Báo Đồng Nai điện tử
En

Những phụ nữ "vác tù và hàng tổng"…

08:03, 05/03/2022

Chi hội trưởng phụ nữ được biết đến là hạt nhân nòng cốt trong phong trào, hoạt động Hội LHPN ở cơ sở và đóng góp tích cực trong các phong trào của địa phương.

Chi hội trưởng phụ nữ được biết đến là hạt nhân nòng cốt trong phong trào, hoạt động Hội LHPN ở cơ sở và đóng góp tích cực trong các phong trào của địa phương.

Chị Hoàng Thị Định (hàng sau, bên phải) cùng các chị em hội viên trong một lần tham gia hỗ trợ điểm tiêm vaccine trên địa bàn. Ảnh: Hồ Thảo
Chị Hoàng Thị Định (hàng sau, bên phải) cùng các chị em hội viên trong một lần tham gia hỗ trợ điểm tiêm vaccine trên địa bàn. Ảnh: Hồ Thảo

Họ cũng chính là những người “truyền lửa” tới hội viên phụ nữ ở cơ sở, là điểm tựa gần nhất của chị em. Điểm chung của những người phụ nữ này là luôn nỗ lực vượt khó để vừa làm tốt vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình, vừa xông xáo, gương mẫu, tích cực tham gia công tác xã hội.

* Hết lòng với chị em công nhân

Chị Hoàng Thị Định, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Hòa Bình, xã Giang Điền (H.Trảng Bom) là một người như vậy. Hơn 20 năm trước, chị Định cùng chồng - một cựu quân nhân, từ Bắc Giang vào Đồng Nai lập nghiệp.

Theo Hội LHPN tỉnh, thời gian qua, các cấp bộ Hội, nhất là ở cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tại đơn vị, địa phương tham gia ủng hộ nguồn lực, góp phần cùng với các cấp, các ngành và nhân dân đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Cùng với đó, tập trung chăm lo, động viên, hỗ trợ bằng nhiều hình thức thiết thực để lực lượng chống dịch ở tuyến đầu yên tâm công tác; nỗ lực chung tay giúp người dân vượt qua khó khăn trong dịch bệnh… góp phần phát huy vai trò của phụ nữ trong đời sống xã hội.

Thuở mới vào, tài sản duy nhất vợ chồng chị có chỉ là đôi bàn tay trắng. Chăm chỉ, chịu thương chịu khó, chị cùng chồng làm thuê, làm mướn khắp nơi. “Năng nhặt chặt bị”, cứ chắt bóp tiết kiệm được thêm tiền, chị lại mang đi mua thêm đất để tăng gia sản xuất. Dần dà, trải qua nhiều năm tháng vất vả, đến nay, 2 vợ chồng chị đã có hẳn một “cơ ngơi”. Trong đó, phải kể đến 5 trang trại gà rộng hơn 5 ngàn m2, 17 phòng trọ cho công nhân thuê… mang đến nguồn thu nhập hằng tháng ổn định. Đặc biệt, tài sản quý giá mà chị có nữa là cậu con trai giỏi giang, đã yên bề gia thất.

Cũng chính từ tinh thần vượt khó ấy cùng tính cách nhiệt tình, sôi nổi, chị Định sớm được chị em phụ nữ cơ sở tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ ấp Hòa Bình. Chị Định chia sẻ: “Ấp Hòa Bình là nơi tập trung đông công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn huyện. Khi làm Chi hội trưởng, một trong những điều tôi trăn trở nhất là làm sao để chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật và tinh thần cho chị em công nhân”.

Dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của tổ chức Hội cấp trên, chị Định đã đi đầu và tâm huyết thành lập mô hình Tổ phụ nữ nhà trọ, trong đó chị xung phong giữ vai trò tổ trưởng. Từ mô hình này đã giúp kết nối chị em hội viên trong công nhân lao động, giúp cho chị em có thêm điều kiện được giao lưu ngoài những giờ làm việc căng thẳng để sống và làm việc hiệu quả hơn.

Cũng với tinh thần hết lòng vì chị em, ngay trong đợt cao điểm dịch bệnh Covid-19, để chia sẻ khó khăn với chị em công nhân nhà trọ, tất cả 17 phòng trọ của nhà chị đều giảm từ 80% trở lên, người nào khó khăn quá chị miễn 100%. Cùng với đó, chị còn mang gạo, thực phẩm sang tặng và tích cực vận động, kết nối các mạnh thường quân ủng hộ các công nhân lao động đang ở trọ trên địa bàn.

* Cầu nối cho chị em dân tộc thiểu số

Hơn 20 năm gắn bó với công tác Hội phụ nữ ở cơ sở và mới đây được giao thêm trọng trách Trưởng ấp, điều chị Phù Sau Kín, Chi hội trưởng phụ nữ KP.Tân Thủy (P.Bàu Sen, TP.Long Khánh) luôn tâm niệm là làm sao để đưa đời sống của hội viên, người dân càng ngày càng nâng lên, người dân đồng bào Hoa ngày càng gắn kết với cấp ủy, chính quyền.

