. Các fan có chung niềm yêu thích đối với idol thì lập nên fanclub. Ngược lại với fan là antifan.
* Idol trong lòng fan
Chị Bích Ngọc, thuộc thế hệ 8X, đang trọ ở P.Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) nhớ lại thời mới lớn, chị rất yêu thích một nam ca sĩ. Khi ca sĩ này ra album nhạc nào mới, chị cũng dành dụm tiền mua để nghe, rồi ghi chép lại tất cả lời bài hát của ca sĩ đó để hát nghêu ngao đến thuộc.
Chị Bích Ngọc kể, thời đó chưa có internet phát triển như hiện nay nên chị theo dõi thông tin về người mà mình hâm mộ qua báo, tạp chí. Chị thường nhịn ăn sáng để dành tiền mua các báo, tuyển tập thơ văn như: Mực Tím, Hoa học trò, Áo trắng… Chị mong chờ nhất là các số báo đặc biệt có kèm quà tặng là poster hình ảnh của ca sĩ chị yêu mến để dán khắp phòng. Ở các nhà sách thời điểm đó, cũng có bán các tờ lịch, hoặc tranh ảnh của người nổi tiếng với nhiều khổ in to, nhỏ khác nhau, phục vụ nhu cầu của người hâm mộ.
“Chiếc phin” tự lọc những hành động thái quá ThS văn hóa học LÊ NGUYỄN THÙY TRANG, Thư ký Tòa soạn Báo Hoa Học Trò, người có nhiều năm gắn bó với thế hệ học trò, cho rằng ở độ tuổi mới lớn, các bạn trẻ cần có thần tượng và xem thần tượng là động lực để phấn đấu, miễn sao mỗi bạn có thể là “chiếc phin” tự lọc được cho mình những hành động thái quá. |
Có nhiều cách để người hâm mộ thể hiện tình cảm của bản thân đối với thần tượng. Một trong những cách thể hiện thiết thực và phổ biến nhất là ủng hộ các sản phẩm do thần tượng thực hiện, đón xem các chương trình có sự xuất hiện của thần tượng; tặng hoa, tặng quà cho thần tượng.
Đã là fan, ai cũng mong muốn được gặp trực tiếp thần tượng “bằng xương, bằng thịt” ngoài đời. Với mong muốn đó, nhiều người thường theo dõi lịch của các idol để đón, gặp gỡ idol ở sân bay, các sự kiện có mặt của thần tượng… Cũng vì quá yêu mến Song Hye Kyo, trong “hôn lễ thế kỷ” của nữ diễn viên này, khi chưa có dịch Covid-19 xuất hiện, chị H.X.P. (ngụ Q.4, TP.HCM) cùng nhóm bạn đã đặt tour qua Hàn Quốc để đến nơi tổ chức đám cưới của nữ diễn viên này, chứng kiến không khí nơi diễn ra đám cưới của thần tượng. Khi câu chuyện hôn nhân của idol từ thuở thanh xuân của mình sớm tan, rất nhiều người, trong đó có chị P. bàng hoàng, tiếc nuối.
Khi yêu mến idol, người hâm mộ luôn tò mò và mong muốn biết “tất tần tật” thông tin của idol, từ hoạt động chính đến đời tư của họ. Và khi internet phát triển, người hâm mộ có thêm nhiều kênh để biết thông tin về idol nhiều hơn. Theo đó, trên nền tảng mạng, nhiều báo điện tử, trang thông tin điện tử ra đời, đáp ứng nhu cầu đó, chẳng hạn như: ngoisao.net - chuyên trang giải trí của VnExpress, kenh14.vn - kênh giải trí - xã hội, saostar.vn…
Ngoài ra, thông qua nên tảng các mạng xã hội phổ biến như: Instagram, Facebook, Weibo, YouTube, TikTok…, người hâm mộ có thể trực tiếp tìm hiểu, theo dõi thông tin về idol; đồng thời tham gia các hội, nhóm cùng yêu thích idol, tạo thành fanclub. Lượng theo dõi của idol càng khủng, chứng tỏ sức nóng, độ ảnh hưởng của idol càng nhiều.
