Trong 12 con giáp, hổ được xuất hiện ở vị trí thứ 3, sau chuột và trâu. Hổ là con vật có thật, tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng, là vị thần bảo vệ trấn giữ các phương chống lại mọi tà ma. Trên các đình, chùa, miếu, mạo ở Biên Hòa - Đồng Nai, hình tượng con hổ được trang trí nhiều trên các bức bình phong, hai bên cổng. Người dân nơi đây vẫn thường gọi loại vật này là "ông hổ"; "ông cọp"; "ông ba mươi"… thể hiện sự kính trọng.
Trong 12 con giáp, hổ được xuất hiện ở vị trí thứ 3, sau chuột và trâu. Hổ là con vật có thật, tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng, là vị thần bảo vệ trấn giữ các phương chống lại mọi tà ma. Trên các đình, chùa, miếu, mạo ở Biên Hòa - Đồng Nai, hình tượng con hổ được trang trí nhiều trên các bức bình phong, hai bên cổng. Người dân nơi đây vẫn thường gọi loại vật này là “ông hổ”; “ông cọp”; “ông ba mươi”… thể hiện sự kính trọng.
Bình phong đắp nổi hổ vàng tại di tích đình Hưng Phú (KP.Nhất Hòa, P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa). Ảnh: My Ny |
* Tín ngưỡng thờ “ông cọp”
Đến đình Bình Trước (KP.5, P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) ngoài câu chuyện về quá trình hình thành, trùng tu, tôn tạo đình, những nét kiến trúc độc đáo của đình thì người dân và du khách được nghe nhiều “huyền thoại” về “ông cọp”. Theo lời kể của Trưởng ban Quý tế đình Bình Trước Trịnh Văn On, từ rất xưa vùng đất này còn rất hoang sơ, dân cư thưa thớt, cây cỏ mọc rậm rạp. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp trồng lúa nước. Thời đó, cọp thường xuyên xuất hiện, phá hoa màu, săn bắt gia súc, con người… để ăn thịt.
“Với tâm thức kính sợ và cầu mong được bảo hộ, bảo vệ, người dân địa phương đã đưa “ông cọp” vào thờ trong đình Bình Trước một cách tôn kính. Hiện nay, không ai nhớ đình đã thờ “ông cọp” từ bao giờ, chỉ nhớ rằng khi người dân đến sinh cơ lập nghiệp ngày một đông thì cọp lần lượt lặng lẽ trở về rừng. Hằng năm, tại đình khi diễn ra lễ cúng kỳ yên, trên bàn thờ “ông cọp” thường được người dân dâng hương, hoa và một số lễ vật, mong được phù hộ độ trì, chở che cuộc sống bình yên” - ông On chia sẻ.
Khởi dựng, đình Hưng Phú là một ngôi miếu nhỏ thuộc xã Hưng Phú, Tổng Phước Vinh Thượng, H.Phước Chánh, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa (nay là p.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa). Trải qua thời gian tồn tại, miếu được thay đổi quy mô và biến đổi công năng thành đình, tồn tại cho đến ngày nay. Đình Hưng Phú hiện nay ngoài thờ thần Thành hoàng còn phối thờ Tả ban, Hữu ban, Tiền hiền, Hậu hiền - những người đầu tiên thành lập làng, xã, lập đình. Trong khuôn viên đình còn có miếu thờ Ngũ hành nương nương, thờ chiến sĩ trận vong và thờ Địa tạng.
Ông Trương Minh Hoàng, thành viên Ban Quý tế đình Hưng Phú cho hay, khi bước vào cổng đình, điều đầu tiên mọi người nhìn thấy là bức bình phong nằm án ngữ phía trước sân đình. Bình phong của đình dài 3,2m, cao 2,2m, mặt trước đắp nổi hình cọp vàng (hoàng hổ) đang trong tư thế oai phong, bước lên tảng đá quay đầu lại, sau lưng là cây cổ thụ, phía xa xa là những ngọn núi. Đây là biểu tượng của âm dương hòa hợp và là lá bùa trấn yểm tà ma không cho vào đình quấy phá. Trước bình phong, đặt lư hương để những dịp lễ, Tết, người dân và du khách đến đình có thể dâng hương.
“So với trước đây, linh vật hổ trên bức bình phong của đình Hưng Phú hiện đã được trùng tu có phần đẹp hơn. Người dân Hiệp Hòa nói riêng, Đồng Nai nói chung xem việc đưa linh vật này vào tấm bình phong của đình, miếu là tín ngưỡng tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ, sức mạnh bảo vệ dân làng. Bởi tương truyền, từ thời xa xưa vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai lắm thú dữ, đặc biệt nhiều cọp. Trong dân gian thường truyền tai nhau rằng: “Đồng Nai xứ sở lạ lùng. Dưới sông sấu lội trên giồng cọp um” - ông Hoàng nói.
* Gìn giữ và duy trì trong nhiều di tích
Sống trên vùng đất cù lao hơn 60 năm, bà Nguyễn Thị Bích (KP.Nhị Hòa, P.Hiệp Hòa) vẫn còn nhớ nhiều câu chuyện người xưa kể lại liên quan đến loài hổ trong quá trình khai khẩn. Có thể kể đến như: chuyện đánh cọp cứu dân ở vùng Phú Hội (H.Nhơn Trạch), chùa Hóc Ông Che hay còn gọi là Hiển Lâm sơn tự (P.Hóa An), chuyện cọp giúp người với sự tích miếu Bà Mụ ở Bến Gỗ (P.An Hòa), chuyện cọp dữ được cảm hóa trở nên hiền lành ở P.Bửu Long… Những chuyện kể về cọp rất đa dạng và mang nhiều sắc thái khác nhau, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân gian Đồng Nai.
Trưởng ban Quý tế đình Bình Trước (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) Trịnh Văn On giới thiệu về linh vật hổ đắp nổi trước bình phong của đình. Ảnh: My Ny |
“Hiện nay, trong các đình, miếu ở KP.Nhị Hòa đều trang trí và thờ một số linh vật, trong đó có linh vật hổ. Việc trang trí, thờ tự linh hổ được duy trì và gìn giữ qua nhiều thế hệ như là tín ngưỡng văn hóa, tượng trưng cho sức mạnh siêu nhiên, giúp đỡ và bảo vệ dân làng được khỏe mạnh, bình yên” - bà Bích bộc bạch.
Có dịp tham quan các di tích, đình miếu trên địa bàn tỉnh, nếu để ý kỹ hầu hết trước mỗi bình phong đều đưa hình tượng linh vật hổ vào “trấn giữ” trước cửa. Trong đó một số đình ở TP.Biên Hòa: Lân Thị (P.Thống Nhất), Thành Hưng (P.Hiệp Hòa), Phước Lư (P.Quyết Thắng); đình Hưng Lộc (H.Thống Nhất); đình Phước Thiền (H.Nhơn Trạch)… linh vật hổ được đắp nổi. Và ngay cả tại di tích Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) trước bức bình phong của đền vừa có long vừa có hổ, được thể hiện rất sinh động với bố cục trang trí, mang tính linh thiêng trong tính ngưỡng văn hóa dân gian.
Nói về linh vật hổ trong các di tích, đình chùa, TS Nguyễn Văn Quyết, giảng viên Trường đại học Đồng Nai cho biết: “Hình ảnh linh vật hổ trong di tích ngoài mục đích để thờ với mong muốn trấn giữ, che chắn và dẹp cái ác, cái xấu để người dân có thể an cư lạc nghiệp, cùng nhau đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc thì linh vật này còn được sử dụng để trang trí. Tùy vào mỗi di tích mà linh vật này được vẽ, chạm khắc, đắp nổi với đủ kiểu dáng, đứng có, ngồi có… Tất cả đều thể hiện quan niệm của dân gian”.
My Ny