Chị Phù Sau Kín (bìa trái) trao quà cho người dân khó khăn. Ảnh: Hồ Thảo
Chị Phù Sau Kín (bìa trái) trao quà cho người dân khó khăn. Ảnh: Hồ Thảo

Chị Phù Sau Kín bộc bạch, điểm đặc biệt của KP.Tân Thủy là phần lớn người dân đều là người đồng bào dân tộc Hoa. Trước đây, do nhiều nguyên nhân như nói tiếng Việt chưa sõi, hiểu biết còn hạn chế… nên người dân cũng như chị em hội viên nơi đây sống thường khép kín, chưa thật sự cởi mở. Đời sống cũng nhiều phần khó khăn. “Song đến nay, mọi thứ đã thay đổi khác rõ. Hiểu biết xã hội, pháp luật của bà con đã nâng cao. Bà con có công việc, thu nhập ổn định hơn khi vừa làm rẫy, vừa làm tại các công ty, xí nghiệp. Cùng với đó, tích cực tham gia vào các hoạt động, phong trào tại địa phương” - chị Phù Sau Kín chia sẻ.

Và để có được sự thay đổi này, không thể không kể đến công đóng góp to lớn của người phụ nữ có hơn 20 năm gắn bó với công tác xã hội này.

Chị Kín chia sẻ, là người thông thạo cả tiếng Việt lẫn tiếng của dân tộc mình, nên chị luôn tích cực phát huy vai trò “phiên dịch viên” cho chị em, đồng bào. Nhờ đó, các thông tin tuyên truyền từ cấp ủy, chính quyền, tổ chức Hội cấp trên được chị sâu sát đưa tới giải thích, vận động trong chị em; ngược lại, có những vấn đề còn thắc mắc, tư vấn, chị em hội viên, người dân lại tìm đến chị để được giải đáp, hướng dẫn và phản ánh “giùm” lên cấp trên để được xử lý kịp thời. “Dù là lúc sáng sớm hay đêm khuya, lúc nào bà con cần hỗ trợ tôi cũng đều vui vẻ, sẵn sàng” - chị Kín chia sẻ.

Mặt khác, chị tích cực hỗ trợ chị em vượt khó làm ăn bằng các mô hình thiết thực, trong đó có việc hỗ trợ chị em vay vốn phát triển kinh tế, mua sắm vật dụng cần thiết trong gia đình. Thời điểm bà con khó khăn vì dịch bệnh như vừa qua, ngoài các công việc cụ thể, những nguồn vận động trong và ngoài địa phương, sẵn có bà con ở nước ngoài, chị còn tranh thủ vận động để chuyển về quê hương hỗ trợ kịp thời cho bà con.

“Tôi chỉ suy nghĩ là mình phải làm mọi cách có thể để giúp đỡ được nhiều nhất cho chị em, cho người dân, giúp người dân vượt qua khó khăn. Tôi cũng luôn tuyên truyền, vận động trong đồng bào mình tiếp tục không ngừng nỗ lực tự vươn lên. Đồng thời, mong muốn, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho đồng bào thiểu số, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn” - chị Phù Sau Kín chia sẻ.

Cùng với chị Hoàng Thị Định, chị Phù Sau Kín, ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh, còn có nhiều gương sáng trong cán bộ Hội ở cơ sở đã và đang nhiệt tình, say mê đóng góp cho công tác xã hội. Vừa làm tốt vai trò người vợ, người mẹ, vừa không ngừng phát huy tinh thần đóng góp cho cộng đồng...

Hồ Thảo


* Bà PHẠM THỊ HƯƠNG TRÂM, Chủ tịch Hội LHPN xã Giang Điền (H.Trảng Bom): Tích cực đóng góp
cho địa phương

Chi hội trưởng Phụ nữ ấp là những người sâu sát, gần gũi nhất với chị em. Trên tất cả, họ gắn bó với công việc này bằng tinh thần nhiệt huyết, sự nhiệt tình và tấm lòng sẻ chia với chị em. Trên địa bàn toàn xã có 5 chi hội phụ nữ. Trước, trong thời điểm xuất hiện dịch bệnh Covid-19 hay cho đến bây giờ khi tình hình dịch bệnh đã sang trạng thái bình thường mới, 5 cán bộ Chi hội phụ nữ ấp nói chung và đặc biệt là cá nhân chị Hoàng Thị Định vẫn luôn tích cực, hăng say với nhiệm vụ được giao. Bằng nhiều cách khác nhau, các chị đã tích cực đóng góp cho các phong trào hoạt động của tổ chức Hội cũng như địa phương.

* Ông HỒ SẤM HỘI, Bí thư Chi bộ KP.Tân Thủy (P.Bàu Sen, TP.Long Khánh): Chăm lo đời sống hội viên, người dân

Thời gian qua, Chi hội Phụ nữ khu phố, nhất là Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Phù Sau Kín đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà chi bộ khu phố đề ra. Trong đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chi ủy và Ban điều hành khu phố, đồng chí Chi hội trưởng đã tích cực, sâu sát, sáng tạo triển khai nhiều hoạt động nhằm chăm lo đời sống hội viên phụ nữ trên địa bàn, nhất là các hoạt động hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều năm qua, chị đã trở thành “cầu nối” vững chắc giữa người đồng bào dân tộc Hoa trên địa bàn với cấp ủy, chính quyền.


 

Tin xem nhiều