Nổi tiếng trong đó có lẽ là các nhóm nhạc của Hàn Quốc như: Blackpink, BTS…. Instagram của các thành viên Blackpink đều có lượng người theo dõi lên đến hàng chục triệu người ở khắp nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, có các thần tượng như diễn viên - MC Trấn Thành, ca sĩ Sơn Tùng MTP, cầu thủ Quang Hải…
* Tỉnh táo khi hâm mộ
Do quá yêu thích thần tượng, nên các thông tin, “động tĩnh” của thần tượng đều được các fan quan tâm. Việc quá tò mò, soi mói vào đời tư của một cá nhân nào đó, ngay cả là người nổi tiếng, là chuyện không nên.
Nhắm vào tâm lý muốn biết tất cả về idol, một số trang báo mạng, các bài viết trên nền tảng mạng xã hội đã thi nhau khai thác đề tài này một cách triệt để nhằm câu lượt xem (view), lượt thích (like). Các youtuber, tiktoker, paparazzi…. tìm đủ mọi cách để có những tấm hình bắt khoảnh khắc càng riêng tư, càng độc, càng lạ trong sinh hoạt đời thường của người nổi tiếng thì càng được nhiều người thích thú, hưởng ứng.
Lượng “fan” của bà Nguyễn Phương Hằng vẫn đăng tải những bài viết, bình luận ủng hộ đối tượng này, dù cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam bà này về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331, Bộ luật Hình sự |
Nhân vô thập toàn, người đời không ai là hoàn hảo cả, ngay cả các thần tượng. Do vậy, bên cạnh nhóm fan thì cũng có nhóm antifan. Các thần tượng cũng chịu không ít “gạch đá” “búa rìu” công kích từ các antifan, dư luận xã hội. Áp lực từ các fan cũng như antifan khiến nhiều người nổi tiếng không cầm cự nổi, nhiều trường hợp người nổi tiếng rơi vào trầm cảm tâm lý hoặc tìm cách tự vẫn để giải quyết vấn đề.
Thông qua thông tin đăng tải trên báo chí, các trang mạng xã hội, có một bộ phận fan quá khích đã xúc động đến khóc lóc, vật vã; ngất xỉu khi gặp thần tượng; chen lấn, tạo thành đám đông, xô đẩy nhau chạy theo xe chở thần tượng… Đây có thể coi là hiện tượng lệch lạc trong văn hóa ứng xử.
Để không trở thành “fan cuồng”, mù quáng tôn thờ, thần thánh hóa thần tượng quá mức, các fan rất cần sự tỉnh táo khi hâm mộ. Ngoài ra, gia đình cần quan tâm, chia sẻ và định hướng cho con em cách ứng xử văn minh, phù hợp trong lối sống nói chung và việc hâm mộ thần tượng nói riêng. Nhà trường và các tổ chức đoàn, hội có thể tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề… định hướng quan niệm về thần tượng và cách ứng xử cho giới trẻ.
Đặc biệt, người hâm mộ ngày nay không chỉ dừng lại ở việc trau dồi văn hóa hâm mộ mà còn cần phải có trau dồi kiến thức, thực hành, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Từ trường hợp của bà Nguyễn Phương Hằng (ngụ Q.1, TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam) bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331, Bộ luật Hình sự vào ngày 24-3 vừa qua là chính là một bài học, lời cảnh báo cho những cá nhân đặt sự quan tâm, hâm mộ không đúng chỗ. Theo đó, trong hàng trăm buổi livestream để “chửi” của bà Nguyễn Phương Hằng, có hàng rất đông người theo dõi, bình luận cổ súy, làm dấy lên trên cộng đồng mạng xã hội hai nhóm “fan chính nghĩa” và “fan nghệ sĩ”. Cho đến khi bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam, nhiều người vẫn chưa tỉnh táo. Theo thông tin của báo Tuổi trẻ đăng tải, đã xảy ra sự việc một TikToker bị công an mời làm việc do kêu gọi fan chính nghĩa biểu tình’ tại khu du lịch Đại Nam…
Lâm Viên