Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng thương hiệu trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng

07:01, 15/01/2022

Trường đại học Đồng Nai đang xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2030, xác định mô hình đảm bảo chất lượng theo chuẩn quốc tế, mở thêm mã ngành đào tạo mới để đáp ứng thị trường lao động… Nhà trường đang có những bước đi quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai
TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai

Trường đại học Đồng Nai đang xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2030, xác định mô hình đảm bảo chất lượng theo chuẩn quốc tế, mở thêm mã ngành đào tạo mới để đáp ứng thị trường lao động… Nhà trường đang có những bước đi quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Phóng viên Báo Đồng Nai cuối tuần có cuộc trao đổi với TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai xoay quanh vấn đề này.

Nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế

 Trong đổi mới giáo dục, chất lượng đội ngũ giáo viên là yếu tố rất quan trọng. Điều này đòi hỏi công tác đào tạo sư phạm cần có nhiều thay đổi cho phù hợp. Trường đại học Đồng Nai sẽ làm những gì để đáp ứng được yêu cầu đổi mới này, thưa ông?

- Thời kỳ nào thì chất lượng đội ngũ nhà giáo đều rất quan trọng vì họ là người trực tiếp tác động đến người học, giúp người học tìm ra kiến thức, rèn luyện kỹ năng, thái độ làm việc chuyên nghiệp.

Trong đổi mới giáo dục, Đảng đã ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW (năm 2013) và chỉ rõ: Việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác.

Trường đại học Đồng Nai có hơn 45 năm đào tạo sư phạm, đã cung cấp trên 50 ngàn giáo viên, gần 1 ngàn cán bộ quản lý cho các trường từ mầm non đến THPT, hơn 2 ngàn cử nhân kinh tế, kỹ thuật cho các doanh nghiệp.

Như vậy, chất lượng đội ngũ nhà giáo có thể được xem là tổng hợp các yếu tố năng lực, đạo đức và hiệu quả. Đó là định hướng quan trọng để Trường đại học Đồng Nai nâng cao chất lượng giảng viên, nâng chất lượng đào tạo sinh viên, kể cả sinh viên ngoài ngành sư phạm.

Để làm được việc này phải có thống nhất từ nhận thức đến hành động và xây dựng được mục tiêu cho từng thời kỳ phát triển. Trước hết là từ năm 2022-2025, sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành, có khả năng phát triển chuyên môn ở nơi làm việc.

Muốn vậy, trường phải duy trì các công việc như: xác định mô hình đảm bảo chất lượng theo AUN-QA (chuẩn kiểm định chất lượng của Mạng lưới các trường đại học khu vực Đông Nam Á) để phấn đấu xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2030; nâng cao năng lực phát triển chương trình đào tạo cho giảng viên theo hướng thiết thực, gắn với nơi sử dụng lao động; tăng số lượng và chất lượng nghiên cứu khoa học của giảng viên gắn với kết quả học tập của sinh viên, hướng đến các vấn đề của tỉnh đang yêu cầu giải quyết; nâng cao khả năng ngoại ngữ giao tiếp để có thể thúc đẩy hợp tác quốc tế, từ đó tự nâng cao chất lượng làm việc của mỗi giảng viên và của toàn trường.

 Ngoài thế mạnh về đào tạo sư phạm, trong tương lai, Trường đại học Đồng Nai sẽ phát triển thêm ngành nghề nào mới để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động? Ông có thể chia sẻ về những kế hoạch trước mắt của nhà trường cho mục tiêu phát triển này?

- Đồng Nai có thế mạnh là tỉnh công nghiệp có nhiều khu công nghiệp tập trung, có dự án sân bay quốc tế, bến cảng, thúc đẩy thương mại - dịch vụ phát triển. Do đó, rất cần có định hướng đào tạo, mở ngành đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Trước mắt, nhà trường sẽ cụ thể hóa mục tiêu mà tỉnh đặt ra cho Trường đại học Đồng Nai, đó là: “Xây dựng trường thành cơ sở đào tạo, khoa học công nghệ, có thế mạnh trong lĩnh vực sư phạm, quản lý giáo dục, đào tạo ngoại ngữ và các chuyên ngành kỹ thuật, logistics, thương mại điện tử, kinh tế và du lịch phục vụ cho cảng hàng không quốc tế Long Thành, các khu công nghiệp gắn với yêu cầu khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

Tập thể viên chức, giảng viên Trường đại học Đồng Nai đang triển khai các hoạt động như: rà soát các văn bản hiện hành của Nhà nước để ban hành quy định nội bộ; xác định chiến lược phát triển theo mô hình AUN-QA, trong đó có nhiều thành tố và xuyên suốt vẫn là chương trình đào tạo; cấu trúc lại mô hình tổ chức, vị trí việc làm; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ để tăng tính chủ động trong phối hợp cho từng đơn vị, cá nhân là yêu cầu cấp thiết trong thời điểm hiện nay. Trong các hoạt động đó, rất cần sự chung tay góp sức của nhiều người, sự giúp sức của công nghệ thông tin, công nghệ số.

Mỗi sinh viên phải có khát khao học tập suốt đời

 Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ của giảng viên, sinh viên nhà trường còn khá trầm lắng. Nhà trường có kế hoạch gì để thúc đẩy mảng hoạt động này?

- Nhà trường đã ban hành nhiều quy định về NCKH nhằm động viên viên chức, giảng viên, sinh viên tham gia NCKH nhưng kết quả vẫn còn khiêm tốn. Trong 5 năm (2016-2021), nhà trường đã tổ chức 6 hội thảo khoa học cấp trường và 61 đề tài khoa học cấp trường, bình quân mỗi năm có 1 hội thảo và 13 đề tài NCKH (chiếm tỷ lệ 0,35% trên tổng số 363 viên chức, giảng viên toàn trường).

TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai (bên phải) tham gia ký kết đồng hành trong   chương trình Ra mắt cộng đồng kết nối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại Đồng Nai (OBC)
TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai (bên phải) tham gia ký kết đồng hành trong chương trình Ra mắt cộng đồng kết nối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại Đồng Nai (OBC)

Trong báo cáo của Đại hội Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật Đồng Nai (tháng 12-2021), trong nhiệm kỳ 2015-2020 chưa có sự đóng góp của Trường đại học Đồng Nai cho hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ của giảng viên và sinh viên. Đây cũng là một điều trăn trở mà nhà trường phải lưu tâm trong thời gian tới.

Để thúc đẩy các hoạt động NCKH, chúng tôi sẽ tập trung vào 3 nội dung. Trước hết, sẽ tập trung nhiều người, nhiều thời gian vào NCKH ứng dụng cho viên chức, giảng viên và sinh viên sử dụng để nâng cao chất lượng dạy - học; ví dụ tổ chức các hội thảo khoa học về phát triển chương trình đào tạo theo hướng thiết thực, đánh giá khách quan, chuyển đổi số thích ứng với công nghiệp 4.0. Thứ hai là, phát huy năng lực của đội ngũ, lập ra các nhóm nghiên cứu mạnh để đăng ký với Sở KH-CN tham gia các đề tài phục vụ cho tỉnh và các doanh nghiệp. Thứ ba là, khuyến khích viên chức, giảng viên tham gia viết các bài báo khoa học quốc tế để từng bước khẳng định thương hiệu Trường đại học Đồng Nai trong hợp tác quốc tế.

 Một vấn đề đang được tỉnh rất quan tâm là hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trường đại học Đồng Nai sẽ có những hoạt động gì để sinh viên được học tập, trải nghiệm từ phong trào này, thưa ông?

- Đây là chương trình lớn của tỉnh và của quốc gia, tất cả đã có định hướng rõ ràng. Trường đại học Đồng Nai đã ban hành kế hoạch thực hiện, trong đó xây dựng chương trình đào tạo cho sinh viên về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất (theo các công cụ 5S, PDCA . . . của doanh nghiệp).

Sở KH-CN đã và đang hỗ trợ mở vườn ươm, sân chơi khởi nghiệp sáng tạo tại Trường đại học Đồng Nai cho viên chức, giảng viên và sinh viên trên địa bàn tỉnh. Tất cả ý tưởng sáng tạo của sinh viên sẽ được ghi nhận, chuyển tải thành đề tài NCKH theo dạng khóa luận để giảng viên hỗ trợ giải quyết bài toán thực tế gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên.

 Chúng ta có thể hình dung như thế nào về hình ảnh những sinh viên tốt nghiệp từ Trường đại học Đồng Nai, thưa ông?

- Sinh viên Trường đại học Đồng Nai có năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả làm việc. Mỗi sinh viên phải có những năng lực cụ thể sau: (1) Tự khám phá tri thức của nhân loại; (2) Thiết lập mối quan hệ giữa tri thức cũ và mới; (3) Ghi nhớ sâu sắc, ứng dụng những tri thức đã học để giải quyết vấn đề thực tế; (4) Trình bày cho người khác một cách mạch lạc những tri thức đã học và kỹ năng đã làm (với sinh viên sư phạm phải có khả năng giảng dạy cho người khác); (5) Tạo ra tri thức mới; (6) Khát khao học tập suốt đời. . .

Bên cạnh đó, các bạn cần có những kỹ năng nâng cao năng suất chất lượng, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tham gia hoạt động công đồng, sử dụng ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số… đáp ứng đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chủ động hội nhập khu vực ASEAN và quốc tế.

Các bạn sinh viên sẽ là những người năng động, có hoài bão, có cống hiến và đi đầu trong học tập, NCKH, hỗ trợ người khó khăn, tích cực tham gia các hoạt động phong trào.

 Xin cảm ơn ông!

Hải Yến (thực hiện)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích