2 tập sách Việt Nam dọc miền du ký của tác giả/họa sĩ trẻ Lê Rin là hành trình khám phá mọi miền đất nước hình chữ S xinh đẹp qua tranh vẽ. "Tôi hy vọng tác phẩm sẽ góp phần làm cho bạn đọc thêm yêu quê hương đất nước vì Việt Nam quê mình rất đẹp!" - Lê Rin nói.
2 tập sách Việt Nam dọc miền du ký của tác giả/họa sĩ trẻ Lê Rin là hành trình khám phá mọi miền đất nước hình chữ S xinh đẹp qua tranh vẽ. “Tôi hy vọng tác phẩm sẽ góp phần làm cho bạn đọc thêm yêu quê hương đất nước vì Việt Nam quê mình rất đẹp!” - Lê Rin nói.
Họa sĩ Lê Rin và tập sách Việt Nam dọc miền du ký tập 2 |
“Em có yêu quê hương Việt Nam mình không?” - đó là lời đầu trong sách tranh Việt Nam dọc miền du ký (NXB Lao Động và Thái Hà Books ấn hành) của họa sĩ thế hệ 8X Lê Rin. Trước đó Lê Rin từng ra mắt tập sách Việt Nam miền ngon (2017) giới thiệu ẩm thực quê hương qua nét vẽ và được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Còn với Việt Nam dọc miền du ký, so với tập 1 phát hành năm 2020 thì tập 2 vừa ra mắt đầu năm 2022 có nhiều tranh minh họa hơn (gồm hơn 300 tranh minh họa màu nước), kết hợp các bài viết thông tin thiết thực, ngắn gọn và dễ hiểu về danh lam thắng cảnh, đền đài, công trình kiến trúc xưa và nay, đặc sản ẩm thực, văn hóa vùng miền…
Lan tỏa nét đẹp quê hương
Trong cuộc chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần đầu tháng 3-2022, họa sĩ Lê Rin trong tâm trạng rất vui cho biết rằng “có những bạn đọc từ nước ngoài như Mỹ, Canada, Cambodia đặt sách Việt Nam dọc miền du ký và sách được khen bởi chất lượng in ấn, thiết kế thẩm mỹ chăm chút cho 168 trang”. Với cách viết chắt lọc ngắn gọn song kèm tranh vẽ rất phong phú và sống động, tác giả tìm hiểu và giới thiệu cả về một số làng nghề truyền thống, đời sống con người và tập quán văn hóa đặc trưng ở nhiều địa phương.
Họa sĩ Lê Rin nói: “Cuốn sách tranh của tôi có thể khơi gợi và truyền một chút năng lượng đến những ai yêu thích du lịch và khám phá văn hóa ba miền Việt Nam. Nếu bạn đã yêu rồi thì sau những chuyến đi, bạn sẽ càng yêu quê hương hơn nữa. Tôi cũng hy vọng cuốn sách góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam với khách du lịch quốc tế”. |
Độc giả như được bước vào một chuyến du hành qua trang sách của anh, khám phá và đặc biệt là… “thưởng thức” món ăn ở nhiều địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu, Côn Đảo, Sóc Trăng, Ninh Bình và Huế. Khi ghé các nơi này, anh vẽ liền hay trở về nhà mới bắt tay vào “ngoáy cọ”?
- Mục đích các chuyến du lịch của tôi ngoài thỏa mãn sở thích cá nhân thì còn để phục vụ cho việc thu thập dữ liệu (hình ảnh, thông tin) cho việc viết và vẽ sách. Sau khi trở về tôi mới bắt tay vào lên ý tưởng nội dung, chọn lọc hình ảnh và vẽ. Đam mê và cũng là công việc chính hiện tại của tôi vẫn là vẽ minh họa ẩm thực, nói nôm na là vẽ đồ ăn. Tôi là người rất dễ ăn nên cho dù đi du lịch ở miền nào thì cũng đều thích ăn các món ngon ở địa phương đó. Tôi đặc biệt thích và hợp khẩu vị nhất là các món ăn ở cố đô Huế - một nơi có quá nhiều điều lý thú, hấp dẫn để khám phá.
LÊ RIN có sở thích vác ba lô đi du lịch, nhất là đi xe máy. Anh đã đi gần một nửa các tỉnh, thành Việt Nam và cho hay: “Hè 2022 này, tôi sẽ khởi hành các chuyến đi đến một vài tỉnh còn lại của miền Tây, một chuyến đi miền Trung và một chuyến đi miền Bắc”. |
Ngoài ẩm thực, xem tranh của anh tôi thấy có một mối quan tâm lớn đến nhiều di tích cổ kính truyền thống ở mọi nơi. Anh nghĩ gì về việc bảo tồn các di tích này?
- Vâng. Tôi luôn muốn đưa vào tác phẩm của mình các công trình kiến trúc - di tích cổ, các làng nghề... - tức các giá trị văn hóa truyền thống nhằm mục đích lưu giữ một phần di sản, ký ức của thế hệ người xưa để lại cho hậu thế. Biết đâu được, lỡ sau này những công trình ấy mai một, không còn trường tồn với thời gian nữa khiến lớp thế hệ trẻ chỉ còn biết sự tồn tại của những di sản tuyệt đẹp như vậy qua tranh ảnh, trang sách!
Thế nên, việc bảo tồn những giá trị ấy là một việc luôn cấp bách và phải được ưu tiên. Đồng thời, các công trình lịch sử ấy phải lan tỏa những giá trị bằng việc rộng cửa đón khách tham quan, được quảng bá mạnh mẽ đến với khách du lịch trong lẫn ngoài nước. Bởi một di tích được gìn giữ, tu bổ mà đóng cửa kín cổng cao tường thì cũng không đem lại giá trị nào cho công chúng.
Sẽ vẽ về Đồng Nai
Từ lời đáp của anh, tôi nghĩ anh có nhiều trăn trở về những “vốn quý” cho du lịch trong nước? Đi nhiều lẫn vẽ nhiều, theo anh ở thời hậu đại dịch Covid-19 và Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế trở lại này, làm sao để du lịch phục hồi và phát triển trở lại?
Ẩm thực Việt Nam qua nét vẽ của Lê Rin, Họa sĩ Lê Rin tạo dấu ấn riêng với các sách tranh về vùng miền, ẩm thực Việt Nam |
- Tôi có đề từ trong tác phẩm của mình: “Việt Nam như một người tình bé nhỏ, khiến ta phải tốn nhiều thời gian để khám phá và ngợi ca hết thảy những vẻ đẹp”. Đi nhiều, tôi thấy Việt Nam mình quá tuyệt vời cho phát triển du lịch. Nước ta có bề dày lịch sử đặc sắc, thiên nhiên phong phú với đầy đủ núi - sông - rừng - biển, các món ăn muôn màu muôn vị. Người dân địa phương thì dễ mến, hiền hòa, thân thiện và mến khách. Đó chính là những điều quý giá của chúng ta.
Vậy nên tôi hy vọng ngành du lịch được đầu tư một cách tốt nhất, chất lượng của các loại dịch vụ du lịch hiện chưa được thật sự tốt sẽ được cải thiện. Du khách quốc tế sau đại dịch sẽ đến Việt Nam nhiều hơn và đây là cơ hội cho chúng ta làm tốt hơn để ngành du lịch tái phát triển mạnh mẽ trở lại.
Bạn đọc chú ý đến dòng “Hành trình vẫn chưa dừng lại…” trong trang cuối. Vậy là Việt Nam dọc miền du ký của anh sẽ có các tập mới… với những tỉnh, thành mới - liệu có thể trong số đó là Đồng Nai chăng?
- Thú thật tôi chưa vẽ về tỉnh Đồng Nai dù là nơi chốn quen thuộc (trước đây tôi đã từng sống và sinh hoạt ở đây một thời gian). Biên Hòa là một thành phố tôi rất yêu thích vì không khí thoáng đãng, đường phố sạch đẹp, đồ ăn cũng ngon. Cảm ơn gợi mở của anh nhưng tạm thời tôi xin phép “giữ kín nội dung đến phút chót” đối với loạt sách tranh Việt Nam dọc miền du ký. Chỉ biết rằng mỗi tập tranh xuất bản đều sẽ có những địa phương được chọn cân bằng từ cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Thế nên biết đâu được loạt tranh vẽ về Đồng Nai của tôi sẽ nằm trong một tập nào đó trong tương lai!
Xin cảm ơn anh!
Trung Nghĩa (thực hiện)