Báo Đồng Nai điện tử
En

Khát vọng tiếp cận những công trình tầm cỡ

09:03, 05/03/2022

Thuộc thế hệ 9X, sau một thời gian thử thách trên thương trường, đủ kinh nghiệm, anh Nguyễn Tấn Lộc về tiếp quản một bộ phận quan trọng trong doanh nghiệp (DN) của gia đình. Dưới sự điều hành của mình, Nguyễn Tấn Lộc đã góp phần đưa Công ty CP Kết cấu thép GSB phát triển trở thành một trong những đơn vị hiếm hoi trên địa bàn Đồng Nai có thể thực hiện được những dự án, công trình xây dựng kết cấu thép lớn, trị giá hàng ngàn tỷ đồng.

Thuộc thế hệ 9X, sau một thời gian thử thách trên thương trường, đủ kinh nghiệm, anh Nguyễn Tấn Lộc về tiếp quản một bộ phận quan trọng trong doanh nghiệp (DN) của gia đình. Dưới sự điều hành của mình, Nguyễn Tấn Lộc đã góp phần đưa Công ty CP Kết cấu thép GSB phát triển trở thành một trong những đơn vị hiếm hoi trên địa bàn Đồng Nai có thể thực hiện được những dự án, công trình xây dựng kết cấu thép lớn, trị giá hàng ngàn tỷ đồng.

Anh Nguyễn Tấn Lộc
Anh Nguyễn Tấn Lộc

Theo anh Lộc, tiềm năng, cơ hội cho ngành kết cấu thép ở Việt Nam hiện rất lớn do nhu cầu bùng nổ nhưng ngoài một vài đơn vị, tập đoàn, tổng công ty lớn, truyền thống thì hầu hết các DN trong ngành quy mô còn nhỏ. Mong muốn của anh là sẽ đưa DN của mình trở thành tổng thầu lớn về xây dựng và kết cấu thép không chỉ tại Việt Nam mà còn vươn ra thế giới.

* Áp lực của thế hệ “doanh nhân F2”

* GSB là một trong những đơn vị cơ khí, chế tạo kết cấu thép tư nhân rất ít của Đồng Nai có thể đáp ứng được những công trình, dự án lớn, là người đứng đầu DN, anh có tự hào với những thành quả hiện nay của DN khi thời gian hoạt động chưa lâu?

- Thực tế, GSB là một đơn vị thành viên của Công ty TNHH Xây dựng Võ Đắc. Võ Đắc khởi sự từ năm năm 2003, thời điểm ấy ngành xây dựng phát triển khắp cả nước với nhịp độ sôi nổi và đầy hứa hẹn. Sau nhiều biến động và bước phát triển thăng trầm của thị trường, cho đến nay, Võ Đắc tự hào đã hoàn thành gần trăm dự án lớn nhỏ trong nước với nhiều đối tác uy tín và lớn mạnh. Các công trình của Võ Đắc đã và đang tiếp tục được sử dụng, phục vụ đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất của các DN.

Năm 2011, để mở rộng quy mô và hoạt động sang lĩnh vực kết cấu thép, nhà tiền chế, Công ty CP Kết cấu thép GSB ra đời, hoạt động có sự độc lập với Võ Đắc. Nhà máy sản xuất kết cấu thép của chúng tôi nằm trong khuôn viên 6 ha tại Khu công nghiệp (KCN) Thạnh Phú. Với năng lực sản xuất 16 ngàn tấn kết cấu thép/năm, tương đương khoảng 1 triệu m2 nhà xưởng, chúng tôi đủ năng lực để đảm nhận các dự án công nghiệp từ lớn đến rất lớn trên cả nước. Lẽ dĩ nhiên, là người đứng đầu, thành quả này đặc biệt quan trọng, nhất là một người còn rất trẻ khi điều hành DN như tôi.

* Là thế hệ nối nghiệp gia đình mà xã hội vẫn gọi vui là “thế hệ F2”, theo anh, đâu là áp lực của bản thân và cả những người trẻ, doanh nhân trẻ hiện nay?

- Áp lực thì nhiều chứ. Không chỉ chúng tôi mà bất cứ một DN nào cũng gặp phải rất nhiều áp lực, từ hoạt động sản xuất kinh doanh cho đến việc làm, mối quan hệ với người lao động…

Những người tiếp nối sự nghiệp gia đình như chúng tôi còn áp lực lớn hơn bởi bạn thừa hưởng thành quả mà cha mẹ để lại, nhiệm vụ của mình là làm sao giữ vững, phát huy để đưa DN bước lên một tầm cao hơn. Không những thế, khi đã hội nhập với thế giới sâu rộng, cuộc chơi là sòng phẳng, anh chỉ tồn tại được khi anh có năng lực và dám đổi mới. Ngay cả những thương hiệu lớn nếu đi sai đường, không phù hợp thị hiếu, nhu cầu của khách hàng thì cũng đổ gãy. Hàng loạt tên tuổi đến và đi, thành công rồi thất bại trên thương trường đã cho thấy điều đó.

* Nhưng những người trẻ, ngoài áp lực thì vẫn có ưu điểm mà thế hệ trước do điều kiện nên chưa tiếp cận được?

- Là người trẻ, thế hệ chúng tôi có thể dễ dàng nắm bắt những thành tựu của khoa học kỹ thuật hơn vì xuất phát điểm được đào tạo và làm quen từ trước. Hơn thế nữa, trên thương trường, khi còn “non nớt”, được người đi trước chỉ bảo nên nắm bắt nhanh vấn đề. Doanh nhân trẻ thì việc xông xáo, tìm tòi, phát hiện và tiếp cận cái mới, xu hướng mới, thậm chí sáng tạo ra xu hướng là điều rất đáng quý. Xã hội, cuộc sống ngày càng nối tiếp nên tương lai sẽ là của người trẻ. Điều quan trọng là các bạn, nhất là người làm DN như chúng tôi không được phép thỏa mãn với thành quả hiện nay của mình. Thành quả hôm nay không đảm bảo để DN tiếp tục được sự phát triển trong tương lai nếu không ngừng nỗ lực, cố gắng. Bản thân tôi trước khi tiếp quản công việc kinh doanh này thì cũng đã có thời gian học hỏi ngoài thương trường, điều đó giúp mình có thêm kinh nghiệm khi tự đứng lên làm chủ, điều hành sản xuất.

Sản xuất kết cấu thép lớn tại Công ty CP Kết cấu thép GSB. Ảnh: Đào Lê
Sản xuất kết cấu thép lớn tại Công ty CP Kết cấu thép GSB. Ảnh: Đào Lê

* Tận dụng thời cơ

* Thời điểm bùng phát dịch bệnh trên phạm vi cả nước và Đồng Nai, dù gặp khó khăn nhưng công ty đã nỗ lực sản xuất “3 tại chỗ”, làm sao DN giữ vững được an toàn trong khi dịch bủa vây?

- Lúc ấy, xã Thạnh Phú là một trong những khu vực “nóng” nhất của Vĩnh Cửu nói riêng và Đồng Nai nói chung về mức độ lây nhiễm bệnh. Nhiều người lao động tại đây sau khi được nới lỏng đã chọn giải pháp về lại quê hương của mình, càng gây khó khăn cho các DN trong KCN Thạnh Phú.

Đối với GSB, chúng tôi hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” được gần 3 tháng. Người lao động của GSB vẫn tích cực làm việc và tuân thủ nghiêm ngặt quy định an toàn phòng dịch và tiêm vaccine theo đúng tiến độ. Khi được tỉnh cho phép khôi phục sản xuất, nhà máy đã nhập về lượng lớn que test để lấy mẫu định kỳ cho công nhân. Các lái xe chuyên chở hàng hóa ra vào nhà máy cũng phải bắt buộc được test sàng lọc trước khi vào nhận hàng.

Bên cạnh giữ an toàn cho mình, GSB đã hỗ trợ nhiều vật tư y tế cho UBND xã Thạnh Phú và Trung tâm Y tế huyện cũng như các địa phương ở Biên Hòa và tỉnh Bình Thuận. GSB xác định chủ động tiếp sức để giúp đỡ cộng đồng và chính DN tránh được những tổn thất không đáng có.

* Theo đánh giá của anh, thị trường nhà thép tiền chế hiện nay ở Việt Nam như thế nào?

- Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, nhà máy, KCN mọc lên khắp nơi, từ Nam ra Bắc nên lẽ dĩ nhiên nhu cầu của xã hội là ngày càng lớn. Đó là cơ hội để các DN đầu tư, phát triển trong lĩnh vực này. Chỉ tính riêng Đồng Nai, đã có hơn 40 KCN hoạt động và đang chuẩn bị có thêm nhiều KCN mới. Cùng với đó là hàng chục ngàn DN sản xuất, nhiều DN đang mở rộng quy mô nhà xưởng nên đây là thị trường rất tiềm năng cho các đơn vị cung ứng, lắp đặt.

Tuy nhiên, có một thực tế là số lượng DN Việt đủ đáp ứng nhu cầu chế tạo, thi công những công trình lớn là còn rất hạn chế. Phần nhiều vẫn còn phụ thuộc vào các công ty xây dựng ngoại, nhất là các dự án nhà máy của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các hiệp hội DN nước ngoài họ thường có các nhà máy liên kết với nhau để cung ứng dịch vụ cho thành viên của mình, vì vậy đối với đa số các DN nhỏ, việc tiếp cận rất khó khăn. Đó là chưa nói các DN trong nước còn cạnh tranh với nhau.

* Vậy thì GSB đã khắc phục và nắm bắt được cơ hội này như thế nào?

- Thị phần hoạt động kinh doanh chủ yếu của DN là chế tạo và xây lắp nhà thép tiền chế. Phạm vi kinh doanh của DN trải rộng khắp các tỉnh, thành phát triển nhiều KCN, ngoài ra là các dự án khác về chăn nuôi và công trình lớn. Chúng tôi rất tập trung phát triển lĩnh vực này và cùng với công ty mẹ phấn đấu xây dựng thành một tổng thầu xây lắp lớn không chỉ của Đồng Nai, Việt Nam mà còn vươn ra thế giới.

Chúng tôi  vừa xuất 1 lô hàng sang Nhật Bản vào cuối năm 2021. Muốn sản phẩm xuất khẩu được ra thị trường khó tính thì phải đảm bảo rất cao về yêu cầu kỹ thuật. DN đang sắp xếp lại các quy trình sản xuất theo quy chuẩn mới trên diện tích 6ha trong KCN Thạnh Phú cũng như ứng dụng các giải pháp hiện đại để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn về thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

* Xin cảm ơn anh!

Một số dự án mà GSB đã và đang thực hiện:

Công ty Nhôm Toàn Cầu tại Bà Rịa - Vũng Tàu trị giá 4 ngàn tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2011-2021; Công ty TP Land tại Bình Dương, 50 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2021; Công ty TNHH KN Cam Ranh tại Khánh Hòa 350 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2019-2021; Công ty TNHH Kho vận PTL tại Bà Rịa - Vũng Tàu, 560 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2014-2016; Công ty CP Lothamilk tại Long Thành, Đồng Nai, 85 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2017-2019; Công ty TNHH United Jumbo tại Đồng Nai, trị giá 55 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2021…

Đào Lê (thực hiện)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích