Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyên gia âm ngữ trị liệu

10:02, 25/02/2022

Có thể nói, ThS Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức (Trung tâm Hoàng Đức, TP.Biên Hòa) là chuyên gia âm ngữ trị liệu đầu tiên của Đồng Nai.

Có thể nói, ThS Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức (Trung tâm Hoàng Đức, TP.Biên Hòa) là chuyên gia âm ngữ trị liệu đầu tiên của Đồng Nai.

ThS Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức trong can thiệp âm ngữ trị liệu cho trẻ học tại trung tâm. Ảnh: Hải Yến
ThS Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức trong can thiệp âm ngữ trị liệu cho trẻ học tại trung tâm. Ảnh: Hải Yến

Năm 2017, chị Mai đã phải cạnh tranh với rất nhiều “đối thủ” trên cả nước để giành được 1 vé tham gia khóa học Âm ngữ trị liệu nhi, tổ chức tại Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM). Đây là khóa học duy nhất về Âm ngữ trị liệu nhi do các chuyên gia đến từ Australia trực tiếp giảng dạy. Khóa học chỉ ưu tiên cho 30 học viên tham gia, chủ yếu là bác sĩ của các bệnh viện được tuyển chọn trên cả nước.

* Dạy ăn, dạy nói

Không đợi học xong mới áp dụng vào công việc, trong quá trình học, chị Mai đã xin phép phụ huynh để mình được áp dụng các phương pháp của âm ngữ trị liệu trong quá trình can thiệp cho trẻ tại Trung tâm Hoàng Đức. Chị Mai chia sẻ: “Khi áp dụng những phương pháp này, tôi nhận thấy trẻ tiến bộ hằng tuần chứ không phải hằng tháng nữa. Điều này khiến chúng tôi và phụ huynh đều rất mừng. Từ hiệu quả này, những năm qua, Trung tâm Hoàng Đức đã liên tục cử chuyên viên tham gia học về âm ngữ trị liệu. Đến nay, trung tâm đã có 6 chuyên viên âm ngữ trị liệu”.

ThS Nguyễn Thị Mai cho biết: “Phải kiên trì, nhẫn nại, khuyến khích và kích thích để bé tập nói. Để bé nói được một lần thì có khi cô phải nói đi nói lại đến mấy chục lần. Cô phải nói chậm, rõ và nhấn mạnh thì trẻ mới có thể cảm nhận và bắt chước làm theo được. Vì vậy, có khi dạy xong một buổi thì cô cũng “lạc giọng”, đau họng, về nhà không muốn nói chuyện, giao tiếp với ai nữa”.

Theo chị Mai, các phương pháp can thiệp âm ngữ trị liệu khá đa dạng, tùy vào dạng khuyết tật hay khó khăn của trẻ. Nhưng tựu trung lại, có thể nói, công việc của chuyên gia âm ngữ trị liệu chính là dạy ăn, dạy nói cho trẻ.

Có những bé, cô phải bắt đầu dạy từ cách kiểm soát luồng hơi (cho bé tập thổi nến, thổi còi…) rồi dạy bé phát âm nguyên âm đơn (ví dụ: o, a, i, e…), sau đó mới đến phát âm nguyên âm đôi (như: ai, ây, ao, au…), phát âm phụ âm, rồi mới học nói những từ đơn, dần dần tập nói cụm từ rồi mới tập nói một câu dài. Lại có trường hợp trẻ không chịu ăn cơm và không biết ăn cơm. Cô phải tập ăn cho bé ăn dần bằng cách “đính” vài ba hạt cơm vào miếng snack để bé ăn. Theo thời gian, số lượng hạt cơm kèm theo snack tăng dần, cho đến khi muỗng cơm chỉ còn toàn hạt cơm mà không có miếng snack nào…

Chị Mai bộc bạch: “Cô giáo phải cực kỳ kiên trì, nhẫn nại. Nếu không có sự kiên nhẫn và hơn hết là tình yêu thương dành cho trẻ thì giáo viên khó có thể làm công việc này được”.

Chị Đặng Thị Minh Nguyệt (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) tâm sự: “Con trai tôi khi đã lên 5 tuổi rồi nhưng hầu như không có ngôn ngữ. Bé chỉ nói được những từ không có nghĩa. Sau quá trình can thiệp (3 buổi/tuần) tại Trung tâm Hoàng Đức và được cô Mai dạy, con đã có thể giao tiếp được. Đến nay, sau 3 năm, con đã có vốn từ đa dạng. Tôi đã cho con đi học lớp 1 ở trường tiểu học. Con có thể giao tiếp, tương tác được với các bạn. Tuy có phần chậm hơn các bạn nhưng con có thể tiếp thu và học được theo yêu cầu của chương trình”.

* Đề cao vai trò của phụ huynh

Trong hoạt động giáo dục đặc biệt, để đánh giá trẻ nhằm tìm ra phương pháp can thiệp phù hợp thì cần sự tham gia đa ngành, gồm: tâm lý, giáo dục đặc biệt, giáo dục mầm non, âm ngữ trị liệu… Theo đó, khi tiếp nhận trẻ, chuyên gia tâm lý sẽ khám để đánh giá xem trẻ thuộc nhóm rối loạn nào (âm lời nói, chậm phát triển, phổ tự kỷ). Trên cơ sở đó, nhóm chuyên gia có đánh giá cụ thể về bé, sau đó sẽ xây dựng chương trình can thiệp cho bé trong vòng 6 tháng. Khi có chương trình can thiệp, phân tích được mặt mạnh, mặt hạn chế của trẻ, chuyên gia sẽ trao đổi với phụ huynh để tư vấn cho phụ huynh về tiến trình can thiệp.

Dù đã phát triển trên thế giới nhưng tại Việt Nam, âm ngữ trị liệu nhi vẫn còn là một chuyên ngành mới. Âm ngữ trị liệu hỗ trợ điều trị, can thiệp cho trẻ thuộc các đối tượng như: trẻ tự kỷ, rối loạn về âm, lời nói (nói ngọng, nói lắp…); khiếm thính; chậm phát triển; chậm nói; rối loạn về ăn uống; trẻ bị sứt môi chẻ vòm…

Trong hoạt động giáo dục đặc biệt, vai trò của phụ huynh là vô cùng quan trọng. Phụ huynh cũng phải trở thành người huấn luyện, hướng dẫn trẻ ở mọi lúc, mọi nơi. Bởi những gì trẻ được học, được làm quen ở trường cũng cần được thực hành ở nhà, ở môi trường sống xung quanh. Có như vậy mới giúp trẻ duy trì thói quen, giao tiếp được với mọi người để có thể hòa nhập xã hội tốt hơn.

Hiện nay, âm ngữ trị liệu đóng vai trò then chốt trong việc điều trị rối loạn giao tiếp và rối loạn nuốt ở cả trẻ em lẫn người lớn. Theo ThS Nguyễn Thị Mai, phụ huynh cần quan tâm, theo dõi quá trình phát triển của con để sớm thăm khám, can thiệp nếu như trẻ có dấu hiệu bất thường. Nhiều phụ huynh thấy con chậm nói nhưng lại cho là bình thường nên đã bỏ qua “giai đoạn vàng” cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Theo đó, khi 1 tuổi, trẻ đã có thể bập bẹ được 10 từ sớm và có khả năng hiểu được hơn 20 từ, khi 18 tháng tuổi, trẻ đã có thể nói được từ 20-25 từ và hiểu được khoảng 50 từ. Nếu trẻ đã 1 tuổi mà chưa phát ra được âm nào thì phụ huynh nên đưa trẻ đi kiểm tra để được can thiệp sớm.

Chị Mai cũng đưa ra khuyến cáo đối với phụ huynh là nên hạn chế cho trẻ xem tivi, điện thoại. “Có trường hợp đến đây, bé chỉ lặp đi lặp lại một cụm từ mà con nghe hằng ngày trên tivi hoặc nói với giọng điệu, nhấn nhá không khác gì chương trình mà bé hay xem. Ngoài ra, con không thể nói được câu gì khác. Tương tác với tivi, điện thoại là tương tác một chiều, sẽ làm giảm thời gian tương tác xã hội của bé. Điều này không tốt cho quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ” - chị Mai chia sẻ thêm.

Hải Yến

Tin xem nhiều